Trang ChủKim ÂuBáo ChíLưu TrữVấn ĐềChính Nghĩa ViệtĐà LạtThư QuánDịch ThuậtTự Điển

Tác Phẩm Chính Nghĩa BBC LONDON HISTORY AUSTRALIAN RFI PARIS Chân Thiện Mỹ Tác Giả

ESPN3BannerLottery

 

 

 

 

US Senator John McCain , Kim Âu Hà văn Sơn

NT Kiên , UCV Bob Barr, Kim Âu Hà văn Sơn

 

 

 

 

 

Nguyễn Thái Kiên , Kim Âu Hà văn Sơn, Cố vấn an ninh đặc biệt của Reagan-Tỷ phú Ross Perot,Tŕnh A Sám

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời thú tội của một Sát thủ Kinh tế

 

 

"Confessions of an Economic Hit Man"

  

Tác giả: John Perkins

 

 

 

Chương 21

Côlômbia - hòn đá tảng của Châu Mỹ Latinh

 

 

 

 

Một mặt, Ảrập Xêút, Iran và Panama là những nước vừa rất hấp dẫn vừa khiển người ta lo ngại, song mặt khác đây lại là những quốc gia hoàn toàn khác so với quy luật thông thường. Do Ảrập Xêút và Iran có trữ lượng dầu lớn, còn Panama lại có kênh đào, nên ba nước này không giống với những nước khác. Trường hợp của Colombia thì điển hình hơn, và MAIN vừa là công ty thiết kế, vừa là công ty thi công hàng đầu cho một dự án thủy điện khổng lồ ở nước này.

Một giáo sư đại học Colombia, người đang viết một cuốn sách về lịch sử mối quan hệ giữa Panama và Mỹ có lần nói với tôi rằng Tổng thống Teddy Roosevelt đánh giá cao tầm quan trọng của Colombia. Người ta bảo, có lần vị Tổng thổng và cựu đại tá trong cuộc chiến Mỹ- Tây Ban Nha này đã chỉ vào bản đồ và miêu tả Colombia như “hòn đá đỉnh vòm của cánh cửa hình vòng cung Nam Mỹ”. Tôi chưa bao giờ xác minh lại câu chuyện này song có thể nhìn thấy rõ điều đó trên bản đồ Nam Mỹ: Côlômbia nằm ở đỉnh trên cùng của Nam Mỹ và dường như là điểm nối tất cả những phần còn lại của lục địa với nhau. Colombia nối tất cả các nước Nam Mỹ với eo biển Panama, và do đó với cả vùng Trung và Bắc Mỹ.

Cho dù có đúng là Roosevelt đã nói như vậy về Colombia hay không thì ông ta cũng chỉ là một trong số nhiều tổng thổng ý thức được vai trò then chốt của Colombia. Trong gần hai thế kỷ, nước Mỹ đã coi Colombia là hòn đá tảng- hoặc gọi một cách chính xách hơn là cửa ngõ dẫn vào bán cầu nam, cả về kinh tế và chính trị.

Colombia còn được trời phú cho một thiên nhiên tuyệt đẹp: Những bãi biển mê hồn với những hàng cọ chạy dài ở cả bên bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, những ngọn núi hùng vĩ, những cánh đồng hoang có thể sánh ngang với những thảo nguyên mênh mông của Bắc Mỹ, và những cánh rừng nhiệt đới với vô số loài thực vật. Con người nơi đây cũng mang những nét tính cách đặc biệt, kết hợp các nét đặc trưng về thể chất, văn hóa nghệ thuật của rất nhiều dân tộc, từ người Taironas bản xứ tới người nhập cư từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Trung Đông.

 Từ xa xưa, Colombia đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa của khu vực Châu Mỹ Latinh. Trong thời kỳ thực dân, Colombia là nơi ở của các lãnh chúa từ tất cả các thuộc địa của Tây Ban Nha ở miền Bắc Pêru và miền Nam Côxta Rica. Rất nhiều đoàn tàu lớn chở vàng đã xuất phát từ thành phố ven biển Cartagena của Colombia, chở những kho báu vô giá từ những vùng xa xôi ở Nam Mỹ như Chilê và Áchentina tới các bến cảng ở Tây Ban Nha. Rất nhiều sự kiện then chốt trong các cuộc chiến giành độc lập đã diễn ra ở Colombia; ví dụ, quân đội của Simón Bolívar đã chiến thắng quân đội Hoàng gia Tây Ban Nha trong trận chiến quan trọng ở chiến trường Boyacá năm 1819.

Đương nhiên, Colombia nổi tiếng là quê hương của nhiều nhà văn, nghệ sỹ, triết gia và nhân tài chói sáng nhất Châu Mỹ Latin. Đất nước này cũng nổi tiếng có một chính phủ được tín nhiệm và tương đối dân chủ. Colombia trở thành hình mẫu cho các chương trình xây dựng đất nước của Tổng thống Kenedy ở khắp Châu Mỹ Latinh. Không giống trường hợp của Goatemala, Chính phủ Colombia không bị mang tiếng là do CIA lập ra; và cũng không giống Nicaragoa, Chính phủ Colombia là một chính phủ do dân bầu, hoàn toàn trái ngược với những chính phủ độc tài cánh hữu. Cuối cùng, khác với rất nhiều nước, trong đó có cả những nước mạnh như Braxin và Áchentina,Colombia không mất lòng tin vào nước Mỹ. Colombia tiếp tục là hình ảnh của một đồng minh đáng tin cậy, dù nước này có đầy rẫy những tập đoàn buôn ma túy.1

Tuy nhiên, vòng hào quang sáng chói trong lịch sử Colombia lại bị lu mờ bởi lòng căm thù và bạo lực. Nơi ở của các vị lãnh chúa Tây Ban Nha cũng chính là ngôi nhà của Giáo hội Thiên chúa. Những pháo đài nguy nga, những đồn điền, thành phố đều được xây dựng trên xương máu của những người nô lệ da đỏ và Châu Phi. Kho báu trên những chiếc thuyền chở vàng, những báu vật linh thiêng và những kiệt tác nghệ thuật được nấu chảy để vận chuyển dễ dàng hơn đều là đồ cướp đoạt từ trái tim của những người Cổ đại. Bản thân những nền văn hóa đáng tự hào đã bị lưỡi kiếm của quân Tây Ban Nha xâm lược và bệnh dịch tàn phá. Gần đây hơn, cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi năm 1945 đã gây chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị và dẫn đến sự kiện La Violencia (1948-1957) khiến hơn hai trăm nghìn người thiệt mạng.

 Cho dù chứa đầy những mâu thuẫn và cả những nghịch lý như vậy, song Colombia vẫn luôn được Washington và phố Wall từ trước đến nay xem là một nhân tố cốt yếu thúc đẩy các lợi ích thương mại và chính trị trong mối quan hệ giữa Panama và Mỹ. Ngoài vị trí địa chính trị quan trọng của Colombia, điều này còn do nhiều nhân tố khác nữa, trong đó có quan điểm cho rằng các nhà lãnh đạo trên cả bán cầu này đang hướng tới Bogota để có thêm sức mạnh và sự chỉ dẫn, cũng như trên thực tế là nước này đang cung cấp cho thị trường Mỹ rất nhiều sản phẩm như cà phê, chuối, hàng dệt may, hoa tươi, dầu và ma túy, đồng thời cũng là thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Một trong những dịch vụ quan trọng nhất mà chúng tôi cung cấp cho Colombia trong giai đoạn cuối thế kỷ XX là chuyên gia xây dựng và kỹ thuật. Colombia rất giống với nhiều nơi tôi đã từng tới làm việc. Rất dễ thấy đất nước này có thể vay những khoản nợ lớn và sau đó thanh toán các khoản nợ này bằng lợi nhuận có được từ chính các dự án cũng như bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước mình. Vì thế, những khoản đầu tư lớn vào mạng lưới điện, đường cao tốc, và viễn thông sẽ giúp Colombia khai thác các nguồn tài nguyên dầu và khí ga của nước này và phát triển những vùng đất hoang sơ của Amazon. Ngược lại, chính những dự án đó sẽ mang lại nguồn thu cần thiết để trả các khoản vay, bao gồm cả lãi suất.

