MINH THỊ

 

LỊCH SỬ ĐÃ CHỨNG MINH, KHÔNG MỘT ĐÁM NGOẠI NHÂN NÀO YÊU THƯƠNG ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA NẾU CHÍNH CHÚNG TA KHÔNG BIẾT YÊU THƯƠNG LẤY ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC CỦA MÌNH. 

DÂN TỘC VIỆT NAM PHẢI TỰ QUYẾT ĐỊNH LẤY VẬN MỆNH CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ VAN NÀI, CẦU XIN ĐƯỢC TRỞ THÀNH QUÂN CỜ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CỦA NGOẠI BANG VÀ NHỮNG THẾ LỰC QUỐC TẾ. 

 

Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu

 

֎ Kim Âu ֎ Tinh Hoa ֎ Chính Nghĩa ֎ Diễn Đàn ֎ Bài Của Kim Âu ֎ Báo Chí ֎ Dịch ֎ Tự Điển ֎ Tiếng Việt ֎ Learning ֎ Chính Nghĩa Việt Blogspot ֎ Sports ֎ Video/TV ֎ Lottery ֎ Tác Phẩm ֎ Tác Gỉa ֎ Đà Lạt

 

 

Phan Thanh Giản có đáng được dựng đền thờ?

 

 

Tháng Bảy 4, 2017,

 

 

Bàn thờ Phan Thanh Giản trong đền thờ ở Ba Tri, Bến Tre

 

 

 Nói tới “bán nước” thì dân nước mình nghĩ ngây tới Trần Ích Tắc thời Trần chống giặc Nguyên. “Ả Trần” thì khỏi tranh cãi, ô danh muôn thuở rồi, mặc dầu “Ả Trần” nầy không có làm mất tấc đất nào của nước nhà hết.

 

Nguyễn trào, đại thần Phan Thanh Giản nói nhẹ như Thầy Đồ Chiểu là “Long Hồ uổng phụ thơ sanh lão”(1) hay nói thiệt, nói thẳng như Cụ Phan Bội Châu thì Phan Thanh Giản là kẻ “Gan dê lợn mà mưu chuột cáo”, hoặc như Vua Tự Đức từng viết: “Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thực là táng tận lương tâm”.Tuy đã giúp giặc Pháp “nuốt sống” cả Nam kì nhưng họ Phan lại được đối xử một cách khác lạ, từ hồi trào Diệm nay tới thời Xã hội chủ nghĩa nay cũng vậy luôn mới ghê!

 

 TTO_112542982

Hình ảnh dân Vĩnh Long đương đưa tượng đồng của Phan Thanh Giản vô Văn Xương các trong Văn Thánh miếu hồi năm 2008. Tượng nầy do ông Võ Văn Kiệt tặng; trước tiếp quản Phan Thanh Giản đội mão cánh chuồn.

Nguồn ảnh bấm đây.

 

Từng một thời khi nhắc tới cái tên Phan Thanh Giản là dân Nam kì chửi mắng không thôi. Tuy nhiên, thời thế thay đổi Phan Thanh Giản lại được dựng tượng và ca ngợi thấu trời. Trong khi các bạn đồng liêu của Phan biết bao người đã anh dõng ngã xuống trước họng súng của giặc, để giữ thành, giữ nước thì Phan lại lấy đất, lấy thành mà giao cho giặc rồi đem tiếng xấu cho Vua.

 

Ngày xưa đại thần Lê Quýnh trung can nghĩa đởm tòng Vua Lê Chiêu Thống bôn ba xứ người, trọn đời trung liệt, chịu nhiều đau thương nhưng vẫn trọn khí tiết: “Đầu ta có thể chặt chớ tóc không thể cắt, Da có thể lột chớ áo không thể đổi” ngay trên đất Tàu, với quan binh Tàu. Vậy mà khi đặt tên Lê Quýnh cho con phố nhỏ xíu ở Hải Phòng cũng bị báo Tuổi trẻ online soi mói: “Không thể cho qua”.

 

Trong khi đó nhơn vật bán nước, phản Vua, hại dân như Phan Thanh Giản lại được một số người ca ngợi ngất trời rồi được dựng tượng, dựng đền thờ, đặt tên đường, tên trường, làm lễ, làm giỗ… túi bụi. Còn có người làm nghệ thuật dựng tuồng đổ tội lên mình Vua Tự Đức, chạy tội cho họ Phan để kiếm nước mắt khán giả và hốt bạc nữa kìa!

