Không gì nguy hiểm hơn bạn bè ngu dốt; tôi thà có kẻ thù khôn.
Nothing is as dangerous as an ignorant friend; a wise enemy is to be preferred.
La Fontaine
BÀI THAM KHẢO
Liên Hiệp Quốc (United Nations)
Posted on 17/10/2015 by The Observer
Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Liên Hiệp Quốc được thành lập trên cơ sở của tổ chức tiền thân là Hội Quốc Liên. Tên gọi “Liên Hiệp Quốc” (United Nations) được Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt sáng tạo ra và được chính thức lựa chọn vào ngày 1 tháng 1 năm 1942 khi 26 quốc gia thông qua Hiến chương Đại Tây Dương, cam kết thúc đẩy những nỗ lực chiến tranh chống lại chủ nghĩa phát xít. Vào năm 1944, đại diện của các cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc gặp tại Dumbarton Oaks (Mỹ) để soạn thảo những bản kiến nghị cho sự ra đời của tổ chức mới này. Vào năm 1945, 51 quốc gia nhóm họp tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc ở San Francisco để đàm phán về những quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngày 24 tháng 10 năm 1945, Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập, với trụ sở chính đóng ở thành phố New York. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc có 192 thành viên, bao gồm phần lớn các quốc gia được thế giới công nhận. Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc từ ngày 20/9/1977.
Liên Hiệp Quốc có ba mục tiêu chính: gìn giữ hòa bình thế giới, thúc đẩy những mối quan hệ thân thiết giữa các quốc gia, hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người song song với việc thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và quyền tự do thiết yếu. Liên Hiệp Quốc có sáu cơ quan chính, bao gồm: Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Ban Thư kí, Tòa án Quốc tế vì Công lý và Hội đồng Quản thác.
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc còn có những tổ chức chuyên trách khác, tiêu biểu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), hay Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP)…. Nhân vật đại diện tiêu biểu nhất của Liên Hiệp Quốc là Tổng Thư ký, vị trí hiện đang được đảm nhiệm bởi ông Ban Ki-moon người Hàn Quốc.
Nơi duy nhất tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhóm họp là Đại Hội đồng. Tại đây, đại diện của các quốc gia thành viên nhóm họp mỗi năm để bàn luận những vấn đề của thế giới. Đại Hội đồng có thể thảo luận bất kỳ những vấn đề nào mà nó lựa chọn, thông qua các vấn đề quan trọng khi có 2/3 số thành viên đồng thuận, giúp bầu chọn thành viên của các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, và bỏ phiếu cho vấn đề ngân sách
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc năm 2000, 189 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ và cam kết đạt được tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Đây là sự đồng thuận chưa từng có của các nhà lãnh đạo trên thế giới về những thách thức quan trọng toàn cầu trong thế kỷ 21 cũng như cam kết chung về việc giải quyết những thách thức này. Các mục tiêu này bao gồm:
Chấm dứt đói nghèo
Phổ cập giáo dục toàn cầu
Bình đẳng giới
Sức khỏe cho trẻ em
Sức khỏe cho bà mẹ
Chống lại HIV/AIDS
Cân bằng môi trường
Hợp tác toàn cầu
của tổ chức này. Mặc dù vậy ảnh hưởng của Đại Hội đồng đối với chính trị quốc tế không thực sự lớn. Phần lớn công việc của Đại Hội đồng được thực hiện ở sáu ủy ban:
Ủy ban 1: những vấn đề liên quan đến giải giáp vũ khí, sử dụng không gian vũ trụ và các vấn đề về an ninh và chính trị;
Ủy ban 2: các vấn đề về kinh tế và tài chính;
Ủy ban 3: các vấn đề về xã hội, nhân đạo, và văn hóa;
Ủy ban 4: các vấn đề thuộc địa
Ủy ban 5: các vấn đề về quản trị và ngân sách
Ủy ban 6: các vấn đề pháp lý
Ngoài Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an là cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là trong việc thực hiện những mục tiêu chính của tổ chức này. Cơ quan này luôn sẵn sàng nhóm họp bất cứ lúc nào khi hòa bình và an ninh thế giới bị đe dọa. Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực (Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Anh, và Nga), và 10 thành viên không thường trực được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm từ các nhóm quốc gia thuộc các khu: Châu Phi, Châu Á, Đông Âu, Mỹ Latinh, Tây Âu, và Châu Đại Dương. Nhóm 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết các quyết định của Hội đồng Bảo an.
Trong vòng nửa thế kỷ qua, Liên Hiệp Quốc đã có một lịch sử thăng trầm. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Liên Hiệp Quốc không giữ được vai trò chủ đạo trong việc gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới bởi việc sử dụng thường xuyên quyền phủ quyết của các cường quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc đã theo dõi và ủng hộ quá trình phi thực dân hóa, từ đó làm tăng nhanh chóng số lượng các nước thành viên của tổ chức này trong những năm 1950 và 1960. Liên Hiệp Quốc cũng đã phát triển được vai trò gìn giữ hòa bình nhằm ngăn chặn việc các cường quốc can thiệp vào các cuộc xung đột vốn có thể phát triển thành các cuộc đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc với nhau.
Các Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc
– Trygve Lie, Na Uy, nhậm chức ngày 2/2/1946
– Dag Hammarskjold, Thụy Điển, nhậm chức ngày 10/4/1953
– U Thant, Mianma, nhậm chức ngày 3/11/1961
– Kurt Waldheim, Áo, nhậm chức ngày 22/12/1971
– Javier Perez De Cuillar, Pê-ru, nhậm chức ngày 15/12/1981
– Boutros Boutros Ghali, Ai Cập, nhậm chức ngày 1/1/1992
– Kofi Annan, Ghana, nhậm chức ngày 1/1/1997
– Ban Ki-moon, Hàn Quốc, nhậm chức ngày 1/1/2007
Từ 1988 đến 1992 là giai đoạn Liên Hiệp Quốc hoạt động khá thành công, mặc dù thành công đó là một kết quả trực tiếp của việc Chiến tranh Lạnh kết thúc. Việc đe dọa sử dụng quyền phủ quyết của các cường quốc không còn tạo ra sự bế tắc hay những nhượng bộ không có hiệu lực. Liên Hiệp Quốc trở nên được biết đến nhiều nhất, đặc biệt ở Mỹ, sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991 khi thông qua thành công quyết định chống lại Iraq xâm lược và sát nhập Kuwait. Thành công này đã được phát triển thêm bởi một loạt các nổ lực trung gian hòa giải có vẻ như thành công của Liên Hiệp Quốc từ năm 1988 đến 1990 liên quan đến các cuộc xung đột khu vực kéo dài như chiến tranh Iran – Iraq, xung đột ở Afghanistan, Campuchia, Namibia, và El Salvador. Chuỗi thành công này đã tạo nên uy tín tạm thời cho Liên Hiệp Quốc, đáp ứng được sự mong đợi của cái mà Tổng thống Mỹ George H. Bush gọi là một “trật tự thế giới mới”. Theo đó, thế giới sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế, và hòa bình sẽ được gìn giữ bởi một tổ chức Liên Hiệp Quốc vững mạnh và ngày càng giành được niềm tin từ công chúng.