Đó là về lý thuyết. Tuy nhiên, sự thực nhất quán với ý định thực sự của chúng tôi trên khắp thế giới này là chiếm Bogota để mở rộng hơn nữa đế chế toàn cầu. Công việc của tôi ở đây cũng giống như ở nhiều nơi khác, đó là chứng minh rằng nước này cần những khoản vay cực lớn. Colombia không có được một người như Torrijos; vì thế tôi thấy mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố thổi phồng lên các dự báo về trọng tải điện và tăng trưởng kinh tế.

Ngoại trừ những cảm giác tội lỗi mà đôi khi tôi chợt có về công việc của mình, đối với tôi, Colombia đã trở thành nơi trú ẩn bí mật. Tôi và Ann đã sống ở đây hai tháng vào đầu thập niên 70. chúng tôi còn bỏ tiền mua cả một trang trại nhỏ trồng cà phê nằm ở dải núi dọc theo bờ biển Caribê. Tôi nghĩ thời gian chúng tôi bên nhau khi đó suýt nữa đã có thể giúp chúng tôi hàn gắn những nỗi đau mà chúng tôi đã gây cho nhau trong những năm trước đó. Song, những vết thương đó còn quá sâu, và phải đến khi cuộc hôn nhân của chúng tôi kết thúc, tôi mới nhận ra rằng tôi đã thực sự gắn bó với đất nước này.

Trong thập niên 70, MAIN đã nhận được một số hợp đồng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng mạng lưới nhà máy thủy điện và phân phối điện để chuyển tải điện từ rừng sâu cho tới những thành phố nằm tít trên núi cao. Tôi được phân một văn phòng ở thành phố duyên hải Barranquilla. Chính ở đó, năm 1977, tôi đã gặp cô gái Colombia xinh đẹp, người đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.  

Khác với các phụ nữ Colombia khác, Paula có mái tóc dài vàng óng và đôi mắt xanh lục quyến rũ. Cha mẹ cô ấy là người Bắc Ý đến sinh sống ở Colombia, và để kế thừa truyền thống của gia đình, Paula trở thành nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, Paula đã tiến một bước xa hơn thế. Cô xây dựng một nhà máy nhỏ để sản xuất các trang phục theo thiết kế của mình. Những trang phục do Paula thiết kế được đem bán ở các cửa hàng thời trang sang trọng trên khắp đất nước Colombia cũng như ở Panama và Vênêzuêla. Cô ấy là một người rất nhân hậu và đã giúp tôi vượt qua những tổn thương mà cuộc hôn nhân tan vỡ để lại trong tôi và khiến tôi thay đổi thái độ đối với phụ nữ vốn làm tôi khốn khổ. Cô ấy cũng khiến tôi nhận ra rất nhiều hậu quả mà công việc của tôi đưa lại.

Như tôi vẫn luôn nói, cuộc sống là sự kết hợp một chuỗi những điều trùng hợp ngẫu nhiên mà chúng ta không thể nào kiếm soát nổi. Đối với tôi, đó là việc được nuôi dạy tại trường nội trú nam ở vùng nông thôn New Hampshire với tư cách là con trai của một giáo viên, gặp Ann và chú Frank của cô ấy, chiến tranh Việt Nam và gặp Einar Greve. Song, một khi đã rơi vào những hoàn cảnh ngẫu nhiên, chúng ta buộc phải lựa chọn. Cách phản ứng của mỗi chúng ta, những gì chúng ta làm khi đối mặt với những sự ngẫu nhiên đó quyết định tất cả. Ví dụ, trở thành nam sinh xuất sắc của trường, kết hôn với Ann, tham gia Quân đoàn Hòa bình và quyết định trở thành một sát thủ kinh tế - tất cả những quyết định này đã đưa tôi đến với cuộc sống hiện tại.

Paula là một sự ngẫu nhiên khác của tôi, và ảnh hưởng của cô ấy với tôi đã đưa tôi đến những hành động làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Trước khi gặp cô ấy, tôi đã xoay xở khá tốt với guồng máy công việc của mình. Dù tôi thường tự hỏi bản thân mình đang làm gì, đôi khi tôi cảm thấy tội lỗi vì công việc của mình, song tôi vẫn tìm ra cách để hợp lý hóa việc tôi tiếp tục ở lại trong hệ thống đó. Có lẽ Paula chỉ vô tình xuất hiện đúng vào thời điểm cần thiết. Có thể khi đó tôi đã quyết tâm, cũng có thể những gì tôi đã trải qua ở Ảrập Xêút, ở Iran và ở Panama đã thôi thúc tôi phải hành động. Nhưng tôi chắc chắn rằng cũng như Claudine đã từng là một cộng cụ để thuyết phục tôi tham gia vào hàng ngũ của các sát thủ kinh tế, thì Paula là những gì mà tôi cần vào lúc đó. Cô ấy đã thuyết phục tôi nhìn lại chính mình, để thấy rằng, tôi sẽ không bao giờ có được hạnh phúc nếu tôi vẫn tiếp tục đóng vai trò đó.

 

 

 

Chương 22

Nền cộng hòa Mỹ và đế chế toàn cầu   

 

 

 

 

Một hôm, khi chúng tôi đang ngồi trong một quán cafe, Paula chợt nói với tôi: “Em sẽ nói thẳng. Những người da đỏ và tất cả những nông dân sống dọc theo con sông mà công ty các anh đang xây đập đều căm ghét các anh. Thậm chí cả những người sống trong thành phố vốn không chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng thông cảm với những nhóm du kích đã tấn công vào trại xây dựng của các anh. Chính phủ của các anh gọi những người này là những tên cộng sản, là những kẻ khủng bố, là những tên buôn lậu ma túy nhưng sự thật họ chỉ là những người bình thường, sinh sống trên mảnh đất đang bị công ty các anh phá hoại.”

 

Tôi vừa kể cho Paula nghe về Manuel Torres. Manuel là một kỹ sư của MAIN và là một trong số những người đã bị du kích tấn công tại công trường xây đập thủy điện của chúng tôi. Anh là người Colombia, đang làm việc ở đây vì Bộ Ngoại giao Mỹ có quy định cấm chúng tôi đưa công dân Mỹ đến làm việc ở nơi này. Chúng tôi gọi đó là Thuyết thế mạng. Nó tượng trưng cho một thái độ mà tôi càng ngày càng căm ghét. Cảm nhận của tôi về chính sách này khiến tôi càng ngày càng khó chịu ngay với chính bản thân mình.

 

“Theo Manuel kể lại, bọn chúng bắn AK-47 lên trời và dưới chân anh ta”, tôi kể cho Paula nghe. “Lúc kể lại điều này, Manuel có vẻ rất bình tĩnh nhưng anh biết anh ấy đã rất hoảng loạn. Bọn chúng không bắn ai cả, chỉ trao cho họ một bức thứ và cho tất cả những người này xuống thuyền của chúng.” “Chúa ơi”, Paula thốt lên. “Anh chàng tội nghiệp đó chắc hẳn rất sợ hãi” “Hẳn nhiên rồi”. Rồi tôi kể cho Paula rằng tôi đã hỏi Manuel xem liệu nhóm du kích đó có phải là FARC hay M-19, hai trong số những nhóm du kích khét tiếng nhất của Colombia hay không. “Và anh ta trả lời thế nào?”

 

“Anh ta nói là không phải. Nhưng anh ta nói anh ta tin vào những gì họ viết trong lá thư đó”. Paula cầm tờ báo tôi mang theo và đọc to nội dung lá thư được in trên đó: “Chúng tôi, những người làm việc ngày đêm chỉ để tồn tại, thề trên máu của ông cha mình rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép xây những con đập dọc trên những dòng sông của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những người thổ dân da đỏ và người lai, nhưng chúng tôi thà chết chứ không chịu đứng nhìn đất đai của chúng tôi ngập trong nước. Chúng tôi cảnh cáo những người anh em Colombia: Các anh không được làm việc cho các công ty xây dựng này nữa”. 

 

Đặt tờ báo xuống, Paula hỏi tôi: “Thế anh đã nói gì với anh ta?”

