* Kim Âu * Chính Nghĩa * Chính Nghĩa * Tinh Hoa
* Bài Của Kim Âu * Chính Nghĩa Media * Lưu Trữ
* Vietnamese Commandos * Biệt kích * StateNation
* Video/TV * Dictionaries * Tác Giả * Tác Phẩm
* Khảo Cứu * Dịch Thuật * Tự Điển * Tham Khảo
* Thời Thế * Văn Học * Báo Chí * Mục Lục * Pháp Lý
* FOXSport *Archives *ESPNSport * Lottery
* Constitution * Làm Sao * Tìm IP * Computer
ĐẶC BIỆT
The Invisible Government Dan Moot
The Invisible Government David Wise
MINH THỊ
LỊCH SỬ ĐÃ CHỨNG MINH, KHÔNG MỘT ĐÁM NGOẠI NHÂN NÀO YÊU THƯƠNG ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA NẾU CHÍNH CHÚNG TA KHÔNG BIẾT YÊU THƯƠNG LẤY ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC CỦA MÌNH.
DÂN TỘC VIỆT NAM PHẢI TỰ QUYẾT ĐỊNH LẤY VẬN MỆNH CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ VAN NÀI, CẦU XIN ĐƯỢC TRỞ THÀNH QUÂN CỜ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CỦA NGOẠI BANG VÀ NHỮNG THẾ LỰC QUỐC TẾ.
Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu
HẢI QUÂN V.N.C.H. RA
KHƠI, 1975
CUỘC ĐÀM
ĐIỆP MỸ LINH
Biên khảo
Trích tài
liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975
Vào cuối tháng 2 năm 1975, một phái đoàn lưỡng đảng, gồm nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa-Kỳ đến Saigon với mục đích tìm hiểu thực trạng và thành quả của vấn đề Việt-Nam-Hóa chiến tranh, để duyệt xét thỉnh cầu của Tổng-Thống Ford về việc xin chuẩn chi ngân khoảng 300 triệu Mỹ-Kim viện trợ bổ túc cho Việt-Nam Cộng-Hòa. (V.N.C.H.)
Trong phái đoàn lưỡng đảng Hoa-Kỳ có nhiều nghị sĩ và dân biểu phản chiến. Nhưng đáng kể nhất là dân biểu phản chiến Bella Abzug, thuộc Dân-Chủ, New York.
Phái đoàn viếng thăm Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân và Hải-Quân Công-Xưởng để tìm hiểu về những nỗ lực tự túc tự cường qua chương trình đóng tàu Ferro Ciment của Hải-Quân Việt-Nam.
Tư-Lệnh Hải-Quân chỉ định Hải-Quân Đại-Tá Đỗ Kiểm – Tham-Mưu-Phó hành quân Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân – hướng dẫn phái đoàn.
Xuất thân khóa 3 Brest, Đại-Tá Đỗ Kiểm là một trong những sĩ quan Hải-Quân rất uyển chuyển trên mọi vấn đề và có kiến thức sâu rộng về cả quân sự lẫn văn hóa và chính trị. Đại-Tá Đỗ Kiểm được đặt vào một vị thế thiết yếu cho sự ngoại giao vốn đã khó khăn giữa phái đoàn Hoa-Kỳ và Hải-Quân V.N.C.H.
Dù đã được chỉ thị của cấp trên là phải hết sức mềm mỏng, khéo léo khi tiếp xúc với phái đoàn Hoa-Kỳ, các sĩ quan cao cấp Hải-Quân V.N.C.H. được chỉ định tiếp đón phái đoàn vào bữa hôm đó cũng không thể không khỏi bất mãn khi thấy thái độ thờ ơ, thiếu lễ độ, kém thân thiện của phái đoàn. Nữ dân biểu Bella Abzug tỏ cử chỉ xem thường thuyết trình viên và cử tọa bằng cách hích mặt nhìn ngắm trần nhà trong khi miệng nhai kẹo cao-su chóp chép!
Trong khi phái đoàn lưỡng đảng đang lơ là nghe Đại-Tá Đoàn Ngọc Bích – Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Quân Công-Xưởng – thuyết trình thì Dân Biểu Murtha kéo Đại-Tá Đỗ Kiểm ra ngoài, hỏi nhỏ:
- Nếu phải chuyển binh sĩ từ Đà-Nẵng về đây, Hạm-Đội Hải-Quân Việt-Nam có thể chở tối đa bao nhiêu Sư Đoàn?
Với phản ứng của một sĩ quan hành quân, Đại-Tá Đỗ Kiểm nghĩ đến sự chuyển vận hành quân, cho nên Ông đáp:
- Một Sư Đoàn là tối đa, vì Hạm-Đội chuyển vận của Hải-Quân Việt-Nam không được trang bị để chuyên chở cơ giới và vũ khí nặng.
Dân Biểu Murtha gạt ngang:
- Không! Tôi không muốn nói đến hành quân. Nếu phải rút binh khẩn cấp, bằng tất cả chiến hạm của Hạm-Đội Hải-Quân Việt-Nam, Đại-Tá nghĩ có thể chở tối đa bao nhiêu binh sĩ – chỉ người thôi?
Vẫn chưa hiểu dụng ý của Dân Biểu Murtha, Đại-Tá Đỗ Kiểm hỏi gằn:
- Kể cả những chiến hạm tuần dương?
- Vâng! Kể cả những chiến hạm tuần dương. Và, nếu cần, bỏ lại cơ giới.
Ít ai nghĩ rằng cuộc đàm thoại ngắn ngủi đó ngầm báo trước những tai biến sắp phủ chụp xuống Quân-Khu I và miền Nam Việt-Nam!
VÙNG I DUYÊN-HẢI
Kể từ sau khi Ban-Mê-Thuột thất thủ – ngày 11 tháng 3 năm 1975 – sự tuần tiễu của Hải-Quân V.N.C.H. được thay đổi như sau: Các trục tuần dương được rút lại tối thiểu; các trục ngang từ bờ ra đến 150 hải lý được hủy bỏ; chỉ còn trục dọc theo duyên hải vẫn hoạt động bình thường.
