Không gì nguy hiểm hơn bạn bè ngu dốt; tôi thà có kẻ thù khôn.
Nothing is as dangerous as an ignorant friend; a wise enemy is to be preferred.
La Fontaine
THỬ NGHIỆM MỘT CÁCH VIẾT TỰA CHO TẬP THIÊN SỬ
THI CỦA NGƯỜI VƯỢT BIỂN CỦA ĐÀO VĂN BÌNH
CUNG TRẦM TƯỞNG
Theo một ước lượng có độ chính xác cao, để có được một triệu thuyền nhân Việt Nam may mắn đến được bến bờ tự do, khoảng 500.000 đồng bào xấu số của họ đã phải bỏ mình dưới đáy biển. Trong lịch sử loài người chưa có một cuộc viễn dương nào đã phải trả một giá đắt đến vậy.
Với cuộc thủy táng tập thể vĩ đại ấy và muôn vàn gian nan khổ ải cùng nguy khốn thập tử nhất sinh, nhưng không thiếu những tấm gương dũng cảm phi thường trên đường đi tìm tự do của mình, người vượt biển Việt Nam đã viết nên một thiên sử thi bi hùng có tầm vóc một Odyssey cổ Hi Lạp hay chuyến Quá Hải trong Cựu Ước của dân tộc Do Thái. Nó đánh động lương tâm thế giới, khiến hàng chục quốc gia và hơn một tổ chức nhân đạo tư nhân đứng ra phát động một chiến dịch cứu vớt và cưu mang thuyền nhân Việt Nam trên một quy mô toàn cầu hiếm thấy.
Trước một sự kiện lịch sử loài người trọng đại như vậy mà không hiểu tại sao chúng ta chỉ thấy xuất hiện trên văn đàn Việt Nam hải ngoại trong trên ba thập niên qua lác đác một số truyện ngắn, tiểu hồi kí, bài văn, bài thơ mà kích thước hạn chế và tính rời rạc không cho phép chúng ôm lấy hết cái tầm vóc vĩ đại phi thường của sự kiện. Sự ngạc nhiên của chúng ta tăng thêm khi mang so sánh cảnh tượng văn chương èo uột này với sự xuất hiện sầm uất trong cùng thời gian của một rừng tác phẩm hải ngoại viết về đủ thứ linh tinh, nhưng không mấy đoái hoài đến đề tài vượt biển của đồng bào thuyền nhân mình.
Phải chăng sự thờ ơ văn học ấy xuất phát từ lí do là ta chưa có truyền thống yêu biển nên chưa tạo được một văn hóa biển quy mô, hoàn chỉnh tương ứng với cái lợi thế địa lí mà tạo hóa ban cho đất nước chúng ta. Cái lợi thế làm nên bởi sự trù phú vật chất biển mang đến và vẻ đẹp hùng vĩ của một hải ngạn dài áp sát cái bát ngát mênh mông kích thích mộng tưởng, mời gọi viễn du của biển lớn, với một chuỗi hạt ngọc xâu nên bởi những danh lam thắng cảnh, hòn chồng, động núi, vịnh nước sâu, bãi cát vàng, rừng dừa xanh và một quần thể động vật thủy sinh muôn màu, muôn vẻ: tất cả cấu thành một sơn thủy hữu tình, hoành tráng lôi cuốn khách thưởng ngoạn tứ phương.
Trước một cảnh tượng văn học mất cân đối và nghịch lí như vậy, chúng ta cần phải trân quý bất cứ tác phẩm quy mô nào viết về đề tài vượt biển của các đồng bào thuyền nhân của chúng ta. Chẳng hạn như hai tập Thủy Mộ Quan của Viên Linh và Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển của Đào Văn Bình.
Bài viết này giới hạn phạm vi vào tác phẩm của Ðào Văn Bình. Tác giả vừa là một cựu tù nhân chính trị bị cộng sản giam cầm trong tám năm, vừa là một cựu thuyền nhân ra đi tìm tự do. Trải nghiệm này của một thi nhân-thuyền nhân-nạn nhân chính trị tạo cho ông một lợi thế để xây dựng một cái nhìn trực cảnh, in vivo, sâu sát, tường tận vào nội tình phức tạp của sự việc.
Thay vì là một sử tích đơn hồi như thể loại sử thi cổ điển, Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển (TSTCNVB) được cấu trúc bằng sự tập hợp của một số bài thơ trường thiên có tựa đề khác nhau nhưng cùng phục vụ chung một tư tưởng chủ đạo là nỗi khát vọng tự do đan xen với một tình tự căm thù cộng sản và một tinh thần liên đới đồng hội đồng thuyền của tập thể người vượt biển. Mỗi bài thơ hay cụm bài thơ giữ vai trò một chương của truyện kể. Hay nói cách khác, mỗi đơn vị là một bộ phận cấu thành của toàn hệ, và tất cả vận động đồng đại trong một gắn bó hữu cơ nhằm đảm bảo tính nhất quán của toàn hệ.