 

Tôi ngần ngừ, nhưng chỉ trong chốc lát rồi nói: “Anh không có sự lựa chọn nào khác. Anh phải tuân theo mệnh lệnh của công ty. Anh đã hỏi Manuel xem liệu anh ta có tin một lá thư như vậy là do một người nông dân viết ra hay không”.

 

Paula chăm chú nhìn tôi, kiên nhẫn lắng nghe. “Anh ta chỉ nhún vai”, tôi bắt gặp ánh mắt của Paula. “Ôi, Paula, anh căm ghét chính bản thân mình trong cái vai trò này”.

 

“Rồi sau đó anh làm gì?” Paula dồn tôi vào thế bí. “Anh đấm mạnh xuống bàn. Chỉ để hăm dọa anh ta mà thôi. Anh hỏi liệu những người nông dân cầm súng AK-47 có ý nghĩa gì với anh ta không. Rồi anh hỏi liệu anh ta có biết ai là người đã sáng chế ra súng AK-47 hay không”.

 

“Anh ta biết chứ?” “Có, nhưng phải khó khăn lắm anh mới nghe được câu trả lời của anh ta.”Một người Nga”, anh ta bảo thế. Tất nhiên anh nói cho anh ta biết rằng anh ta đúng, vì người sáng chế ra súng AK-47 là một người Nga tên là Kalashnikov. Đó là một sỹ quan từng được tặng huy chương cấp cao trong Hồng quân. Anh phải hỏi quanh co thế để Manuel hiểu rằng những người viết lá thư đó là cộng sản”.

 

“Thế anh có tin điều đó không?” Câu hỏi của Paula khiến tôi im bặt. Làm sao tôi có thể trả lời câu hỏi đó một cách trung thực chứ? Tôi chợt nhớ về Iran và về những gì mà Yamin từng nói với tôi, một người đứng giữa hai thế giới- người ở giữa. Xét về một khía cạnh nào đó, tôi ước giá mà tôi đã ở trong cái trại nơi xây đập khi nhóm du kích tấn công, hoặc giá như tôi là một trong những tên du kích đó. Một cảm giác khó tả bủa vây lấy tôi, hình như tôi ghen tỵ với Yamin, với tiến sỹ và với những kẻ phiến loạn người Colombia. Họ có chính kiến rõ ràng. Họ đã chọn những thế giới thực chứ không phải những vùng đất nào đó chẳng thuộc về ai cả.

Cuối cùng tôi nói: “Anh có công việc phải làm”. Paula mỉm cười. “Anh căm ghét công việc đó”, tôi nói tiếp. Tôi nghĩ đến hình ảnh của những người luôn xuất hiện trong tôi suốt những năm qua, Tom Paine và những người anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, những tên cướp biển và những người dân vùng biên. Họ đã vùng dậy chứ không chịu đứng ở giữa. Họ đã vùng lên bảo vệ quan điểm của mình và chịu chấp nhận hậu quả.

 

“Mỗi ngày anh lại cảm thấy chán ghét công việc của mình hơn”. Paula cầm lấy tay tôi: “công việc của anh?” Chúng tôi nhìn nhau, và tôi hiểu ý Paula: “Không, anh chán ghét bản thân mình”. Paula nắm chặt tay tôi và khẽ gật đầu. Ngay lúc đó tôi chợt có cảm giác như vừa được giải thoát vì tôi đã thú nhận được điều đó.

 

“Vậy anh sẽ làm gì, John?” Tôi không trả lời. Cảm giác được giải thoát chợt biến thành cảm giác phòng thủ. Tôi lắp bắp những lời biện minh chung chung: Rằng tôi đang cố làm việc tốt, rằng tôi đang tìm cách thay đổi hệ thống này từ bên trong, và một lý lẽ cũ rích nữa là nếu tôi không làm việc đó, có thể một người khác tồi tệ hơn tôi rất nhiều sẽ làm.

 

Nhưng qua cái cách Paula nhìn tôi, tôi hiểu rằng cô ấy không chấp nhận những lời thanh minh đó. Và còn tệ hơn là tôi biết bản thân một sự thật hiển nghiên là: Chính tôi, chứ không phải công việc của tôi mới đáng trách. “Thế còn em”, cuối cùng tôi cất tiếng, “em tin vào điều gì?” Paula buông tay tôi, khẽ thở dài và nói: “Có phải anh đang cố chuyển sang đề tài khác?”

 

Tôi gật đầu. “Được thôi”, cô ấy nói. “Nhưng với một điều kiện. Đó là chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện này vào một dịp khác.” Nói rồi, Paula cầm một chiếc thìa lên ngắm nghía. “Em biết là một số du kích đã từng được huấn luyện ở Nga và Trung Quốc”. Vừa nói, cô ấy vừa dùng thìa quấy ly cà phê của mình, rồi lại chậm rãi liếm nhẹ chiếc thìa.

 

“Họ còn có thể làm gì đây? Họ cần phải biết về những vũ khí hiện đại và cách thức chống lại những người lính đã từng học qua trường lớp của nước anh. Đôi lúc họ bán côcain để có tiền mua quân nhu. Họ còn có thể làm gì khác để mua súng chứ? Họ đang chống lại những thế lực kinh khủng. Ngân hàng Thế giới (WB) của các anh chẳng giúp họ tự bảo vệ mình. Trên thực tế, chúng WB đã đẩy họ vào tình thế hiện tại.” Paula nhấp một ngụm cà phê rồi nói tiếp: “Em tin đó là lý do khiến họ làm những việc như vậy. Điện chỉ đem lại lợi ích cho một số ít những người Colombia giàu có, và hàng nghìn người khác sẽ chết vì nguồn nước và cá bị nhiễm độc sau khi các anh xây xong đập.”

 

Nghe cô ấy nói một cách đầy chia sẻ với những người đang chống đối chúng tôi, và cả bản thân tôi, tôi chợt thấy bủn rủn. Cả người tôi như muốn quỵ xuống, mềm nhũn.

 

“Làm sao em lại biết về du kích vậy?” Ngay cả khi hỏi câu này tôi cũng có cảm giác nôn nao, linh cảm cho biết tôi không muốn nghe câu trả lời của cô ấy.

 

“Em đã học cùng trường với một vài người trong số họ”, Paula nói. Rồi cô ấy thở dài, đẩy tách cà phê ra xa. “Anh trai em đã tham gia phong trào đó”. Tôi cảm thấy mình như một quả bóng bị xì hơi. Tôi cứ nghĩ mình đã biết mọi điều về cô ấy nhưng điều này thì... Trong đầu tôi thoáng hiện ra hình ảnh một người đàn ông trở về nhà và nhìn thấy vợ mình đang nằm trên giường với một người đàn ông khác.

 

“Tại sao em không bao giờ kể cho anh nghe về chuyện này?” “Vì em không thấy nó quan trọng. Tại sao em phải kể chứ? Đó chẳng phải là chuyện để em khoe khoang”, rồi cô ấy chợt dừng lại. “Em đã không gặp anh ấy suốt hai năm nay. Anh ấy phải rất thận trọng.”

 

“Làm sao em biết được là anh ấy còn sống?” “Em không biết, nhưng gần đây anh ấy bị đưa vào danh sách truy nã của Chính phủ. Đó là một dấu hiệu tốt.” Tôi không biết phải phán xét hay phải phòng thủ trước Paula. Tôi hy vọng cô ấy không nhận thấy sự ghen tỵ của tôi. “Làm thế nào mà anh ấy lại trở thành du kích thế?”, tôi hỏi.

 

May mắn thay, cô ấy vẫn đang chăm chú nhìn vào tách cà phê của mình. “Vì đã tham gia biểu tình ở ngoài văn phòng một công ty khai thác dầu - Occidental, em nghĩ thế. Anh ấy phản đối việc khoan đào đất đai của quê hương, ở những cánh rừng nơi có một bộ tộc đang phải đối mặt với nạn tuyệt chủng- anh ấy tham gia cùng khoảng hai mươi người bạn nữa. Quân đội đã đàn áp họ, đánh đập rồi cho họ vào tù- chẳng phải vì họ đã làm gi phạm pháp mà chỉ vì họ đã đứng ở bên ngoài các văn phòng, chỉ đứng giương cao các tấm áp phích và hát mà thôi”.