Khi Việt-Nam Cộng-Hòa rút khỏi Pleiku – ngày 16 tháng 3 năm 1975 – Hải-Quân được lệnh chuẩn bị tất cả chiến hạm. Hầu hết chiến hạm dồn về miền Trung, ưu tiên là Đà-Nẵng, đặt dưới sự xử dụng của Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải – Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Hải-Quân cũng dồn nhiều nỗ lực để bảo vệ những đơn vị Hải-Quân tại Thuận-An.
Tư-Lệnh Hạm-Đội Hải-Quân lập Bộ-Chỉ-Huy nhẹ ra miền Trung. Bộ-Chỉ-Huy Tiền-Phương Hải-Quân gồm có:
§ Tư-Lệnh Hạm-Đội – Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn.
§ Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội I Duyên-Phòng – Hải-Quân Trung-Tá Võ Văn Huệ.
§ Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội II Chuyển-Vận – Hải-Quân Trung-Tá Lê Thuần Phong.
§ Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương – Hải-Quân Trung-Tá Phạm Ứng Luật. Chức vụ này về sau được Hải-Quân Trung-Tá Lê Thành Uyển thay thế.
§ Trưởng phòng hành quân Hạm-Đội – Hải-Quân Thiếu-Tá Ninh Đức Thuận.
§ Một số hạ sĩ quan phòng hành quân
§ Một số hạ sĩ quan kỹ thuật
Khi Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương Hải-Quân lên đường ra Trung thì Đại-Tá Đỗ Kiểm cũng tháp tùng Tư-Lệnh Hải-Quân bay ra Thuận-An, đến Duyên-Đoàn 12, bàn định kế hoạch di tản Thủy-Quân Lục-Chiến từ cửa Thuận-An, nếu tình thế bắt buộc.
Cho đến lúc đó cũng vẫn chưa có một Tướng lãnh nào đề nghị hoặc nghĩ tới một kế hoạch di tản bất cứ một binh chủng nào khác, trong trường hợp V.N.C.H. không giữ được miền Trung!
Lúc này vùng Trị Thiên – từ đèo Hải-Vân trở ra Bến-Hải – được thành lập Bộ-Tư-Lệnh đặc biệt, gọi là Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương Quân-Đoàn I, do Trung-Tướng Lâm Quang Thi làm Tư-Lệnh; hậu cứ đặt tại Mang-Cá, Huế. Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương vẫn trực thuộc sự chỉ huy của Bộ-Tư-Lệnh Quân-Đoàn I, Quân Khu I, do Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư-Lệnh.
Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương gồm có:
§ Sư-Đoàn I Bộ-Binh
§ Sư-Đoàn I Nhảy-Dù
§ Sư-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến
§ Liên-Đoàn Biệt-Động-Quân
§ Thiết Giáp
§ Pháo Binh
§ Tiểu-Khu Quảng-Trị
§ Tiểu-Khu Thừa-Thiên
§ Không-Quân
§ Hải-Quân
Hải-Quân có Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm đóng tại Thuận-An; do Hải-Quân Trung Tá Võ Trạng Lưu chỉ huy. Về sau, Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy được chỉ định thay thế Trung Tá Lưu. Những đơn vị cơ hữu của Vùng I Duyên-Hải trực thuộc Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm gồm có:
§ Giang-Đoàn 32 Xung-Phong, đóng tại Huế; do Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy chỉ huy.
§ Giang-Đoàn 92 Trục-Lôi, đóng tại Thuận-An; do Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Hữu Sử chỉ huy.
§ Giang-Đoàn 60 Tuần-Thám, đóng tại Thuận-An; do Hải Quân Thiếu Tá Trần Văn Căn chỉ huy.
§ Duyên-Đoàn 12, đóng tại Thuận-An; dưới sự chỉ huy của Đại Úy Sinh.
§ Duyên-Đoàn 13, đóng tại cửa Tư-Hiền; dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Trương Văn Phương.
§ Tiền-Doanh Yểm-Trợ Thuận-An.
§ Căn-Cứ Hải-Quân tại Thuận-An.
§ Đài kiểm báo 101, đóng tại La-Chữ, cách Huế khoảng 30 cây số.
§
Toán đặc trách an
ninh, tình báo.
NHỮNG BIẾN CHUYỂN
QUÂN SỰ
và
CÁC CUỘC RÚT QUÂN
BẰNG ĐƯỜNG THỦY
Ngày 10 tháng 3, trở lại Đà-Nẵng sau phiên họp với Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tư-Lệnh Vùng I Chiến-Thuật – Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng – điều động những đại đơn vị sau đây vào các vị trí chiến lược phòng thủ Đà-Nẵng:
§ Lữ-Đoàn 369 Thủy-Qưân Lục-Chiến đóng dọc sông Bồ.
§ Lữ-Đoàn 258 Thủy-Quân Lục-Chiến thay thế đơn vị Nhảy-Dù tại phía Bắc đèo Hải-Vân.
§ Lữ-Đoàn 147 Thủy-Quân Lục-Chiến án ngữ mạn Bắc Đà-Nẵng.
Đồng thời Tướng Ngô Quang Trưởng cũng ra lệnh di chuyển tất cả súng lớn 175 ly và xe tăng M48 từ Thuận-An về Đà-Nẵng.
Thời gian này, một phái đoàn cao cấp Hải-Quân đến thăm các đơn vị Hải-Quân tại Thuận-An. Phái đoàn gồm có:
§ Tư-Lệnh Hải-Quân – Đề-Đốc Lâm Ngươn Tánh.
§ Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải – Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
§ Chỉ-Huy-Trưởng Căn Cứ Yểm-Trợ Đà-Nẵng – Hải-Quân Đại-Tá Vương Hữu Thiều.