Cách cấu trúc phân hồi trên làm cho TSTCNVB gần với thể loại tự sự (narrative), một nghệ thuật kể lại sự việc một cách có bài bản, thông qua một cốt truyện tương đối hoàn chỉnh. Nỗ lực canh tân thể loại sử thi cổ điển này của tác giả đáng được hoan nghênh, giúp cho sự phục hồi của thể loại bị bỏ quên ấy, khoác cho nó một cung cách mới tương ứng với cái bản chất đa nguyên thường hay nhiễu nhương của thời đại chúng ta. Nói cách khác, thi nhân không thể cứ tiếp tục sáng tác với một thế giới quan chân phương, đơn giản như của thời sử thi cổ điển xa xưa. Ðể có được một giá trị hiện đại, thi nhân phải mất đi một phần nào sự trong sáng và bình dị của mình.
Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển là một tập đại thành của 45 bài thơ với tổng số câu là 1179.
Thời gian sử dụng trong tác phẩm là thời gian tuyến tính: sự việc được kể lại theo thứ tự trước sau của thời gian lịch sử.
Khởi đầu là cái đêm ấy cả miền Nam đất nước đang đắm chìm dưới bóng phủ âm u của một chế độ bạo tàn coi dân tộc nó là một kẻ thù: "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời cộng sản mới thương dân mình". *
Chế độ đó ngày càng trở nên hà khắc đến mức hàng triệu người dân phải bỏ nước ra đi tìm tự do ở các nước phương Tây. Việc chuẩn bị cho chuyến vượt biển được mô tả với những chi tiết sống động như hiện thực ngoài đời, trong âm thầm, lén lút, hồi hộp, âu lo, đa nghi, cảnh giác và với một tinh thần tương trợ khắng khít giữa các người bỏ trốn. Họ bán nhà, mua vàng, mua bãi, đóng "thuyền ba block", chọn điểm hẹn và "ngày đánh", tức ngày lên đường.
Cảnh tượng "chôn dầu vượt biển" được dựng lại trong một không khí ngột ngạt, dị ảo, "dưới ánh trăng rờn rợn" và với một ý thơ độc đáo và ngộ nghĩnh:
Dầu ơi dầu thân thương
Dầu là máu vượt biên
Dầu là nguồn hi vọng
Dầu đưa đến thiên đường
Do phải đối phó với những thử thách của một môi trường thù nghịch tạo nên bởi dã tâm của đám cảnh sát biển cộng sản sẵn sàng nổ súng vào những chiếc tàu thuyền nhân xộc xệch, quá tải và mối đe dọa ngột ngạt, nơm nớp của hiểm họa hải tặc và bão tố đã cướp đi nửa triệu sinh mạng đồng bào mình, cuộc phiêu lưu của thuyền nhân Việt Nam có tầm mức, dáng vóc và sắc thái một hành trình Quá Hải đầy tính sử thi.
Mà nói đến sử thi là nói đến một cái gì vĩ đại, ngoại khổ, vượt bực, phi thường. Như cái khổ của thuyền nhân Việt Nam chẳng hạn. Một cái khổ ở mức tối đa khó có thể chịu được - một cực khổ, khốn khổ. Cái bi của họ cũng vậy: nó được làm nên bởi những bất hạnh ghê gớm, những mất mát không sao bù đắp được hóa nó thành cái bi đát, tức một nỗi buồn làm rầu gan rối ruột. Cái khủng khiếp thì cực kì, hãi hùng thì thái quá, vượt ngoài sức tưởng tượng và làm bại liệt trí năng.
*Những câu trong ngoặc kép được trích từ TSTCNVB
Ta có cảm giác như đang xem một vở kịch của phi lí được dựng nên bởi một soạn giả bị ám ảnh bởi cái lương tri tận thế - conscience catastrophique. Ở một tình huống ngặt nghèo, thập tử nhất sinh, khi ngọn lửa thắp lên lúc đầu bởi lời hứa thiên đàng của dầu lụi đi và nhường chỗ trong tâm linh cho một cảm giác tuyệt vọng (despair) hóa vô vọng (hopelessness), lựa chọn tối hậu là đánh cuộc với sự rủi ro, phó thác đời mình cho quyết định của số mệnh, tức là một cái gì phiêu linh mù mờ ở ngoài tầm với của lí trí và các công cụ khác của tri năng.