 

Paula liếc ra ngoài cửa sổ rồi nói tiếp: “Chúng giữ anh ấy trong tù gần sáu tháng. Anh ấy chưa bao giờ kể cho chúng em nghe chuyện gì đã xảy ra trong thời gian đó, nhưng sau khi ra tù, anh ấy trở thành một con người khác hẳn”. Đó là cuộc nói chuyện đầu tiên trong vô vàn những cuộc nói chuyện như thế giữa tôi và Paula, và giờ tôi đã biết rằng những cuộc tranh luận này là cơ sở cho những gì diễn ra sau đó. Tâm hồn tôi như tan nát, nhưng tôi vẫn bị chi phối bởi đồng tiền và nhiều điểm yếu khác mà NSA đã chỉ ra khi họ mô tả về tôi một thập niên trước đây, năm 1968. Bằng cách buộc tôi phải thừa nhận điều này và đối mặt với những cảm xúc bên trong sự say mê của tôi đối với những tên cướp biển và những phiến quân khác, Paula đã giúp tôi đi theo con đường cứu rỗi linh hồn tôi.

Ngoài tình thế khó xử của cá nhân tôi, thời gian ở Colombia cũng giúp tôi hiểu rõ sự khác biệt giữa nền cộng hòa Mỹ kiểu cũ và đế chế toàn cầu mới. Nền cộng hòa đem lại hy vọng cho thế giới. Nền tảng của nó là đạo đức và triết học chứ không phải là chủ nghĩa thực dụng. Nó dựa trên những khái niệm về công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Song nó cũng mang tính thực tiễn, nó không phải chỉ là một giấc mơ không tưởng mà thực sự là một thực tế cao quý, đang sống và đang hít thở. Nó có thể mở rộng vòng tay che chở cho những con người bị áp bức. Nó là niềm cảm hứng song cũng hàm chứa sức mạnh bên trong. Khi cần, nó có thể biến thành hành động, như những gì đã từng xảy ra trong Chiến tranh Thế giới thứ II, để bảo vệ những nguyên tắc mà nó đại diện. Chính những thể chế cốt lõi nhất- những tập đoàn lớn, những ngân hàng lớn và bộ máy chính phủ- đang đe dọa nền cộng hòa thay vì thế phải được sử dụng để tạo nên những thay đổi cơ bản trên thế giới. Các thể chế đó đang sở hữu các mạng lưới viễn thông và hệ thống giao thông cần thiết để chấm dứt dịch bệnh, nạn đói và thậm chí là cả chiến tranh - một khi thuyết phục được các thể chế tin tưởng tham gia vào sự nghiệp chung đó.

Mặt khác, đế chế toàn cầu lại là sự báo ứng của nền cộng hòa. Đó là một hệ thống vị kỷ, chỉ phục vụ cho bản thân mình, tham lam và thực dụng, một hệ thống dựa vào chủ nghĩa trọng thương. Giống như các đế chế trước đó, cánh tay của đế chế toàn cầu chỉ mở ra thâu tóm các nguồn lực khổng lồ, chộp lấy mọi thứ trong tầm mắt và lèn chặt túi tham vô độ của nó. Nó sẽ dùng bất cứ công cụ nào nó cho là cần thiết để giúp những kẻ thống trị giành được quyền lực và giàu có. Tất nhiên, để có thể hiểu được sự khác biệt đó, tôi cũng dần nhìn nhận rõ hơn vai trò của chính mình.

 

Claudine đã từng cảnh cáo tôi. Cô ấy đã rất thành thật khi nói về những gì người ta mong đợi tôi một khi tôi chấp nhận làm việc cho MAIN. Tất nhiên, để hiểu được ý sâu xa đó, tôi đã phải kinh qua những nơi như Inđônêxia, Panama, Iran và Colombia. Và nó cũng đòi hỏi cả lòng kiên nhẫn, tình yêu và cả những chuyện riêng tư của một phụ nữ như Paula. Tôi đã rất trung thành với nền cộng hòa Mỹ, song những gì chúng tôi cố duy trì thông qua hình thức chủ nghĩa thực dân mới và hết sức tinh vi này, cũng tốn kém tương đương với những hoạt động quân sự mà chúng tôi đã cố thực hiện ở Việt Nam. Nếu Đông Nam Á dạy cho chúng tôi biết rằng quân đội cũng có những hạn chế của nó, thì các nhà kinh tế lại đáp trả bằng cách vạch ra một kế hoạch tốt hơn; và các tổ chức viện trợ nước ngoài, các nhà thầu tư nhân làm cho các tổ chức này (hay nói đúng hơn là được các tổ chức này phục vụ) dần dần đã thực hiện kế hoạch này một cách hết sức thành thạo.

Ở các nước trên mọi châu lục, tôi đã thấy những người đang làm việc cho các tập đoàn Mỹ- dù không phải là một bộ phận chính thức của mạng lưới EHM - tham gia vào những công việc còn nguy hại hơn rất nhiều so với bất kỳ điều gì mà các lý thuyết âm nưu từng miêu tả. Giống như nhiều kỹ sư khác của MAIN, những người công nhân này không nhìn ra hậu quả của những việc mà họ đang làm. Họ tin rằng các xí nghiệp, nhà máy đóng giầy hay sản xuất linh kiện ôtô cho công ty của họ đang giúp những người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo chứ không phải là đẩy họ quay lại thời nô lệ của những trang trại Trung cổ và các đồn điền phương Nam.

Giống như những người bị bóc lột trước đây, những người nông nô hay nô lệ thời hiện đại đều bị thuyết phục rằng họ còn sung sướng hơn nhiều so với những người xấu số sống bên lề xã hội, dưới gầm cầu ở Châu Âu, trong rừng già Châu Phi hay ở những miền đất hoang vu nơi biên giới nước Mỹ. Cuộc đấu tranh với bản thân để quyết định xem liệu tôi nên tiếp tục làm hay bỏ MAIN dần trở thành một cuộc chiến công khai. Không còn gì nghi ngờ nữa, trong tiềm thức tôi muốn ra đi, nhưng cái phần thuộc về một con người có kiến thức kinh tế của tôi lại không chắc chắn như vậy.

Đế chế riêng của tôi đang tiếp tục mở rộng; tôi thuê thêm nhân viên, đặt trụ sở ở nhiều nước, có thêm cổ phần và cái tôi trong tôi cũng ngày càng lớn. Bên cạnh sự cám dỗ của đồng tiền và lối sống giàu sang, quyền lực, tôi vẫn nhớ Claudine từng cảnh báo tôi rằng, một khi tôi đã tham gia vào công việc này, sẽ không có đường lui. Tất nhiên, Paula coi khinh tất cả những cái đó. “Vậy cô ấy biết những gì?” Tôi chỉ ra rằng Claudine đã đúng về rất nhiều thứ. “Mọi chuyện đó đều đã từ rất lâu rồi. Cuộc sống đã thay đổi. Hơn nữa, điều đó thì có gì khác nào? Anh không hài lòng với bản thân mình. Claudine hay bất cứ ai khác cũng không thể làm cho mọi thứ xấu hơn được nữa?”

 

Đó là điệp khúc mà Paula cứ liên tục nhắc đi nhắc lại, và dần dần tôi cũng đồng ý với ý kiến của cô ấy. Tôi thừa nhận với cô ấy và với bản thân tôi rằng tất cả tiền bạc, những chuyến đi, tất cả những thứ hào nhoáng cũng không thể khỏa lấp được cảm giác tội lỗi, bất ổn và căng thẳng. Là một hội viên của MAIN, tôi đang trở nên giàu có và có thế lực, và tôi biết rằng nếu tôi ở lại với MAIN lâu hơn, tôi sẽ mắc vào cái bẫy đó suốt đời.

Môt ngày khác, khi chúng tôi đang đi dạo dọc theo bờ biển gần một pháo đài cổ của Tây Ban Nha ở Cartagena, nơi đã phải chịu đựng vô số các cuộc tấn công của bọn cướp biển, Paula chợt nghĩ ra một cách mà tôi chưa từng nghĩ tới. “Nếu như anh không bao giờ nói ra những gì anh biết thì sao nhỉ?”, Paula hỏi. “Ý của em là... chỉ giữ im lặng?”