Phái đoàn chỉ thị trực tiếp cho Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy: Di chuyển những quân dụng quý giá của Tiền-Doanh Yểm-Trợ Thuận-An về Đà-Nẵng, hằng ngày rà mìn cửa Thuận-An, yểm trợ các LCU quân vận di chuyển đại bác 175 ly từ Huế về Đà-Nẵng. Đây là loại đại bác có tầm bắn xa nhất, từ 25 đến 27 km.
Công tác đang diễn tiến tốt đẹp, bỗng nhiên Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm được lệnh ngưng!
Ngày 15 tháng 3, Lữ-Đoàn 369 Thủy-Quân Lục-Chiến rời Quảng-Trị.
Ngày 17 tháng 3, Lữ-Đoàn 258 Thủy-Quân Lục-Chiến rút từ Quảng-Trị về phía Bắc đèo Hải-Vân.
Trong một thời gian ngắn, hai đại đơn vị của một binh chủng tinh nhuệ rời bỏ Quảng-Trị khiến dân chúng hốt hoảng, đùm túm nhau đi theo. Vì vậy, thành phố Quảng-Trị xem như bỏ ngõ.
Ngày 18 tháng 3, tin đồn Sư-Đoàn Nhảy-Dù sẽ rút khỏi Vùng I càng khiến dân chúng hoang mang, lo lắng hơn.
Thời gian này có nhiều cuộc đụng độ tại Mỹ-Chánh. Nhưng vì Thủy-Quân Lục-Chiến đã di chuyển về Nam thay thế các đơn vị Nhảy-Dù cho nên lực lượng phòng thủ Mỹ-Chánh không cầm cự được, đành bỏ Quảng-Trị, chạy về Huế.
Ngày 19 tháng 3, Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu buộc Trung Tướng Tư-Lệnh Vùng I phải giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng, đến tối 19 tháng 3, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng lại nhận được công điện số 2238 từ Bộ-Tổng-Tham-Mưu, bắt phải bỏ Huế! Dường như giữ Huế hay bỏ Huế không quan trọng bằng sự an toàn cho Sư-Đoàn I Bộ-Binh; vì Sư-Đoàn I Bộ-Binh sẽ còn được xử dụng để chiến đấu, bảo vệ một nơi khác!
Theo tin tình báo, ba Sư-Đoàn Việt-Cộng đang sẵn sàng tấn công Huế và Đà-Nẵng. Sư-Đoàn thứ tư đang vượt vĩ tuyến. Xe tăng Việt-Cộng đang vượt sông Thạch-Hãn, tiến vào Quảng-Trị.
Đêm 19 tháng 3, khi Việt-Cộng pháo kích vào Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương Quân-Đoàn I thì tại Thuận-An, những diễn tiến quân sự dồn dập xảy ra như sau:
Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy nhận chỉ thị từ Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại để:
§ Di chuyển gia đình binh sĩ Hải-Quân về Đà-Nẵng.
§ Chuẩn bị một giang đỉnh có khả năng di chuyển cả trên sông lẫn trên biển và đặt hệ thống truyền tin, sẵn sàng để Tướng Tư-Lệnh Tiền-Phương Lâm Quang Thi xử dụng.
§ Duyên-Đoàn 12 phải nhường phòng hành quân lại cho Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương thiết trí sơ đồ trận liệt để nếu cần, Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương sẽ xuống Thuận-An chỉ huy, trong trường hợp Huế bị pháo kích hoặc tấn công.
Ngày 20 tháng 3, để ngăn chận cuộc di tản chiến thuật của Sư-Đoàn I Bộ-Binh và các lực lượng phòng thủ Huế có thể xảy ra và với ý đồ cô lập Huế, Sư-Đoàn 324 và 325 Việt-Cộng chận đánh Sư-Đoàn I Bộ-Binh phía Nam Huế.
Cũng trong ngày 20 tháng 3, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải chỉ thị Duyên-Đoàn 13 đưa gia đình binh sĩ từ cửa Tư-Hiền lên Thuận-An để Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy xử dụng LCU đưa họ về Đà-Nẵng, càng sớm càng tốt.
Vào thời điểm này Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy là Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm.
Một giờ chiều cùng ngày, Trung-Tướng Lâm Quang Thi và toàn thể Bộ-Tham-Mưu của Ông dời về Thuận-An bằng xe hơi.
Đến nơi, Trung-Tướng Thi gọi Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy vào trình diện và hỏi:
- Giang
đỉnh dành riêng cho tôi sẵn sàng chưa?
- Thưa
Trung-Tướng, đã sẵn sàng. Đó là soái đỉnh Monitor Command của Giang-Đoàn 32
Xung-Phong.
- Chiến hạm
từ Đà-Nẵng đã đến Thuận-An chưa?
- Trình
Trung-Tướng, khoảng chiều nay thì đến.
- Về việc
di tản dân chúng thì sao?
- Trình
Trung-Tướng, gia đình binh sĩ Hải-Quân và một số người thân của họ đã được
đưa về Đà-Nẵng an toàn. Còn dân chúng, do đoàn LCU của Quân-Vận từ Qui-Nhơn
biệt phái, đặt dưới sự điều động trực tiếp của Bộ-Chỉ-Huy Quân-Vận, tôi chỉ
yểm trợ an ninh thôi, cho nên tôi không biết.
Khoảng sau 3 giờ chiều, tại căn cứ Duyên-Đoàn 12, Trung Tướng Lâm Quang Thi chủ tọa buổi họp quan trọng, gồm quý vị sau đây:
§ Đại-Tá Hy – Tham-Mưu-Trưởng Bộ-Tư-Lệnh Tiền- Phương.
§ Đại-Tá Trí – Tư-Lệnh-Phó Sư-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến.
§ Đại-Tá Đoàn – Tỉnh Trưởng Thừa-Thiên.
§ Đại-Tá phụ tá hành quân của Quân-Đoàn I do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đề cử.
§ Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy.
§ Một Trung-Tá Không-Quân.
§ Một số trưởng phòng Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương.