Chỉ trong một vài năm, con số các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã tăng gấp đôi, gần đến 20, và chi tiêu cho hoạt động này tăng gấp bốn lần, đạt đến 4 tỷ đô la Mỹ, và số binh lính gìn giữ hòa bình được triển khai trên toàn thế giới tăng vọt lên 80.000 người. Cho tới năm 1993, hàng chục ngàn lính mũ nồi xanh đã giúp cứu vãn và duy trì hòa bình ở nhiều khu vực trải dài từ Kuwait và Somalia cho tới Bosnia và khu vực Hồ Lớn ở Trung Phi.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng sau khi nhận chức, Chính quyền Clinton đã biến Liên Hiệp Quốc trở thành một tổ chức thất bại. Một chiến dịch quân sự không được tổ chức tốt ở Mogadishu, thủ đô của Somalia đã làm cho 18 lĩnh Mỹ tử trận. Mặc dù chiến dịch quân sự này được tổ chức bởi một mình quân đội Mỹ và không liên quan đến Liên Hiệp Quốc nhưng Tổng thống Clinton và Quốc hội Mỹ đã chỉ trích kịch liệt vai trò của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Boutros Boutros-Ghali. Sự thất bại của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Bosnia cũng góp phần làm tăng thêm sự thất vọng của Mỹ đối với tổ chức này.
Theo đó, chính sách của Mỹ đối với Liên Hiệp Quốc đã có 2 sự thay đổi lớn. Thứ nhất, vào tháng 5 năm 1994, chính quyền Clinton đã áp dụng những quy tắc mới hạn chế việc Mỹ ủng hộ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Thứ hai, Quốc hội Mỹ ngày càng lưỡng lự trong việc đóng góp cho những khoản chi phí ngày càng cao của các chiến dịch gìn giữ hoà bình lớn của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt khi Washington chịu trách nhiệm chi trả tới 31% tổng những chi phí đó. Thay vì đóng góp đầy đủ cho Liên Hiệp Quốc, Quốc hội Mỹ đã trì hoãn và chỉ chi trả một phần nhỏ. Vì vậy, số nợ của Mỹ đối với Liên Hiệp Quốc ngày càng tăng cao trong những năm 1990. Vào năm 1999, Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng đồng ý bắt đầu chi trả khoản nợ của mình. Điều này phản ánh sự thất bại của Liên Hiệp Quốc trong việc nối dài sự thành công của mình trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh.
Có ba lý do chính giải thích cho sự đi xuống của Liên Hiệp Quốc trong những năm 1990s. Thứ nhất, các hình thức chiến tranh đã thay đổi. Hiến chương Liên Hiệp Quốc được xây dựng dựa trên nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia. Liên Hiệp Quốc đã không thể phản ứng lại một cách có hiệu quả đối với các cuộc xung đột vũ trang không được xác định rõ là xung đột quốc tế hay nội chiến. Thứ hai, mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, Liên Hiệp Quốc chỉ có thể vận hành có hiệu quả nếu như nhận được sự ủng hộ của các thành viên, đặc biệt là nhóm năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Liên Hiệp Quốc không có lực lượng quân đội riêng, và vì thế phụ thuộc vào các quốc gia thành viên trong việc đóng góp lực lượng theo kiến nghị của Tổng Thư ký. Liên Hiệp Quốc phản ứng rất chậm đối với các cuộc khủng hoảng và không thể can thiệp ở những khu vực được xem là thuộc phạm vi ảnh hưởng của của năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Thứ ba, Liên Hiệp Quốc được chi trả bởi các nước thành viên, đặc biệt là nhóm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Điều này giúp cho các nước này có thể sử dụng sức mạnh tài chính để đạt được lợi ích quốc gia của mình ở trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều cuộc bàn luận về việc làm thế nào để cải cách Liên Hiệp Quốc. Vào tháng 4 năm 2005, Tổng Thư ký Kofi Annan đã đưa ra bản kiến nghị về cải tổ Liên Hiệp Quốc, kêu gọi gia tăng số thành viên Hội đồng Bảo an từ 15 lên 25, và thành lập một Hội đồng Nhân đạo mới. Bản kiến nghị của Annan cũng kêu gọi gia tăng số thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an từ 5 lên 7 để phản ánh sự chuyển đổi cán cân quyền lực trong nền chính trị thế giới những năm qua. Nhiều nhà bình luận cho rằng Nhật Bản, Đức và Ấn Độ xứng đáng có vị trí cao hơn trong Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, tranh luận cũng nổ ra quanh việc liệu có nên và làm cách nào để cung cấp thêm cho Liên Hiệp Quốc các công cụ tài chính và quân sự để phản ứng lại những cuộc khủng hoảng thuộc phạm vi xử lý của tổ chức này. Nếu không được cải tổ, Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục khó có thể đáp ứng được kỳ vọng của công chúng và các quốc gia. Nếu vậy đây sẽ là điều không đáng trông đợi vì Liên Hiệp Quốc hiện vẫn có thể coi là tổ chức quốc tế duy nhất đảm nhiệm sứ mạng quản trị toàn cầu.
Chính trị của việc bầu cử Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc
Posted on 17/12/2014 by The Observer
Nguồn: Shashi Tharoor, “The Politics of UN Leadership“, Project Syndicate, 13/11/2014.