 

Tuy là ít học nhưng mà “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, cộng với lại Tiêu vốn con em đất Vãng mà, khi nhìn thấy sự lố lăng về nhơn vật Phan Thanh Giản nầy ngây trên quê mình, Tiêu không có giả bộ làm ngơ được. Tiêu đã tập hiệp nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu thêm và cũng hi vọng qua đây bằng hữu nào có quan tâm tới nhơn vật họ Phan nầy cũng có thêm một chút xíu tài liệu.

 

 ***

 

 1. Cuộc đời và quan lộ của Phan Thanh Giản

 

 

Phan Thanh Giản tên tự là Phan Tịnh Bá và Phan Đạm Như, hiệu là Lương Khê, sanh năm Bính Thìn 1796 mất năm Đinh Mẹo 1867, vốn là con cháu của một gia đình người Tàu Minh hương, vì phản Thanh phục Minh mà qua nước mình. Phan Thanh Giản là con dân đất Vĩnh Long (sau nhiều lần thay đổi địa chánh thời nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), sanh sống và học hành ở xứ nầy.Minh Mạng năm thứ 5 (1825) Phan đậu Cử nhơn khoa thi Hương Ất Dậu tại Gia Định, khi đó Phan 30 tuổi. Năm sau (1826), 31 tuổi, Phan đã đậu Đệ tam Giáp đồng Tấn sĩ khoa Bính Tuất (đứng hạng 3 trên 9). Phan Thanh Giản đã trở thành Tấn sĩ khai khoa ở Nam kì.Mùa thu năm Minh Mạng thứ 7 (1827), Phan Thanh Giản được Vua Minh Mạng cho nhiệm chức quan Chánh Thất phẩm: Hàn lâm viện biên tu. Phan được Vua khen:

 

<< Người Nam kì như Phan Thanh Giản, lòng ngay chí chắc, học rộng tài cao, phải khuyến khích. Phan Thanh Giản lập công lao, Trẫm sẽ gia tăng quyền lực. >>

 

Vua Minh Mạng rất nóng tánh mà Phan đại thần thường can cái nầy tấu cái kia, không được lòng nhà Vua và cầm binh không giỏi nên đã ba lần bị giáng chức, trong đó có lần Phan phải làm “Lục phẩm thuộc viên”, tức giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở chốn công đường tại tỉnh Quảng Nam (1836).

 

Hai trào Vua tiếp theo Phan Thanh Giản đởm nhận nhiều chức quan lớn nhỏ khác nhau. Năm 1850, Phan Thanh Giản được Vua Tự Đức cử vào trấn nhiệm miền Tây Nam kì cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam kì.

 

Như vậy qua nhận xét của nhiều người, trong đó có Vua thì hình ảnh Phan Thanh Giản là một người con hiếu thảo, một đệ tử Nho gia chơn chánh, một vị quan tận tụy vì nước và được Vua Tự Đức ban thưởng bốn chữ “Liêm-Bình-Cần-Cán” vào năm 1852.

 

2. Làm trái lịnh Vua, giao giặc 3 tỉnh miền Đông Nam kì

 

Như cổ nhơn từng dạy: “Nước loạn mới biết tôi trung”. Lời dạy nầy ứng dụng vô trường hiệp của Phan Thanh Giản thì “đắt” vô cùng.

 

Năm 1858, quân xâm lược Pháp đã tấn công nước Việt, cuộc đấu tranh không cân sức và đầy hi sanh, gian khổ của dân tộc bắt đầu. Và cũng từ đây, Phan Thanh Giản mới bắt đầu lộ bộ mặt thiệt: phản quốc và đầy xảo trá.

 

Trong sự ủng hộ và phục vụ của “hàng muôn người Công giáo”(2) giặc Tây xâm lược tấn chiếm Đà Nẵng. Do lực không đủ, thay vì tấn công kinh thành Huế để diệt “ông Vua không thờ Chúa” như yêu cầu của giáo dân Gia tô, Pháp lại quyết định tấn công Nam kì.

 

Tháng 2 năm 1861 Tây lịch, Pháp tấn công Đại đồn Chí Hòa (Sài Gòn). Quân dân ta chịu nhiều hi sanh, chống cự quyết liệt nhưng do hỏa lực của giặc quá mạnh nên Tướng Nguyễn Tri Phương đã buộc phải rút lui. Pháp thừa thắng đánh chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Nhơn dân Nam kì theo nghĩa binh kháng Pháp khắp vùng Lục tỉnh.

 

Đầu tháng 5 năm 1862, sau khi cùng các đình thần bàn bạc, vua Tự Đức sai quan thông báo cho phía Pháp đề nghị “giảng huề”. Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được cử đi điều đình với Pháp, Trước khi đi “nhà Vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ráng sức chuộc các tỉnh đã mất với giá 1.300 vạn lượng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe.”