Từ sau khi Phước-Long thất thủ, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm – Tư-Lệnh Sư-Đoàn I Bộ-Binh – e ngại Huế sẽ bị cô lập, cho nên Ông cho dự trữ thực phẩm. Bây giờ Quảng-Trị bỏ ngõ, Tướng Nguyễn Văn Điềm phải bay về Đà-Nẵng, trình Tướng Ngô Quang Trưởng kế hoạch di chuyển Sư-Đoàn I Bộ-Binh về Đà-Nẵng bằng cách vượt qua cửa Tư-Hiền và núi Vinh-Phong. Vì vậy Tướng Nguyễn Văn Điềm không thể có mặt trong cuộc họp này.
Buổi họp diễn ra rất ngắn. Không-Quân xác định và chuẩn bị số trực thăng khiển dụng. Hải-Quân trách nhiệm phối trí tàu bè để yểm trợ hoặc di chuyển Sư-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến cùng Bộ-Chỉ-Huy Tiểu-Khu Thừa-Thiên và theo dõi tình trạng những chiến hạm từ Đà-Nẵng ra.
Trong buổi họp cuối cùng này – cũng như những cuộc họp trước đó – Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương chỉ đề cập đến kế hoạch di tản Thủy-Quân Lục-Chiến và Sư-Đoàn I Bộ-Binh về Đà-Nẵng chứ chưa bao giờ đề cập đến phương cách di tản 25 Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân của Tiểu-Khu Thừa-Thiên, Tiểu-Khu Quảng-Trị, Liên-Đoàn Biệt-Động-Quân, Thiết Giáp hay Pháo Binh!
Khoảng 6 giờ 30 chiều, Việt-Cộng bắn hai hỏa tiễn 130 ly vào bên kia sông, nơi cửa Thuận-An.
Mười lăm phút sau, Trung Tướng Lâm Quang Thi cùng vài sĩ quan tham mưu đi thẳng xuống cầu tàu, cho người tìm Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy và ra lệnh Thiếu Tá Hy đưa tất cả ra tàu!
Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy dùng LCM8 đưa Trung Tướng Lâm Quang Thi và đoàn tùy tùng ra Tuần-Dương-Hạm Trần-Bình-Trọng, HQ 5, nơi đặt Bộ-Chỉ-Huy của Hạm-Đội Hải-Quân tại cửa Thuận-An.
Tin Tướng Lâm Quang Thi rời căn cứ Hải-Quân Thuận-An “bay” ra rất nhanh khiến một số sĩ quan trong Bộ-Tham-Mưu của Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương bị bỏ lại hoảng hốt. Trong số sĩ quan bị bỏ lại có Trung Tá Thanh chánh văn phòng của Tướng Lâm Quang Thi!
Khoảng 9 giờ tối, Đại-Tá Thục – Tư-Lệnh-Phó Sư-Đoàn I Bộ-Binh – cùng Bộ-Tham-Mưu của Ông vào căn cứ Hải-Quân xin gặp Tướng Lâm Quang Thi. Sau khi được biết Tướng Lâm Quang Thi đã ra chiến hạm, nhóm người này và Đại-Tá Chỉ-Huy-Trưởng Thiết-Giáp M48 – người có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Hải-Quân Thuận-An – cũng bỏ nhiệm sở, xin phương tiện ra tàu.
Đến 10 giờ tối, Trung Tướng Lâm Quang Thi chỉ thị Hạm-Trưởng HQ 5 – Hải-Quân Trung-Tá Phạm Trọng Q. – ra lệnh cho Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy di chuyển tất cả đơn vị khỏi căn cứ Hải-Quân Thuận-An. Trung-Tá Q. trình bày: “Thưa Trung Tướng, quyền hạn của tôi chỉ vỏn vẹn trong phạm vi HQ 5 này. Tôi không có thẩm quyền để ra lệnh cho Thiếu-Tá Hy.”
Từ đài chỉ huy của HQ 5, Trung Tướng Lâm Quang Thi ra lệnh trực tiếp, bằng bạch văn, cho Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy: “Đây Quốc-Bảo (mật hiệu truyền tin của Trung Tướng Lâm Quang Thi), chỉ thị cho Thiếu-Tá Hy điều động mọi đơn vị Hải-Quân rời căn cứ Hải-Quân tức khắc và phá hủy tất cả quân dụng.”
Được lệnh, Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy liên lạc với Giang-Đoàn 32 Xung-Phong, bảo họ rời Huế; gọi Thiếu Tá Phương, Chỉ-Huy-Trưởng Duyên-Đoàn 13, bảo trực chỉ Đà-Nẵng, nhưng không gặp; gọi Thiếu-Tá Căn, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 60 Tuần-Thám, bảo đưa đơn vị rời căn cứ. Thiếu-Tá Căn cho Thiếu-Tá Hy hay rằng Thiếu-Tá Phương nhận được chỉ thị đặc biệt cho nên không thể rời căn cứ được. Thiếu Tá Hy cũng gọi Đại Úy Sinh, Chỉ-Huy-Trưởng Duyên-Đoàn 12; và gọi Tiền-Doanh Yểm-Trợ, v. v… bảo trực chỉ Đà-Nẵng.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy ở trên một LCM của Giang-Đoàn 92 Truc-Lôi. Bộ-Chỉ-Huy chỉ có 2 Trung Sĩ truyền tin và 3 Thiếu Úy.
Lúc này 2 GMC đi tháo đài radar vừa về tới, Thiếu Tá Hy chỉ thị cả 2 GMC xuống LCM8 của Tiền-Doanh Yểm-Trợ để về Đà-Nẵng.
Tất cả đơn vị Hải-Quân trực chỉ Đà-Nẵng an toàn, chỉ bỏ lại căn cứ Thuận-An một Monitor bị mắc cạn…
…Trong khi những sự kiện kể trên xảy ra dọc bờ biển Thuận-An thì, ngoài khơi, Hạm-Đội Hải-Quân chỉ định PCE HQ 7 – hạm trưởng là Hải-Quân Thiếu-Tá Trần Nam Hưng – tuần tiễu từ cửa Tư-Hiền đến ngang vĩ tuyến 17.