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Trên thế giới, các vòng (hay chiến dịch) bầu cử đang ngày càng kéo dài hơn. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, các chính trị gia tham vọng đã bắt đầu chiến dịch vận động ráo riết tại các bang chủ chốt cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên một số cuộc tranh cử – ví dụ như cuộc đua cho vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tiếp theo cũng được tổ chức vào năm 2016 – thì vẫn im lìm. Điều này cần phải thay đổi.
Cuộc chạy đua đến vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vốn thường diễn ra lặng lẽ đến mức có cảm tưởng đây là một bí mật. Cuộc tranh đua này hầu như chẳng có nét nào giống với sự phô trương của một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Điều này có thể được lý giải qua thực tế quá trình ra quyết định chỉ gói gọn giữa 15 thành viên của Hội đồng Bảo an, ứng cử viên được chọn lựa bởi Hội đồng trước khi được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đóng dấu thông qua (cho đến nay mọi trường hợp đều diễn ra theo tiến trình này). Điều quan trọng là 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (P5) – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, và Mỹ – đều có quyền phủ quyết (veto), bởi vậy đa số cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu một trong số họ phản đối.
Quá trình chọn lựa còn bị cản trở bởi một sự đồng thuận không chính thức, nhưng thực tế lại là một điều kiện tất yếu trong suốt 43 năm qua: xoay vòng khu vực sau mỗi hai nhiệm kỳ. (Ngoại lệ duy nhất là Tổng Thư ký vô cùng nổi tiếng và được coi trọng, Kofi Annan. Ông được lựa chọn trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, bất chấp việc đã kế nhiệm một người châu Phi khác trước đó). Kể từ năm 1971, vị trí này được luân chuyển qua các Tổng Thư ký đến từ Tây Âu, Mỹ Latinh, châu Phi, và châu Á – Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon (đang trong nhiệm kỳ thứ hai) đến từ Hàn Quốc. Chỉ có duy nhất một khu vực chưa hề góp mặt đại diện nào: Đông Âu.
Trên thực tế, số lượng ứng cử viên tiềm năng đến từ Đông Âu đã tăng lên, thậm chí còn có thông tin một số người đã bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ. Cựu Tổng thống Slovenia Danilo Türk, từng là Trợ lý Tổng Thư ký về các vấn đề chính trị dưới thời Annan, là một ứng cử viên triển vọng. Một số người cho rằng Tổng Giám đốc UNESCO hiện nay, bà Irina Bokova người Bulgary, và hai người Slovakia – Bộ trưởng Ngoại giao Miroslav Lajčák và người tiền nhiệm của ông, Jan Kubiš, đều tham gia tranh cử. Ứng cử viên cuối cùng là cựu Ngoại trưởng Rumani Mircea Geoana, người được chính phủ các nước P5 đánh giá khá cao.
Cả năm ứng cử viên này đều là những gương mặt quen thuộc trong giới ngoại giao, trong đó có bốn người có kinh nghiệp làm việc trực tiếp tại Liên Hiệp Quốc. Thực tế này phủ nhận một lời đồn đại từ lâu rằng Đông Âu không có ứng cử viên sáng giá nào để tranh cử. (Bật mí: cả năm người này đều là bạn tôi, và tôi thấy họ đủ khả năng và hoàn toàn phù hợp với vị trí này).
Nhưng có một vướng mắc ở đây: Đông Âu phải tránh được quyền phủ quyết của Nga. Thật thế, đó có thể là yếu tố chính phá hỏng triển vọng của cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski. Nhiều người lo ngại rằng nếu điện Kremlin bỏ phiếu chống với mọi ứng viên đến từ Đông Âu, cơ hội sẽ thuộc về một đại diện đến từ Tây Âu và các khu vực khác, như cựu Thủ tướng New Zealand và phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đương nhiệm Helen Clark, đặc biệt là nếu xét đến tính hấp dẫn của sự kiện người phụ nữ đầu tiên giữ chức Tổng Thư ký.
Liệu công chúng trên thế giới có thể được theo dõi cuộc tranh cử? Trong cuộc bầu cử năm 2006, khi tôi kết thúc ở vị trí thứ hai trên tổng số bảy ứng viên, người ta chứng kiến một sự công khai dư luận ở mức chưa từng có, thông tin về hoạt động của các ứng cử viên được cập nhật khi họ họp với các nhóm khu vực, phát biểu tại hội nghị cấp cao hàng năm của Liên minh châu Phi, và cả khi họ tham gia tranh luận trên đài BBC. Nhiều trang web mọc lên chỉ với mục đích duy nhất là phân tích cuộc đua.
Tất cả những điều này thể hiện một bước tiến quan trọng. Bởi tầm nhìn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc là rất quan trọng, các ứng cử viên cần có cơ hội để công khai chia sẻ ý tưởng và mục tiêu của họ, như tôi đã cam kết thực hiện.
Tuy nhiên, rốt cuộc chiến dịch vận động quần chúng lại tác động rất ít đến kết quả cuối cùng, điển hình như việc ông Ban không tham gia các cuộc tranh luận trên BBC. Dù những nỗ lực chia sẻ tầm nhìn của một ứng cử viên có thể giúp người đó giành được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng chúng cũng có thể có tác động tương tự đối với đối thủ của anh ta – và trong cuộc bầu cử Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, các thành viên Hội đồng Bảo an có thể tùy ý bỏ phiếu cho bất cứ ứng cử viên nào họ thích.
Cũng không thể nói rằng cuộc đua tranh không ảnh hưởng gì đến kết quả. Năm 2006, Hàn Quốc phát động một chiến dịch vận động được tài trợ đầy đủ và kéo dài suốt năm nhắm đến cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm các chuyến thăm chính thức đến thủ đô các nước này. Chiến dịch quy mô như vậy thường đem lại những lợi ích hợp tác song phương đáng kể, thứ mà không phải ứng viên nào cũng có thời gian hoặc nguồn lực để theo đuổi. Trên thực tế, Hàn Quốc là nước thành viên Hội đồng Bảo an duy nhất tiến hành một chiến dịch như vậy.