 

Trong đoàn sứ nầy Phan chánh sứ có dẫn theo một linh mục Thiên chúa tên là Đặng Đức Tuấn chưa rõ là chức vụ gì và đi theo với mục đích gì. Phan Thanh Giản đại diện cho trào đình Tự Đức kí kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị “Hòa ước Nhâm Tuất” ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn với các điều khoản: nộp Pháp ba tỉnh miền Đông còn nộp thêm tiền, hườn toàn trái lịnh Vua. Thêm một điều khiến người đương thời và cả hậu nhơn sau nầy thắc mắc nữa là tại sao một điều ước quan trọng tới như vậy nhưng Giản chỉ kí xong chỉ trong”hơn một ngày”? 

 

PTG2bis.jpg

Phan Thanh Giản kí Hòa ước Nhâm Tuất tháng 5 năm 1962. Nguồn hình ảnh bấm đây.

 

Hiệp ước gồm 12 khoản, theo đó, ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Luân được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); trào đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi hường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 ngàn lượng) (Khoản 8 Hiệp ước). Đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho trào đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là trào đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 Hiệp ước).

 

Sứ bộ hồi trào, Vua Tự Đức choáng váng với nội dung bổn Hiệp ước. Không những không đòi được đất mà còn hiệp thức hóa 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, cấm cản quân dân Nam kì chống Pháp rồi còn phải thường tiền nữa. Giận quá giận, nhà Vua đã lên án trưởng, phó phái bộ Phan, Lâm không những là “tội nhơn của bổn triều mà còn là tội nhơn của muôn đời”.(3) Sau nầy, trong bài văn khắc trên bia Khiêm Lăng, nhà Vua còn nhắc lại chuyện cũ:

 

<< Bất đắc dĩ cầu huề với giặc, sai sứ đi định ước, không biết vì cớ gì mà lập thành hòa ước dễ dàng, đem tất cả thổ địa nhơn dân của các trào trước mở mang khó nhọc bỗng chốc bỏ cho giặc hết” >> (4)

 

Là tội nhơn của đất nước của dân tộc nhưng Phan Thanh Giản đã lập công lớn cho quân xâm lược. Trích trong báo cáo của Đô đốc Bonard gởi về Pháp ngày 8 tháng 9 năm 1862:

 

<< Phải nói rằng tôi chỉ còn biết hài lòng về chánh phủ Tự Đức và những người thay mặt họ (tức là nói Phan với Lâm) đã giúp tôi tại Nam kì… >> (5)

 

Lấy đất nộp giặc nhưng Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vẫn không bị Vua Tự Đức xử tội mặc dầu Vua giận lắm. Lẽ đó là vì nhà Vua hi vọng hai người nầy sẽ lập công chuộc tội. Sách Việt sử tân biên (quyển 5) chép:

 

“Ngày 14 tháng ấy, ông Phan và Lâm về kinh tâu bày sự việc. Vua Tự Đức vừa than vừa thống trách hai vị sứ thần. Cả trào đình đều bất đồng ý kiến về nội dung của Hòa ước, nhưng đòi sửa đổi ngay thì biết rằng không được, nên đề Nghị cho Phan, Lâm trở lại để giao thiệp với Soái phủ Sài Gòn (của Pháp)…

 

Việc chuộc ba tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng rồi lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) qua nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863). Trước khi sứ bộ lên đường, vua Tự Đức có căn dặn: “Quốc thơ phải đưa tới nơi, đừng để các quan đương sự ngăn đón, đừng chuyên tin lời người thông ngôn. Sứ thần là người thay mặt Vua đừng lạy mà nhục quốc thể”. Cuộc sứ năm đó cũng không đạt được kết quả. Tại Pháp, Phan Thanh Giản được người Pháp tiếp đón tử tế và tặng nhiều quà.

 

Năm 1865, Phan được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ thượng thơ, sung Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và được tha tội cách lưu: “Tội các ngươi đáng phạt nặng, nhưng nghĩ việc thương nghị ta coi như chưa thành, nay ta chỉ dụ cho Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp làm Tuần võ Thuận Khánh, để giao tiếp với người Pháp, tìm cách uốn nắn những lầm lỗi trong Hòa ước mà các ngươi đã phạm phải”. Việc trên vô tình tạo cơ hội cho họ Phan bán nước thêm lần nữa.