Tuy nhiên, dù biết rằng chuyến phiêu lưu của mình là đầy bất trắc hiểm nguy khiến mình có thể chết mất xác giữa bát ngát biển khơi, đồng bào thuyền nhân của chúng ta vẫn cứ lớp lớp - khoảng một triệu rưởi người - bỏ nước ra đi chỉ vì với họ, thà chết vì tự do ở biển chứ không chịu sống làm nô lệ tại quê hương. Chính nhờ vịn vào cái tôn chỉ mình tự đặt ra cho mình đó, họ mới có đủ sức mạnh tinh thần để chống đỡ, chịu đựng khổ đau và vượt thắng những thử thách cam go ghê gớm mà họ phải thường xuyên đối phó với. Không những thế, họ còn làm được những điều phi thường, những điều tưởng như không thể làm được, những phép lạ khiến cả thế giới phải kinh ngạc, xúc động bàng hoàng và ngưỡng mộ.
Cuộc hành trình vượt biển mở đầu với chuyến đi thăm một số địa danh mà trước năm 1975, tác giả đã từng đến làm việc ở đó trên cương vị một công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chuyến đi thăm vì vậy cũng đồng thời là một chuyến đi tình cảm để nói lời giã từ với các nơi chốn ở đó mình đã từng có một đời sống ổn định, bình yên, hạnh phúc, với những kỉ niệm đẹp khó quên.
Những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi được tác giả dùng làm chất liệu để tạo dựng một bức tranh toàn cảnh khái quát phản ánh qua một số nét điển hình, thực trạng quê hương đang quằn quại dưới gót bạo quyền cộng sản.
Trước hết, ông trình bày một số góc cạnh nổi bật của cái bi Việt Nam thông qua sắc diện một số cá nhân được ông phác họa với đôi ba nét chấm phá. Đó là "đôi mắt của những bé thơ / trông rất buồn", "khuôn mặt của những mẹ già /trông rất điêu tàn" và "mắt môi của những thiếu nữ / trông rất u hoài". Ðiều này chứng tỏ cộng sản tàn nhẫn đến mức chúng cũng không buông tha những thành phần yếu thế và vô tội nhất của dân tộc. Sự lặp lại ba lần (tần suất) của trạng từ cực cấp "rất" có tác dụng gây sự chú ý của người đọc đến mức độ lũy thừa của nỗi buồn Việt Nam.
Cảnh dân tộc tang tóc, đất nước thê lương được cô đúc với một bút pháp chấm phá và tượng hình thành hình ảnh của mọi "cửa nẻo khép im" tượng trưng cho một niềm tin "đã chết". Một không gian như vậy là một không gian tù túng, bít bưng, ngột ngạt, bất khả cư, vô vọng - một miền đất chết. Và, điều này cho phép một giải thích đến tận cái căn của sự kiện thuyền nhân: nguyên do tiên khởi của việc họ bỏ nước ra đi không thuộc phạm vi nhận thức chính trị - tôi ra đi để lấy lại quyền tự do cộng sản đã cướp đi của tôi - mà thuộc phạm vi sinh học. Ðó là một phản xạ của bản năng sinh tồn thúc tôi phải bằng mọi giá thoát khỏi cái âm gian với mọi "cửa nẻo khép im" ấy, nếu không thì sẽ bị chết héo hon trong nghèo khổ, cơ hàn, bệnh hoạn và dưới cái nhìn lạnh như đồng của bầy lòng lang dạ thú coi tôi là ngụy, là kẻ thù giai cấp của chúng.
Chuyến đi diễn tiếp giữa một ngoại cảnh cũng buồn cái buồn của lòng người mất nước.
Những cửa nẻo khép im ấy là một Sài Gòn với "Cầu Bông, Cầu Kiệu dáng u buồn", "cờ Thủ Ngữ giờ đỏ như màu máu", "Chợ Bến Thành hoa cỏ úa tàn phai", "Chợ Tân Ðịnh nhiều ăn mày lê bước" và "Thảo Cầm Viên bầy thú cũng bàng hoàng"; một Nha Trang với "Đường Độc Lập dài nỗi buồn thế kỉ" và "Cầu Ðá buồn cầu lặng ngắm mây trôi"; một Phan Thiết với "dã tràng ơi, hồn em có bơ vơ" và "đàn mực nhỏ nằm quặn mình trong nắng"; và một Vũng Tàu với "Hải Đăng buồn đưa mắt tiễn người đi" và "biển vắng người nên bãi cũng hoang vu".
Đào Văn Bình là một người ham mê du lịch và đã từng có dịp đi tham quan nhiều nơi trên quê hương. Ngoài kinh nghiệm quý giá này và là một người có tình với đất nước, ông còn có một trí nhớ tốt, óc hiếu kì và tính ham học, nhờ đó mà thủ đắc được một kiến thức rộng về lịch sử, địa lí nói chung và địa chí nói riêng của những vùng ông đã đến thăm. Sự tụ hội ở ông của các điều kiện cần thiết này đặt ông vào một vị trí thuận lợi để viết sử thi.