Rõ ràng có thể kết luận rằng cuộc đua tới chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không hề xét đến tầm nhìn hay bản lý lịch đẹp nhất, kĩ năng ngoại ngữ, năng lực điều hành tốt nhất, hay thậm chí cả uy tín cá nhân. Nó là một quyết định mang tính chính trị, chủ yếu do các nước P5 thỏa hiệp. (Suy cho cùng, một khi đã dành được sự ủng hộ của P5 thì ứng cử viên đó khó có thể thất bại trong việc giành đa số phiếu bầu ở Hội đồng Bảo an, bởi các nước có quyền bỏ phiếu không giới hạn).
Kết quả là ứng viên “ít bị chối bỏ nhất” sẽ chiến thắng. Và trong hoàn cảnh hiện tại, chẳng có lý do gì để tin rằng sự ra đời của truyền thông xã hội, phủ sóng truyền hình vệ tinh, hay một nền báo chí dấn thân sâu sát hơn có thể thay đổi được thực trạng căn bản này.
Năm 2016, nhiều khả năng nhất sẽ là một ứng cử viên đến từ Đông Âu mà các nước P5, đặc biệt là Nga cho là chấp nhận được. Thỏa thuận lựa chọn ứng cử viên như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Điều rõ ràng ở đây là bất cứ người tranh cử nào không phù hợp với tiêu chuẩn đó sẽ bước vào cuộc đua với một bất lợi đáng kể, dù không hẳn là không thể khắc phục được.
Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là Nghị sĩ của Đảng Quốc Đại Ấn Độ, và là Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề: “Ấn Độ và Thế giới trong thế kỷ 21” (India and the World of the 21st Century).
Liên Hợp Quốc trước chủ nghĩa bảo thủ của các cường quốc
Posted on 11/08/2015 by The Observer
Nguồn: Bertrand Badie, “Les Nations unies face au conservatisme des grandes puissances,” Le Monde diplomatique, 06/2015. Biên dịch: Lý Vân Anh | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã từng mất ăn, mất ngủ vì lo ngại Quốc hội Hoa Kỳ sẽ từ chối phê chuẩn văn kiện thành lập Liên Hợp Quốc mà chính ông là một trong những người khởi xướng khi Thế chiến II kết thúc. Nguy cơ này là có thật do người tiền nhiệm của ông, Woodrow Wilson, đã từng nếm trái đắng một phần tư thế kỷ trước đó, mặc dù Wilson là người đi tiên phong trong việc thành lập Hội Quốc Liên.[1] Nên nhớ rằng các nghị sỹ Hoa Kỳ luôn bảo vệ quyết liệt một học thuyết cổ điển là không ai có thể thay thế nhân dân trong việc xây dựng luật pháp: dù là luật quốc tế hay một tổ chức đa phương nào đó cũng sẽ không bao giờ có thể thay đổi, chứ chưa nói đến là làm triệt tiêu chủ quyền quốc gia. Vào thời điểm đó, người ta đã tranh cãi rất nhiều về vị trí của tổ chức quốc tế được cải tổ từ Hội Quốc Liên này. Những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, 60 năm sau, hẳn vẫn còn nhớ về điều đó.
Để thuyết phục Quốc hội ủng hộ, Tổng thống Roosevelt đã không ngần ngại đề xuất quyền phủ quyết dành cho các cường quốc lúc bấy giờ, thực chất là các nước thắng trận, ý tưởng này lập tức được Joseph Stalin hưởng ứng.[2]
Để cho ổn thỏa, quyền phủ quyết được mở rộng thêm cho ba nước là Anh, Pháp, và Trung Quốc, coi như là dành cho châu Âu một vị trí nhất định, và không quên châu Á, nơi chiến tranh thế giới kết thúc. “Câu lạc bộ 5 nước,” những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã ra đời như vậy. Vô hình trung, sự bất bình đẳng về quyền lực được hợp thức hóa, và tất cả các quyết định đa phương quan trọng từ nay đều phải đặt dưới quyền quyết định của các siêu cường. Vậy là chủ nghĩa đa phương dường như chết yểu ngay từ khi sinh ra. Chủ nghĩa song phương và những hệ quả tai hại của nó bị loại bỏ, ý tưởng về an ninh tập thể được thiết lập, nhưng quá khứ không hoàn toàn bị xóa bỏ: thông qua nhóm 5 nước, cuộc chơi sức mạnh vừa bị tống cổ qua cửa trước, đã nhanh chóng quay trở lại bằng cửa sau.
Bối cảnh và sự phát triển của nó càng ngày càng trầm trọng. Chiến tranh Lạnh khiến việc sử dụng quyền phủ quyết trở thành một công cụ đối đầu quen thuộc giữa các “nước lớn.” Đến tháng 5/2014, ước tính không dưới 272 lần thứ vũ khí chiến tranh ngoại giao này đã được sử dụng: Mỹ sử dụng 83 lần, đặc biệt là trong vấn đề Palestine, và Moskva sử dụng 130 lần. Khi Liên Xô tan rã năm 1991, hiệu ứng càng rõ rệt hơn từ một khía cạnh khác: 83% các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được đưa ra bởi các thành viên phương Tây, trong khi hai nước còn lại chỉ đóng vai trò thụ động.
Hội đồng Bảo an, hạt nhân của chủ nghĩa đa phương Liên Hợp Quốc, đã trở thành nơi đối đầu hay câu lạc bộ quý tộc, có vai trò ngày càng xa rời với những dự án hòa bình. Nhất là khi tình hình thế giới trước kia không còn giống với ngày nay: từ 51 nước thành viên sáng lập, con số thành viên Liên Hợp Quốc ngày nay đã lên tới 193; từ một thế giới chỉ có châu Âu và Mỹ, giờ đây đã phát triển thành một thế giới mà các nước phương Nam càng ngày càng áp đảo về số lượng. Chưa kể đến việc những cường quốc năm 1945 không còn là các cường quốc của năm 2015 và những thách thức trước kia khác xa với những bất ổn của thế giới ngày nay.