 

3. Giúp Pháp lấy 3 tỉnh Tây Nam kì “không tốn một giọt máu”(6)

 

Trên đường từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long nhiệm chức, Phan Thanh Giản ghé lại Mĩ Tho (tỉnh Định Tường), hội kiến với Trung tá Hải quân Ansart, chỉ huy tối cao (commandant supérieur) tỉnh Định Tường. Bổn tường trình của Ansart đề ngày 18.11.1866 gửi cho De La Grandière hé lộ nhiều chi tiết trong cuộc hội kiến giữa hai người. Mở đầu bổn tường trình, Ansart viết:

 

<< Tôi hân hạnh báo cáo với Ngài về cuộc đàm thoại với Phan Thanh Giản vào ngày 16 vừa qua, khi ông ấy dừng lại Mĩ Tho, trên đường từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long.

 

Lúc bốn giờ chiều, tôi hướng dẫn Phan Thanh Giản vào ngôi nhà kiểng trong vườn, và ở đó, sau khi cho đoàn tùy tòng đi nghỉ, ông bắt đầu cuộc nói chuyện với sự trung gian của cha Marc, và đặt cho tôi câu hỏi sau: Chừng nào các ông lấy ba tỉnh (Tây Nam kì)? Tôi trả lời ông ấy rằng tôi hoàn toàn không biết gì hết, nhưng trước khi đi xa hơn, tôi phải nhắc với ông ấy rằng tôi không có tư cách chánh thức nào để giải quyết những vấn đề tương tợ, và rằng, nếu tôi đồng ý hướng cuộc đối thoại vào lãnh vực nầy, thì ông ấy phải nhìn thấy trong những lời nói của tôi sự diễn đạt những ý kiến cá nhơn, không dính dáng gì đến chánh phủ Pháp. Ông ấy trả lời tôi rằng ông muốn nói chuyện với tôi trong tình thân hữu… >> (7)

 

Không chỉ kí nộp ba tỉnh miền Đông cho Pháp, khi được Vua giao trọng trách trấn thủ ba tỉnh miền Tây thì Phan lại thông đồng bắn tin cho giặc: “Bổn chức sẽ không ngăn cản sự xâm chiếm bằng một cuộc kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích” và nói trắng là “Nếu quới quốc lấn tới, quả nhơn sẽ không chống cự!” Phan Thanh Giản khuyên đồng bào “Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa”, một mặt chỉ điểm cho giặc về những người yêu nước, mặt khác dâng sớ về trào xin trị tội, thuyên chuyển khỏi nơi cứ địa hoặc cách chức những chủ soái nghĩa quân như Trần Văn Thành, Trịnh Quang Nghị, Võ Duy Dương, Trương Định…

 

Mặc dầu ức hiếp Nguyễn trào đủ điều nhưng chưa thỏa, ngày 18 tháng 6 năm 1867 (lịch Tây), quân Pháp gồm 1.200 lính cùng với 400 lính tập người Việt tập hiệp ở Mĩ Tho. Ngày 19, từ Sài Gòn, De La Grandière chỉ huy một đội tàu gồm 16 chiếc cũng tới Mĩ Tho rồi cho hành quân ngây trong đêm. Sáng ngày 20, đoàn quân thủy bộ của Pháp đã tới trước thành Vĩnh Long.

 

cay da.jpg

Cây da ở cửa hữu là tất cả những gì còn lại của thành Vĩnh Long sau khi bị Pháp san bằng. Nguồn hình bấm đây.

 

 

Tới khi đoàn tàu thuyền nhà binh Pháp đậu kín trước thành Vĩnh Long “là một thành khá kiên cố, địa thế rất dễ phòng thủ” và tướng giặc cho người mang thơ lên gởi thì Phan ra lịnh cho binh sĩ không kháng cự và dẫn đám thuộc hạ xuống tàu Pháp trách cớ. Ngay sau đó quân Pháp “cho bộ binh nối gót theo sau rồi chia làm bốn cánh vào chiếm đóng thành”. Binh lính trong thành ngây từ đầu đã nhận lịnh Phan nên không có kháng cự nào. Còn phần Phan không có ý gì chống Pháp mà còn tiếp tay Pháp vội viết mật thơ dụ hàng các đồng liêu là thủ thành Châu Đốc và Hà Tiên theo yêu cầu của quan Pháp. Sự việc nầy sau đó được Tổng Đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển khai trước Trào đình là:

 