Từ lợi thế trên, ông đồ ra bằng hồi tưởng một thứ đường cái quan xuyên Việt chạy dọc theo bờ biển từ Mông Cái qua miền Trung đến Kiên Giang. Mỗi địa danh trên lộ trình này được nhận dạng với đôi ba nét chấm phá đặc thù như "than Cẩm Phả sắc đen quê mẹ", "Hạ Long: vịnh nước trong xanh như ngọc", Hải Phòng thơm "mùi cá thu ươm Đảo Cát Bà" và Sầm Sơn ơi bờ biển đẹp như tranh".
Đường vô Nam ắp đầy lịch sử, đến "Cửa Nhật Lệ tích xưa còn đó", "qua Thuận An nhớ cố đô xưa", "thương xứ Huế Mậu Thân mùa tang tóc", vào Đà Nẵng "theo dòng khơi thương Bán Đảo Sơn Trà" và "Hoàng Sa đó chim âu buồn xoải cánh". Rồi Đảo Ly Sơn "tên của em trên vách đá năm nào", Quảng Ngãi "hao gầy từ Cổ Lũy", Quy Nhơn "dừa Tam Quan ngọt như sữa mẹ hiền" và "sao Bình Định cứ triền miên đói khổ".
Lộ trình diễn tiếp vẫn là lộ trình của một tình tự không vui về một quê hương nhiều dâu bể. Như "trời Vũng Rô chim yến cũng thở dài", "Rạch Ba Ngòi buổi chợ cá tôm ươn", "Phan Rí cửa dáng buồn như nỗi chết", Đảo Phú Quý "Việt Cộng về đàn cá cũng phân ly" và Mũi Né dưới "trăng cổ độ", "muối ở đây như một giải ngân hà". Vô Bà Rịa, Vũng Tàu "nghe lịch sử quặn đau từng khúc ruột", sang Thanh Phú thấy "rừng chà là nín thở sợ công an", "qua Bình Đại thương con sò huyết ngọt", "Sóng Cửa Tiểu nghe tiếng người rên xiết / mắt đục ngầu như từng lớp phù sa", rồi "Cửa Hàm Luông giờ như bãi tha ma / chỉ có đám lục bình trôi ra biển".
Lộ trình chấm dứt ở những chốn địa đầu của quê hương, với "Mũi Cà Mâu nghe rừng tràm réo gọi", "hồn ma vương nơi bến bãi đầu ghềnh / sao vẫn cứ lao mình ra cửa biển", Kiên Giang "đầu tôm xưa vứt bỏ chẳng ai mua / nay cũng phải tranh nhau từng vốc nhỏ" và Đảo Phú Quốc "bầy cá mai cũng đã bỏ đi rồi".
Một không gian di chuyển với lắm vật đổi sao dời như vậy là một không gian hành, không gian sử thi. Vì là sử thi, truyện kể phải phản ánh sống động một hiện thực khách quan có tính lịch sử, tức là một hiện thực mang tính thời đại và có liên hệ mật thiết với vận mạng một dân tộc. Sự phong phú và tính lôi cuốn của tích truyện không được rườm rà, thả buông dễ dãi, bởi đức tính tự thân của nghệ thuật tự sự không cho phép một hành xử như vậy. Bút pháp sử dụng, cũng vậy, không nên phóng túng quá mức, hư cấu quá đà như của thể loại dã sử, nếu là tượng hình thì nên tránh lối hoán dụ cầu kì, trừu tượng. Trái lại, nó nên được cấu tạo với những nét khắc nổi mạnh mẽ, rạch ròi, dứt khoát, nam tính tác động thẳng đến giác quan ta, thay vì ta phải vận dụng ý thức để hình dung ra vẻ đẹp nghệ thuật của đối tượng được miêu tả. Bởi vì, cho dù có được hiện đại hóa đến đâu đi nữa, sử thi cũng không phải là thơ triết lí, thơ tư tưởng, thơ hàn lâm: nó cơ bản thuộc phạm trù văn học dân gian.
Theo chúng tôi, tác phẩm của Đào Văn Bình có các tố chất cơ bản trên của thể loại sử thi: nó không phải là một truyện kể bằng thơ mà là một sử thi.
Chỉ sau khi rời bỏ hải phận đất nước, cuộc hành trình vượt biển của thuyền nhân Việt Nam mới thực sự mang kích thước, cung cách và sắc thái của một chuyến Quá Hải, tức một biến cố lịch sử loài người ở tầm vóc một sử thi.
Hầu như mọi sự xảy ra trên trận mạc mới này đều ở mức độ quá cỡ, ngoại khổ, tối đa, chông chênh, bất trắc, xô dạt, với những cấp nạn đẩy thuyền nhân vào một tình huống ở đó đường chia cách tử-sinh mỏng manh như một sợi chỉ. Những cơn bão nhiệt đới thì ở cấp 5, cấp 7 thang Richter, với ngọn sóng cao hai ba chục thước và gió thổi hai trăm cây số mỗi giờ. Tất cả hợp lực thành một trận nộ cuồng của thiên nhiên đập vỡ tan những chiếc tàu thuyền nhân mảnh khảnh và cuốn phăng đi mỗi lần trên trăm sinh mạng.