Sự khác biệt giữa chủ nghĩa đa phương lý tưởng với chủ nghĩa đa phương thực tế càng rõ nét, nhất là khi chủ nghĩa đa phương thực tế được sinh ra từ bộ máy vận hành trên cơ sở chủ nghĩa bảo thủ. Những nước bại trận trước kia cuối cùng cũng đã thoát ra khỏi sự trừng phạt, chẳng hạn Nhật Bản, nay là nước đóng góp tài chính lớn thứ hai cho Liên Hợp Quốc, hay Đức, nền kinh tế đứng thứ tư thế giới; hay Ấn Độ, nước đông dân thứ hai trên thế giới, theo sau là Brazil, và là hai ứng cử viên hàng đầu của câu lạc bộ quân sự thế giới. Châu Phi và các nước Ả rập cũng đều đang ở trung tâm của những xung đột quốc tế hiện nay.
Trên thực tế, thời đại chúng ta đang đối mặt với hai bế tắc lớn. Một mặt, người ta tiếp tục tin vào sức mạnh, nhưng sức mạnh lại đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng: chỉ khi các “nước lớn” đồng thuận thì mới cho phép giải quyết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Điều này dẫn tới việc các nước liên quan trực tiếp có ít vai trò, việc sử dụng vũ lực bị lạm dụng và các vấn đề xã hội và phát triển ít được quan tâm. Những vấn đề xã hội và phát triển luôn nằm ngoài lề Hội đồng Bảo an, chúng được bàn thảo trong khuôn khổ Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC), một tổ chức mà không mấy ai còn tin tưởng do hoạt động ngày càng kém hiệu quả. Mặt khác, sức mạnh bị thổi phồng này vẫn hoạt động theo một cách lỗi thời là dựa vào lực lượng quân sự và tỉ lệ đại diện từ thời trước toàn cầu hóa: ảo tưởng về tính hiệu quả của quân sự được duy trì suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh giờ đây đã không còn, chỉ cần nhìn vào kết cục của các chiến dịch can thiệp gần đây sẽ thấy.
Quyền phủ quyết, vũ khí chiến tranh ngoại giao
Trong bối cảnh như vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi cái vòng luẩn quẩn được lặp đi lặp lại: Càng nhiều dự thảo cải tổ Hội đồng Bảo an được đưa ra, nhóm 5 nước càng cho thấy họ sẽ sử dụng quyền phủ quyết khi cần thiết để vô hiệu hóa chúng.[3] Người ta sẽ sớm nhận thấy rằng Liên Hợp Quốc đã được xây dựng như một bộ máy không thể cải tiến được, và những nước sáng lập đã làm những gì cần thiết để đạt được điều đó. Những thắng lợi hiện nay trong việc cải tổ Liên Hợp Quốc thực ra chỉ có tính khoa trương, chẳng hạn như lễ kỷ niệm “60 năm” Liên Hợp Quốc, mà Tổng thư ký Kofi Annan (1997-2006) đã từng hi vọng trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình. Mặc dù Hội đồng nhân quyền và Ủy ban gìn giữ hòa bình được thành lập, nhưng kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn; điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà các thành viên của câu lạc bộ chỉ đồng thuận ở một điểm duy nhất là không thay đổi gì hết.
Như trong mọi bế tắc, mỗi người sẽ tự tìm ra con đường của mình. Gần đây, nhóm “Elders” (nhóm các cựu lãnh đạo chính trị), mà ông Kofi Annan hiện là chủ tịch, vừa đưa ra những đề xuất cải tổ chính.[4] Việc xóa bỏ hoàn toàn quyền phủ quyết là không thể:[5] vấn đề chủ yếu hiện nay là kiềm chế quyền này như thế nào; tương tự như vậy, ý tưởng tăng số lượng thành viên thường trực – có nguy cơ đông hơn cả các thành viên không thường trực – sẽ sớm thất bại. Ngược lại, nhóm “Elders” đề xuất việc không áp dụng quyền phủ quyết trong trường hợp tội ác chống lại loài người và cho ra đời một nhóm các nước trung gian trong Hội đồng Bảo an mà nhiệm kỳ có thể được kéo dài nhiều lần. Ý tưởng này có vẻ được các nước ưng thuận, nhất là các lãnh đạo phương Tây. Nhưng ai là người sẽ quyết định một sự việc sẽ rơi vào trường hợp “tội ác chống lại loại người”, ai có thể ngăn cản việc nước này hay nước kia tùy tiện quyết định vì lợi ích của riêng mình? Ngoài ra, nước nào sẽ được nằm trong “danh sách trung gian” các thành viên bán thường trực của Hội đồng bảo an? Đây sẽ là những vấn đề đau đầu cần giải quyết.
Cũng may là dự thảo của nhóm “Elders” còn đề cập tới hai vấn đề khác, tuy ít gây tranh cãi hơn, nhưng cũng khá nhạy cảm. Đầu tiên là quy chế của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thường bị các siêu cường dè chừng và kiểm soát. Đã từng có thời Liên Xô không vừa lòng với Tổng thư ký Hammarskjöld (1953-1961) đến mức còn tính đến việc bầu ra hai tổng thư ký thay vì một. Về phần mình, Hoa Kỳ đã thẳng tay trừng phạt ông Boutros Boutros-Ghali (1992-1996), bị coi là quá độc lập, bằng việc khước từ nhiệm kỳ thứ hai của ông; Mỹ cũng từng khiến ông Annan khốn khổ chỉ vì tội không ủng hộ những sai lầm khủng khiếp của nước này tại Iraq năm 2003. Vấn đề thực sự nằm ở các nguyên tắc: Liên Hợp Quốc là một hiệp hội các quốc gia do các siêu cường lãnh đạo hay là một thiết chế độc lập cần thiết cho phép tổ chức này có đủ tư cách để nói, hành động và đại diện?
Nếu nhìn vào Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua vào tháng 6/1945, và nhìn vào những nước sáng lập, ta có thể thấy tổng thư ký chỉ là người đứng đầu bộ máy hành chính: đó chính là điều mà những nhà tân bảo thủ muốn nhắc nhở khi lựa chọn một nhân vật mờ nhạt và ngoan ngoãn là Ban Ki-moon vào vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc năm 2007. Nhưng rõ ràng là Liên Hợp Quốc sẽ không thể có sức mạnh nếu người đứng đầu chỉ có nhiệm vụ điều phối công việc của những người lau dọn Nhà kính.[6] Quan trọng hay không là ở khả năng độc lập của người nắm vai trò. Nhóm “Elders” đã đúng khi đề xuất kéo dài nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thành 7 năm và không được bầu lại: điều này cho phép tổng thư ký mạnh tay hành động mà không phải lo lắng về việc có được bầu lại hay không. Nhưng chắc gì một số siêu cường đã không nhận ra đây là một cái bẫy!