<< Ngày 19 tháng 5 năm ngoái(8), vào khoảng giờ Thìn, thấy viên quan Tây đem số lớn tàu binh đến bến tỉnh thành thả neo, kì thủy một viên quan ba cùng một người tên là Cố Trường (tức linh mục Pháp Legrand de la Liraye) đưa đến một phong thơ, trong thơ nói rằng: viên quan Tây nhận thấy bọn giặc [ý nói nghĩa binh Nam kì] quấy rối lâu nay phần nhiều là dân của tỉnh Châu Đốc, nay y muốn rằng quới quốc nhường lại ba tỉnh [miền Tây] để y kiểm soát, thì chúng không dám quấy rối như xưa…

 

Thần đẳng xem xong bức thơ, cùng nhau thương nghị, rồi Kinh lược sứ (Phan Thanh Giản) lập tức đem viên Niết ti Võ Doãn Thanh, theo xuống dưới tàu cùng viên chúa tàu đàm thoại; trách y đã vin vào cớ nhỏ mọn mà đã vội làm thương tổn đại nghĩa. Y trả lời rằng: “Bổn ý thế nào, đã nói ở trong bức thơ”. Nói đoạn y cho chiến thuyền tấn sát vào phía ngoài thành rồi cho bộ binh vào thành đóng giữ… >> (9)

 

Xong, vậy là xong. Pháp đã chiếm trọn ba tỉnh miền Tây mà “không tốn một giọt máu nào”, viên Đại tá Thomazi hoan hỉ viết trong nhựt kí: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một bữa vậy là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam-kì, công cuộc khó nhọc bắt đầu từ năm 1858”. Trong báo cáo gởi cho chánh quốc về việc chiếm lấy ba tỉnh miền Tây, De La Grandière đã viết:

 

<< Các thành Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên đã mở cửa mà không kháng cự, các quan chức địa phương giao nộp sổ thuế và hồ sơ lưu trữ cho 9 sĩ quan ngạch Thanh tra các công việc bổn xứ được cử đi trước để cai trị những vùng đất bị sáp nhập… >> (10)

 

Tại chánh quốc, tờ báo Moniteur Universel số ra ngày 9.8.1867 cũng đăng bổn tin trong đó có đoạn viết:”Quân ta đã chiếm đóng các tỉnh Vĩnh Long-Sa Đéc, Châu Đốc, Hà Tiên. Các quan giữ thành đã mở cửa thành cho quân ta vào với sự tán đồng của dân chúng”.

 

Có thể thấy cái công của Phan Thanh Giản giúp quân xâm lược nuốt trọn Nam kì là rất lớn vậy.

 

4. Lập lờ đánh lận về cái chết của Phan Thanh Giản

 

Cái tội bán nước của Phan Thanh Giản đã quá rõ ràng. Nhưng bao nhiêu đó thôi là chưa đủ thấy hết bộ mặt thiệt của nhơn vật nầy. Mặc dầu vậy, Phan Thanh Giản cũng được một số người binh vực (chắc là) vì lí do Phan đã uống độc dược tự tử.

 

Có thiệt đó là “tuẫn tiết” không? Có gì mờ ám phía sau? Cái nầy không thể chỉ dựa vào sử sách của Nguyễn trào (vì các vua Nguyễn từ Đồng Khánh trở về sau đều là bù nhìn do Pháp dựng lên, sau nầy đã viết lại sử theo ý Pháp) mà phải coi thêm các văn bổn của người Pháp nữa mới biết được (người Pháp viết gởi người Pháp, chẳng ngại ngần gì hay kiêng sợ gì nên có thể tin tưởng các chi tiết về vụ nầy được).

 

Sau khi nộp thành Vĩnh Long dụ hàng hai thành An Giang và Hà Tiên cho Pháp xong, Phan thủng thẳng ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo sắp xếp mọi việc châu đáo. Phan gởi một lá sớ lên Vua Tự Đức xin xá tội. Bs. Nguyễn Văn Thịnh trong bài “Cụ Đồ Chiểu có làm thơ khóc thương Phan Thanh Giản?” có viết:

 

<< Đồng thời, Phan cũng gởi một bức thơ dài cho Lagrandière. Hết lời ca ngợi “tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương”; ca ngợi Hải quân Trung tướng Bonard với “những võ công hiển hách chinh phục xứ nầy, là người đồng chung một ý tưởng từ lâu về vấn đề lấy xứ Nam kì làm thực dân địa và rất tiếc là người đã ra đi trước, bây giờ tử thần sẽ cho hai ta gặp mặt trong sự vĩnh cửu, sẽ sung sướng vô biên giới và tình huynh đệ không thể tan rã được”; ca ngợi Đề đốc Rigault de Genouilly “có tầm nhìn xa biết chiếm lấy Sài Gòn để xây dựng thành trung tâm bền bỉ lâu dài”; ca ngợi Đề đốc Lagrandière “là người tạo lập ra thuộc địa Nam kì”… toàn là những từ hoa mĩ nể trọng, ân tình thắm thiết! >>