Là chiến hạm được phu nhân của Tướng Dương Văn Minh làm Mẹ đỡ đầu, HQ 7 được trang bị: 1 khẩu 76 ly, 2 giàn “bô-pho” 40 ly đôi, 6 giàn 20 ly đôi. Tất cả được bắn bằng điện.
Ngày cũng như đêm, HQ 7 bắn vào những địa điểm quanh quận Phong-Điền, theo yêu cầu của Thủy-Quân Lục-Chiến đóng tại đó. Về sau, HQ 13 và HQ 8 được tăng phái để cùng HQ 7 lập thành đội hình “bán kim cương”, mục đích chống phi cơ của Việt-Cộng.
Để bảo vệ cửa Thuận-An, Hạm-Đội Hải-Quân điều động 5 PCE trang bị súng 76 ly 2, giàn hình cánh cung phía Bắc cửa Thuận-An. Mỗi chiến hạm cách nhau 50 cây số. Khoảng cách đó radar có thể kiểm soát tất cả để yểm trợ lẫn nhau trong trường hợp PT của Việt-Cộng xuất hiện, tấn công.
Phía sau 5 PCE là một số Destroyers và 2 WHEC HQ 16 và HQ 17.
WHEC có khả năng hoạt động suốt 3 tháng liền, không cần tiếp tế. Mỗi chiếc WHEC được trang bị đại bác 128 ly và đại liên 40 ly.
Một sáng mù sương, Hạm-Đội Hải-Quân đang theo dõi từng biến động chung quanh, bỗng một toán phản lực cơ F5 từ Đà-Nẵng bay ra. Một trong mấy phi cơ đó bắn một hỏa tiễn trúng HQ 14 làm cho 14 nhân viên bị thương! Cả Hạm-Đội náo loạn. Sau khi kiểm chứng, Hải-Quân mới biết Không-Quân bắn nhầm!
Sau cuộc rút quân đẫm máu từ Cao Nguyên, bây giờ tình hình chung quanh Đà-Nẵng trở nên nguy ngập, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lo ngại một cuộc đảo chánh có thể xảy ra. Nhưng Tổng Thống Thiệu lại đưa lý do Việt-Cộng sẽ thực hiện một cuộc tấn công quy mô vào Saigon, và Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút Sư-Đoàn Nhảy-Dù cùng Sư-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến từ Vùng I về phòng thủ Thủ-Đô.
Ngày 23 tháng 3, để cô lập Huế, Việt-Cộng đặt nhiều “chốt” trên những trục lộ dẫn vào Huế, rồi pháo kích Huế và pháo kích ngay vào làn sóng người đang “trườn” lên đèo Hải-Vân để rời Huế.
Tình trạng của Sư-Đoàn I Bộ-Binh vô cùng bi đát; vì bị các “chốt” Việt-Cộng chận đánh, nhưng vì kẹt thân nhân và đồng bào cho nên quân của Sư-Đoàn I không thể chống trả được!
Ngày 24 tháng 3, vòng đai phòng thủ Huế bị pháo kích nặng nề. Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh Sư-Đoàn I Bộ-Binh yểm trợ để Thủy-Quân Lục-Chiến và những lực lượng khác của Quân-Lực V.N.C.H. tiến về Thuận-An, chiến hạm Hải-Quân sẽ vào đón. Ngay sau đó, Tướng Trưởng chỉ thị Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại điều động lực lượng Hải-Quân để di tản khoảng 50 ngàn quân và dân.
Chiều 24 tháng 3, những đại đơn vị của V.N.C.H. – kể cả Thủy-Quân Lục-Chiến – rút về xã Dương-Đông, giữa đầm Cầu-Hai và biển, kéo theo một số đông đồng bào. Việt-Cộng rượt theo, bắn sập cầu khiến đoàn người không có đường tới mà cũng nghẽn đường lui! Liền đó, Việt-Cộng pháo kích ngay vào làn sóng người, bất kể quân hay dân!
6 giờ chiều 25 tháng 3, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh bỏ Huế!
Ngày 26 tháng 3, để bao vây Đà-Nẵng, Việt-Cộng đưa Sư-Đoàn 324 và 325 từ hướng Đông cùng Sư-Đoàn 711 và Sư-Đoàn 304 từ phía Nam ra. Cả bốn đại đơn vị này đều có trọng pháo và xe tăng yểm trợ.
Chiều 26 tháng 3, trong khi Sư-Đoàn 312 Việt-Cộng với nhiều xe chở nông dân cầm cờ Mặt-Trận Giải-Phóng Miền Nam tiến vào cố đô Huế thì Lữ-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến và vài đơn vị Bộ-Binh về đến Thuận-An.
Hạm-Đội Hải-Quân bắt đầu thực hiện cuộc triệt thoái Sư-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến và Bộ-Binh. Lúc này các đơn vị Thiết-Giáp của Lữ-Đoàn I Thiết-Kỵ và một số đơn vị Biệt-Động-Quân cũng về đến cửa Thuận-An, từ Phá Tam-Giang.
Đăc lệnh truyền tin bị Việt-Cộng bắt được. Tất cả hệ thống truyền tin PC25 của Bộ-Binh đều bị Việt-Cộng xâm nhập, khuấy phá; chỉ có Thủy-Quân Lục-Chiến liên lạc được với Hải-Quân bằng tần số riêng.
Vì hệ thống truyền tin của Bộ-Binh không liên lạc được cho nên cuộc đón quân của Sư-Đoàn I Bộ-Binh rất gay go!
Để tránh lộ mục tiêu, ngại Việt-Cộng pháo kích, hầu hết các cuộc đón quân được thực hiện ban đêm. Cũng với mục đích này, Hải-Quân yêu cầu Thủy-Quân Lục-Chiến phối hợp với Hạm-Đội, đưa Bộ-Binh xuống phía Nam, cách cửa Thuận-An khoảng 5 cây số để tàu vào đón.
Tuy đã nghi binh nhưng Việt-Cộng vẫn biết. Việt-Cộng dùng đại bác 105 ly và 81 ly của V.N.C.H. bắn xối xả ra bờ biển.