Nội dung thứ hai được đề xuất là sự tham gia của các đối tác xã hội. Ý tưởng này đã có từ thời ông Annan, người luôn vận động cho “chủ nghĩa đa phương xã hội” và “chủ nghĩa đa phương mở”. Đây là một thách thức lớn trên thực tế: hạn chế sức mạnh độc quyền của quốc gia, với việc công nhận quyền đại diện, thậm chí quyền đồng quyết định, của các đối tác phi quốc gia, ngay cả khi vấn đề muôn thuở là tính đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) được đặt ra; thừa nhận rằng toàn cầu hóa khiến cuộc chơi không còn chỉ bao gồm quan hệ giữa các quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh “công thức Arria” (lấy theo tên của Đại sứ Venezuela tại Liên Hợp Quốc Diego Arria), cho phép các nhóm xã hội được tham dự các cuộc họp tại Hội đồng Bảo an về các chủ đề liên quan đến họ.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn rộng hơn. Hiến chương Liên Hợp Quốc ra đời trong một giai đoạn mà quan hệ quốc tế có thể dẫn tới sự đối đầu giữa các nước. Thế giới đã thay đổi: những căng thẳng quốc tế chủ yếu hiện nay đều xuất phát từ những mâu thuẫn xã hội. Khi chỉ chăm chăm vào khía cạnh chính trị-quân sự, Hội đồng Bảo an sẽ không nhìn thấy được điều cốt yếu nảy sinh từ sự phân hóa trong xã hội, như thất bại trong bảo đảm an ninh con người, nạn đói, biến đổi khí hậu, các vấn đề y tế trầm trọng, bất bình đẳng về tăng trưởng. Giờ không còn là thời kỳ mà số lượng tên lửa là quan trọng, mà là thời kỳ của những quan hệ “liên xã hội”; và chúng ta cần phải biết quản lý chúng.
Ông Annan đã cảm nhận được điều này giống như người tiền nhiệm của mình là ông Boutros-Ghali, khi viết Chương trình nghị sự hòa bình (Agenda for peace) để đề xuất một cách thức giải quyết xung đột mới, khiến cho Mỹ tức giận.[7] Mở cửa cho các đối tác xã hội là một điều tốt, nắm bắt các thách thức xã hội và giải quyết chúng còn quan trọng hơn. Ngoài ra còn phải kể đến những nỗ lực nhằm gắn các doanh nghiệp lớn với Liên Hợp Quốc thông qua Hiệp ước toàn cầu (Global Compact).[8] Vai trò của các tập đoàn lớn đã được công nhận, nhưng hệ thống luật lệ hiện có còn lâu mới có thể quản lý được khu rừng cạnh tranh giữa các tập đoàn đa quốc gia.
Những mục tiêu này có lẽ sẽ vấp phải chủ nghĩa bảo thủ của các quốc gia, bởi cách tiếp cận “liên xã hội” thay vì “liên quốc gia” sẽ đe dọa tới cấu trúc hiện nay. Nhận định này lại khiến chúng ta bi quan vì cái vòng luẩn quẩn sẽ tái diễn: vào lúc Liên Hợp Quốc cần cải tổ, trò chơi quyền lực lại đưa tất cả về nguyên trạng.
Tuy nhiên, theo trường phái thể chế tự do thì đây là lúc mà hợp tác sẽ có lợi hơn cho các quốc gia.[9] Logic cường quốc, cũng như logic chủ nghĩa đơn phương, không còn là công thức hữu hiệu. Đối với Mỹ, hệ lụy từ việc triển khai các chính sách tân bảo thủ là vô cùng đắt giá, thậm chí nhục nhã; trong khi đó tại châu Âu, và nhất là ở Pháp, nhiều người vẫn còn luyến tiếc một cách lạ lùng.
Từ đó ta có thể hình dung ra các điều kiện cần thiết để chữa cho Liên Hợp Quốc khỏi căn bệnh trầm kha hiện nay, điều này không phải là không thực hiện được. Có ba yếu tố cần phải tính đến.
Thứ nhất, đánh giá lại những hậu quả mà hành động đơn phương gây ra: trong bối cảnh toàn cầu hóa, hành động đơn phương không thể tránh khỏi việc gây ra thiệt hại, và chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, bằng việc chú trọng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, chẳng hạn như với Iran, cho thấy nước Mỹ bắt đầu nhìn thấy những hậu quả của hành động đơn phương.
Thứ hai, xây dựng lại lòng tin giữa những “nước lớn”: bối cảnh đã thay đổi và thời kỳ tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt là thời Tổng thống Clinton (1993-2001), đã bị phí hoài bởi những chính sách đối ngoại tầm thường.
Thứ ba, đưa các quốc gia vừa và nhỏ trở lại hệ thống đa phương mà họ đã từng tín nhiệm và rồi thất vọng: điều này đòi hỏi phải xóa bỏ một số nhóm nước như G8 (nay trở lại là G7) và vô số những nhóm liên lạc được lập ra mỗi khi có xung đột trên thế giới.[10]
Đặt cược vào luật lệ hoặc đoàn kết xã hội
Để giải quyết vấn đề, có lẽ phải quay trở lại từ gốc rễ, nhằm xây dựng lại chủ nghĩa đa phương đã bị bóp nghẹt từ khi ra đời. Ý tưởng sẽ khiến nhiều nước lo sợ này dựa trên hai trường phái tư tưởng.
Trường phái tư tưởng thứ nhất là chủ nghĩa tự do Wilson, theo đó, chỉ những quy tắc và luật lệ, giống như những quy tắc và luật lệ hòa bình dân sự, mới có thể tạo dựng nên hòa bình quốc tế: kinh nghiệm cho thấy cách tiếp cận này là không đủ. Trường phái tư tưởng thứ hai thường bị bỏ qua, mặc dù nó đã trở thành di sản tư tưởng của Pháp: chủ nghĩa đoàn kết xã hội Durkheim (solidarisme – còn được dịch là chủ nghĩa liên đới), được Léon Bourgeois, Albert Thomas, hay Aristide Briand phát triển trên bình diện quốc tế, xuất phát từ ý tưởng cho rằng chỉ có đoàn kết xã hội quốc tế mới có thể thúc đẩy hòa bình thế giới.