 

Thơ gởi Trào đình đã lâu, Vua Tự Đức giận phản thần mà không thèm trả lời. Đợi hoài không thấy vua hồi âm, Phan Thanh Giản lo sợ: tội cũ nộp 3 tỉnh miền Đông chưa xử, nay lại nộp tiếp 3 tỉnh miền Tây nữa. Biết là không thể thoát khỏi tội chết, Phan rất khôn ngoan “đi trước một bước” uống á phiện tự sát.

 

Bức thơ đề ngày 4.8.1867 của Trung tá Ansart, người đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, gởi cho tướng Tham mưu trưởng Reboul kể lại từng chi tiết một về những gì mà ông ta cho rằng mình đã trực tiếp nghe thấy:

 

<< …Ông bình tĩnh xếp đặt mọi chuyện, cho mua quan tài, tang phục cho thân nhơn và gia nhơn, ấn định lễ tang trong từng chi tiết nhỏ nhứt và dành cho con cái những lời khuyên khôn ngoan (đừng chống Pháp) và đáng khâm phục… Ông yêu cầu để cho người Pháp nuôi nấng chúng cẩn thận và mấy ngày trước khi thực hiện quyết định bi thảm của mình, ông đã bày tỏ với tôi niềm ao ước được để lại cho tôi vài ngàn quan Pháp nhằm trang trải chi phí cho chúng ở Sài Gòn… >>

 

Tuy tuyệt thực rồi uống á phiện tự sát để trốn phạt tội nhưng Phan Thanh Giản phút cuối vẫn còn tiếc nuối cái mạng. Theo thơ tường trình của Ansart kể về những giờ cuối đời của ông nầy:

 

<< … Lúc các ông quan (Nam trào) còn lại ở Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, chúng tôi đã phải gần như ép ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc.

 

Nhưng ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (mấy sĩ quan Pháp) thì ông đã thuận mọi điều, lại hỏi: “Liệu có cứu được tôi không?” Than ôi, khi đó đã quá muộn rồi! >> (11)

 

Rõ rồi nha! “Tuẫn tiết” chỉ là giả, còn “sợ chết” mới là thiệt.

 

Sau khi Phan chết thì Phó Thủy sư Đề đốc Thống soái Nam kì De La Grandière lại châu đáo cho tàu kéo và một toán lính kèn với đội tiêu binh hộ tống thi hài Phan về tận nơi an táng ở cố hương đúng theo nghi thức truyền thống nhà binh Pháp, đồng thời gởi thơ chia buồn và hết lời khen:

 

<< Nơi trào đình Huế trừ một mình ngài thấy rõ đâu là ích nước lợi dân. Người Pháp quốc hằng bền một lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản và gia đình của ngài. Bổn trấn hứa sẽ hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giúp việc nhà nước hay là muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý. >>

 

 

Gian thần mặt trắng giờ ngồi chễm chệ hưởng hương khói nhơn gian? Tiêu không phục. Nguồn hình bấm đây.

 

Ngộ chưa? Quan Nam trào chết mà Trào đình không thèm nhìn, đồng liêu thì coi thường, dân chúng thì chửi rủa vậy mà lại được Tướng giặc khen ngợi hết lời luôn!?

 

Nếu thực có tâm chết vì nước sao Phan không như Tướng Nguyễn Tri Phương tử thương giữ thành Hà Nội, như Tướng Trương Định rút kiếm tự sát nơi “Đám lá tối trời”(12) hây như Đại thần Huỳnh Diệu tự sát theo thành Hà Nội… mà lại nộp thành cho giặc rồi gởi thơ cho Vua xin tội, khi không xong mới uống độc dược tự sát? Câu hỏi nầy có lẽ không cần Phan trả lời, hậu nhơn cũng hiểu được.

 

Vẫn thường nghe câu “Con chim sắp chết kêu tiếng bi thương, con người sắp chết nói lời chơn thiệt”. Vậy trước lúc chết thì Phan Thanh Giản nói chuyện gì?

 

Ông ta khuyên con cháu đừng có chống Pháp còn dân chúng thì nên an phận dưới sự cai trị của người Pháp.