Tối 26 tháng 3, HQ 801 và HQ 502 được lệnh ủi bãi, đón Lữ-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến. Nhưng chiến hạm lớn quá, mực nước không đủ sâu, cả hai chiến hạm đều không vào được. Khoảng cách từ bờ ra tàu quá xa, Thủy-Quân Lục-Chiến không lội ra được. Trong khi lềnh bềnh, HQ 801 bị sóng đánh tạt ngang, gần bê lái tàu cho nên Hạm-Trưởng – Hải-Quân Trung-Tá Nguyễn Phú Bá – cố giữ thăng bằng rồi vội lui ra, lềnh bềnh ngoài xa.
Ba Tiểu-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến 3, 4 và 5 tách rời quân bạn, âm thầm di chuyển về phía Nam.
Khuya 26 tháng 3, Tiểu-Đoàn 7 Thủy-Quân Lục-Chiến về đến Thuận-An. Cũng thời điểm này, Việt-Cộng nã đại bác vào nơi tập trung Thủy-Quân Lục-Chiến, gây tử thương cho một vị Tiểu-Đoàn-Phó.
Hải-Quân Trung-Tá Trần Đình Hòa và Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy được lệnh điều động toán LCU – 10 LCU trong toán này được biệt phái từ Saigon – và một số LCM của Giang-Đoàn 32 Xung-Phong, ủi vào bờ, đón Thủy-Quân Lục-Chiến, đưa ra chiến hạm.
Kế hoạch này thực hiện an toàn được đợt đầu. Phần lớn quân nhân trong đợt này là thương binh. Đặc biệt trong chuyến tản thương này có một vị Tiểu-Đoàn-Trưởng bị thương, nhưng, không những Ông nhất quyết không chịu lên tàu mà Ông còn điều động binh sĩ còn vũ khí chống trả, tiêu diệt các “chốt” của Việt-Cộng. Và cũng chính Ông liên lạc trực tiếp với Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương, yêu cầu Hải-Quân vớt hết lính của Ông thì Ông mới lên tàu!
Đến đợt đón quân thứ hai, Việt-Cộng dùng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 bắn thẳng vào các LCU. Bốn LCU bị trúng đạn, một số nhân viên bị thương. Một LCU do Chuẩn-Úy T. làm thuyền trưởng bị sóng đánh dạt vào bờ.
Chuẩn-Úy T. là một đoàn viên thâm niên, giàu kinh nghiệm. Ông không phải là nhân viên cơ hữu của Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân vùng I. Ông được biệt phái từ Saigon khi tình hình Đà-Nẵng trở nên nghiêm trọng. Chuẩn-Úy T. là người rất nặng tinh thần kỹ luật, không bao giờ từ nan bất cứ công tác nào; đôi khi công tác vượt quá khả năng của Ông, nhưng Ông vẫn xoay sở và chu toàn một cách tốt đẹp.
Khi biết tàu bị mắc cạn, Chuẩn-Úy T. báo cáo lên thẩm quyền và xin tàu vào kéo. Nhưng hỏa tiễn tầm nhiệt của Việt-Cộng bắn rát quá, chiến hạm không thể vào.
Trong bờ, không ai biết chiếc LCU của Chuẩn-Úy T. đang lâm nguy. Mọi người ùa ra, tràn lên tàu, bao quanh tàu. Trong khi thủy-thủ-đoàn cố vận dụng tất cả khả năng và mọi phương cách để đem chiếc LCU ra thì chân vịt xoắn tít vào đám người lố nhố phía sau tàu và thân tàu rướn trên “biển người”, tạo nên một vùng nước đỏ tươi và ngổn ngang xác người! Vì thủy triều đang rút nhanh và cũng vì số người trên tàu vượt quá khả năng trọng tải, cho nên, sau nhiều lần xoay trở, chiếc LCU nằm im!
Trong khi những LCU khác sợ mắc cạn, không dám vào nữa, chỉ ủi vào những cồn cát phía ngoài, chờ quân bạn bơi ra thì Trung-Tá Trần Đình Hòa điều khiển một LCU, cố cập vào chiếc LCU mắc cạn để cứu thủy thủ đoàn. Nhưng cả 3 lần cố gắng, Trung Tá Hòa cũng vẫn không thể cập sát vào chiếc LCU của Chuẩn-Úy T. được; vì bị sóng đẩy dạt ra và cũng vì AT3 của Việt-Cộng từ bờ bắn ra liên tục!
Một LCU khác vào, với ý định dùng giây cáp để kéo chiếc LCU của Chuẩn-Úy T.; nhưng LCU đó vào chưa đến nơi thì LCU của Chuẩn-Úy T. bị Việt-Cộng bắn ngay đài chỉ huy, cắt đứt niềm hy vọng của mọi người!
Sáng 27 tháng 3, khoảng 6 giờ, biển động dữ dội, không tàu nào có thể vào được nữa. Trên bờ còn M113 lội nước, rất nhiều Thủy-Quân Lục-Chiến, một số quân nhân thuộc những đơn vị khác và đồng bào.
Hải-Quân tận dụng tất cả PCF, chạy dọc theo bãi biển từ đèo Hải-Vân đến cửa Thuận-An, thả rất nhiều phao nổi, với hy vọng quân bạn có thể dùng phao bơi ra tàu.
Khi đoàn LCU lui ra dần, Việt-Cộng lại pháo kích ngay vào chỗ lính tập trung! Bắt được mấy tên Việt-Cộng mặc quân phục Bộ-Binh và Biệt-Động-Quân đang dùng máy truyền tin cho tọa độ để Việt-Cộng pháo kích vào toán quân, Thủy-Quân Lục-Chiến bắn hết. Bộ-Binh và các binh chủng khác hoảng sợ, ngại bị Thủy-Quân Lục-Chiến nhận diện nhầm, vội lấy ghe dân, ào ra biển hoặc là liều, chạy bộ về cửa Tư-Hiền, chỉ còn Thủy-Quân Lục-Chiến ở lại trên bãi!