Cuộc đối xử của người với người cũng không kém phần nghiệt ngã. Sau khi thoát được nạn cộng sản Việt Nam thì nay lại bị đe dọa bởi nạn hải tặc Thái Lan. Bọn chúng cướp bóc, trấn lột, hãm hiếp phụ nữ, giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Trong cơn cuồng sát, chúng không phân biệt giới tính, tuổi nạn nhân, kể cả các cụ già, cháu trẻ chúng cũng không buông tha. Giết xong, chúng bắt các người sống sót phải quăng xác thân nhân mình xuống biển. Phải là những kẻ phi nhân tính thì mới có thể hành động man rợ như vậy.
Nay, lênh đênh giữa biển cả, với lởn vởn trong đầu một linh cảm là chuyến đi này sẽ không có ngày trở về quê hương yêu dấu, thi nhân-thuyền nhân bỗng cảm thấy một nỗi buồn xót xa, thứ tình tự lìa ngó ý như "chia xẻ thịt và xương" của một đứa con mà "định mệnh" bắt phải "vĩnh biệt Mẹ Tổ Quốc". Các từ chất liệu "máu", "xương", "thịt", "tim", "lòng" và các ngoại động từ "chôn", "chia", "xẻ", "đoạn" có tác dụng giúp người đọc hình dung ra cường độ nỗi buồn của một người yêu nước phải bỏ nước đi lưu vong: một nỗi buồn giằng xé làm đau đớn châu thân người buồn.
Người ta sống đung đưa trong một tâm trạng hẫng hụt khi phải đối diện một sự tương phản nghiệt ngã giữa hiện thực và ước mơ. Nếu trước kia dầu hứa với thi nhân-thuyền nhân một thiên đàng, thì bây giờ nước uống trở thành một nhu cầu thế tục bức thiết hàng đầu. Bài "Chết khát" có những vần khô khao, rát rúa, cồn cào biểu thị một tâm thế ở vị trí bìa (borderline) đường ranh mỏng giữa khôn và khờ, tỉnh và điên, bình tâm và hoảng loạn:
Khát cào khát cấu tim gan
Khát khô môi bỏng khát càng khát khao
Khiến:
Mắt ảo giác, khát cuồng điên!
Trong khi đó thản nhiên đến tàn nhẫn:
Trời cao trời đứng trên cao
Nắng như đổ lửa thêm vào cuộc chơi
Chiếc tàu ba block di chuyển lênh chênh trong một môi trường dị thường, với cái nắng ngọ cận xích đạo quá chói hóa biển thành một ảo ảnh ngút ngàn hoang đường làm đầu óc choáng loáng, cái nhìn rối loạn, và cái tâm lí đường cùng phút chốc hóa thảng thốt một hoang tưởng:
Sổ hải hành ghi:
Thuyền đi được một ngày - mặt tràn trề hi vọng
Thuyền đi được hai ngày - đã ngong ngóng trời mây
Thuyền đi được ba ngày - người xôn xao bàn tán
Thuyền đi được năm ngày - cùng tán loạn thần kinh!
Nhưng, bức tranh không chỉ mang đơn thuần một sắc màu ảm đạm thê lương. Nó còn được tô điểm với những nét tươi sáng, ấm áp của một tình tự liên đới khăng khít giữa những người đồng hội đồng thuyền cùng mang chung một số phận. Họ san sẻ cho nhau miếng cơm manh áo, dành những viên thuốc quý cho những người lâm bệnh nặng, ưu tiên là các cháu trẻ và cụ già.
Cảnh tượng trên cho phép một giải thích đến tận cái căn của sự kiện thuyền nhân: họ phải bỏ nước ra đi bởi vì nếu ở lại, họ sẽ bị tà quyền cộng sản phi dân tộc và vô thần đàn áp, bỏ tù mỗi khi họ dám bày tỏ công nhiên và tập thể cái tình tự vị tha, nhân ái có tính truyền thống dân tộc và gốc nguồn tôn giáo trên.
Suy rộng ra, sự bỏ nước ra đi của đồng bào thuyền nhân chúng ta xuất phát từ một nhu cầu tinh thần nhân bản sâu sắc: họ ra đi để được thể hiện tự do, cởi mở, thơ thới, đầy đặn, sát cánh bên nhau lúc sống cũng như lúc chết cái thiện căn, hồn tính nhân hậu dân tộc mình. Lựa chọn này lồng vào cuộc vượt biển của họ một nội dung tâm linh huyền nhiệm.Ðó là ngọn lửa thiêng trường tồn tỏa thắp tâm hồn Việt Nam, khơi lên một sức mạnh tinh thần cùng hội cùng thuyền lúc cấp nạn giúp họ kiên tâm chịu đựng gian nan khổ ải và vượt thắng nỗi sợ gieo rắc bởi thần chết luôn rập rình bám gót chân họ trong cuộc hành trình trên biển.