 

<< Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa >>

Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan Thanh Giản, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1974, tr. 253

 

Quả đúng là như vậy, sau nầy hai con của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm cũng đã phản bội nghĩa binh, quây ngược mũi giáo làm tay sai cho Pháp giết hại nghĩa sĩ nước nhà. Nhờ công sát hại đồng bào phục vụ quân xâm lược mà hai con của Phan Thanh Giản được Pháp cho làm quan lớn.(13)

 

Phan Thanh Giản trước lúc chết không quan tâm tới “tam cương, ngũ thường” của “đạo nhà” mà lại quan tâm tới đạo Gia tô. Đạo nầy như Vua Minh Mạng từng nói “Tà đạo của người Tây làm hư hoại lòng người” (chiếu của Vua năm 1982), và theo Thầy Chiểu thì tà đạo nầy chuyên “quăng vùa hương, xô bàn độc” và “ông cha không thờ” đây mà.

 

<< …Khi cha Marc đến, Phan Thanh Giản không nói tới ý định tuyệt vọng của ông nữa.

 

Sáng ngày mùng 1 tháng 8, ông chỉnh đốn một số văn kiện liên quan đến đạo Thiên chúa. Ông nói: “nhanh lên”. Lúc 11 giờ, ông uống thuốc độc trước mặt con cái và những người thân cận. Khi người ta đến báo tin cho tôi lúc 2 giờ thì đã muộn rồi. Ông chỉ còn thời giờ ôm chầm lấy cha Marc và tôi và bắt đầu cơn hấp hối… >> Tạp chí France Asie số XI tháng 6-7.1955 trang 740

 

Còn phần Phan Thanh Giản, tội lỗi tày trời, không thể lấy cái chết mà trốn tội được. Vì làm mất trọn Nam kì, trào đình Huế đã xử Phan án “trảm quyết”, đồng thời lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ở bia tấn sĩ.(14) Trích chiếu chỉ của Vua Tự Đức ngày 21-10-1867:

 

<< Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thực là táng tận lương tâm. >>

 

<< Đi sứ không có công, giữ chức Kinh lược để mất ba tỉnh, hai tội đều nặng. Mặc dầu đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng không đủ đền bù cho trách nhiệm. Vậy cho truy đoạt chức tước phẩm hàm, đục bia tấn sĩ. >>

 

Bổn án “giết người chết để răn người sống”(15) nầy cũng là để cảnh cáo những kẻ có lòng theo giặc cũng là điều thích đáng.

 

5. Chạy tội cho Phan Thanh Giản

 

Tội chứng, tội cớ của Phan Thanh Giản rành rành ra đó nhưng cũng có nhiều người đã và đang gắng chạy tội cho họ Phan:

 

– Trước tiên là người Pháp. Quá dễ hiểu, công lao giúp Pháp nuốt trọn Nam kì thì đâu có nhỏ. Pháp điều khiển được trào đình Huế mà để “công thần” họ Phan mang tiếng xấu thì coi không có được. Vậy là Pháp nói tốt cho Phan.

 

– Thứ hai là các Vua quan Nam trào bù nhìn của Pháp. Pháp nói gì mà mấy vị nầy không nghe. Không nghe thì khỏi làm vua. Trước tiên phải kể là Vua Đồng Khánh (ông vua nầy vốn là con nuôi Vua Tự Đức đã “xin” Pháp cho được làm vua), người “rất được lòng người Pháp” (đánh giá của Thầy Trần Trọng Kim). Một trong những hành động đẹp lòng người Pháp của ông Vua nầy là ra sắc chỉ khôi phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sĩ cho Phan Thanh Giản với những lời khen: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhứt một đời”.

 

– Một số đông người theo đạo Tây dương: mấy người nầy thì khỏi phải nói nhiều, nhìn những việc làm của họ trong lịch sử dân tộc thì bạn biết rồi đó.

 

Năm 1924, Vua Khải Định sắc cho quan dân tỉnh Thủ Dầu Một thờ phượng Phan như “thần hộ quốc an dân”. Công ơn gì với dân miền Đông? Nộp 3 tỉnh miền Đông cho Pháp chăng? Kế tới là năm 1933, (con Vua Khải Định là) Vua Bảo Đại lại sắc cho quan dân tỉnh Vĩnh Long thờ phượng Phan với nội dung cũng như vậy. Thưởng công giúp Pháp lấy 3 tỉnh miền Tây không tốn viên đạn nào chăng?

 

– Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, tên Phan Thanh Giản còn được đặt làm tên đường, tên trường nữa (Vĩnh Long xưa cũng có đường tên nầy, nay là đường 3 tháng 2). Ông họ Ngô nầy là con chiên ngoan của Giáo hội Vatican nên thôi, khỏi bàn.