Số Thủy-Quân Lục-Chiến ở lại lập tuyến phòng thủ. Việt-Cộng tấn công, Thủy-Quân Lục-Chiến chống trả cầm chừng, vì không còn đạn!
* *
*
Vì tình hình đột biến quá nhanh, Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chỉ thị HQ 13 tách rời đội “bán kim cương”, tăng phái về Thuận-An tuần tiễu, giữ an ninh cho HQ 5; vì Tướng Lâm Quang Thi đang xử dụng HQ 5 làm Bộ-Chỉ-Huy lưu động.
Chiều 23 tháng 3, khoảng 4 giờ, HQ 13 chạy ra khơi, cách bờ khoảng 25 cây số.
Gần 5 giờ, Hạm-Trưởng HQ 13 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Trọng Th. – hét lên trong máy liên lạc với Hạm-Trưởng HQ 7:
- Trình
thẩm quyền, máy bay ta dội bom tàu tôi.
Hạm-Trưởng HQ 7 – sĩ quan thâm niên hiện diện – ra lệnh:
- Nó dội
bom bạn thì bạn bắn nó.
- Máy bay
A37 của ta đó, thẩm quyền.
- Có thể
địch cướp máy bay A37 của ta. Bạn bắn nó không thôi bạn chết.
Thấy súng từ chiến hạm bắn lên, A37 không dám xuống thấp thả bom mà ở trên cao dội rockets xuống. Một rocket lọt vào hầm tạm trú khiến 20 thủy thủ chết và bị thương. HQ 13 được lệnh tức tốc rời vùng hành quân.
Trong khi HQ 13 về Đà-Nẵng sửa chữa tạm rồi về Saigon đại kỳ, HQ 7 vẫn tiếp tục tuần tiễu nhưng phải im lặng vô tuyến và không được nã trọng pháo vào những điểm nghi ngờ có Việt-Cộng nữa.
Tối 27 tháng 3, Tư-Lệnh Hạm-Đội chỉ thị HQ 7 yểm trợ Trung-Tá Trần Đình Hòa và Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy đưa đoàn LCU trở lại phía Nam Thuận-An, tiếp tục đón Thủy-Quân Lục-Chiến; đồng thời Hải-Quân Trung-Tá Lê Thuần Phong – Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội II Chuyển-Vận – cũng được lệnh xử dụng HQ 801, vài LCM8 và một số Người Nhái, trở lại Thuận-An với mục đích cứu vớt thủy thủ đoàn trên chiếc LCU của Chuẩn-Úy T.
Biển vẫn còn động mạnh. Quá nửa khuya, toán cứu vớt đến Thuận-An, nhưng HQ 801 không thể vào được. Trung-Tá Lê Thuần Phong xử dụng vài LCM8 và Người Nhái tiến vào.
Mờ sáng 28 tháng 3, lúc đến gần LCU mắc cạn, mọi người thấy phần mũi của LCU chìm xuống, phần lái nhô lên. Người Nhái lặn xuống lục soát: Không một bóng người! Trên mặt nước, ngoài sự cuồng nộ của biển cả, không ai thấy được dấu vết của sự sống!
Riêng toán LCU do Trung-Tá Trần Đình Hòa gặp trở ngại, vì lúc ủi bãi một LCU trúng B40, bốc cháy. Một LCU khác vớt được Đại-Tá Trí cùng Bộ-Chỉ-Huy nhẹ; số Thủy-Quân Lục-Chiến còn lại nhất định không đi, trừ phi Hải-Quân vớt tất cả. Những sĩ quan trẻ nhất quyết không bỏ Tiểu-Đoàn hay Đại-Đội của họ. Binh lính cũng cương quyết không bỏ cấp chỉ huy.
Tất cả Thủy-Quân Lục-Chiến đồng lòng ở lại, cố thủ, chờ và hy vọng tàu lớn sẽ ủi vào, vớt họ!
Gần sáng, Hải-Quân Trung-Tá Trần Đình Hòa và Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy được lệnh đưa đoàn LCU về lại Đà-Nẵng.
* * *
Trong khi những kinh hoàng đang xảy ra tại bãi cát phía ngoài đầm Cầu-Hai thì tại cửa Tư-Hiền, Chỉ-Huy-Trưởng Duyên-Đoàn 13 – Hải-Quân Thiếu-Tá Trương Văn Phương – nhận lệnh trực tiếp từ Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: Phải ở lại căn cứ để đưa Sư-Đoàn I Bộ-Binh qua sông. Thiếu-Tá Phương được chỉ thị cho nhân viên cột những chiếc ghe của Duyên-Đoàn 13 từ bên này sông qua bên kia sông; đồng thời kéo ponton, đánh chìm ngay tại cửa Tư-Hiền để làm đầu cầu cho Sư-Đoàn I Bộ-Binh băng qua sông, lên đèo Hải-Vân, về Đà-Nẵng bằng đường bộ.
Thì ra đây là kế hoạch rút Sư-Đoàn I Bộ-Binh mà Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm đã vào Đà-Nẵng trình lên Tướng Ngô Quang Trưởng trong vài ngày trước. Và đây cũng là lý do đơn vị trưởng Duyên-Đoàn 13 không thể đưa đơn vị rời căn cứ lúc Thiếu-Tá Nguyễn Văn Hy gọi!
Cửa Tư-Hiền tuy hẹp nhưng nước chảy xiết, không thể nối ghe làm cầu được. Hơn nữa, các giàn đại liên 50 của Việt-Cộng từ mé núi bắn xuống xối xả. Không một đoàn quân nào không có khí giới tự vệ, không được yểm trợ, không được bảo vệ mà có thể vượt qua đoạn cầu tử thần này cả! Còn chiếc ponton được tàu kéo, kéo từ Đà-Nẵng ra, dự trù đánh chìm ngay cửa Tư-Hiền, thì lại không đưa vào được, vì lạch nước quá nhỏ và cạn!