Sắc thái linh thiêng trên hóa cuộc hành trình của họ thành một huyền sử khiến chúng tôi có một cảm giác siêu hình là cuộc ra khơi ấy của thuyền nhân, trong một chừng mực nào đó, là một cuộc trở về Biển Nguồn - Biển Cha Lạc Long Quân, người chồng-người tình muôn thuở của Núi Mẹ Âu Cơ. Liên tưởng này, thiết nghĩ nên được khai triển thành một nhân tố cấu thành đặc thù của nền văn hóa biển Việt Nam tương lai.
Biển của thi nhân-thuyền nhân Đào Văn Bình là một hiện hữu nhân văn nhiều vẻ - một biển đa nguyên.
Biển tình cảm, "biển lung linh biển tình biển nhớ". Biển dịu dàng, "biển vỗ về chở mối thương yêu". Cưu mang và hứa hẹn, "biển thông lộ cho đàn con vượt thoát / đường Tự Do mở rộng cuối chân trời". Hiền lành, phấn chấn, "biển mơ" giấc mơ của người vượt biển, với "trăng sáng tỏ trăng ơi biển lớn / sao lung linh sao chơm chớm niềm vui / sóng lăn tăn sóng gợn nét yêu đời".
Biển còn có tác dụng thanh tẩy, "rửa thân em trong trắng' sạch "lũ bùn nhơ trần tục", và là một dấu hỏi mông lung: "thuyền đi như thể vào vô tận / chỉ có sao trời dẫn lối thôi". Trong bất trắc, biển tạo hồ nghi, bào mỏng ý chí và gây sụp đổ tinh thần. Biển trở mặt, nổi giông tố. Biển thủy quái nuốt chửng nửa triệu sinh linh. Biển nghĩa trang nổi của những "xác người trương phình thối", những con "mắt hông hốc mở to" và những chiếc "tàu thành quan tài".
Biển như vậy là một cảnh đời với lắm mâu thuẫn trớ trêu. Một thứ hí trường của phi lí, ở đó sự sống và cái chết kề cận nhau trong một bối cảnh lênh chênh vô thường. Một trận mạc ngổn ngang những mảnh tàu tan tác và những xác người dị dạng, chứng tích của những lâm chung thê thảm, đối lập với một thủy trại mênh mông của vô số những "con sò huyết ngọt", "con sứa mặn mà", "con tôm he", "con cá mai", "con cá thu" cho nhiều chất đạm dinh dưỡng.
Tuy nhiên, dù ý thức được tính cực kì gian nguy của cuộc vượt biển của mình, thuyền nhân vẫn cứ lớp lớp lao ra biển bởi họ cảm thấy biển là một cái gì đó rất lôi cuốn, một thứ Biển Hứa (Mer Promise) lộng lẫy, cửa ngõ mở ra một chân trời xán lạn, một miền Ðất Hứa (Terre Promise) ở đó người ta sống trong tự do, hạnh phúc, ấm no, thái bình, thịnh vượng; ở đó nhân phẩm được tôn nâng, có đồng thuận trong đa nguyên, hài hòa trong muôn vẻ, và người dân sống theo phương châm "mỗi người vì mọi người, và mọi người vì mỗi người".
Mà nếu nói đến biển, thì cũng phải nói đến đảo, một bộ phận không thể tách biệt của cuộc hành trình vượt biển của thuyền nhân.
Ngoài là một trạm họ đến quá cảnh để chờ ngày được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho đi định cư ở một nước khác, đảo còn là nơi chôn cất, thờ phượng các thuyền nhân vắn số theo đúng tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận của truyền thống Việt Nam. Hàng năm, thân nhân từ tứ phương kéo nhau đến để tảo mộ, thắp hương, cúng bái tưởng niệm người quá cố. Cộng sản đã tỏ ra tàn nhẫn với cả người chết khi chúng yêu cầu các chính quyền sở tại phá bỏ các nghĩa trang của thuyền nhân Việt Nam.