 

“Đúng thế. Không tạo cho họ bất cứ lý do nào để theo dõi anh cả. Tức là, hãy tạo ra một lý do khiến họ để anh yên, không khuấy động mọi thứ lên”. Ý kiến này rất hay- tôi tự hỏi tại sao trước đây tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Tôi sẽ không viết sách hay làm bất cứ điều gì để lộ ra những sự thật mà tôi đã biết và chứng kiến. Tôi sẽ không còn là thành viên của đội quân viễn chinh kia nữa; thay vào đó, tôi sẽ chỉ là một cá nhân, chỉ chú tâm vào hưởng thụ cuộc sống, đi du lịch tìm thú vui, và có thể xây dựng lại gia đình với một người như Paula. Tôi đã chán ngấy mọi thứ rồi, đơn giản là tôi chỉ muốn thoát ra mà thôi.

“Tất cả những gì Claudine nói với anh đều là dối trá”, Paula nói tiếp. “Cuộc sống của anh là một sự dối trá”. Rồi cô ấy mỉm cười độ lượng: “Gần đây anh đã xem lại bản lý lịch của mình hay chưa?”  Tôi phải thừa nhận là tôi chưa từng làm việc đó. “Hãy xem lại đi”, Paula khuyên tôi. “Em đã đọc bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Nếu bản đó giống với bản tiếng Anh, em nghĩ anh sẽ phát hiện ra nhiều điều rất thú vị đấy”.

 

 

 

 

Chương 23

Bản lý lịch dối trá

 

 

 

 

 

Khi đang còn ở Côlômbia, tôi nhận được tin rằng Jake Daber đã thôi không còn giữ chức Chủ tịch MAIN. Đúng như dự đoán, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Mac Hall đã chỉ định Bruno thay thế Dauber. Đường dây điện thoại giữa Boston và Barranquilla hoạt động liên tục. Tất cả mọi người đều đoán tôi cũng sẽ sớm được thăng chức; vì dù gì tôi cũng là một trong những người được Bruno tin cậy.

Những thay đổi và tin đồn này càng thôi thúc tôi xem xét lại vị trí của mình. Khi còn ở Colombia, đã nghe theo lời khuyên của Paula và đọc bản lý lịch của mình bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi thực sự bị sốc. Trở về Boston, tôi đã tìm cả bản tiếng Anh và cả tờ tạp chí của công ty, MAINLINES số tháng 11/1978. Trong số đó, tôi được nhắc đến trong bài báo có tên là “Các chuyên gia đem lại cho các khách hàng của MAIN những dịch vụ mới”.

Tôi từng có thời rất tự hào về bản lý lịch và bài báo đó, nhưng bây giờ, sau khi đọc chúng theo cách nhìn của Paula, trong tôi dấy lên một cảm xúc thất vọng và giận dữ. Tư liệu sử dụng cho bài viết đó cho thấy một sự giả tạo có chủ định, nếu không muốn nói là hoàn toàn dối trá. Và những văn bản này còn có một ý nghĩa quan trọng hơn, một thực tế phản ánh thực tiễn thời đại của chúng ta và động chạm đến cốt lõi của hành trình xây dựng đế chế toàn cầu. Chúng là hình ảnh thu nhỏ của một chiến lược được tính toán để phô diễn những diện mạo bên ngoài và ngụy trang cho sự thật bên trong. Theo một cách nào đó, chúng tượng trưng cho câu chuyện cuộc đời tôi, một lớp sơn láng bóng che đậy cái bề mặt giả dối.

Tất nhiên, tôi chẳng thoải mái gì khi nhận ra rằng tôi phải chịu phần lớn trách nhiệm về những gì được viết ra trong bản lý lịch của mình. Theo quy định làm việc thông thường, người ta yêu cầu tôi phải liên tục cập nhật bản lý lịch cá nhân cơ bản và tập hồ sơ với các thông tin về khách hàng của tôi và những công việc mà tôi đã làm. Nếu một người làm công tác tiếp thị hay giám đốc dự án muốn đưa tôi vào một bản đề xuất hay sử dụng danh tiếng của tôi, họ có thể nhào nặn các thông tin này để đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu cụ thể của họ.

 

Ví dụ, họ có thể nhấn mạnh về kinh nghiệm làm việc của tôi ở Trung Đông, hoặc về việc tôi đã phát biểu tại Ngân hàng Thế giới và các diễn đàn quốc tế khác. Bất cứ khi nào những người này sửa đổi xong bản lý lịch của tôi theo ý của họ, họ sẽ phải được tôi chấp thuận rồi mới được công khai bản lý lịch đã sửa đổi đó. Tuy nhiên, giống như nhiều nhân viên khác của MAIN, tôi đi rất nhiều, chính vì thế cũng thường có nhiều trường hợp ngoại lệ là tôi không được biết bản lý lịch của mình đã được sửa đổi. Do đó bản lý lịch mà Paula nói để tôi đọc, cả bản tiếng Tây Ban Nha và bản tiếng Anh đều hoàn toàn mới đối với tôi, dù rằng những thông tin ghi trong đó đều đã từng xảy ra trong cuộc đời tôi.

 Mới liếc qua, bản lý lịch của tôi có vẻ như rất bình thường.

 

John M.Perkins là Trưởng ban Kinh tế của ban Hệ thống Môi trường và điện. Từ khi gia nhập MAIN, ông Perkins đã từng tham gia vào các dự án quan trọng ở Mỹ, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Công việc của ông bao gồm lập kế hoạch phát triển, dự báo kinh tế, dự báo nhu cầu năng lượng, nghiên cứu thị trường, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy, phân tích phân phối năng lượng, nghiên cứu tính khả thi kinh tế, nghiên cứu tác động kinh tế và môi trường, tư vấn quản lý và lên kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, ông và các đồng sự của mình đã cùng xây dựng nhiều dự án liên quan đến việc đào tạo khách hàng áp dụng kỹ thuật. Gần đây, ông Perkins đã phụ trách dự án thiết kế chương trình máy tính phục vụ:

1) dự báo nhu cầu về năng lượng và định lượng các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sản xuất năng lượng. 2) đánh giá tác động của các dự án đến môi trường và kinh tế xã hội và

3) áp dụng mô hình Markov và các mô hình kinh tế lượng trong hoạch định kế hoạch kinh tế quốc gia và khu vực.

Trước khi làm việc tại MAIN, ông Perkins đã có ba năm làm việc tại Ecuađo để tiến hành nghiên cứu thị trường, tổ chức và quản lý một công ty vật liệu xây dựng. Ông cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu về tính khả thi của việc tổ chức các hợp tác xã tín dụng và các quỹ tích kiệm ở Ecuađo.

 

TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN

Cử nhân quản trị kinh doanh; Đại học Boston

Sau đại học: Xây dựng mô hình, Kinh tế học công trình, Kinh tế lượng, Các phương pháp xác suất.

NGÔN NGỮ Tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha

THÀNH VIÊN CÁC TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP: Hiệp hội Kinh tế Mỹ Hiệp hội Phát triển quốc tế

 

CÁC ẤN PHẨM ĐÃ PHÁT HÀNH: Quy trình Markov áp dụng trong dự báo về năng lượng Cách tiếp cận vĩ mô trong dự báo năng lượng Mô hình miêu tả mối quan hệ tác động trực tiếp và gián tiếp giữa kinh tế và môi trường Năng lượng điện từ hệ thống quan hệ tương tác Phương pháp Markov áp dụng trong hoạch định kế hoạch

 

SỞ TRƯỜNG: Nghiên cứu dự báo Nghiên cứu Marketing Nghiên cứu tính khả thi Nghiên cứu lựa chọn địa điểm Nghiên cứu tác động kinh tế Lập kế hoạch đầu tư Nghiên cứu nguồn cung nhiên liệu Lập kế hoạch phát triển kinh tế

Các chương trình đào tạo Quản lý dự án, Tư vấn quản ly

 

CÁC KHÁCH HÀNG: Công ty dầu Mỹ- Ả rập, Ảrập Xêút Ngân hàng Phát triển Châu Á Tập đoàn Boise Cascade Tập đoàn City Service Công ty Ánh sáng và Điện Dayton Công ty General Electric (GE) Chính phủ Cô oét Instituto de Recursos Hidraulicó y Electrification, Panama Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển Bộ năng lượng Iran Thời báo New York Sở Điện lực bang New York Perusahaan Umum Listrik Negara, Inđônêxia Công ty Ga & Điện Nam Carolina Hiệp hội Kỹ thuật ngành giấy và bột giấy Tập đoàn Union Camp “Bộ Tài chính Mỹ, Vương quốc Ảrập Xêút”

 

 Các chuyên gia đem lại cho khách hàng của MAIN những dịch vụ mới (Pauline Quellette) Nhìn những gương mặt đang ngồi sau bàn làm việc, có thể dễ dàng nhận thấy là Ban Kinh tế và Hoạch định kế hoạch là một trong những bộ phận mới được thành lập và đang phát triển nhanh tại MAIN. Đến nay trong nhóm này có khoảng 20 chuyên gia, được tập hợp lại trong thời gian 7 năm vừa qua. Các chuyên gia ở đây không chỉ có những nhà kinh tế học mà còn gồm cả các nhà quy hoạch đô thị, các nhà nhân khẩu học, các chuyên gia thị trường và các nhà xã hội học đầu tiên của MAIN.