Bertrand Badie là Giáo sư tại Đại học Sciences Po Paris, và là tác giả của cuốn sách có nhan đề Le Temps des humiliés: Pathologie des relations internationales, Odile Jacob, Paris, 2014.
——————-
[1] Quốc hội Hoa Kỳ đã từ chối phê chuẩn Hiệp ước Versailles và sự tham gia của Hoa Kỳ vào Hội Quốc Liên.
[2] Mặc dù Roosevelt qua đời ngày 12/04/1945, ít ngày trước khai mạc Hội nghị San Francisco ngày 24/04, ông đã vạch ra những nguyên tắc lớn cho hoạt động của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị Dumbarton Oaks (8-10/1944) và đã đề xuất nguyên tắc phủ quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh Yalta (2/1945).
[3] Điều 109-2 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định mọi sửa đổi đều phải được 2/3 số thành viên phê chuẩn, gồm tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
[4] http://theelders.org
[5] Cuối năm 2014, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã giao cho người tiền nhiệm của mình là Hubert Védrine (1997-2002) một báo cáo về quyền phủ quyết.
[6] Nhà kính là tên gọi được đặt cho trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York.
[7] Mỹ đã đe dọa sử dụng quyền phủ quyết để ông Annan không thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai.
[8] Xem thêm Christian G. Caubet, “Liaisons dangereuses avec le monde des affaires” (Những liên kết nguy hiểm với giới kinh doanh), Le Monde diplomatique, 9/2005.
[9] Chủ nghĩa thể chế tự do là một trường phái trong khoa học quan hệ quốc tế Mỹ mà đại diện tiêu biểu là Robert Keohane. Các công trình nghiên cứu của ông chỉ ra rằng ngày nay, hợp tác sẽ có lợi cho các quốc gia hơn là chỉ theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình. Xem Robert Keohane, After Hegemony, Princeton University Press, 2005 (1st ed.: 1984).
[10] Xem Anne-Cécile Robert, “Qui veut étrangler l’ONU?“ (Ai muốn bóp nghẹt Liên Hợp Quốc ?), Le Monde diplomatique, 02/2012.
Tại sao các chính phủ cần liên tục đổi mới?
Posted on 08/03/2015 by The Observer
Nguồn: Mohammed bin Rashid Al Maktoum, “Renovate or Stagnate”, Project Syndicate, 04/02/2015.
Biên dịch: Vũ Trọng Bằng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Các công ty, cũng như con người, đều già đi. Chúng khởi đầu với quy mô nhỏ và muốn sống sót, được tiếp sức bởi nguồn năng lượng tuổi trẻ và những ý tưởng mới lạ. Chúng cạnh tranh, mở rộng, trưởng thành, và – trừ một vài ngoại lệ – đều lùi vào lãng quên. Điều này cũng đúng với các chính phủ: Họ cũng có thể làm mất sự khao khát và tham vọng của tuổi trẻ và tự hài lòng với chính mình.
Hãy suy nghĩ về việc này: Chỉ 11% những công ty trong danh sách Fortune 500 của năm 1955 vẫn còn tồn tại ngày nay. Thời gian trung bình mà các công ty nằm trong danh sách top 500 đã giảm từ 75 xuống 15 năm. Trong thời đại đầy biến đổi này, những ai tụt hậu sẽ bị gạt sang một bên – chỉ trong chốc lát. Những quốc gia mà chính phủ trở nên già cỗi phải đối mặt với số phận chung với những công ty già cỗi. Lựa chọn quả họ là đơn giản: đổi mới hay thụt lùi.
Cuộc chạy đua về sức cạnh tranh giữa các quốc gia cũng khốc liệt như cuộc cạnh tranh giữa những công ty trên thị trường. Các quốc gia cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư, các nhân sự tài năng, mức tăng trưởng và cơ hội trong một thế giới toàn cầu hóa. Những quốc gia bị đẩy ra khỏi cuộc chơi phải từ bỏ những phần thưởng lớn nhất: Sự phát triển về con người, sự thịnh vượng, và hạnh phúc cho người dân của họ.
Để tránh viễn cảnh này, các chính phủ phải tập trung vào điều quan trọng: Làm thế nào để trở thành số 11% những công ty đã lưu lại trong danh sách top 500 qua hàng thập kỷ. Vòng đời của các công ty có thể dạy cho các chính phủ rằng bí quyết của sự trẻ trung vĩnh viễn là không ngừng đổi mới – tóm lấy cơ hội và hành động như những công ty năng động vốn đang định hình thế giới ngày nay và tương lai của nó.
Chìa khóa cho sự trẻ hóa của các tập đoàn, sự tiến hóa của những nền văn minh, và phát triển con người nói chung là đơn giản: đổi mới. Tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên khi các chính phủ cho rằng họ là ngoại lệ của quy luật này. Sự đổi mới trong chính phủ không phải là một thứ xa xỉ của giới học giả, hay một chủ đề gói gọn trong các cuộc hội thảo, hoặc một vấn đề chỉ của cải cách hành chính. Nó là công thức cho sự sống sót và phát triển của loài người, là nhiên liệu cho sự phát triển, và bản vẽ cho sự trỗi dậy của một đất nước.
Chìa khóa đầu tiên cho sự đổi mới tương tự như của các doanh nghiệp trong chính phủ là tập trung vào kỹ năng. Những công ty hàng đầu liên tục đầu tư vào những nhân viên của họ để giúp nhân viên có những kỹ năng phù hợp với thị trường. Các chính phủ phải làm điều tương tự, bằng cách liên tục nâng cấp kỹ năng và nuôi dưỡng đổi mới – đối với những nhân viên của họ, trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế, và tại nền tảng của hệ thống giáo dục. Những chính phủ nào thất bại trong việc trang bị cho các thế hệ mới những kỹ năng cần thiết để trở thành lãnh đạo trong thời kỳ của họ thì có nghĩa là đang tự đày mình vào chỗ bị dẫn dắt bởi những xã hội nhiều đổi mới hơn.