Riêng với Đào Văn Bình, một người "từng tắm gội với khổ đau", "đảo khá nên thơ / và có một chút thoáng buồn" và là chốn hạnh ngộ của "yêu nhau đùm bọc lấy nhau":
Ba-taan dù đất đỏ
Cũng chan chứa ân tình
Đêm mưa gió vẫn nhớ
Em một lần trao thân
Sự chúng tôi đã trích dẫn một số không ít câu và đoạn câu của tác phẩm xuất phát từ một dụng ý muốn tường thuật, ghi lại chứ không phê bình tác phẩm. Bởi tác phẩm tự nó đã là một truyện kể hay. Do đó, cách tiếp cận tốt nhất là viết ra một thứ tổng phổ, phụ xướng nhiều bè nhằm giúp người thưởng ngoạn cảm nhận phong phú hơn, thấu đáo hơn cái giá trị tự thân của nguyên tác. Nói rõ hơn, bài tùy-luận của chúng tôi, trong một chừng mực nào đó, là một cố gắng phân tích khái quát cái cấu trúc văn bản của tác phẩm được coi như một sự vật văn chương nhằm phát hiện cái cốt lõi, nguyên lí, hồn tính, tức cái năng lượng tinh thần làm ra sự sống của tác phẩm. Cho dù tác phẩm có bị thiêu hủy và trở về với cát bụi (nature), hồn ấy vẫn ở lại với thời gian bởi nó là cái hồn thu thảo của Bà Huyện Thanh Quan: nó là văn hóa (culture).
Và, với nhận định rằng ngôn ngữ nghệ thuật, và ngôn ngữ triết học, là sự biểu hiện sung mãn nhất, hoàn chỉnh nhất của tư tưởng trong sự vận động tự hình thành ra nó, chúng tôi có một số nhận xét về phong cách ngôn ngữ của Ðào Văn Bình.
Không gian ngôn ngữ của Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển là nơi tụ họp của nhiều sắc thái. Lựa chọn này hợp lí bởi vì nó tương ứng với cái cấu trúc nhiều góc cạnh của tác phẩm và với tính đa dạng của đề tài. Ngữ phổ trải rộng từ ngôn ngữ tả chân, chất phác, ca dao hay lối nói dân dã kiểu mõ làng sang ngôn ngữ khẩu hiệu, khoa trương, hùng biện, kịch thoại, phúng dụ, ẩn dụ, tượng trưng, tượng hình, biền ngẫu. Ngữ khí lúc phấn chấn lúc bi quan, lúc dịu dàng lúc sôi nổi, lúc khoan lúc nhặt theo nhịp đung đưa bất thường của biển.
Gam màu có màu xám của "rong rêu loang lổ trên miếu đường", màu đen của "vết lem luốc trên mặt bé thơ", màu tím của vết thương "trên thân thể người tù cải tạo", màu vàng của sắc phục công an, màu đỏ của "máu người dân bán ra" và của lá cờ cộng sản, v.v... Tần suất (số lần xuất hiện của một từ trong văn bản) của xanh là 3, trong đó một lần được dùng để khẳng định "Tranh tôi... không có màu xanh hy vọng". Điều này phản ánh đúng não trạng u uất của người dân phải sống trong một cảnh đời tù túng, ngột ngạt, với mọi "cửa nẻo khép im" và "niềm tin đã chết". Trái lại, tần suất của đỏ là 19, tức gấp sáu lần tần suất của xanh. Sự chênh lệch lớn này phản ánh một thực trạng tâm lí chung của người Việt chúng ta và do đó làm chúng ta phải băn khoăn tự hỏi tại sao màu đỏ lại ám ảnh chúng ta nhiều hơn, và mạnh hơn, những màu khác. Lí do là vì nó là màu chủ của thảm kịch Việt Nam. Nói rõ hơn, nó là màu máu của hàng triệu người dân đã bị cộng sản sát hại bằng cách này hay cách khác để thực hiện ý đồ của chúng là chiếm lĩnh độc quyền thống trị để nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo chỉ thị của Trung Cộng và Liên Xô.
Về mặt tâm lí, hậu quả của cuộc tàn sát vĩ đại đó là cái màu nguyên ma quái rùng rợn ấy đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta nên cứ mỗi khi nhìn thấy nó là chúng ta nghĩ ngay đến lá cờ của cộng sản. Căn nguyên của liên tưởng tự động này - một phản xạ của bản năng - là do thực tiễn lịch sử trên gây ra.
Viết tựa như trên, trong một chừng mực nào đó, là một thứ phân tích cấu trúc tác phẩm nhằm phát hiện tính cá biệt cụ thể của nó, tức cái nó là nó, chứ không nhằm phát hiện cái tính đặc thù thuộc loại (categorial) trừu tượng của nó, tức cái nó bị vong thân. Xuất phát từ nhận định ngôn ngữ là sự nống ra hữu cơ của tư tưởng trong vận động tự hình thành ra nó, một cuộc phân tích ngôn ngữ học khái quát được tiến hành trên các ngữ liệu như từ loại, ngữ điệu, ngữ cảnh, ngữ cách, ngữ khí, tức những nhân tố cấu thành diện mạo ngôn ngữ mà cũng là chân dung tinh thần của tác phẩm.