 

 

Trào Ngô, dưới quyền Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp, tỉnh Vĩnh Long đã dựng lên cái “của nợ” nầy ngây chổ bến xe Vĩnh Long hồi xưa mà ngày nay là “Ngã ba Cần Thơ” ở phường 2, thành phố Vĩnh Long. Bẩy chữ trên mặt nầy của tháp là “Tiền trào đại thần Phan Thanh Giản”. Tháp vinh danh kẻ bán nước cho Tây nầy vào tháng 5.1975 đã bị nhơn dân đập banh chành. Nguồn hình bấm đây.

 

 Nước nhà thống nhứt, tự nhiên có phong trào chỉnh sửa lịch sử rồi tự dưng tôn vinh nhơn vật nầy. Tượng đài, đền thờ Phan Thanh Giản mọc lên nhiều nơi (một số nhà chức trách Bến Tre tự hào về nhơn vật nầy ghê gớm!) thậm chí cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (một con dân Vĩnh Long, đồng hương với Phan Thanh Giản) đã từng nói: “Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Đừng bắt Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Trương Định và ngược lại.” (Có điều các vị cần chú ý là ông Võ Văn Kiệt thiệt sự ổng họ Phan nha.) Giờ ai mà muốn bàn tội của Phan Thanh Giản thì phải chấp nhận bị người bất đồng ý kiến chỉ trách thôi. Ai chỉ trách họ Phan, họ hỏi “bán nước” sao được Nhà nước dựng tượng, lập đền thờ? Hết biết đường trả lời sao luôn! Câu nói của cố Thủ tướng đã được những người binh vực Phan Thanh Giản lợi dụng triệt để. Hễ ai chỉ trách họ Phan là họ lấy câu nầy ra để “lấp miệng” người đối thoại rồi sau đó là … đắc thắng. Thắng thiệt chớ không phải chơi, cố Thủ tướng nói thì ai dám cãi, Tiêu cũng vậy thôi. Không dám, không dám!

 

Như vậy có thể thấy để chỉ trách Phan Thanh Giản và bảo vệ được quan điểm của mình thiệt là khó lắm thay! Sau nầy nếu lỡ như có giặc, cớ chọn cách “yêu-nước-kiểu-Phan-Thanh-Giản”, biết đâu hên xui được lập đền thờ như ông nầy hổng chừng?!

 

 

Tiêu

Viết ngày 9 tháng 8 năm Bính Thân 

 

 

Chú thích:

 

(1) Dịch nghĩa: “Ở đất Long Hồ, ông đã uổng phụ cái chí làm người học trò già” lời dịch của cô giáo Phạm Thị Hảo – Giảng viên môn Văn học cổ Trung Quốc tại ĐHSP TPHCM trong bài “Viết về Phan Thanh Giản nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng bút pháp Xuân Thu” đăng trên báo Văn nghệ TP HCM tháng 3 năm 2009

 

(2) Lời các Giáo sĩ gởi trong thơ kêu gọi Pháp tấn công nước Việt và xin làm nội ứng cho Pháp

 

(3) Phan Khoang, Việt-Pháp bang giao sử lược, Huế, 1950, trang 148

 

(4) Dẫn theo Nguyễn Phan Quang, tr. 285(5) Kho Lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, Kỉ yếu tập 28.(6) G. Taboulet – La geste franVaise en Indochine, Paris 1955 – trang 515

 

(7) Georges Taboulet- La geste franVaise en Indochine, Paris 1955 – trang 509-510

 

(8) Bổn khai nầy xài lịch Việt, ngày đó là ngày 20 tháng 6 năm 1867 theo lịch Tây

 

(9) Tập tâu của Viện Cơ mật-Bổn dịch của Tô Nam-Tập-san Sử Địa – số 7-8 năm 1967-trang 239-240

 

(10) G. Taboulet-Sđd-trang 513(11) Nguyễn Duy Oanh – Chân-dung Phan Thanh Giản”, Sài Gòn, Tủ sách sử học Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên CHVN, 1974.

 

(12)  Đám lá tối trời: Từ Gò Công đi về hướng ao Trường Đua, theo đường ấp Long Hưng tới ngã ba ấp Giá Trên thuộc xã Kiểng Phước; từ đây có bảng hướng dẫn đi thêm 8,5 km nữa để đến đền thờ Trương Định, chổ nầy khi xưa gọi là là “Đám lá tối trời”.

 

(13) Nguyễn Đình Vân Tiên – Con đường mang tên Phan Liêm đăng tại Hồn Việt

 

(14) Quốc trào chánh biên – Sđd – trang 356(15) Nguyễn Duy Oanh, sđd, trang 302