Mặc dù việc hình thành nhóm kinh tế này là nhờ có đóng góp của một số người, song những thành công của nhóm là nhờ có nỗ lực của một người, ông John Perkins, hiện đang là Trưởng nhóm Bắt đầu làm việc tại MAIN với vai trò trợ lý cho trưởng nhóm dự báo vào tháng 1/1971, John là một trong số ít nhà kinh tế làm việc cho MAIN trong thời gian đó. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là tham gia nhóm chuyên gia gồm 11 người đi đến Inđônêxia để tiến hành nghiên cứu về nhu cầu điện năng.  

“Người ta muốn thử xem liệu tôi có thể sống sót trong vòng 3 tháng ở đó không”, John cười to khi nhớ lại. Nhưng với trình độ và thành tích của mình, John chẳng khó gì mà không “sống sót” được. Trước đó ông vừa ở Êcuađo ba năm để làm việc cho một hợp tác xã vật liệu xây dựng, giúp những người da đỏ ở Quechua, hậu duệ của người Incas. John kể lại những người da đỏ đó ở đây bị bóc lột để làm công việc đóng gạch, vì vậy một tổ chức của Êcuađo đã đề nghị liên kết với John thành lập hợp tác xã. Sau đó, John đã thuê một chiếc xe tải để họ có thể giao gạch trực tiếp cho khách hàng. Kết quả là lợi nhuận của hợp tác xã tăng nhanh chóng, thêm 60%. Phần lợi nhuận này được chia cho các thành viên của hợp tác xã.

Chỉ sau hai năm rưỡi, cả hợp tác xã đã có tới 2000 hộ gia đình tham gia. Cũng trong thời gian này, John Perkins đã gặp Einar Greve (một nhân viên cũ của MAIN) [Ông đã rời khỏi MAIN và về làm việc tại thị trấn Paute, Êcuađo trong một dự án thủy điện của MAIN. Hai người đã trở thành bạn của nhau. Qua trao đổi thư từ, John được mời làm việc tại MAIN. Khoảng một năm sau, John trở thành nhà dự báo Kinh tế trưởng. Khi yêu cầu từ các khách hàng và các tổ chức như Ngân hàng Thế giới ngày càng tăng, John nhận ra rằng MAIN cần có thêm nhiều nhà kinh tế nữa.

Ông kể lại: “Khi MAIN chỉ là một công ty làm kỹ thuật, các khách hàng đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi cần phải phát triển hơn nữa”. Năm 1973, John tuyển thêm các nhà kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, và hình thành nên bộ phận mà sau mang lại cho ông chức danh nhà Kinh tế trưởng.

 Dự án mới nhất của John liên quan đến phát triển nông nghiệp ở Panama, nơi ông ở khoảng 1 tháng trước đó. Chính tại Panama, MAIN đã tiến hành nghiên cứu xã hội đầu tiên thông qua nhà xã hội học đầu tiên của công ty là Martha Hayes. Marti đã dành một tháng rưỡi ở Panama nghiên cứu về những tác động của dự án đối với văn hóa và cuộc sống của con người nơi đây.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan khác cũng tham gia vào cùng nghiên cứu này.  Bộ phận Kinh tế và Quy hoạch vùng đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, song John còn cảm thấy may mắn vì được làm việc trong một tập thể mà mỗi cá nhân đều là những chuyên gia hết sức nhiêt tình với công việc. Ông nói với tôi rằng ông đánh giá cao sự hăng say công việc và sự hỗ trợ của những thành viên trong nhóm.

 

MAINLINES 11/1978

 

Trong phần kinh nghiệm có ghi tôi đã từng tham gia các dự án quan trọng ở Mỹ, Châu Á, Châu Mỹ Lating và Trung Đông, sau đó ở dưới là một danh sách khá hoàn chỉnh về các loại dự án: Lập kế hoạch phát triển, dự báo kinh tế, dự báo nhu cầu năng lượng,... Phần này kết thúc bằng việc miêu tả nhiệm vụ của tôi trong Quân đoàn Hòa bình ở Êcuađo; song lại không nhắc gì đến Quân đoàn Hòa bình, khiến người đọc có cảm giác như tôi là Giám đốc chuyên môn của một công ty vật liệu xây dựng nào đó chứ không phải là một tình nguyện viên có trách nhiệm hỗ trợ một tập thể nhỏ những nông dân Andean thất học làm nghề đóng gạch.

Theo sau là một danh sách dài các khách hàng của tôi. Danh sách này bao gồm Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (tên chính thức của Ngân hàng Thế giới), Ngân hàng Phát triển Châu Á, Chính phủ Cô oét, Bộ Năng lượng  Iran, Công ty Dầu Ả rập-Mỹ của Ảrập Xêút, Instituto de Recursos Hidraulicos y Electrificacion, Perusahaan Umum Listrick Negara và nhiều khách hàng khác. Nhưng điều khiến tôi chú ý là phần cuối danh sách có ghi “Bộ tài chính Mỹ, Vương quốc Ảrập Xêút”. Tôi vô cùng sửng sốt vì trong các bản lý lịch trước đây không có dòng cuối này, dù nó không sai lệch so với những gì đã diễn ra trong cuộc đời tôi.

Đặt bản lý lịch xuống, tôi mở xem bài báo trên tờ MAINLINES. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cuộc phỏng vấn giữa tôi và tác giả bài viết đó, một phụ nữ rất tài năng và thiện chí. Trước khi đăng bài báo này, cô ấy đã đưa cho tôi đọc qua. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hài lòng vì cô ấy đã tôn chân dung tôi lên, và ngay lập tức tôi đã đồng ý đăng bài báo đó. Và một lần nữa, tôi phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Bài báo bắt đầu như sau: Ngắm nhìn những gương mặt đang ngồi sau bàn làm việc, có thể dễ dàng nhận ra rằng nhóm Kinh tế học và quy hoạch vùng là một trong những bộ phận mới được thành lập và đang đi lên nhanh chóng ở MAIN...

Mặc dù có nhiều người góp công vào việc hình thành nên nhóm kinh tế học này, song về cơ bản những thành công của nhóm là nhờ nỗ lực của một người, ông John Perkins, hiện đang là Trưởng nhóm. Bắt đầu làm việc tại MAIN với vai trò trợ lý cho trưởng nhóm dự báo vào tháng 1/1971, John là một trong số ít nhà kinh tế làm việc cho MAIN trong thời gian đó. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là tham gia nhóm chuyên gia gồm 11 người đi đến Inđônêxia để tiến hành nghiên cứu về nhu cầu điện năng.

Bài báo đã tóm tắt ngắn gọn quá trình làm việc của tôi trước đó, miêu tả “ba năm” tôi sống ở Êcuađo như thế nào, và tiếp tục như sau: Cũng trong thời gian này, John Perkins đã gặp Einar Greve (một nhân viên cũ của MAIN) [Ông đã rời khỏi MAIN và về làm việc tại thị trấn Paute, Êcuađo trong một dự án thủy điện của MAIN. Hai người đã trở thành bạn của nhau. Qua trao đổi thư từ, John được mời làm việc tại MAIN. Khoảng một năm sau, John trở thành nhà dự báo Kinh tế trưởng. Khi yêu cầu từ các khách hàng và các tổ chức như Ngân hàng Thế giới ngày càng tăng, John nhận ra rằng MAIN cần có thêm nhiều nhà kinh tế nữa. Tất cả những gì được viết trong các tài liệu trên không hoàn toàn dối tra.