Tuy nhiên, khi chỉ dựa trên tính khách quan và tính phổ cập như những đặc thù thuộc loại và bỏ qua những tình tiết cá thể để giải thích một sự vật, phương pháp phân tích cấu trúc không thích hợp với trường hợp sự vật ấy là một tác phẩm văn chương. Bởi vì với tư cách là một tác phẩm văn chương, sự vật mang dấu ấn của chủ quan tác giả và có một nội dung tinh thần đặc thù, tức cái bản sắc làm nó khác hẳn so với những cái cùng loại, do đó người ta không thể nhân danh tính khách quan và tính khoa học để bỏ sang một bên tính chất cá biệt ấy và chỉ chú tâm đến góc cạnh nội hàm, tức cái tính đặc thù thuộc loại chung, trừu tượng của nó. Bởi vì khi xâm phạm tính nguyên vẹn phải được tôn trọng của nó, người ta không chỉ xuyên tạc tác phẩm nói riêng mà còn bóp méo sự thật văn chương nói chung.
Sở dĩ các nhà cấu trúc luận chính thống loại bỏ tính chất cá biệt của tác phẩm, là vì họ cho rằng nó là một đối tượng mông lung, chiếc bóng nhòa khó định hình bằng phương pháp phân tích khách quan và khoa học. Đối với họ, sự thật chưa hẳn là sự thật nếu không được xác minh bởi những chứng cứ khoa học không phản bác được. Và một sự hiểu biết mơ hồ về sự vật dễ làm người ta sa cái bẫy ngộ nhận với những giải thích lỏng lẻo, loanh quanh, lệch lạc, để không nói là ngụy biện.
Nói tóm lại, với cái khuynh hướng lấy logic hình thức để giải thích thực tại và chỉ chú trọng đến tính bất biến và bỏ qua tính vô thường, tính phổ cập và bỏ qua tính cá biệt, tính trừu tượng và bỏ qua tính cụ thể, tính khách quan và bỏ qua tính chủ quan, phương pháp phân tích cấu trúc trên là một phương pháp thô bạo, vô cảm, cực đoan, đơn giản quá mức, phi lịch sử và kị cái đẹp nghệ thuật. Do đó, nó thích hợp với thế giới tự nhiên chứ không thích hợp với thế giới sáng tạo bởi trí tuệ con người, đặc biệt là thế giới văn học nghệ thuật nói riêng và thế giới nhân văn nói chung.
Viết tựa như trên quả là một lao động không đơn giản. Vấn đề là làm sao giới thiệu được càng nhiều càng tốt những điều cần biết về tác phẩm trong khuôn khổ hạn chế của bài tựa. Bài tựa này nằm ở trung vị giữa sự nống ra của bài điểm sách và sự rút ngắn lại của bài tiểu luận.
Nó đặt ra một số tiền đề thiết nghĩ nên được khai triển trong những cuộc thảo luận chuyên đề tương lai.
CUNG TRẦM TƯỞNG
Minnesota, ngày 30-4-2015
Những người lính một thời bị lãng quên: Viết Lại Lịch Sử
Viết Lại Lịch Sử Video
Secret Army Secret War Video
Đứng Đầu Ngọn Gió Video
Con Người Bất Khuất Video
Dấu Chân Biệt Kích Video
Kiểm Lại Hồ Sơ Biệt Kích Video
The Secret war against Hanoi Richard H. Shultz Jr.
Binh Thư Yếu Lược Trần Quốc Tuấn
Wall Street and the Bolshevik Revolution Antony C. Sutton
Wall Street and the Rise of Hitler Antony C. Sutton
None Dare Call It Conspiracy Gary Allen
Confessions of an Economic Hit Man John Perkins
The World Order Eustace Mullin
Chính Đề Việt Nam Tùng Phong (dịch)
OSS vào Việt Nam 1945 Dixee R. Bartholomew - Feis
Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam Bình Nguyên Lộc
The World Order Eustace Mullin
Why Vietnam? Archimedes L. A. Patti
Đại Hội Toàn Quân? Phùng Ngọc Sa
Silenced! The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the USA. Juan Gonzales
Valse Andy Wong . Viennese Valse . DrDance . Danptner . Dispatch
Bee Gees . Rolling Stones . Animals . Shadow . Ventures
Tặng Kim Âu
Chính khí hạo nhiên! Tổ Quốc tình.
Nghĩa trung can đảm, cái thiên thanh.
Văn phong thảo phạt, quần hùng phục.
Sơn đỉnh vân phi, vạn lý trình.
Thảo Đường Cư Sĩ.
US Senator John McCain , Kim Âu Hà văn Sơn
NT Kiên , UCV Bob Barr, Kim Âu Hà văn Sơn
NT Kiên , Kim Âu Hà văn Sơn, Ross Perot Cố Vấn An Ninh Đặc Biệt của TT Reagan và NT Sám
Người Việt Seatle