Một nghiên cứu của Bộ Lao động của Hoa Kỳ chỉ ra rằng 65% trẻ em đang học tại trường tiểu học sẽ lớn lên và làm những công việc không tồn tại ngày nay. Một nghiên cứu khác của đại học Oxford chỉ ra rằng 47% công việc đang có nguy cơ ngừng tồn tại cao bởi chúng có thể được thực hiện tự động thông qua công nghệ.
Thế làm sao chúng ta có thể chuẩn bị con cháu và thế hệ tương lai của chúng ta cho những thời kỳ như vậy? Làm sao chúng ta có thể trang bị quốc gia của chúng ta để cạnh tranh, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong những thập niên sắp tới? Câu trả lời nằm ở việc rèn luyện tính sáng tạo của trẻ em chúng ta, và cung cấp cho các em những kỹ năng phân tích và giao tiếp cần thiết để làm việc có hiệu quả.
Chìa khóa thứ hai để biến các chính phủ thành những động cơ cho sự đổi mới là thay đổi cán cân đầu tư sang những tài sản vô hình, như trong khu vực tư nhân. Bốn mươi năm trước, 80% giá trị của chỉ số Standard&Poor’s 500 bao gồm những tài sản hữu hình. Ngày nay tỷ lệ đó được đảo ngược: hơn 80% giá trị của những công ty lớn nhất là những tài sản vô hình – kiến thức và kỹ năng của những người lao động và quyền sở hữu trí tuệ trong những sản phẩm của họ.
Các chính phủ cũng nên lên chiến lược thay đổi chi tiêu rời xa những cơ sở hạ tầng hữu hình như đường và các công trình, sang những tài sản vô hình như giáo dục và nghiên cứu và phát triển.
Việc Hoa Kỳ và Châu Âu đã chi tới hơn 250 tỉ đô la công quỹ hàng năm cho nghiên cứu và phát triển để giữ vị trí dẫn đầu không phải là bí mật. Cũng như vậy, chìa khóa của sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia như Singapore, Malaysia và Hàn Quốc chính là quyết định chiến lược của họ trong việc chuyển chi tiêu công từ cơ sở hạ tầng “cứng” sang cơ sở hạ tầng “mềm” cần thiết để xây dựng và duy trì một nền kinh tế tri thức. Cũng như vậy, Chính phủ Anh chi ngân sách vào tài sản vô hình nhiều hơn hẳn vào tài sản hữu hình.
Phần lớn những công ty thức thời ngày nay được biết đến bởi văn hóa doanh nghiệp mang tính đổi mới và môi trường làm việc tiếp cảm hứng và năng lượng cho nhân viên. Những chính phủ nào tiêu biểu cho sự đổi mới sẽ có sức mạnh để xây dựng một nền văn hóa sáng tạo trên cả nước. Khi văn hóa đó thấm sâu vào xã hội, mọi người sẽ có cảm hứng để theo đuổi những ý tưởng của họ, đặt tham vọng của họ cao hơn, và theo đuổi những giấc mơ lớn hơn. Đó là cách các quốc gia khuyến khích sự đổi mới đi đầu – và tiếp tục đi đầu.
Để duy trì sự đổi mới, các doanh nghiệp cần thu hút và giữ lại những bộ óc sáng tạo và có hiệu quả nhất. Trong thời đại tự do di chuyển toàn cầu này, các quốc gia còn đối đầu nhau trong cuộc chiến giành tài năng. Các thành phố trên thế giới cạnh tranh để tạo ra một cuộc sống lý tưởng và môi trường làm việc cho những nhà đổi mới, và để sử dụng sự sáng tạo của họ nhằm trở nên mạnh hơn và có sức cạnh tranh lớn hơn.
Các chính phủ cũng làm điều tương tự trên bình diện quốc gia. Họ thu hút các tài năng, hoạt động hiệu quả, và liên tục nâng cấp bộ máy và các dịch vụ. Họ tiếp sức cho người dân để nuôi dưỡng năng lượng tập thể và phát triển tiềm năng của dân chúng. Điều đó lại trở thành những động cơ cho sự phát triển và tiến bộ trên vũ đài quốc tế của đất nước. Trên hết, các chính phủ này coi trọng khối óc của con người và giúp mọi người trở thành những người bảo vệ và xây dựng tốt hơn cho hành tinh này.
Đối với các chính phủ, đổi mới là một câu hỏi sống còn. Chỉ có những quốc gia nào duy trì sự đổi mới mới có thể thúc đẩy thay đổi thế giới này, bới vì họ là những chính phủ không bao giờ già cỗi.
Mohammed bin Rashid Al Maktoum là phó tổng thống, thủ tướng của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, và là Thống đốc Dubai.
Những người lính một thời bị lãng quên: Viết Lại Lịch Sử
Viết Lại Lịch Sử Video
Secret Army Secret War Video
Đứng Đầu Ngọn Gió Video
Con Người Bất Khuất Video
Dấu Chân Biệt Kích Video
Kiểm Lại Hồ Sơ Biệt Kích Video
The Secret war against Hanoi Richard H. Shultz Jr.
Binh Thư Yếu Lược Trần Quốc Tuấn
Wall Street and the Bolshevik Revolution Antony C. Sutton
Wall Street and the Rise of Hitler Antony C. Sutton
None Dare Call It Conspiracy Gary Allen
Confessions of an Economic Hit Man John Perkins
The World Order Eustace Mullin
Chính Đề Việt Nam Tùng Phong (dịch)
OSS vào Việt Nam 1945 Dixee R. Bartholomew - Feis
Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam Bình Nguyên Lộc
The World Order Eustace Mullin
Silenced! The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the USA. Juan Gonzales
Valse Andy Wong . Viennese Valse . DrDance . Danptner . Dispatch
Bee Gees . Rolling Stones . Animals . Shadow . Ventures
US Senator John McCain , Kim Âu Hà văn Sơn
NT Kiên , UCV Bob Barr, Kim Âu Hà văn Sơn
NT Kiên , Kim Âu Hà văn Sơn, Ross Perot Cố Vấn An Ninh Đặc Biệt của TT Reagan và NT Sám
Người Việt Seatle