Tất cả các tư liệu lưu trữ cho cả hai tài liệu đều được lưu trong hồ sơ của tôi. Song những lời lẽ trong bài có phần nào bóp méo sự thật và có vẻ đã được làm nhẹ bớt đi. Và trong một nền văn hóa luôn tôn thờ các tài liệu nguyên bản, những lời lẽ đó còn mang một ý nghĩa kinh khủng hơn. Những lời nói dối trắng trợn có thể bị bác bỏ. Trái lại, ta cũng không thể bác bỏ những gì ghi trong hai văn bản kia vì chúng dựa trên những sự thật mơ hồ, chứ không phải là sự giả dối hiển nhiên và bởi vì chúng lại do chính một tập đoàn đã chiếm được lòng tin của các tập đoàn khác, của các ngân hàng quốc tế và chính phủ viết nên.

Điều này càng đúng với bản lý lịch vì đó là văn bản chính thức. Nó khác với bài viết trên báo vốn chỉ là một cuộc phỏng vấn ngoài lề được đăng trên tạp chí mà thôi. Biểu tượng của MAIN được in ở cuối bản lý lịch và ngoài bìa của tất cả các đề xuất và báo cáo mà bản lý lịch nhắc tới. Nó có trọng lượng trong giới kinh doanh quốc tế; nó là con dấu chứng minh tính xác thực có độ tin cậy như những con dấu đóng trên các bằng cấp và chứng chỉ được lồng khung treo trong các văn phòng của luật sư hay phòng khám của bác sỹ.

Các văn bản này khắc họa như tôi như một nhà kinh tế xuất sắc, Trưởng ban của một công ty tư vấn có uy tín, người đã đi vòng quanh thế giới này văn minh và thịnh vượng hơn. Sự giả dối không phải trong những gì được nêu ra trong các văn bản đó mà ở những gì hai văn bản đó không nhắc tới. Nếu tôi lấy tư cách một kẻ ngoài cuộc- để có một cái nhìn hoàn toàn khách quan- tôi phải thừa nhận rằng, những sự bỏ sót này làm nảy sinh rất nhiều câu hỏi.

Ví dụ, các văn bản này chẳng hề nhắc đến việc tôi từng làm việc cho NSA hay mối liên hệ giữa Einar Greve với quân đội và vai trò làm đầu mối cho NSA của ông ta. Chúng cũng không bàn gì đến thực tế là tôi đã chịu sức ép khủng khiếp và buộc phải đưa ra những dự báo kinh tế cao hơn nhiều so với thực tế, hay cũng không nói rằng, phần lớn công việc của tôi chỉ xoay quanh việc thu xếp các khoản nợ khổng lồ mà các nước như Inđônêxia hay Panama không bao giờ có thể trả được. Hai văn bản đó cũng không nhắc đến sự chính trực của người tiền nhiệm tôi- Howard Parker, cũng không nói rằng tôi trở thành Trưởng nhóm dự báo vì tôi luôn sẵn lòng đưa ra những nghiên cứu sai lệch theo ý muốn của sếp tôi, chứ không như Howard- là nói những gì ông tin là đúng và cuối cùng bị sa thải. Khó hiểu nhất là những dòng cuối trong danh sách khách hàng của tôi: đó là Bộ Tài chính Mỹ, Vương quốc Ảrập Xêút.

Tôi cứ xem đi xem lại dòng này và tự hỏi mọi người sẽ diễn giải hai dòng này như thế nào. Rất có thể họ sẽ đặt câu hỏi là liệu có mối liên hệ gì giữa Bộ tài chính và Ảrập Xêút không. Có lẽ một vài người sẽ coi đó là lỗi in ấn khi hai dòng khác nhau bị ghép vào làm một. Tuy nhiên, phần lớn các độc giả sẽ không bao giờ đoán nổi sự thật là chúng được ghi như vậy vì một lý do đặc biệt. Có như vậy thì nội bộ những người trong giới hoạt động của tôi mới hiểu rằng tôi là một thành viên của nhóm soạn thảo cái thỏa thuận thế kỷ, một thỏa thuận đã làm thay đổi cả tiến trình lịch sử nhưng chưa từng được đưa lên mặt báo. Tôi đã giúp tạo ra một giao kèo đảm bảo nước Mỹ luôn có dầu, bảo vệ các nguyên tắc của Hoàng gia Ảrập Xêút, và hỗ trợ tài chính cho Osama bin Laden cũng như bảo vệ các tội phạm quốc tế như Idi Amin ở Uganda. Dòng duy nhất trong cái sơ yếu lý lịch đó đã báo cho những người trong cuộc biết. Nó cho biết, nhà Kinh tế trưởng của MAIN là một người có thể làm mọi điều.

Đoạn cuối cùng trong bài báo là một quan sát của cá nhân tác giả, và nó khiến tôi giận điên.

 

Bộ phận Kinh tế và Quy hoạch vùng đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, song John còn cảm thấy may mắn vì được làm việc trong một tập thể mà mỗi cá nhân đều là những chuyên gia hết sức nhiệt tình với công việc. Ông nói với tôi rằng ông đánh giá cao sự hăng say công việc và sự hỗ trợ của những thành viên trong nhóm.  

Trên thực tế, tôi chưa bao giờ tự cho mình là một nhà kinh tế trung thực. Tôi đã tốt nghiệp cử nhân về quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Boston, chuyên ngành marketing. Tôi luôn học rất kém môn toán và môn thống kê. Ở trường Cao đẳng Middlebury, tôi học chuyên ngành văn học Mỹ, vì vậy đối với tôi viết lách không khó. Vị trí Kinh tế trưởng và Trưởng nhóm Kinh tế và Quy hoạch chẳng phải nhờ vào năng lực của tôi về kinh tế hay quy hoạch vùng mà chỉ đòi hỏi tôi trách nhiệm sẵn sàng cung cấp các loại nghiên cứu và kết luận theo đúng ý sếp và khách hàng, cùng với sự nhạy bén mà tôi vốn có trong việc thuyết phục người khác bằng những từ ngữ tôi viết ra. Bên cạnh đó, tôi cũng đủ khéo léo để tìm kiếm đồng sự là những người xuất sắc, nhiều người trong số họ là thạc sỹ, có hai người là tiến sỹ. Tôi tuyển dụng được những nhân viên hiểu biết hơn tôi về công việc chuyên môn. Vì vậy chẳng có gì lạ khi tác giả bài báo kết luận rằng “Ông đánh giá cao lòng hăng say công việc và sự hỗ trợ của những thành viên trong nhóm.”

 

Tôi giữ hai văn bản này cùng một số giấy tờ tương tự trong ngăn kéo trên cùng của bàn làm việc và thường giở chúng ra xem lại. Mỗi lần xem xong, tôi thường ra khỏi phòng, lang thang quanh bàn làm việc của các đồng nghiệp, quan sát những người đang làm việc cho tôi, và tôi cảm thấy có lỗi về những gì tôi đã làm với họ, và về vai trò của chúng tôi trong việc nới rộng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Tôi nghĩ về những con người đang chết đói hàng ngày trong khi tôi và các đồng nghiệp của mình sống trong những khách sạn hạng nhất, ăn uống ở những nhà hàng tốt nhất và mua thêm nhiều cổ phiếu để làm giàu.