Mặc dù địa thế quá khó khăn, Thiếu-Tá Phương vẫn đôn đốc nhân viên thực hiện kế hoạch đã được giao phó. Nhưng, bất ngờ, một Thiếu-Tá thuộc Trung-Đoàn 54 Bộ-Binh chụp cổ áo Thiếu-Tá Phương (Thiếu-Tá Phương không mang cấp bậc) gằn giọng: “Đơn vị trưởng của mày đâu? Tìm tới đây, lẹ lên để đưa Trung-Đoàn của tao qua sông”. Thiếu-Tá Phương “dạ, dạ” rồi xuống ghe, ra HQ 7!
Được báo cáo đầy đủ, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ thị Hải-Quân đón Sư-Đoàn I Bộ-Binh; nhưng Sư-Đoàn I Bộ-Binh đang tự túc rút về Đà-Nẵng bằng đường bộ. Dọc đường, binh sĩ bỏ đơn vị đi tìm gia đình, vũ khí vất đầy hai bên quốc lộ. Sư-Đoàn I Bộ-Binh – một trong những đại đơn vị ưu tú của Quân-Lực V.N.C.H. – tan rã từ đây!
Thành phố Huế không còn quân trú đóng. Nhưng số binh sĩ và đồng bào không vào Đà-Nẵng được, đành phải đi ngược ra Thuận-An, chờ tại Phá Tam-Giang.
Ngoài biển, chiến hạm Hải-Quân vẫn giàn từ cửa Thuận-An đến Cấp Chân-Mây, cố vớt Thủy-Quân Lục-Chiến. Nhiều Thủy-Quân Lục-Chiến liều lĩnh, nhào xuống biển, bơi ra tàu.
HQ 7 vẫn tuần tiễu từ cửa Tư-Hiền đến cửa Thuận-An. Trong khi tuần tiễu, HQ 7 thấy một ghe nhỏ nhấp nhô, sắp chìm. Hạm Trưởng HQ 7 đặt ống dòm và thấy rõ trên ghe là một toán Bộ-Binh. Thiếu Tá Hưng điều động chiến hạm đến vớt thì mới biết trong toán quân nhân trên ghe có Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm – Tư-Lệnh Sư-Đoàn I Bộ-Binh – cùng Đại-Tá Lợi và một số sĩ quan khác.
Sau khi gọi một WHEC đến đưa Tướng Nguyễn Văn Điềm về Đà-Nẵng, HQ 7 tiếp tục tuần tiễu trong vùng đã được ấn định.
Chiều 25 tháng 3, lúc 5 giờ, trong khi bay điều động cuộc rút quân, trực thăng chở Tướng Nguyễn Văn Điềm và Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn – Tư Lệnh Hạm Đội – bị trục trặc kỹ thuật, phải đáp khẩn cấp phía Bắc đèo Hải-Vân.
Lúc đó, Đại-Tá Lê Đình Quế – Tham-Mưu-Trưởng Thủy-Quân Lục-Chiến – đang bay thám sát cuộc triệt thoái Thủy-Quân Lục-Chiến tại bãi cát bên kia đầm Cầu-Hai. Đang thả cơm sấy và thịt hộp tiếp tế quân nhân Thủy-Quân Lục-Chiến dưới đất, Đại-Tá Lê Đình Quế nghe tiếng kêu cứu trên máy truyền tin, vội rời vùng Cầu-Hai, đến cứu Tướng Nguyễn Văn Điềm, Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn và những nhân sự tháp tùng.
Thời gian này HQ 17 đang tuần tiễu và yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bạn tại Vùng II Duyên-Hải thì được lệnh ra Vùng I Duyên-Hải.
Ngày 26 tháng 3, HQ 17 đến Vùng I Duyên-Hải, nhận lệnh trực chỉ ra phía Nam vĩ tuyến 17. Sau khi vớt rất nhiều đồng bào và quân bạn, HQ 17 lềnh bềnh từ cửa Thuận-An đến Cấp Cân Mây, cố vớt hết Thủy-Quân Lục-Chiến, đưa về Đà-Nẵng.
Ngày 27 tháng 3, HQ 7 vớt được 10 Thủy-Quân Lục-Chiến trên một ghe chài. Nhóm quân nhân này cho Hạm-Trưởng HQ 7 biết rằng: Số Thủy-Quân Lục-Chiến kẹt lại trên bờ, đa số đã tự tử tập thể vì không còn đạn để chống trả với Việt-Cộng; phần còn lại bị Việt-Cộng bắt khi họ chạy theo đoàn người di tản về phía cửa Tư-Hiền! Sở dĩ 10 quân nhân này không tự tử là vì họ được lệnh phải sống để đem tin tức về cho gia đình và vợ con của những người đã chết!
Sau khi được ủy thác sứ mệnh đó, những quân nhân này vào nhà dân, lấy một ghe máy, uy hiếp chủ ghe, buộc chủ ghe đưa họ về Đà-Nẵng. Vì suốt thời gian qua, những quân nhân này chiến đấu trong tuyệt vọng và đói khát, cho nên, sau khi lên ghe, tất cả đều lã đi vì kiệt sức. Người chủ ghe tàn nhẫn đã lợi dụng cơ hội này, đưa toán quân nhân này ra hướng Bắc – thay vì hướng Nam, về Đà-Nẵng – rồi phá hư máy ghe. Khi tỉnh lại, biết mình bị lừa, nhóm Thủy-Quân Lục-Chiến này lấy một ghe khác và chèo về hướng Nam, gặp HQ 7.
Tối 28 tháng 3, HQ 17 đến Đà-Nẵng, nhận thêm Thủy-Quân Lục-Chiến và đồng bào. Sau đó HQ 17 được chỉ thị yểm trợ HQ 405 đưa Tiểu-Đoàn Nhảy Dù về Vùng II Duyên-Hải.
Tối 30 tháng 3, HQ 17 rời Tiên-Sa trong khi Đà-Nẵng bị pháo kích nặng nề. Đoàn thương thuyền của Mỹ cũng rời Đà-Nẵng.
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/