Tôi nghĩ về một thực tế là những người tôi đào tạo nay đã đứng vào hàng ngũ của các EHM. Chính tôi là người đã đẩy họ vào đó. Tôi đã tuyển dụng và đào tạo họ. Nhưng bây giờ, hệ thống đó đã không còn như khi tôi mới bước chân vào. Thế giới đã thay đổi và các tập đoàn cũng đã có những bước tiến mới. Chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn hay nói cách khác là đã trở nên thâm hiểm hơn. những người làm việc cho tôi là một thế hệ mới. Trong cuộc đời của họ, không có sự hiện diện của các máy móc dò tìm của NSA hay Claudine. Không ai nói cho họ biết họ đang đảm đương trách nhiệm của đế chế toàn cầu. Họ chưa bao giờ được nghe về khái niệm sát thủ kinh tế hoặc thậm chí cả EHM, cũng chưa có ai bảo cho họ biết cả. Họ chỉ đơn giản học từ những ví dụ của tôi và từ hệ thống khen thưởng và trừng phạt của tôi mà thôi. Họ biết rằng họ phải đưa ra những nghiên cứu và kết quả mà tôi mong muốn. Lương của họ, cả tiền thưởng dịp Giáng sinh, và thực tế là cả công việc của họ nữa, tất cả đều phụ thuộc vào việc họ có khiến tôi hài lòng hay không.

Tất nhiên tôi đã làm tất cả mọi thứ mà tôi có thể mường tượng ra để làm nhẹ bớt gánh nặng cho họ. Tôi đã viết bài, giảng bài và tận dụng tất cả các cơ hội có thể để thuyết phục họ về tầm quan trọng của các dự báo lạc quan, của các khoản vay khổng lồ, của việc đầu tư vốn nhằm kích thích tăng trưởng GNP và biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Không cần phải mất đến một thập niên để đi đến tình trạng hiện nay, khi mà sự cám dỗ, sự áp bức trở nên tinh vi hơn, giống như một kiểu tẩy não nhẹ nhàng. Bây giờ, những người này, đang ngồi ở những chiếc bàn ngoài văn phòng nhìn ra vịnh Boston’s Back của tôi, đang vươn ra thế giới để đẩy nhanh sự nghiệp đế chế toàn cầu. Nói một cách thực sự thì tôi đã tạo ra họ, giống như Claudine đã tạo ra tôi vậy. Nhưng không giống như tôi, họ được giữ trong bóng tối.

Nhiều đêm tôi nằm thao thức, suy nghĩ và day dứt về điều đó. Việc Paula gợi ý tôi đọc bản lý lịch đã mở ra mọi sự nghịch lý, và tôi luôn cảm thấy ghen tỵ với các đồng nghiệp của mình, với sự ngây thơ của họ. Tôi cố tình lừa dối họ, và khi làm như vậy, tôi đã bảo vệ họ khỏi bị lương tâm cắn rứt. Họ không phải đấu tranh với những vấn đề đạo đức mà giờ đây đang hành hạ tôi.

Tôi cũng nghĩ nhiều về sự liêm chính trong kinh doanh, về các biểu hiện bên ngoài đối lập với thực tế. Tất nhiên, tôi tự nói với bản thân mình, từ xưa đến nay con người vẫn lừa dối lẫn nhau. Trong truyền thuyết và các câu chuyện dân gian đầy rẫy những dối lừa: Những người buôn thảm lừa đảo, những kẻ cho vay nặng lãi và những người thợ may sẵn sàng thuyết phục nhà vua rằng quần áo họ may cho vua chỉ tàng hình với nhà vua mà thôi.

Tuy nhiên, dù muốn kết luận là mọi thứ vẫn luôn như vậy, rằng bản lý lịch của tôi tại MAIN và sự thật đằng sau nó đơn thuần là phản ánh đúng bản chất con người, trong sâu thẳm trái tim mình, tôi biết là không phải như vậy. Mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây tôi hiểu rằng chúng tôi đã đạt đến một mức độ giả dối mới, và nó sẽ hủy hoại chính chúng tôi - không chỉ về mặt đạo đức mà là cả về vật chất, toàn nền văn hóa của chúng tôi nếu chúng tôi không sớm có những thay đổi quan trọng.

Tội phạm có tổ chức có thể là một ví dụ phù hợp. Có tên trùm Mafia thường xuất thân từ những tên côn đồ đường phố. Nhưng qua thời gian, những kẻ leo lên được nấc thang cao hơn đều thay đổi vẻ bề ngoài của mình. Chúng sẽ khoác trên mình những bộ vét được may một cách hoàn hảo, sở hữu các doanh nghiệp hợp pháp và tự cuộn mình trong vỏ bọc của một người có vị thế cao trong xã hội. Chúng sẽ tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương và được cộng đồng kính nể. Chúng hào hiệp cho những người đang trong cảnh khốn cùng vay tiền. Giống như hình ảnh John Perkins trong bản lý lịch của MAIN, những kẻ này xuất hiện như những công dân hiện đại. Tuy nhiên, ẩn đằng sau lớp vỏ hào nhoáng đó là máu. Khi những con nợ không trả được nợ, những tên sát thủ này bắt đầu ra tay, ép họ phải trả tiền. Nếu không thu được nợ, lũ chó săn đó sẽ bắt đầu sử dụng đến những chiếc gậy bóng chày. Và cuối cùng là súng.

 Tôi nhận ra rằng vẻ hào nhoáng của một nhà Kinh tế trưởng, Trưởng Bộ phận Kinh tế và Hoạch định Kế hoạch không chỉ là sự giả dối đơn thuần của một kẻ buôn thảm bình thường, không phải sự giả dối mà người mua có thể nhận ra ngay được. Sự giả dối đó là một phần trong cả một hệ thống hết sức thâm hiểm, nó không chỉ nhắm đến những khách hàng ngây thơ và khờ khạo, mà còn để phát triển hình thức thực dân tinh vi và hiệu quả nhất từng tồn tại trên thế giới. Tất cả các nhân viên trong văn phòng tôi đều có một chức danh- nhà phân tích tài chính, nhà xã hội học, nhà kinh tế học, nhà kinh tế trưởng, nhà kinh tế lượng, chuyên gia dự báo giá cả,...; song không chức danh nào trong số đó nói được lên sự thật là mỗi người trong số này đều là một sát thủ kinh tế, và họ đang phục vụ cho lợi ích của đế chế toàn cầu.

Chức danh của các nhân viên của tôi cũng không cho thấy rằng chúng tôi mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Tất cả các công ty quốc tế lớn, từ những công ty kinh doanh giày và các sản phẩm thể thao khác đến những công ty sản xuất các thiết bị- đều có một hệ thống sát thủ kinh tế EHM của riêng mình. Chiến dịch đã bắt đầu và nó nhanh chóng lan rộng ra cả hành tinh này. Những tên du côn đã cởi bỏ áo da, khoác vào bộ cánh doanh nhân và trưng ra một bề ngoài đáng kính trọng. Những người đàn ông và những người phụ nữ bước ra từ trụ sở những tập đoàn lớn ở New York, Chicago, San Francisco, London, và Tokyo, đi đến mọi châu lục, thuyết phục những chính trị gia dễ bị mua chuộc để họ trói buộc đất nước của họ vào thế giới của tập đoàn trị, và xúi giục những con người tuyệt vọng bán mình cho các công ty lắp ráp và các xí nghiệp bóc lột tàn tệ.

Những điều ẩn đằng sau những dòng chữ viết trong bản lý lịch và trong bài báo đã hé lộ cả một thế giới mù mịt đầy gian dối đang quyết trói chúng tôi vào cái hệ thống đáng ghê tởm về đạo đức và cuối cùng sẽ bị tự đi đến chỗ diệt vong. Bằng cách khuyến khích tôi hiểu ra những ẩn ý sâu xa đó, Paula đã thúc đẩy tôi bước thêm một bước trên con đường mà cuối cùng sẽ thay đổi cả cuộc đời tôi.

 

 

 

 

 

  1. Confessions of an Economic Hit Man

  2. Confessions of an Economic Hit Man

  3. Confessions of an Economic Hit Man

  4. Confessions of an Economic Hit Man

  5. Confessions of an Economic Hit Man

  6. Confessions of an Economic Hit Man

  7. Confessions of an Economic Hit Man

  8. Confessions of an Economic Hit Man

  9. Confessions of an Economic Hit Man

  10. Confessions of an Economic Hit Man

 

 

http://www.chinhnghia.com/

http://chinhnghiaviet.informe.com/forum/

http://nguoidalat.informe.com/forum/

http://chinhnghiamedia.informe.com/forum/

 

 

 

 

Your name:


Your email:


Your comments: