Trang ChủKim ÂuBáo ChíLưu TrữVấn ĐềChính Nghĩa ViệtĐà LạtThư QuánDịch ThuậtTự Điển

Tác Phẩm Chính Nghĩa BBC LONDON HISTORY AUSTRALIAN RFI PARIS Chân Thiện Mỹ Tác Giả

ESPN3BannerLottery

 

 

 

 

US Senator John McCain , Kim Âu Hà văn Sơn

NT Kiên , UCV Bob Barr, Kim Âu Hà văn Sơn

 

 

 

 

 

Nguyễn Thái Kiên , Kim Âu Hà văn Sơn, Cố vấn an ninh đặc biệt của Reagan-Tỷ phú Ross Perot,Tŕnh A Sám

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời thú tội của một Sát thủ Kinh tế

 

"Confessions of an Economic Hit Man"

  

Tác giả: John Perkins

 

 

 

 

Chương 29

Tôi nhận hối lộ

 

 

Trong quãng đời này, tôi đã nhận ra rằng chúng ta quả thật đã bước vào một thời đại mới của nền kinh tế thế giới. Các sự kiện nối đuôi nhau xảy ra khi Robert Mac Namara- người đã từng là thần tượng của tôi- lên nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ngân hàng thế giới, khiến tôi ngày càng cảm thấy khiếp sợ. Cái cách tiếp cận kinh tế học theo trường phái Keynes của Mac Namara, và cách lãnh đạo hung hăng của ông ta đã xâm nhập khắp mọi nơi. Khái niệm EHM đã chi phối tất cả các phong cách quản lý của các giám đốc điều hành trong đủ loại lĩnh vực kinh doanh. Có thể NSA đã không tuyển chọn và lưu giữ hồ sơ của họ, nhưng họ cũng làm công việc, chức năng giống như vậy.

Cái khác biệt duy nhất là giờ đây những vị giám đốc EHM của các công ty không nhất thiết phải dính líu tới hoạt động của giới ngân hàng quốc tế khi mà cái nghề cũ của tôi tiếp tục phát triển, cái kiểu EHM mới này còn phô bày những mặt tai hại hơn nhiều. Trong những năm 1980, đa số lớp trẻ đi lên từ hàng ngũ quản lý bậc trung tin tưởng rằng người ta có thể làm bất cứ điều gì vì mục đích làm tăng lợi nhuận. Cái đế chế toàn cầu chỉ đơn giản là một lối mòn để đến với lợi nhuận.

Ngành năng lượng nơi tôi đang làm việc đã ngay lập tức chạy theo những xu thế mới. Dự luật chính sách điều chỉnh dịch vụ công (PURPA) được Quốc hội thông qua năm 1978, vượt qua một loạt các rào cản luật pháp, và cuối cùng đã trở thành luật vào năm 1982. Ban đầu, Quốc hội hình dung là luật này sẽ là một cách để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân nhỏ như công ty của tôi khai thác các nhiên liệu thay thế và tìm ra mức đột phá trong sản xuất điện. Theo điều luật này, các công ty dịch vụ công lớn phải mua năng lượng do các công ty nhỏ hơn sản xuất với một giá hợp lý phải chăng. Tổng thống Carter đã từng mơ về một nước Mỹ không phụ thuộc vào dầu lửa- dầu lửa nói chung chứ không chỉ là dầu lửa nhập khẩu, và chính sách này kết quả của ước mơ đấy. Mục đích của điều luật rõ ràng là vừa để khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng  thay thế vừa để ủng hộ các công ty tư nhân nhỏ, vốn đại diện cho sự nhạy bén, năng động của người dân Mỹ, nhưng trên thực tế mọi việc đã không như mong đợi.  

Trong suốt thập niên 80 và đầu những năm 90, sự nhảy bén, năng động không còn đóng vai trò quan trọng nữa mà thay vào đó là sự bãi bỏ các quy định. Tôi đã chứng kiến cảnh phần lớn các công ty nhỏ bị các công ty xây dựng và lắp ghép lớn, và chính các công ty dịch vụ công nuốt chửng. Các công ty dịch vụ công đã tìm mọi kẽ hở trong luật pháp để thành lập công ty cổ phần cho phép những công ty này vừa sở hữu cả những công ty dịch vụ phải chịu những quy định ngặt nghèo lẫn những công ty năng lượng  độc lập được ưu đãi về mặt pháp lý. Rất nhiều công ty lớn đã phát động những chiến dịch nhằm làm cho các công ty nhỏ phá sản rồi sau đó mua lại chúng. Các công ty khác thì đơn giản là tự đứng ra thành lập những công ty năng lượng độc lập của riêng mình.

Mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu lửa đã bị gạt sang một bên. Reagan chịu ơn các công ty dầu lửa, Bush đã từng phất lên nhờ kinh doanh dầu lửa. Và phần lớn những người trong cuộc và thành viên nội các của cả hai chính phủ này đều đã từng ở trong ngành dầu lửa hoặc làm việc cho các công ty xây dựng và lắp ghép có quan hệ mật thiết với dầu lửa. Hơn nữa, suy cho cùng, không chỉ riêng đảng Cộng hòa là con nợ của ngành dầu lửa và xây dựng; rất nhiều người thuộc đảng Dân chủ cũng đã được lợi nhờ hai ngành này và chịu ơn chúng.

IPS tiếp tục theo đuổi cái ý tưởng tạo ra một nguồn năng lượng  không có hại cho môi trường. Chúng tôi quyết tâm đi theo những mục tiêu gốc của PURPA, và dường như một phép màu đã đến với chúng tôi. Chúng tôi là một trong số ít các công ty nhỏ không những đã sống sót mà còn phát triển. Tôi dám chắc điều này xảy ra là bởi tôi đã từng phục vụ cho chế độ tập đoàn trị.

Những gì diễn ra trong ngành năng lượng đặc trưng cho một xu hướng đang tác động đến toàn thế giới. An sinh xã hội, môi trường, và những điều làm nên một cuộc sống tươi đẹp đang phải nhường chỗ cho sự  tham lam. Lúc này, người ta đang quan tâm quá mức đến việc khuyến khích, hỗ trợ cho kinh doanh tư nhân. Ban đầu, điều này tưởng như được biện minh bởi những cơ sở lý thuyết, trong đó có cả cái thuyết cho rằng chủ nghĩa tư bản là ưu việt. Nhưng cuối cùng, sự biện minh này trở nên không cần thiết.

Người ta hoàn toàn công nhận rằng, những dự án do các nhà đầu tư tư nhân giàu có thực hiện thì tốt hơn những dự án của chính phủ. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới cũng đồng tình với quan điểm này, và ủng hộ cho việc giảm thiểu sự điều tiết của chính phủ, tư nhân hóa các hệ thống cấp thoát nước, các mạng lưới truyền thông, hệ thống dịch vụ công và các trang thiết bị mà từ trước đến nay vẫn nằm dưới sự quản lý của nhà nước.

Kết quả là, cái khái niệm EHM dễ dàng xâm nhập đến khắp mọi nơi, những nhà quản lý từ nhiều lĩnh vực kinh doanh giờ cũng làm cái sứ mệnh MAIN trước kia chỉ dành riêng cho số ít người được tuyển chọn vào cái câu lạc bộ riêng của chúng tôi. Những nhà quản lý này đến khắp nơi trên thế giới. Họ tìm những nơi có nhân công rẻ hơn, những nguồn lực dễ tiếp cận hơn, và những thị trường lớn hơn. Họ rất tàn nhẫn trong những việc họ làm. Giống như những EHM đã đi trước họ, như chính bản thân tôi, ở Inđônêxia , ở Panama, và ở Colombia - họ tìm cách để hợp lý hóa những hành động sai trái của mình.

Và cũng giống chúng tôi, họ đưa cả quốc gia và những người dân vào tròng. Họ hứa hẹn một sự giàu sang, hứa tìm ra cách để các quốc gia có thể sử dụng khu vực tư nhân để thoát khỏi cảnh nợ nần. Họ xây dựng trường học và đường cao tốc, tặng không máy điện thoại, ti vi, và các dịch vụ y tế.  

Nhưng cuối cùng, nếu họ tìm thấy ở một nơi nào khác nhân công rẻ hơn hay nguồn tài nguyên phong phú hơn, họ sẽ bỏ đi. Khi họ bỏ những nơi mà họ đã từng reo rắc hi vọng, hậu quả thường rất tang thương, nhưng rõ ràng là họ làm những điều này mà không hề do dự và cũng chẳng mảy may cắn rứt lương tâm chút nào. Tôi không hiểu những điều này ảnh hưởng thế nào đến tâm hồn họ, có lúc nào họ cảm thấy chùn chân, như tôi đã từng chùn chân? Đã bao giờ họ đứng cạnh một con lạch nhơ bẩn và thấy một nhười phụ nữ cố tắm rửa trong dòng nước ấy ngay trong khi một ông già đại tiện cũng chính trên con lạch đó? Chẳng lẽ không có một Howard Parker nào còn sót lại để đặt ra những câu hỏi hóc búa vậy? 

Tuy tôi rất hài lòng với những thành công ở IPS và có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, tôi không tránh khỏi những phút giây buồn phiền. Giờ tôi đã là cha của một bé gái, và tôi lo sợ cho tương lai của con gái  tôi. Tôi bị ám ảnh bởi những tội lỗi mà tôi đã từng gây ra.

Tôi cũng có thể nhìn lại và thấy những diễn biến lịch sử đầy rối loạn. Hệ thống tài chính quốc tế hiện đại được thành lập cuối Đại chiến Thế giới thứ II, tại một cuộc họp mặt của các nhà lãnh đạo từ rất nhiều quốc gia tại Bretton Woods, New Hampshire - quê hương tôi. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế được thành lập để khôi phục lại một Châu Âu bị tàn phá, và hai tổ chức này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hệ thống này phát triển rất nhanh, và nhanh chóng chiếm được sự ủng hộ của tất cả những đồng minh lớn của Mỹ và được hoan nghênh như một vị thuốc chống lại sự đàn áp.

Nhưng tôi không khỏi tự hỏi liệu những điều này sẽ đưa chúng tôi tới đâu. Vào cuối thập niên 1980, với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự chuyển mình của Chủ nghĩa Cộng sản, tất cả trở nên rõ ràng là ngăn cản Cộng sản không còn là mục tiêu của chúng tôi nữa. Như Jim Garrison, chủ tịch của diễn đàn thế giới, nhận xét:

Nhìn nhận một cách tổng quát, hội nhập thế giới, đặc biệt là dưới hình thức toàn cầu hóa kinh tế và những đặc trưng huyền thoại của cái chủ nghĩa tư bản với “thị trường mở”, đại diện cho một “đế chế” thực sự với đầy đủ tư cách... Không có bất cứ một quốc gia nào trên thế giới có thể cưỡng lại viên nam châm đầy hấp dẫn của toàn cầu hóa. Rất ít nước có thể thoát khỏi những “chương trình điều chỉnh cơ cấu” và “những điều kiện” của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế hoặc những phân xử của Tổ chức Thương mại Thế giới, những thiết chế tài chính mà, cho dù không thỏa đáng đi nữa, vẫn quyết định ý nghĩa của toàn cầu hóa kinh tế, định ra những luật lệ và quyết định ai được thưởng vì sự phục tùng và ai bị trừng phạt vì vi phạm. Chính là nhờ sức mạnh của toàn cầu hóa mà trong đời chúng ta có thể chứng kiến sự hội nhập, ngay cả khi không đồng đều, của tất cả các nền kinh tế trên thế giới vào một hệ thống thị trường tự do toàn cầu duy nhất.1

 Những vấn đề này khiến tôi quyết định đã đến lúc phải viết một cuốn sách để thú nhận tất cả, cuốn Lương tâm của một sát thủ kinh tế, song tôi không có ý định giữ kín việc này. Ngay cả bây giờ, tôi cũng không thuộc trường phái những nhà văn viết trong sự cô lập. Tôi thấy cần phải trao đổi những gì tôi viết. Tôi lấy cảm hứng từ những người khác, và tôi cần sự giúp đỡ của họ để nhớ lại và sắp xếp các sự kiện theo đúng dòng thời gian. Tôi thích đọc những đoạn mà tôi đang viết cho những người bạn của tôi nghe để có thể thấy phản ứng của họ. Tôi hiểu điều này là mạo hiểm nhưng tôi không thể viết theo cách khác được. Vì vậy chuyện tôi đang viết một cuốn sách về thời gian tôi làm việc ở MAIN không còn là một bí mật.

Một buổi chiều năm 1987, một hội viên cũ của MAIN liên hệ với tôi và chào mời một hợp đồng hết sức béo bở với công ty Stone & Webster Engineering Corporation (SWEC). Vào thời điểm này, SWEC là một trong những công ty xây dựng và lắp ghép hàng đầu thế giới, và đang tìm cách giành một vị trí trong cái môi trường không ngừng biến đổi của ngành năng lượng. Ông ta giải thích là tôi sẽ làm việc tại chi nhánh mới của họ, một chi nhánh phát triển năng lượng hoạt động độc lập, về hình thức rất giống với các công ty như công ty IPS của tôi. Tôi thở phào khi được biết là tôi sẽ không phải dính líu gì tới những dự án quốc tế hay những dự án theo kiểu EHM.

Sự thật là, như ông ta nói với tôi, tôi cũng sẽ chẳng phải làm gì nhiều. Tôi là một trong số ít những người đã thành lập và điều hành thành công một công ty năng lượng  độc lập, và tôi tất có tiếng tăm trong ngành. SWEC chủ yếu muốn sử dụng lý lịch của tôi và đưa tôi vào danh sách cố vấn, đó là điều hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với những thông lệ trong ngành. Lời đề nghị này đặc biệt hấp dẫn với tôi vì nhiều lý do, nhất là vì tôi đang có ý định bán IPS. Ý tưởng tham gia tập đoàn SWEC và nhận một khoản thù lao kếch xù thật dễ chịu.

Vào cái ngày Tổng giám đốc của SWEC nhận tôi, ông ta mời tôi đi ăn trưa. Chúng tôi chuyện trò thân mật và khi đó tôi nhận thức được rằng một phần trong tôi khao khát được trở lại với nghề tư vấn, bỏ lại đằng sau cái trách nhiệm điều hành một công ty năng lượng đầy phức tạp. Cứ khi nào có công trình xây dựng một nhà máy mới thì lại phải lo cho cả trăm người, cùng với một loạt các nghĩa vụ gắn liền với việc xây dựng và điều hành những nhà máy điện. Tôi đã bắt đầu tưởng tượng mình sẽ tiêu cái khoản lương hậu hĩnh mà tôi chắc ông ta sẽ trả tôi như thế nào. Tôi quyết định sẽ sử dụng số tiền đó- ngoài những việc khác- để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận.

Trong lúc thưởng thức món tráng miệng, ông ta nói về cuốn sách đã được xuất bản của tôi: Thói quen không gây căng thẳng. Ông ta nói ông đã được nghe rất nhiều lời ngợi khen cuốn sách này. Sau đó ông ta nhìn thẳng vào tôi. “Anh có ý định viết thêm cuốn sách nào nữa không?”. Ông ta hỏi.

Bụng tôi quặn lại. Tôi chợt hiểu ra tất cả. Không một chút nao núng, tôi trả lời:”Không”. Tôi nói: “Trong lúc này, tôi không định cho xuất bản một cuốn sách nào cả”.

 

“Tôi rất hài lòng khi anh nói thế,” ông ta nói. “Ở công ty này, chúng tôi đánh giá cao sự kín đáo. Cũng như ở MAIN.” “Tôi hiểu”. Ông ta ngồi ngả ra phía sau, mỉm cười và có vẻ thoải mái. “Tất nhiên những quyển sách như cuốn vừa rồi của anh, nói về cách làm giảm căng thẳng và những thể loại như vậy, hoàn toàn được hoan nghênh. Đôi khi chúng thậm chí có thể giúp cho người ta thăng tiến. Là một cố vấn của SWEC, anh hoàn toàn tự do xuất bản loại sách như vậy.”

 

Ông ta nhìn tôi như đang chờ đợi một câu trả lời. “Thật mừng khi được biết điều đó”. “Vâng, hoàn toàn được. Tuy nhiên, chắc tôi không cần phải nhắc là anh sẽ không bao giờ nhắc đến tên tuổi của công ty trong những cuốn sách của anh, và anh sẽ không viết bất cứ điều gì động chạm đến bản chất công việc ở đây cũng như những gì anh đã làm ở MAIN. Anh sẽ không nói đến những vấn đề chính trị hay những gì liên quan đến các ngân hàng quốc tế và các dự án phát triển.” Ông ta nhìn sâu vào tôi. “Chỉ đơn giản vì lý do bí mật”.

 

“Điều đó là dĩ nhiên”. Tôi đảm bảo với ông ta. Trong một lát, tim tôi ngừng đập. Cái cảm giác cũ lại quay trở lại, giống cái cảm giác mà tôi có với Howard Parker ở Indonesia, khi lái xe qua thành phố Panama bên cạnh Fidel, và khi ngồi ở quán càfê tại Colombia với Paula. Tôi lại đang bán mình. Đây không phỉ là hối lộ theo đúng nghĩa của nó. Việc công ty này trả tiền cho tôi, yêu cầu tôi tư vấn hoặc thỉnh thoảng tham gia các các cuộc họp chẳng có gì phải che đậy giấu diếm và tuyệt đối hợp pháp, nhưng tôi hiểu rõ lý do vì sao họ muốn tuyển tôi.

Khoản tiền lương mà ông ta đưa ra tương đương với lương của một quản lý cấp cao. Buổi chiều hôm đó, khi đang ngồi ngoài sân bay chờ chuyến bay về Florida, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Tôi có cảm giác tôi là một con điếm. Còn tệ hơn, tôi có cảm giác là tôi đã lừa dối con gái tôi, gia đình tôi, Tổ quốc tôi. Tuy vậy, tội tự nhủ là tôi đã không có lựa chọn nào khác. Tôi biết rằng lần này, nếu tôi không nhận hối lộ, tôi sẽ gặp nguy hiểm.

 

 

 

Chương 30

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xâm lược Panama

 

 

Torrijos đã chết, nhưng Panama vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Sống ở Florida, tôi tiếp cận được với rất nhiều nguồn tin về những sự kiện đang diễn ra ở Trung Mỹ. Sự ngiệp của Torrijos vẫn sống, tuy nó đã bị bóp méo phần nào bởi những người không được trời phú cho lòng thương người và tính cách mạnh mẽ của ông. Những nỗ lực nhằm giải quyết những bất hòa trên bán cầu cũng như quyết tâm buộc Hoa kỳ thực hiện những thỏa thuận trong Hiệp ước kênh đào của Panama vẫn tiếp tục sau khi ông ra đi.

Người kế nhiệm ông, Manuel Noriega, thoạt tiên tưởng là quyết tâm đi theo con đường của Torrijos. Bản thân tôi chưa bao giờ gặp Noriega nhưng theo những thu thập được, ban đầu, ông ra đã nỗ lực đấu tranh giành quyền lợi cho những người nghèo và bị áp bức. Một trong những kế hoạch quan trọng nhất của ông ta là tiếp tục thăm dò những khả năng xây dựng một kênh đào mới, với sự tài trợ và kỹ thuật của Nhật Bản.

Và đúng như dự đoán, ông ta đã phải chịu những áp lực từ phía Washington và từ phía các công ty Hoa Kỳ. Như Noriega đã viết:

Ngoại trưởng George Schultz đã từng là một quan chức cấp cao của Bechtel, một công ty xây dựng đa quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger đã từng là Phó Chủ tịch của Bechtel. Chẳng có gì có thể khiến Bechtel hài lòng hơn là việc kiếm hàng tỷ đô la lợi nhuận từ dự án xây dựng kênh đào. Chính quyền của Bush và Reagan lo ngại người Nhật sẽ chiếm ưu thế trong dự án xây dựng kênh đào, đó không chỉ là sự lo lắng nhầm chỗ về an ninh mà còn là vấn đề tranh chấp thương mại. Các công ty xây dựng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ mất hàng tỷ đô la.1

 

Nhưng Noriega không phải là Torrijos. Ông ta không có được sức cuốn hút vì sự chính trực mà người sếp cũ của ông ta từng có. Dần dần, những vụ tham nhũng và buôn bán ma túy khiến ông ta bị tai tiếng ghê ghớm, và thậm chí ông ta còn bị nghi ngờ là có nhúng tay vào vụ ám sát một đối thủ chính trị- Hugo Spadafora. Noriega đã từng là một Đại tá đứng đầu đơn vị Lực lượng Quốc phòng Panama  G-2, Bộ Tư lệnh Tình báo quân đội có quan hệ với CIA.

         Với tư cách này, ông đã thiết lập một mối quan hệ mật thiết với giám đốc CIA Willwam J. Casey. CIA sử dụng mối quan hệ này để xúc tiến những kế hoạch với Trung và Nam Mỹ. Năm 1983, khi chính quyền Reagan muốn cảnh báo Castro về quan hệ với Grenada, Casey đã nhờ Noriega thông tin cho Castro. Noriega cũng đã giúp cho CIA thâm nhập các cacten buôn bán ma túy của Colombia cũng như các nơi khác.

Năm 1984, Noriega lên tướng và là Tổng tư lệnh của Lực lượng Quốc phòng Panama. Người ta kể lại rằng năm đó, khi Casey đến Panama City và được người đứng đầu CIA đóng tại Panama đón, ông ta đã hỏi: “Bạn của tôi đâu? Noriega đâu?” Khi Noriega đến Washington, hai người gặp gỡ tại nhà riêng của Casey. Nhiều năm sau đó, chính Noriega cũng thừa nhận là mối quan hệ mật thiết với Casey khiến vị thế của ông ta trở nên bất khả xâm phạm. Ông ta tin rằng CIA, cũng như G-2, là những tổ chức hết sức có thế lực của chính phủ. Ông ta tin chắc rằng Casey sẽ bảo vệ ông ta, kể cả nếu ông có quan điểm khác về hiệp ước kênh đào Panama và những căn cứ quân sự Mỹ.2

Do đó trong khi Torrijos là một biểu tượng quốc tế về sự công bằng và bình đẳng thì Noriega trở thành biểu tượng của tham nhũng và thoái hóa. Tai tiếng của ông ta lại càng tăng lên khi trên trang nhất của tờ New York Times số ra ngày 12 tháng 6 năm 1986 đăng tải dòng tít “Con người đầy thế lực của Panama bị đồn là có dính líu đến buôn lậu ma túy và những đồng tiền mờ ám”. Bài báo do một phóng viên đã từng được giải Pulitzer viết, trong đó có đưa ra những dẫn chứng như, ông này đã từng tham gia vào một số vụ buôn bán ở Mỹ Latinh, đã từng là gián điệp cho cả Mỹ và Cuba, là một loại điệp viên hai mang, rằng thực tế là G-2, dưới sự chỉ đạo của ông ta, đã chặt đầu Hugo Spadafora, và rằng Noriega đã đích thân chỉ huy “mạng lưới buôn lậu quan trọng nhất ở Panama”. Bài báo này được kèm theo bởi một bức chân dung không lấy gì làm đẹp đẽ của vị tướng và phần hai với nhiều chi tiết hơn được đăng tải ngay ngày hôm sau.(3)        

Cộng thêm vào đó, Noriega còn bất hòa với vị tổng thống Mỹ đang có vấn đề về hình ảnh của mình, George H W. Bush bị giới báo chí gán cho cái hình ảnh  “con người hèn nhát”(4). điều này càng có ý nghĩa khi Noriega kiên quyết từ chối cho trường quân sự Mỹ được kéo dài thời hạn thêm 15 năm nữa. Hồi ký của vị tướng giúp hiểu rõ hơn điều này:

Chúng tôi quyết tâm và tự hào kế tục sự nghiệp của Torrijos, đó là điều mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn. Họ muốn chúng tôi gia hạn hoặc thương lượng việc gia hạn, vịn vào cớ là họ cần căn cứ này để chuẩn bị cho cuộc chiến ở Trung Mỹ. Nhưng trường quân sự Mỹ là cái mà chúng tôi không muốn. Chúng tôi không muốn có một cơ sở đào tạo những đội quân giết người và những quân đội cánh hữu tàn ác trên đất nước chúng tôi.(5)

Vì thế, đáng ra thế giới phải đoán trước được điều đó, song thực tế là cả thế giới bị choáng váng khi ngày 20 tháng 12 năm 1989, Mỹ tấn công Panama theo cái cách mà người ta bình luận là cuộc không kích lớn nhất xuống một thành phố kể từ khi Đại chiến Thế giới thứ II xảy ra.(6)  Đó là một cuộc tấn công vô cớ xuống những người dân thường. Panama và dân chúng nước này hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với Mỹ hay với bất cứ quốc gia nào. Những nhà chính trị, các chính phủ và giới báo chí lên án hành động đơn phương của Mỹ là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Nếu như chiến dịch quân sự này nhắm vào một nước đã từng gây nên một cuộc thảm sát hàng loạt hay có những tội ác vi phạm nhân quyền như Chilê với Pinochet, Paraguay với Stroessner, Nicaragua với Somosa, El Salvador với D’Aubuisson hay Iraq với Saddam, thế giới còn có thể chấp nhận. Nhưng Panama chưa từng làm những điều này, Panama chỉ dám coi thường những mong muốn của một nhúm người trong đó có các nhà chính trị đầy thế lực và các lãnh đạo cấp cao của các công ty. Panama chỉ nhất định muốn hiệp ước kênh đào được tôn trọng, chỉ thảo luận với những nhà cách mạng xã hội, và mới đang thăm dò khả năng xây dựng một kênh đào mới với sự tài trợ và kỹ thuật của Nhật Bản. Thế mà kết quả là đất nước này phải chịu những hậu quả thảm khốc.

Noriega viết:

Tôi muốn làm rõ điều này: Chiến dịch phá hoại mà Mỹ phát động vào năm 1986,  kết thúc bằng cuộc xâm lược Panama vào năm 1989, là kết quả của việc Mỹ bác bỏ bất cứ viễn cảnh nào trong đó kênh đào Panama được giao về tay một nước Panama độc lập, có chủ quyền, với sự trợ giúp từ phía Nhật Bản. Trong lúc đó, Schultz và Weinberger, với cái cớ phục vụ cho lợi ích của quần chúng và tắm mình trong sự ngu dốt không hề biết gì về những lợi ích kinh tế ghê gớm mà họ đại diện, đang phát động một chiến dịch bôi nhọ nhằm hạ thủ tôi.(7)

 

Washington bào chữa cho hành động của mình là cuộc tấn công chỉ nhắm vào một người duy nhất. Lý do duy nhất của Mỹ cho việc cử hàng loạt người đến Panama, mạo hiểm cuộc sống và lương tâm họ để giết hại những người dân vô tội trong số đó có cả trẻ em, và việc đốt cháy thành phố Panama, chỉ là Noriega. Ông ta được mô tả như một con người xấu xa, là kẻ thù của dân chúng, như con quỷ buôn lậu ma túy, và như vậy ông ra tạo cho chính phủ Mỹ một lời biện hộ cho sự xâm lược ồ ạt vào một đấy nước với hai triệu dân, tình cờ nằm trên một trong những mảnh bất động sản có giá trị nhất của thế giới.       

Việc Mỹ xâm lược Panama đã khiến tôi suy sụp trong một thời gian dài. Tôi biết là Noriega có vệ sĩ, nhưng tôi tin rằng những tên giết người có thể xóa sổ ông ta như đã từng làm với Roldós và Torrijos. Phần lớn những vệ sĩ của ông ta được quân đội Mỹ đào tạo, theo như tôi phán đoán, và có thể được trả tiền để không gây cản trở hoặc để tự thực hiện vụ ám sát.

Vì vậy, càng đọc nhiều càng nghĩ đến cuộc xâm lược, tôi càng tin chắc đó là một tín hiệu cho thấy, Mỹ đang quay trở lại với những phương thức cũ để xây dựng đế chế rằng chính phủ của Bush quyết tâm làm tốt hơn chính phủ của Reagan và chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng, Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để đạt được mục đích. Và dường như mục tiêu ở Panama là: ngoài việc thế chỗ của Torrijos bằng một chính quyền bù nhìn có lợi cho nước Mỹ, còn hòng đe dọa các nước như Iraq phải phục tùng Mỹ.

David Harris, biên tập viên của tờ New York Times Magazine và là tác giả của rất nhiều cuốn sách đã có một nhận xét thú vị. Trong cuốn Shooting the moon xuất bản năm 2001 của mình, ông nêu rõ:

Trong số hàng ngàn những kẻ chuyên quyền, những tên độc tài, những kẻ đã dùng vũ lực để dành quyền cai trị khắp nơi trên thế giới mà Mỹ đã từng phải đối phó, tướng Manuel Antonio Noriega là người duy nhất mà Mỹ săn đuổi theo kiểu này. Chỉ một lần duy nhất trong lịch sử 225 năm tồn tại, nước Mỹ đã xâm lược một nước khác và đem người cầm quyền của nước này về Mỹ để đưa ra tòa và bỏ tù vì đã xâm phạm luật pháp Mỹ ở trên chính lãnh thổ của ông ta.(8) 

Sau vụ ném bom, Mỹ bỗng thấy mình rơi vào một tình thế khó xử một thời gian dài sau đó, dường như toàn bộ sự việc đã đem lại một kết quả ngược với mong đợi. Có thể là chính phủ Bush đã dập tắt được những lời đồn đại về sự hèn nhát, nhưng giờ lại bị mang tiếng là bất hợp pháp, vì đã hành động chẳng khác nào một tên côn đồ bị bắt gặp khi đang thực hiện một hành động khủng bố. Người ta đã vạch trần việc quân đội Mỹ từng cấm báo chí, Hội chữ thập đỏ và những nhà quan sát ngoài cuộc không được bước vào những khu vực bị dội bom nặng trong vòng 3 ngày để có thời gian tiêu hủy và chôn những người tử nạn.

Báo giới đặt ra những câu hỏi về việc có bao nhiêu bằng chứng liên quan đến hành vi tội ác đó và những hành vi đáng lên án khác đã được tiêu hủy, và có bao nhiêu nạn nhân đã chết trong vụ ném bom vì họ không được cấp cứu kịp thời, nhưng những câu hỏi như vậy không bao giờ được giải đáp.

Chúng ta sẽ không bao giờ được biết sự thật về cuộc xâm lược, hoặc sự thật về quy mô của cuộc thảm sát. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Cheney xác nhận số người thiệt mạng ở vào khoảng từ 500 đến 600, nhưng những tổ chức hoạt động độc lập đấu tranh vì quyền con người ước tính số người chết lên tới khoảng 3 đến 5 nghìn người và khoảng 25 nghìn người khác rơi vào cảnh không nhà.9

Noriega bị bắt, đưa về Miami và bị tuyên án 40 năm tù: vào thời điểm đó, ông ta là tướng lĩnh duy nhất ở Mỹ được chính thức xếp vào danh sách tội phạm chiến tranh.10

Sự vi phạm luật quốc tế và cái chết của hàng ngàn người dân vô tội bởi một trong những quân đội hùng mạnh nhất hành tinh làm cho thế giới căm phẫn, nhưng ít người tại Mỹ nhận thức được những tội ác mà Washington đã gây nên. Rất ít tin tức xuất hiện trên báo chí. Chính sách của chính phủ, những cú điện thọai từ nhà Trắng tới các chủ báo và các biên tập viên của các hãng truyền hình, những nghị sĩ không dám phản đối vì sợ cái hình ảnh hèn nhát vấy bẩn vào họ, và các nhà báo nghĩ rằng cái mà công chúng cần không phải là sự khách quan mà là những anh hùng đã góp phần tạo nên điều này.

Nhưng Peter Eisner, tổng biên tập của tờ Newsday và phóng viên của hội liên hiệp báo chí, người đã từng theo dõi, đưa tin và tiếp tục phân tích sự kiện xâm lược Panama trong nhiều năm sau đó là một ngoại lệ. Trong cuốn hồi ký của Manuel Noriega: Tù nhân của nước Mỹ, xuất bản năm 1997, Eisner viết:

Sự chết chóc, tàn phá và bất công đã được tiến hành dưới danh nghĩa một cuộc chiến chống lại Noriega - và sự dối trá xung quanh cái sự kiện ấy - là mối đe dọa đối với những nguyên tắc dân chủ cơ bản của nước Mỹ... Những người lính được lệnh giết người ở Panama, và họ làm như vậy bởi người ta bảo với họ rằng họ phải cứu một đất nước thoát khỏi sự kìm kẹp của một tên độc tài tàn ác, suy đồi; và khi họ đã hành động, những người dân đất nước họ (Mỹ) hành quân theo sát họ.(11)

Sau khi đã tìm hiểu rất kỹ và đã phỏng vấn Noriega trong xà lim ở Miami, Eisnier tuyên bố:

Điểm then chốt là tôi nghĩ rằng không có bằng chứng gì để chứng minh những tội danh mà Noriega bị gán cho là đúng. Tôi không nghĩ  là những việc mà ông ta đã làm với tư cách là người đứng đầu quân đội và nhà nước Panama có chủ quyền có thể biện minh cho sự xâm lược Panama, cũng như tôi không nghĩ ông ta đại diện cho một mối hiểm họa đối với sự an toàn quốc gia của Mỹ.(12)       

Eisner kết luận:

Những phân tích của tôi về tình hình chính trị và những tin tức mà tôi đã đưa trước, trong và sau cuộc xâm lược dẫn đến kết luận là việc Mỹ xâm lược Panama là một sự lạm quyền đáng ghê tởm. Cuộc xâm lược chủ yếu là để phục vụ cho những mục đích của những nhà chính trị ngạo mạn và của Mỹ cùng những kẻ cấu kết với họ ở Panama, và kết cục là sự đổ máu vô lương tâm.(13)

Gia đình Arias và nền chính trị đầu sỏ đã từng phục vụ như những tên bù nhìn cho Mỹ từ khi Panama bị cắt khỏi Colombia cho đến khi Torrijos lên nắm quyền, lại được phục hồi. Hiệp ước kênh đào mới được đem ra thảo luận. Về thực chất, một lần nữa đường thủy lại nằm dưới quyền kiểm soát của Washinhton, cho dù những văn bản chính thức có nói thế nào đi nữa.

Càng suy ngẫm về những vụ việc này và về tất cả những gì mà tôi đã trải qua trong thời gian làm việc cho MAIN, tôi lại càng tự hỏi đi hỏi lại mình những câu hỏi như: Có bao nhiêu quyết định- trong đó có cả những quyết định hết sức quan trọng có ảnh hưởng tới hàng triệu người- do những người bị chi phối bởi những động cơ cá nhân đưa ra thay vì mong muốn được làm một việc đúng đắn? Có bao nhiêu trong số những viên chức cao cấp trong chính phủ bị chi phối bởi lòng tham thay vì sự trung thành với đất nước? Liệu có bao nhiêu cuộc chiến tranh diễn ra vì một vị tổng thống không muốn những cử tri của mình thấy mình hèn nhát?

 Mặc dù đã hứa với chủ tịch SWEC, sự chán nản và những cảm giác bất lực của tôi về vụ xâm lược Panama hối thúc tôi tiếp tục viết sách, chỉ khác là giờ đây tôi quyết định tập trung vào Torrijos. Tôi thấy câu chuyện của ông sẽ giúp tôi vạch trần rất nhiều những sự bất công đã làm vấy bẩn thế giới của chúng ta, và giúp tôi thoát khỏi những tội lỗi của mình. Tuy thế, lần này tôi quyết tâm giữ im lặng về việc tôi đang làm chứ không tìm kiếm lời khuyên của bạn bè và người quen.

Trong khi viết sách, tôi kinh ngạc bởi tầm quan trọng mà chúng tôi, những EHM đã đạt được ở từng ấy nơi. Tôi cố tập trung vào một số ít những nước không bị chúng tôi làm lũng đoạn, nhưng cái danh sách những nơi tôi từng tới làm việc và sau đó những nước đó bị nghèo đi khiến tôi kinh hoàng. Tôi thấy ghê tởm sự tham nhũng của chính bản thân. Tôi đã làm quá nhiều việc đáng tiếc, tuy vậy tôi nhận thức được rằng trong lúc làm những công việc đó tôi đã quá tập trung vào những công việc hàng ngày mà không nìn thấy được cả bối cảnh lớn. Vì vậy, khi còn ở Inđônêxia tôi đã khó chịu vì những gì tôi và Howard Parker bàn luận, hoặc những vấn đề mà những người bạn trẻ Inđônêxia của Rasy đã từng nói. Khi làm việc tại Panama, tôi đã rất xúc động bởi khu nhà ổ chuột, khu vực kênh đào và cái sàn nhảy. Ở Iran, cuộc trò chuyện gữa tôi với Yamin và ông tiến sỹ làm tôi hết sức băn khoăn. Giờ đây, viết cuốn sách này, nó giúp tôi có được một cái nhìn khái quát. Tôi hiểu tại sao lại khó nhìn thấy cái bức tranh toàn cảnh đến thế và vì sao tôi lại có thể bỏ qua tầm quan trọng trong những hành động của mình.

Nghe qua thật đơn giản, thật rõ ràng hiển nhiên, tuy vậy bản chất của những gì tôi đã trải qua thật sâu xa. Để có thể hiểu được những điều này, tôi phải cần tới hình tượng của một người lính. Lúc đầu, anh ta ngây thơ. Lương tâm anh ta có thể bị cắn rứt khi phải giết những người khác, nhưng phần lớn thời gian anh ta phải đối phó với nỗi lo sợ của chính mình, anh ta phải tập trung vào việc làm thế nào để sống sót. Lần đầu tiên, khi anh ta giết kẻ thù của mình, anh ta tràn đầy xúc động. Có thể anh ta sẽ nghĩ về gia đình của người đã chết và cảm thất hối hận. Nhưng dần dần, anh ta tham gia nhiều trận đánh hơn, giết nhiều người hơn, anh ta trở nên sắt đá hơn. Anh ta trở thành một người lính chuyên nghiệp.

Tôi đã trở thành một người lính chuyên nghiệp. Thú nhận điểu đó giúp tôi hiểu rõ hơn về quá trình gây tội ác và về sự hình thành của những đế chế. Bây giờ, tôi có thể hiểu tại sao những người Iran tử tế, hết lòng với gia đình lại có thể làm việc cho lực lượng công an mật tàn ác của Quốc vương, tại sao những người Đức tử tể có thể làm theo mệnh lệnh của Hitler, tại sao những công dân Mỹ có thể ném bom Panama.

Là một EHM, tôi chưa bao giờ trực tiếp nhận một xu từ NSA hay từ bất cứ một tổ chức nào của chính phủ; MAIN trả lương cho tôi. Tôi là một công dân bình thường, làm việc cho một công ty tư nhân. Hiểu được điều này giúp tôi thấy rõ hơn vai trò đang lên của những EHM- vai trò quản lý các công ty. Cả một thế hệ lính mới đang xuất hiện trên thế giới, và những người này đang bị tê liệt vì những công việc mà chính họ đang làm. Tôi viết vào cuốn sách:

Ngày nay, người ta đến Thái Lan, Philipin, Botswana, Bolivia,và tất cả những nơi mà họ hy vọng sẽ tìm được những người khao khát có được một việc làm. Họ đi tới những nơi này với một mục đích rõ ràng là để bóc lột những người dân khốn khổ - những người dân mà con cái họ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, thậm chí đang chết đói, những người dân sống trong những khu nhà ổ chuột và mất hết hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, những người dân thậm chí đã thôi không mơ về một ngày mai nữa.

Họ bỏ lại sau lưng những văn phòng sang trọng ở Manhattan, San Francisco hay Chicago, đi xuyên lục địa và đại dương trong những chiếc phản lực xa hoa, ở tại những khách sạn hạng nhất, ăn tại những nhà hàng ngon nhất mà nơi ấy có thể có. Sau đó, họ đi tìm những con người tuyệt vọng. Ngày nay, vẫn tồn tại những tên buôn bán nô lệ. Chúng không còn phải đi vào những khu rừng rậm ở Châu Phi để tìm giống người vượt trội có khả năng sinh lời cho chúng tại những cuộc bán đấu giá ở Charleston, Cartagena và Havana. Chúng chỉ cần thuê những con người tuyệt vọng và xây nhà máy để sản xuất áo khoác, quần jeans, giầy thể thao, phụ tùng ôtô, linh kiện máy tính và hàng ngàn những thứ khác mà chúng có thể bán trên những thị trường mà chúng lựa chọn. Thậm chí chúng cũng chẳng cần phải tự làm chủ nhà máy, thay vào đó, chúng thuê một doanh nhân bản địa để làm những công việc bẩn thỉu cho chúng.

Những kẻ đó nghĩ thật chính trực. Họ mang về nhà những bức ảnh phong cảnh lạ và những tàn tích cổ đại cho con cái họ xem. Họ tham dự những buổi hội thảo, vỗ vào lưng nhau và trao nhau những lời khuyên ngắn ngủi về cách sử sự với những phong tục tập quán kỳ quặc ở những vùng đất xa xôi. Những ông chủ của họ thuê luật sư để đảm bảo với họ rằng những gì họ làm là hoàn toàn hợp lệ. Họ có cả một đội ngũ những nhà trị liệu tâm lý và các chuyên gia nhân sự mà họ có thể tùy ý sử dụng để thuyết phục rằng họ đang giúp đỡ những con người tuyệt vọng.

Những tay buôn nô lệ kiểu cũ tự bảo với bản thân là hắn đang làm việc với một loài động vật không hoàn toàn là người, rằng hắn đang cho họ cơ hội để trở thành một người Thiên chúa giáo. Hắn cũng hiểu rằng những người nô lệ là nền tảng cơ bản cho sự sống còn của xã hội hắn, rằng họ là nền móng cho nền kinh tế của hắn. Kẻ buôn nô lệ kiểu mới tự trấn an mình rằng, những con người tuyệt vọng sẽ khá hơn với  một đô la mỗi ngày thay vì không làm ra đồng nào cả, rằng họ đang có được cơ hội gia nhập vào một cộng đồng thế giới rộng lớn hơn. Hắn cũng hiểu rằng những con người tuyệt vọng này là nền tảng cơ bản cho sự sống còn của công ty hắn, họ là nền móng cho lối sống của bản thân hắn. Hắn không bao giờ dừng lại để nghĩ về những điều mà hắn, lối sống của hắn, và cái hệ thống kinh tế đứng dằng sau hắn có thể gây ra cho thế giới - hoặc về những gì mà những điều trên có thể gây ảnh hưởng đến tương lai của con cái hắn.

 

 

 

Chương 31

Một thất bại của EHM tại Iraq      

 

 

 

 

Cương vị Chủ tịch IPS trong những năm 80 và vai trò tư vấn trong SWEC cuối thập niên 80 và hầu hết thập niên 90 cho phép tôi tiếp cận với những thông tin về Iraq mà phần lớn mọi người không được biết. Quả thật, trong thập niên 80, phần lớn người Mỹ biết rất ít về Iraq. Đơn giản vì nó không được truyền trên màn hình tivi nhà họ.

Tuy thế, tôi bị mê hoặc bởi những gì diễn ra ở đó. Tôi giữ liên lạc với những người bạn cũ làm cho Ngân hàng thế giới, USAID, Quỹ tiền tệ quốc tế, hoặc một trong những tổ chức tài chính quốc tế khác, với những người ở Bechtel, Halliburton, và ở một số công ty xây dựng và lắp ghép lớn khác, trong đó có cả bố bợ tôi. Rất nhiều kỹ sư làm việc cho những nhà thầu phụ của IPS và các công ty năng lượng độc lập khác cũng tham gia vào các dự án ở Trung Á. Tôi ý thức rõ rằng các EHM ở Iraq đang hết sức bận rộn.

Chính quyền của Reagan và Bush quyết tâm biến Iraq thành một Ảrập Xêút mới. Có quá nhiều lý do hấp dẫn để Saddam Hussein đi theo cái hình mẫu của Hoàng gia Ả rập. Ông ta chỉ cần nhìn vào những lợi ích mà Hoàng gia Ả rập gặt hái được từ vụ rửa tiền. Từ khi thỏa thuận này được tiến hành, những thành phố hiện đại mọc lên từ sa mạc Saudi, những con dê chở rác biến thành những chiếc xe tải bóng bẩy và giờ đây người dân Ảrập Xêút được hưởng thành quả của một trong số những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới: những nhà máy và hệ thống đường điện hiện đại bậc nhất.

Rõ ràng Saddam Husein cũng biết rõ rằng những người Ảrập Xêút cũng được hưởng sự ưu đãi đặc biệt nếu nói đến vấn đề luật pháp quốc tế. Những người bạn tốt của họ ở Washington vờ như không thấy rất nhiều hoạt động của Ảrập Xêút, kể cả việc tài trợ cho các nhóm cuồng tín- mà rất nhiều trong số này được coi là cực đoan nhất thế giới, gần như là những nhóm khủng bố- chứa chấp những kẻ bị truy nã quốc tế. Trên thực tế, Mỹ tích cực tìm và nhận hỗ trợ tài chính từ phía Ảrập Xêút cho cuộc chiến của Osama Bin Laden ở Afghanistan chống lại Liên bang Xô viết. Chính quyền của Bush và Reagan không những chỉ ủng hộ Ảrập Xêút trong chuyện này mà còn ép buộc rất nhiều nước khác cũng làm như vậy - hay ít nhất thì cũng lờ đi.

Trong những năm 80, EHM hoạt động rất tích cực ở Baghdad. Họ tin rằng Saddam cuối cùng cũng nhìn ra lẽ phải và tôi cũng đồng ý với nhận định này. Suy cho cùng, nếu Iraq đi đến được một hiệp ước với Washington giống như của Ảrập Xêút thì Saddam về cơ bản có thể tự viết cho mình giấy chứng nhận toàn quyền thống lĩnh đất nước, và có thể nhờ Mỹ để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Rằng ông ta là một bạo chúa bệnh hoạn, rằng tay ông ta vấy máu từ những vụ thảm sát hàng loạt, hoặc phong cách và những hành động tàn ác của ông ta làm người ta liên tưởng tới hình ảnh của Adolf Hitler chẳng mấy nghĩa lý gì Mỹ đã từng tha thứ và thậm chí còn ủng hộ những người như vậy rất nhiều lần. Mỹ sẽ rất vui mừng cung cấp cho ông ta những trái phiếu chính phủ để đổi lấy những đồng đô là dầu hỏa, đổi lấy lời hứa tiếp tục được cung cấp dầu lửa, và để đổi lấy thỏa thuận là lãi suất của các trái phiếu này sẽ được sử dụng để thuê các công ty Mỹ cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở khắp Iraq, xây dựng những thành phố mới, và biến sa mạc thành những ốc đảo. Mỹ sẽ sẵn sàng bán cho ông ta xe tăng, máy bay chiến đấu và xây dựng cho ông ta những nhà máy hóa học và điện hạt nhân, như đã từng làm ở rất nhiều nước, kể cả khi những công nghệ này rất có thể sẽ được sử dụng để sản xuất vũ khí tối tân.

 Đối với Mỹ, Iraq hết sức quan trọng, quan trọng hơn người ta tưởng nhiều. Trái ngược hẳn với quan niệm thông thường, Iraq không chỉ đơn giản là dầu lửa. Iraq còn là nước và địa chính trị. Cả hai con sông Tigris và Euphrat đều chảy qua Iraq; vì vậy, so với tất cả những quốc gia nằm ở phần này của thế giới, Iraq kiểm soát những tiềm năng quan trọng nhất của những nguồn nước ngày càng có ý nghĩa sống còn. Trong những năm 80, sự quan trọng của nước - cả về mặt chính trị lẫn về mặt kinh tế trở nên rõ ràng với những người làm việc trong ngành năng lượng và xây dựng như chúng tôi. Trong cuộc chạy đua tư nhân hóa, rất nhiều trong số những công ty lớn quyết tâm mua lại những công ty năng lượng độc lập nhỏ nếu quan tâm đến hệ thống nước đang được tư nhân hóa ở Châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông.  

Ngoài dầu lửa và nước ngọt, Iraq còn nằm ở một vị trí mang tính chiến lược. Nó giáp với Iran, Kuwait, Ảrập Xêút, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ và nằm bên cạnh vịnh Ba Tư.  

Nó nằm gọn trong tầm phóng tên lửa của cả Israel và Liên bang Xô Viết cũ. Những nhà chiến lược quân sự coi Iraq ngày nay ngang với vùng thung lũng sông Hudson trong thời kỳ chiến tranh giữa thổ dân da đỏ và người Pháp và trong thời kỳ Cách mạng Mỹ. Trong thế kỷ 18, người Pháp, người Anh và người Mỹ đều biết rằng ai kiểm soát được vùng thung lũng sông Hudson sẽ kiểm soát cả lục địa Bắc Mỹ. Ngày nay, tất cả đều biết rằng bất cứ ai kiểm soát được Iraq cũng nắm giữ chiếc chìa khóa kiểm soát Trung Đông.  

Hơn tất cả những thứ khác, Iraq là một thị trường rộng lớn cho công nghệ và cho ngành công trình Mỹ. Cái thực tế là nó nằm trên một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới (theo một số đánh giá, thậm chí còn lớn hơn cả mỏ dầu ở Ảrập Xêút) bảo đảm rằng nó có khả năng tài trợ cho những chương trình hạ tầng cơ sở và công nghiệp hóa lớn. Tất cả những tay đua lớn - những công ty công trình và xây dựng; những nhà cung cấp và hệ thống máy tính, những nhà sản xuất máy bay, tên lửa và xe tăng; và những công ty dược và hóa học đều tập trung vào Iraq. 

Tuy vậy, vào cuối những năm 80, rõ ràng là Saddam không bị cái kịch bản của EHM mua chuộc. Đây là một thất vọng và điều làm cho chính quyền Bush thứ nhất hết sức khó chịu. Cũng giống như Panama, Iraq góp phần gây dựng nên cái hính ảnh hèn nhát của George H.W.Bush. Khi Bush tìm đường thoát ra khỏi cái hình ảnh này, Saddam quả là có lợi cho ông ta. Tháng 8 năm 1990, Saddam cho quân xâm lược vương quốc Kuwait đầy dầu mỏ. Bush phản ứng bằng cách tố cáo Saddam đã vi phạm luật pháp quốc tế, tuy chưa đầy một năm trước bản thân Bush đã cho xâm lược Panama một cách phạm pháp và đơn phương chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cuối cùng tổng thống cũng hạ lệnh dốc toàn lực cho một cuộc tấn công quân sự. 500.000 lính Mỹ được cử tới Iraq làm nên một phần của lực lượng vũ trang quốc tế.

Trong những tháng đầu năm 1991, một cuộc tấn công từ trên không xuống những mục tiêu quân sự và dân sự được tiến hành. Tiếp ngay sau đó là cuộc tấn công kéo dài 100 giờ dưới mặt đất đánh tan tác quân đội Iraq đã hoàn toàn yếu thế. Kuwait được an toàn. Tên độc tài bị trừng phạt, tuy không bị truy tố ra tòa. Sự mến mộ của dân Mỹ với Bush nhảy vọt lên tận 90%.

Vào thời điểm Iraq bị tấn công, tôi đang họp ở Boston - đó là một trong số ít những lần mà tôi thực sự phải làm một việc gì đó cho SWEC. Tôi nhớ rõ mồn một sự phấn khích của mọi người ở Ston&Webster đều rất sôi nổi, không chỉ vì chúng tôi đứng lên chống lại một tên độc tài giết người. Với họ, chiến thắng của Mỹ ở Iraq tạo ra nhiều cơ hội về lợi nhuận, thăng tiến và lên lương.

Sự phấn khích không chỉ dừng ở chúng tôi, những người làm trong một ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh. Toàn dân tộc dường như hết sức mong mỏi đất nước chứng tỏ rõ sức mạnh quân sự của mình. Tôi tin chắc rằng có rất nhiều lý do cho quan điểm này, trong đó có sự thay đổi tư duy xảy ra khi Reagan thắng Carter, khi những con tin tại Iran được trả tự do, và khi Reagan tuyên bố ông ta có ý định thương lượng lại Hiệp ước Kênh đào Panama. Cuộc xâm lược của Bush ở Panama đã cời lên những ngọn lửa vốn đang cháy âm ỉ.

Tuy vậy, đằng sau những bài hùng biện về lòng yêu nước và những kêu gọi hành động, tôi tin chắc đang có một sự biến đổi còn tinh vi hơn nhiều trong cái cách các nhóm lợi ích kinh tế của Mỹ và do đó phần lớn những người làm việc cho các tập đoàn của Mỹ nhìn nhận thế giới. Cuộc hành quân tiến tới một đế chế toàn cầu đã trở thành một hiện thực được phần lớn đất nước tham gia. Cái ý tưởng kép về toàn cầu hóa và tư nhân hóa đang dần ăn sâu vào tâm khảm chúng tôi.

Suy cho cùng, nó không chỉ là Mỹ, cái đế chế toàn cầu đã trở thành đúng như tên gọi, nó trải dài đến tất cả các biên giới. Những tập đoàn mà trước đây chúng ta vẫn coi là của Mỹ nay thực sự đã trở thành đa quốc gia, kể cả về góc độ luật pháp. Nhiều công ty được thành lập ở vô số các quốc gia, họ có thể chọn lựa trong số vô vàn những luật lệ và quy định để tiến hành hoạt động của mình. Và vô số các hiệp định thương mại và những tổ chức toàn cầu khiến cho điều này càng trở nên dễ dàng hơn. Những từ ngữ như dân chủ và tư bản chủ nghĩa dần trỏ nên lỗi thời. Chủ nghĩa tập đoàn trở thành một thực tế, và nó ngày càng có ảnh hưởng lớn tới kinh tế và chính trị thế giới.

Trong cái vòng quay kỳ lạ của các sự kiện, tôi đã phải đầu hàng chế độ tập đoàn trị khi bán IPS vào tháng 11 năm 1990. Mặc dù chúng tôi đã bán được giá rất hời nhưng cái chính là vì công ty dầu lửa Ashland đã gây áp lực với chúng tôi. Kinh nghiệm cho tôi biết, đương đầu với họ sẽ rất tốn kém trên nhiều phương diện trong khi bán đi lại giúp chúng tôi trở nên giàu có.  Tuy vậy, tôi vẫn thấy thật mỉa mai là một công ty dầu lửa lại làm chủ công ty năng lượng  của tôi; một phần trong tôi thấy mình như là một kẻ phản bội.

Công việc ở SWEC không chiếm nhiều thời gian của tôi. Thỉnh thoảng người ta mời tôi tới Boston tham dự những cuộc họp hoặc để giúp chuẩn bị cho các dự án. Có những lúc tôi phải đi tới những nơi như Rio de Janeino, để chén chú chén anh với những chuyên gia đầu ngành. Có lần tôi bay đến Guatemala bằng chuyên cơ. Tôi thường xuyên gọi điện cho những người quản lý các dự án để nhắc nhở họ là tôi được trả lương và luôn sẵn sàng làm việc. Nhận từng đấy tiền mà hầu như chẳng làm gì cả khiến tôi thấy cắn rứt lương tâm. Tôi rất rành nghề này và muốn làm được một việc gì đó có ích. Nhưng đơn giản là điều đó không nằm trong kế hoạch.

Tôi đã bước vào độ tuổi trung niên và điều đó cứ ám ảnh tôi. Tôi muốn làm một điều gì đó để chứng minh cho sự tồn tại của bản thân, một điều gì đó để có thể biến tất cả những gì là tiêu cực trong quá khứ của tôi thành tích cực. Tôi tiếp tục viết một cách bí mật và cũng thất thường - cuốn sách Luơng tâm của một sát thủ kinh tế, nhưng tôi cũng không dám hy vọng là một ngày nào đó cuốn sách sẽ được xuất bản.

Năm 1991, tôi bắt đầu công việc dẫn một số người vào rừng Amazon để làm quen với cách sống của người Shuar và học hỏi họ. Người Shuar rất nhiệt tình chia sẻ những gì họ biết về cách bảo vệ môi trường và các mẹo chữa bệnh của người bản xứ. Vài năm sau đó, ngày càng có nhiều người muốn tham gia vào các chuyến đi này và kết quả là một tổ chức phi lợi nhuận được hình thành với tên gọi Liên minh Thay đổi giấc mơ. Được thành lập nhằm thay đổi cách nhìn nhận và mối quan hệ của người dân các nước công nghiệp đối với thiên nhiên, Liên minh Thay đổi giấc mơ được rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới ủng hộ và người ta đã thành lập lên nhiều tổ chức tương tự ở rất nhiều nước. Tạp chí Time bình chọn nó là một trong số 13 tổ chức có trang web phản ánh được rõ nét nhất những lý tưởng và mục tiêu của Ngày Trái đất [1]

Trong suốt thập niên 90, tôi tham gia ngày càng tích cực vào các họat động phi lợi nhuận, giúp thành lập một số tổ chức và là thành viên trong hội đồng quản trị của một số tổ chức khác. Rất nhiều trong số những tổ chức này được người có tâm huyết đã từng làm việc cho Thay đổi giấc mơ, từng sống với những người thổ dân ở Mỹ Latinh- người Shuar và Achuar ở vùng Amazon, người Quecha ở vùng núi Andi, người Maya ở Guartemala- hoặc đã giảng dạy cho nhiều người ở Mỹ và Châu Âu về những nền văn hóa này thành lập. SWEC tán thành các công việc nhân đạo này; nó phù hợp với cam kết của chính SWEC với United Way (Con đường Đòan kết). Tôi cũng viết thêm nhiều sách, luôn luôn thận trọng để chỉ tập trung viết về những người bản xứ và tránh nhắc đến những hoạt động EHM của tôi. Bên cạnh việc giúp tôi giết thời gian, viết sách còn giúp tôi giữ liên hệ với Mỹ Latinh và với những vấn đề chính trị mà đối với tôi rất gần gũi.

Nhưng dù tôi cố thuyết phục bản thân là những hoạt động phi lợi nhuận và những cuốn sách tôi viết đem lại cho tôi sự cân bằng, rằng tôi đang sửa chữa những lỗi lầm mà tôi đã mắc phải xưa kia thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy điều này thật khó khăn. Sâu thẳm trong trái tim, tôi biết tôi đang lẩn tránh trách nhiệm với con gái tôi. Jessica đang thừa kế cái thế giới nơi mà hàng triệu trẻ em sinh ra với những món nợ mà chúng sẽ chẳng khi nào có thể trả nổi. Và tôi phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Những cuốn sách mà tôi viết ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là cuốn Thế giới là những gì mà bạn mong muốn.  Nhờ thành công của cuốn sách, ngày càng có nhiều nơi yêu cầu tôi đi giảng bài và thuyết trình hơn. Đôi khi, đứng trước cử tọa ở Boston, New York hay Milan, tôi thấy thật mỉa mai. Làm sao tôi có thể đóng một vai trò tích cực như vậy để mô tả về một cơn ác mộng như thế.

Năm 1997, tôi được ủy nhiệm dạy một khóa học kéo dài một tuần của học viện Omega, ở một khu du lịch trên đảo St. John tại Caribe. Tôi đến đó vào ban đêm. Sáng hôm sau khi tôi tỉnh dậy, đi ra cái ban công nhỏ và chợt thấy mình đang nhìn xuống cái vịnh nơi mà 17 năm trước, tôi đã quyết định đi khỏi MAIN. Tôi sụp xuống ghế vì quá xúc động. 

Suốt một tuần sau đó, vào lúc rảnh rỗi, tôi thường ra ban công đứng nhìn xuống vịnh Leinster, cố tìm câu trả lời cho những cảm xúc của mình. Tôi chợt hiểu rằng tuy tôi đã từ bỏ công việc ấy, nhưng tôi đã không tiến thêm một bước nào nữa, và cái quyết định nửa vời đó đang khiến tôi phải trả giá đắt. Đến cuối tuần, tôi kết luận rằng thế giới xung quanh tôi không như tôi từng mơ ước, rằng mà tôi cần phải làm đúng điều mà tôi đang dạy cho các học sinh của mình: làm thế nào để các giấc mơ phản ánh đúng những gì tôi thực sự mong muốn trên đời.

Khi về nhà, tôi từ bỏ công việc tư vấn. Vị chủ tịch của SWEC, người đã từng thuê tôi giờ đã nghỉ hưu. Người mới thay ông ta trẻ hơn tôi và rõ ràng là không quan tâm đến chuyện tôi định viết câu chuyện của mình. Anh ta đang có ý định giảm chi phí cho công ty và rất mừng là sẽ thôi phải trả cái khoản lương cắt cổ cho tôi.

Tôi quyết định hoàn thành cuốn sách mà tôi đã viết trong một thời gian dài, và chỉ cần quyết định như thế đã đem lại cho tôi một cảm giác nhẹ nhõm tuyệt vời. Tôi kể về những ý tưởng tôi định viết trong cuốn sách với những người bạn thân, phần lớn là những người hoạt động trong lĩnh vực phi lợi nhuận có liên quan tới các nền văn hóa bản xứ và bảo tồn rừng rậm nhiệt đới. Tôi rất ngạc nhiên vì họ có vẻ rất lo lắng. Họ sợ rằng việc nói ra sự thật sẽ hủy hoại công việc dạy học của tôi và gây nguy hại cho các tổ chức phi lợi nhuận mà tôi đang giúp đỡ. Rất nhiều người trong số chúng tôi đang giúp đỡ các bộ tộc Amazon bảo vệ đất đai của họ thoát khỏi tay những công ty dầu lửa; họ bảo tôi, viết một cuốn sách như vậy sẽ hủy hoại uy tín mà tôi có, và sẽ cản trở cả tiến trình. Một số người thậm chí còn dọa sẽ rút lui không ủng hộ tôi nữa.

Thế là lại một lần nữa, tôi ngừng viết. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc đưa mọi người đi sâu vào rừng rậm Amazon, chỉ cho họ những vùng đất và những bộ lạc gần như chưa hề bị thế giới hiện đại động chạm tới. Trên thực tế, đó chính là nơi tôi đã ở vào cái ngày 11 tháng 9 năm 2001.

 

 

Chương 32

Sự kiện 11/9 và những ảnh hưởng xấu tới riêng cá nhân tôi  

 

 

 

Ngày 10 tháng 9 năm 2001, tôi và Shakaim Chumpi, người đã cùng tôi viết cuốn sách Linh hồn của Shuar đang xuôi theo dòng một con sông của Amazon thuộc địa phận Ecuađo. Chúng tôi dẫn một nhóm 16 người Bắc Mỹ đến tìm hiểu về bộ lạc của Shkaim ở sâu trong từng nhiệt đới. Những người này muốn tìm hiểu bộ lạc và muốn giúp họ bảo vệ các khu rừng nhiệt đới quý giá.

Shakaim đã từng chiến đấu trong các cuộc chiến tranh giữa Ecuađo và Peru. Phần lớn người dân ở các nước tiêu thụ dầu lửa chưa từng biết đến cuộc chiến tranh này, cho dù người ta chiến đấu chủ yếu là để cung cấp dầu lửa cho họ. Tuy đường biên giới giữa hai nước này là vấn đề gây tranh cãi trong suốt nhiều năm, xong phải đến gần đây người ta mới thấy được sự cấp thiết phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề này. Lý do chính do sự cấp bách này là các công ty dầu lửa muốn biết liệu họ phải thương lượng với quốc gia nào để có được quyền khai thác những khu vực có dầu mà họ đã nhắm tới. Chính vì vậy người ta phải phân định lại biên giới.

Những người Shuar là đội quân tiên phong trong trận chiến bảo vệ Ecuađo. Họ là những chiến binh dũng mãnh, thường đánh bại những đạo quân vượt trội về quân số và được trang bị tốt hơn. Nhưng những người Shuar lại không biết gì về động cơ chính trị đằng sau cuộc chiến hoặc không biết rằng cuộc chiến đấu của họ có thể sẽ mở đường cho các công ty dầu lửa. Quyết tâm chiến đấu của họ xuất phát từ truyền thống đấu tranh lâu đời của bộ lạc và vì họ không đời nào cho phép giặc ngoại bang xâm chiếm đất đai của mình.

Khi chúng tôi chèo xuồng dọc bờ sông, ngắm một đàn vẹt đang ríu rít bay qua, tôi hỏi Shakaim xem liệu thời gian ngừng chiến còn không. “Còn”, anh ấy nói, “nhưng tôi e là phải nói với anh rằng chúng tôi đang chuẩn bị một cuộc chiến với các anh”. Anh ấy nói tiếp rằng tất nhiên anh ấy không ám chỉ gì tới cá nhân tôi hay những người trong nhóm của chúng tôi. “Các anh là bạn của chúng tôi”, anh cam đoan với tôi như vậy. Rằng ý anh muốn nói đến các công ty dầu lửa của chúng tôi và những đội quân đang tiến vào khu rừng nơi bộ lạc anh sinh sống.

“Chúng tôi đã được chứng kiến những gì họ làm với bộ lạc Huaoraini. Họ đã phá rừng, làm ô nhiễm các con sông, và giết hại nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Thế nên, đến nay thì bộ tộc Huaoraini hầu như không còn tồn tại nữa. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra với mình. Chúng tôi sẽ không cho phép các công ty dầu lửa xâm nhập lãnh thổ của mình, với người Peru cũng vậy. Tất cả chúng tôi đã thề sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng”1

 Đêm đó nhóm chúng tôi ngồi quanh ngọn lửa giữa một ngôi nhà dài rất đẹp của người Shuar được làm bằng tre và lợp bằng tranh. Tôi đã kể cho những người trong nhóm về cuộc nói chuyện giữa tôi với Shakaim. Tất cả chúng tôi đều tự hỏi liệu có bao nhiêu người khác nữa cũng nghĩ như bộ lạc của Shakaim đã nghĩ về các công ty dầu lửa và đất nước của chúng tôi. Liệu có bao nhiêu người, như những người Shuar, cũng lo sợ một ngày kia chúng tôi sẽ kéo đến và làm đảo lộn cuộc sống của họ, làm băng hoại các giá trị văn hóa cũng như phá hoại đất đai của họ? Liệu có bao nhiêu người căm ghét chúng tôi?  

Sáng hôm sau, tôi đi xuống văn phòng nhỏ nơi chúng tôi để máy bộ đàm. Tôi phải bố trí để phi công có thể bay đến và đón chúng tôi trong vài ngày tới. Nhưng khi tôi đang nói chuyện với họ thì đột nhiên có một tiếng thét lớn.

 “Chúa ơi!”, người đàn ông ở đầu máy bên kia kêu lên. “Thành phố New York đang bị tấn công”. Anh ta vặn to cái đài mà trước đó vừa chơi một bản nhạc. Và trong suốt nửa tiếng sau đó, chúng tôi đã được liên tục nghe tường thuật về sự kiện đang gây trấn động nước Mỹ. Giống như bất kỳ ai, đó là thời khắc mà suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên.

Khi quay trở về Florida, tôi biết mình phải thăm lại nơi trước đây đã từng là tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại, và vì thế tôi đã sắp xếp để đáp chuyến bay đi New York. Tôi nhận phòng ở một khách sạn sang trọng vào đầu giờ chiều. Đó là một ngày tháng 11 đầy nắng, không khí êm đềm một cách khác thường. Tôi thả bộ theo dọc Công viên Trung Tâm, đầy phấn khích, rồi đi tới khu vực trước đây tôi đã từng sống, đó là một khu vực gần phố Wall nay được biết đến với cái tên Ground Zezo.

Khi tôi tiến tới khu vực đó, sự phấn khích bị thay thế bởi một cảm giác kinh hoàng. Cảnh tượ̉ng đổ nát và mùi hôi khủng khiếp- thật là một sự hủy diệt kinh khủng; chỉ còn sót lại những khung nhà méo mó và bị nóng chảy của tòa nhà sừng sững trước kia; những mảnh vụn còn sót lại; mùi khói khét lẹt, đống tro tàn, và mùi thịt cháy. Cảnh tượng mà tôi chứng kiến chẳng khác xa so với những gì mà tôi được xem qua truyền hình.

Tôi đã không ngờ tới tất thẩy những điều này - nhất là về những con người ở nơi đây. Hai tháng đã trôi qua kể từ cái ngày kinh hoàng ấy mà họ vẫn ở quanh đây, những người đã sống và làm việc gần đây. Những người đã thoát chết. Một người Ái Cập đang đi thơ thẩn bên ngoài tiệm giầy nhỏ của mình, lắc lắc đầu một cách tuyệt vọng.

“Thật không thể quen được”, anh ta lẩm bẩm. “Tôi đã mất rất nhiều khách hàng, cả bạn bè nữa. Thằng cháu tôi cũng đã chết ở trên đó”. Rồi anh ta chỉ lên bầu trời xanh. “Tôi nghĩ là tôi đã trông thấy nó nhảy xuống. Tôi không biết nữa... Có biết bao người đã nhảy xuống, cầm tay nhau và vẫy vẫy cánh tay như thể họ biết bay vậy.”

Tôi lấy làm ngạc nhiên, cái cách mà họ nói chuyện với nhau. Ở thành phố New York. Và nó không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ người mà họ trao nhau cả ánh mắt. Mặc dù thật ủ rũ, nhưng họ vẫn trao cho nhau những cái nhìn đầy cảm thông, dù không cười thật tươi song còn giá trị hơn cả triệu lời nói .

Nhưng vẫn còn có một cái gì khác nữa một cảm giác về chính nơi này. Bắt đầu tôi không thể hiểu nổi; rồi tôi chợt nhận ra: ánh sáng. Lower Manhatan đã từng là một con hẻm tối tăm, mà tôi được biết khi tôi đến được nơi này để gây quỹ cho IPS, khi tôi ăn tối tại Cửa sổ Nhìn ra Thế giới và lên kế hoạch đầu tư với các chủ nhà băng. Người ta phải lên tận trên đó, một nơi rất cao, trên nóc của Trung tâm Thương mại Thế giới nếu muốn nhìn thấy ánh sáng. Còn giờ đây, chỉ cần đứng trên phố. Con hẻm đã được mở rộng ra, và những ai đứng trên phố cạnh đống đổ nát sẽ được ánh mặt trời sưởi ấm. Tôi không thể không tự hỏi liệu có phải chính cảnh bầu trời và ánh sáng đã giúp người ta mở lòng mình không. Tôi bỗng thấy có lỗi khi hỏi những điều như vậy.

Tôi rẽ vào góc phố nơi mà có nhà thờ Trinity và đi xuống phố Wall. Trở lại với New York trước kia, bị bóng tối bao phủ. Không mặt trời không cả ánh sáng. Mọi người đi lại hối hả trên vỉa hè, chẳng hề để ý đến nhau. Một viên cảnh sát đang hét to với người lái xe đang dừng bên lề đường.

Tôi ngồi xuống những bậc thềm đầu tiên mà tôi nhìn thấy, tại số nhà 14. Từ nơi nào đó, tiếng của những cánh quạt lớn hay một cái máy quạt gió át cả những tiếng động khác. Tiếng động lớn này dường như vang lại từ bức tường đá lớn của tòa nhà Thị trường Chứng khoán New York. Tôi ngắm mọi người qua lại. Họ đi lại vội vã, rời khỏi công sở, đi nhanh về nhà, hay tới khách sạn hoặc một quán ba để bàn chuyện công việc. Một số ít đi thành từng đôi và đang nói chuyện phiếm với nhau.

Tuy vậy, dường như ai cũng cô đơn và lặng lẽ. Tôi cố trao đôi ánh mắt với họ; nhưng dường như họ không nhận thấy. Tiếng còi báo động kêu inh ỏi phát ra từ một chiếc ôtô đậu trên phố thu hút sự chú ý của tôi. Một người đàn ông vội vã chạy ra khỏi nơi làm việc và lấy khóa ra tắt báo động; tiếng kêu kia lập tức tắt ngấm. Tôi lặng lẽ ngồi xuống. Một lúc lâu sau, tôi thò tay vào túi và lấy ra một mẩu giấy được gấp ngay ngắn có chứa nhiều con số.

 Rồi tôi nhìn thấy người đàn ông đó. Anh ta lê bước trên con phố, mặt cúi gằm xuống. Anh ta có bộ râu đen thưa thớt, mặc một chiếc áo khoác tối màu trông hoàn toàn không hợp với một buổi chiều ấm áp trên phố Wall. Tôi biết anh ta là người Afghanistan.

Anh ta liếc nhìn tôi rồi, sau một phút đắn đo, anh ta bước lên bậc thềm. Anh ta lịch sự gật đầu chào và ngồi xuống cách tôi một vài yard. Cứ theo cái cách anh ta nhìn thẳng về phía trước, tôi hiều anh ta có ý chờ tôi bắt chuyện trước.  

“Một buổi chiều thật đẹp”.  

“Đẹp thật”. Tiếng Anh của anh ta rất nặng “Trong những lúc như thế này, ánh nắng mặt trời thật dễ chịu.”

 “Ý anh là do Trung tâm Thương mại Thế giới?” Anh ta gật đầu. “Anh đến từ Afghanistan có phải không?” Anh ta chăm chú nhìn tôi và hỏi: “Điều đó dễ nhận thấy đến thế ư?”  

“Tôi đã đi rất nhiều nơi. Gần đây, tôi đã tới Himanaya thuộc bang Kashmir.”

 “Kashmir.” Anh ta vuốt râu: “Ở đó đang có chiến tranh”.  

“Đúng vậy, giữa Ấn Độ và Parkistan, đạo Hindu và đạo Hồi. Anh có cho rằng đó là do mâu thuẫn về tôn giáo hay không?”

 Ánh mắt anh bất chợt gặp ánh mắt tôi. Chúng có một màu nâu sâu thẳm, gần như là đen. Chúng đập vào mắt tôi với một vẻ khôn ngoan nhưng u buồn. Anh quay mặt lại phía tòa nhà của Thị trường Chứng khoán New York. Anh ta chỉ tay vào tòa nhà, ngón tay thật dài và xương xẩu. “Hoặc có thể là vì lý do kinh tế chứ không phải tôn giáo cũng nên.” 

“Trước đây anh đã từng là lính?” Tôi không thể cười thầm. “Không. Là một nhà tư vấn kinh tế.” Tôi đưa cho anh ta mẩu giấy với những con số. “Chúng là vũ khí của tôi.’ Anh ta nhướn người lên và cầm lấy chúng: “Những con số.” “Thống kê về thế giới.”  

Anh ta ngắm nghía tờ giấy, rồi khẽ bật cười. “Tôi không biết đọc.” Rồi anh ta trả lại mẩu giấy cho tôi. “Những con số này cho chúng ta biết rằng tính ra mỗi ngày có tới 24.000 người chết đói.”

 Anh ta khẽ huýt sáo, lặng yên suy nghĩ, rồi thở dài. “Tôi cũng đã suýt chết. Tôi có một vườn lựu nho nhỏ gần Kandahar. Những người Nga tới và những chiến sĩ Hồi giáo nấp đằng sau gốc cây và dưới các con mương.”

 Anh ta giơ tay lên và giả bộ như đang bắn. “Phục kích”. Anh ta hạ tay xuống. “Tất cả cây cối và các con mương của tôi đã bị phá hoại.”  

“Sau đó, anh đã làm gì?” Anh ta cúi xuống nhìn tờ giấy tôi đang cầm: “Danh sách đó có chỉ ra những kẻ ăn mày không?” Nó không chỉ ra, nhưng tôi nghĩ là tôi đã nhớ ra. “Khoảng 80 triệu người trên thế giới, tôi e là vậy”.

 “Tôi đã từng là một trong số đó.” Anh ta lắc lắc đầu, dường như đang chìm trong suy nghĩ. Chúng tôi ngồi yên lặng một lát rồi bỗng anh lại nói: “Tôi không thích phải đi ăn mày. Con tôi sắp chết. Vậy nên tôi phải trồng cây anh túc.”

 “Cây thuốc phiện?” Anh ta nhún vai. “Không cây cối, không nước non gì. Đó là cách duy nhất để nuôi sống gia đình.” Có cái gì mắc nghẹn trong cổ họng tôi, một cảm giác buồn nản đến tuyệt vọng pha lẫn cảm giác tội lỗi. “Chúng tôi gọi việc trồng cây thuốc phiện là một tội lỗi, mặc dù rất nhiều người giàu có đã phất lên nhờ buôn bán ma túy.”

 Mắt anh ta lại gặp tôi và dường như xuyên thấu vào tim tôi. “Anh đã từng là một người lính,”  anh ta nói, gật đầu như muốn xác nhận cái thực tế đơn giản này. Rồi anh ta chậm chạp đứng dậy và lê bước xuống thềm. Tôi muốn anh ta ngồi lại, nhưng cảm thấy bất lực để có thể nói được bất cứ điều gì. Tôi đứng lên và bước theo anh ta.

Khi bước tới bậc thềm cuối cùng, tôi bất chợt bị một thứ gì đó ngăn lại. Đó là tấm biển có hình tòa nhà nơi tôi vừa ngồi. Phía trên bức tranh, có một dòng chữ để cho những người qua lại biết được tấm biển đã được Heritage Trails của New York sửa sang. Dòng chữ viết:

Lăng mộ của Halicarnassus nằm trên nóc của tòa tháp chuông thánh Mark ở Venice, tại góc phố Wall và Broad - đó là ý tưởng kiến trúc của nhà số 14 phố Wall. Khi đó là tòa nhà băng cao nhất thế giới, cao 539 feet đã từng là trụ sở chính của Ngân hàng Bankes Trust, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất đất nước.

Tôi đứng đó trong khiếp đảm và nhìn lên tòa nhà. Đầu thế kỷ trước, tòa nhà số 14 phố Wall đóng vai trò của Trung tâm Thương mại Thể giới sau này; nó đã từng là một biểu tượng của sự thống trị về quyền lực và kinh tế. Tòa nhà này cũng đã từng là trụ sở của Ngân hàng Bankers Trust, một trong những nơi mà tôi đã đến để tìm nguồn tài trợ cho công ty năng lượng của mình. Đó là một phần quan trọng trong ký ức của tôi- cái ký ức của một người lính như người đàn ông Afghanistan đã nói.

Việc tôi đã đứng đây ngày hôm nay, nói chuyện với anh ta dường như là một sự trùng hợp kỳ lạ. Sự trùng hợp. Cái từ đó bỗng ngăn tôi lại. Phản ứng của chúng ta đối với những sự trùng hợp đã nhào nặn cuộc sống của chúng ta thế nào. Tôi nên cư xử ra sao với sự trùng hợp ngẫu nhiên này?

Khi tiếp tục bước đi, tôi lướt nhìn đám đông, nhưng không thể tìm thấy bóng dáng của anh ta. Ở toà nhà tiếp theo, có một bức tượng được phủ bằng một tấm nhựa xanh. Một dòng chữ được khắc trên bề mặt đá của tòa nhà cho thấy đây chính là tòa Tổng hành dinh của Liên bang, 26 phố Wall, nơi mà vào ngày 30 tháng 4 năm 1789, George Washington đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đây chính là nơi mà người đầu tiên được giao trọng trách bảo vệ cuộc sống, tự do và đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân dân đã đọc lời thề. Sao mà gần với Ground Zero đến thế, gần với phố Wall đến thế.

Tôi đi vòng quanh khu nhà, đến phố Pine. Tại đó, tôi đối diện với trụ sở chính của Chase, ngân hàng do David Rockefeller thành lập, một ngân hàng gắn liền với hoạt động buôn bán đầu lửa và với công việc của những người như tôi. Ngân hàng này, một tổ chức phục vụ cho EHM và là một bậc thầy trong việc hỗ trợ sự phát triển của đế chế toàn cầu, là một biểu tượng của chế độ tập đoàn trị.

Tôi nhớ là đã thấy ở đâu đó viết rằng Trung tâm Thương mại Thế giới là một dự án do David Rockerfeller khởi xướng vào năm 1960, và trong những năm gần đây tòa nhà này được xem như là một con hải âu lớn. Nhưng về mặt tài chính có lại bị coi là một sai lầm, không phù hợp với công nghệ hiện đại như sợi quang và Internet, và có một hệ thống thang máy đắt tiền mà không hiệu quả. Hai tòa nhà này đã từng được đặt cho cái tên David và Nelson. Giờ thì con hải âu lớn đó đã chết.

 Tôi tiếp tục bước đi chầm chậm, gần như là miễn cưỡng. Mặc dù chiều hôm đó thời tiết thật ấm áp nhưng lòng tôi sao thấy tê tái, và tôi chợt thấy có một cảm giác lo âu đến kỳ lạ, như một điềm báo đang vây chặt lấy mình. Tôi không thể tìm được nguồn gốc của sự sợ hãi, cố tìm cách xua nó đi, và cố bước đi nhanh hơn. Nhưng rút cục tôi lại thấy mình đang dứng nhìn chăm chăm vào cái hố đang cháy âm ỉ ấy, miếng kim loại cong queo, vết sẹo lớn trên bề mặt trái đất ấy. Tôi đứng dựa vào tòa nhà đã thoát khỏi sự tàn phá và nhìn chòng chọc vào cái hố. Tôi cố hình dung cảnh tượng người ta lao ra khỏi tòa tháp đang sụp đổ và những người lính cứu hỏa đang lao vào để cứu họ. Tôi cố nghĩ về những người đã nhảy xuống, về cảm giác tuyệt vọng mà họ đã trải qua. Thế những tôi hoàn toàn bất lực. Thay vào đó, tôi lại thấy Osama Bin Laden đang nhận tiền và vũ khí trí giá hàng triệu đô la từ một người làm việc cho một công ty tư vấn theo hợp đồng của chính phủ Hoa kỳ. Rồi tôi lại thấy mình đang ngồi bên máy tính với màn hình trắng xóa.

Tôi nhìn ra xung quanh, rời mắt khỏi Ground Zero, về phía những con phố của New York đã thoát khỏi ngọn lửa giờ đang quay trở lại nhịp sống thường nhật. Tôi tự hỏi không hiểu những người đi trên những con phố ấy hôm nay nghĩ gì về tất cả những điều này - không đơn giản chỉ về sự sụp đổ của hai tòa tháp, mà còn về những nông trang trồng lựu bị tàn phá và hai mươi tư ngàn người chết đói mỗi ngày. Ước giá mà họ nghĩ về những điều như vậy, giá mà họ có thể tách mình ra khỏi công việc, ra khỏi những chiếc xe hơi ăn xăng và các khoản trả lãi để có thể xem xét lại những đóng góp của bản thân mình cho cái thế giới mà họ đang để lại cho con em mình.

Tôi không hiểu họ biết gì về đất nước Afganistan - không phải là qua tivi với cảnh tượng những đoàn lính và xe tăng Mỹ tràn ngập, mà về một Afganistan của người đàn ông nọ. Tôi tự hỏi hai mươi bốn ngàn người chết đói mỗi ngay đã từng nghĩ gì. Và rồi tôi lại trông thấy mình đang ngồi đó, trước một màn hình máy tính trắng xóa. Tôi ép mình trở lại với Ground Zero. Vào lúc này, có một điều chắc chắn rằng: đất nước tôi đang nghĩ tới sự trả thù, và sự trả thù này dành cho những nước như Afghanistan. Nhưng tôi lại nghĩ tới những nước khác, nơi mà người dân ở đó căm ghét các công ty của chúng tôi, quân đội của chúng tôi, các chính sách của chúng tôi, và cả con đường tiến tới thống trị thế giới của chúng tôi nữa.

Tôi băn khoăn không biết các nước như Panama, Ecuađo, Indonesia, Iran, Guatemala, và hầu hết các nước Châu Phi nữa thì thế nào?

Tôi thôi không dựa vào bức tường nơi tôi đang đứng và định bước đi. Một người đàn ông thấp, da ngăm đen đang khua khua một tờ báo và hét lên bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi dừng lại.

“Venezuela bên bờ vực cách mạng!” Ông ta hét lên, át cả tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng còi ô tô inh ỏi, và dòng người đang đi như thác đổ. Tôi mua báo của anh ta và đứng lại đó một lát để liếc qua các mục chính. Đó là về Hugo Chavez, vị Tổng thống chống Mỹ được bầu cử dân chủ tại Venezuela, và về sự chống đối ngấm ngầm các chính sách của Mỹ tại châu Mỹ Latinh.

 

 

Chương 33

Vênêzuêla được Saddam cứu giúp

 

 

Tôi đã theo dõi Venezuela trong nhiều năm. Đó là ví dụ điển hình về một đất nước từ nghèo đói đi lên giàu có nhờ vào dầu lửa. Đây cũng là một ví dụ về những tranh chấp bắt nguồn từ dầu lửa, về sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, và là mô hình của một đất nước bị các tập đoàn dầu lửa bóc lột một cách không thương tiếc. Venezuela là hình ảnh thu nhỏ của một nơi mà ở đó cách thức của các tập EHM cũ kỹ như tôi kết hợp với cách thức mới theo kiểu tập đoàn trị.

Những sự kiện mà tôi đọc trong báo chí ngày hôm đó tại Ground Zero là kết quả trực tiếp cuộc bầu cử năm 1998, khi những người nghèo và những người bị tước quyền công dân ở Venezuela đã tuyệt đối bầu Hugo Chavez làm tổng thống của họ(1.)

Tổng thống mới ngay lập tức áp dụng các biện pháp quyết liệt là kiểm soát các tòa án và các tổ chức khác đồng thời giải tán Quốc hội Venezuela. Ông lên án “chủ nghĩa đế quốc vô liêm sỉ” của Hoa kỳ, tuyên bố sẽ mạnh mẽ chống lại toàn cầu hóa, và đưa ra đạo luật hydrocarbon, một đạo luật mà ngay từ cái tên đã làm cho người ta liên tưởng đến đạo luật mà Jaime Roldos đã đưa vào Ecuađo ngay trước khi máy bay của ông đâm xuống đất. Đạo luật này làm tăng gấp đôi tiền khai thác mỏ mà các công ty dầu lửa nước ngoài phải trả. Sau đó Chavez thắt chặt lại công ty dầu lửa Petroleos de Venezuela thuộc sở hữu nhà nước bằng cách thay thế đội ngũ lãnh đạo công ty bằng những người thân tín với ông.

Dầu lửa của Venezuela là một sản phẩm vô cùng quan trọng đối với các nền kinh tế trên thế giới. Vào năm 2002, quốc gia này đã là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới và là nhà cung cấp dầu lửa lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ3. Công ty Petroleos de Venezuela, với 40.000 công nhân và doanh thu 50 tỷ đô la một năm, đóng góp khoảng 80% vào doanh thu xuất khẩu của cả nước. Dầu lửa của nước này cho đến nay vẫn là nhân tố quan trọng nhất đối với nền kinh tế Venezuela.4 Cùng với việc nắm giữ được ngành dầu lửa, bản thân Chavez đã trở thành một đối tác quan trọng trên trường quốc tế.

Nhiều người dân Venezuela nhìn nhận điều này như một định mệnh, như kết quả của một quá trình đã bắt đầu từ 80 năm trước. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1922, một vỉa dầu lớn được phát hiện gần Maracaibo. Trong ba ngày sau đó, mỗi ngày lượng dầu phun ra tương đương với một trăm ngàn thùng dầu thô, và từ đó, sự kiện địa chất này đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Venezuela đã hy vọng dầu mỏ sẽ là giải pháp cho tất cả các vấn đề của đất nước mình.

 Nguồn thu từ dầu mỏ trong vòng 40 năm sau đã biến Venezuela từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất Mỹ Latinh. Tất cả mọi chỉ tiêu thống kê quan trọng của nước này đều được cải thiện: y tế, giáo dục, việc làm, tuổi thọ, và tỷ lệ trẻ sơ sinh sống sót. Ngành kinh doanh ngày một phát đạt.

Trong thời kỳ cấm vận dầu lửa của các nước OPEC năm 1973, giá dầu mỏ tăng nhanh và ngân sách quốc gia của Venezuela tăng gấp bốn lần. Các EHM bắt đầu vào cuộc. Các ngân hàng quốc tế ồ ạt cho nước này vay để xây dựng hàng loạt những dự án hạ tầng cơ sở và công nghệ cũng như các tòa nhà chọc trời cao nhất châu lục. Sau đó, vào những năm 80, các EHM kiểu doanh nhân đã tới. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho họ học hỏi kinh nghiệm. Tầng trung lưu ở Venezuela ngày càng lớn mạnh, và điều này đã tạo ra một thị trường béo bở cho một các sản phẩm, và vẫn có một tầng lớp nghèo khổ sẵn sàng lao động khổ sai trong các nhà máy.

Thế rồi giá dầu mỏ giảm, và Venezuela không thể thanh toán được các khoản nợ nần của mình. Năm 1989, Quỹ tiền tệ quốc tế đã đặt ra các biện pháp hà khắc và ép Caracas hỗ trợ cho chế độ tập đoàn trị theo nhiều cách khác nhau. Bạo lực nổ ra ở Venezuela, các mỏ sẽ là nguồn hỗ trợ vô tận đã tiêu tan. Từ năm 1987 đến 2003, thu nhập bình quân đầu người ở Venezuela đã giảm hơn 40%.

Nghèo đói gia tăng và oán thù chồng chất. Sự phân cực diễn ra giữa tầng lớp trung lưu và tầng lớp nghèo đói. Như thường thấy ở những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu lửa, sự phân hóa tầng lớp trong dân cư đã thay đổi một cách đáng kể. Nền kinh tế tụt dốc gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu, và nhiều người trong số họ đã rơi xuống tầng lớp nghèo đói.

Thực trạng này đã tạo điều kiện cho Chavez - và làm nảy sinh xung đột với Washington. Có được quyền lực trong tay, vị tổng thống mới bắt đầu những hoạt động thách thức chính quyền Bush. Ngay trước vụ 11/9, Washington còn đang cân nhắc những lựa chọn của mình. EHM đã thất bại, liệu đã đến lúc đưa những tên sát nhân vào cuộc chưa?

Sự kiện 11/9 xảy ra đã làm thay đổi tất cả những ưu tiên của chính quyền Washington. Tổng thống Bush và các cố vấn của mình tập trung kêu gọi cộng đồng thế giới ủng hộ các hoạt động của Mỹ ở Afghanistan và cuộc xâm lược Iraq. Trên hết là nền kinh tế Mỹ đang trong tình giai đoạn khủng hoảng. Bởi vậy mà vấn đề Venezuela được gạt sang một bên. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là đến một lúc nào đó, Bush và Chavez sẽ lại đối đầu với nhau. Bởi lẽ khi nguồn dầu lửa của Iraq và Trung Đông bị đe dọa thì Washington không thể nào bỏ qua Venezuela quá lâu được.

 Lang thang xung quanh Ground Zero và phố Wall, nói chuyện với người đàn ông Afghanistan lớn tuổi, và đọc các tin tức về đất nước Venezuela của Chavez, tất cả đã khiến tôi phải suy nghĩ đến một điều mà tôi đã lảng tránh trong nhiều năm, buộc tội tôi phải có một cái nhìn nghiêm túc về hậu quả của những gì tôi đã làm trong ba mươi năm qua. Tôi không thể phủ nhận rằng vai trò của mình hay cái thực tế tôi là một EHM, hiện giờ đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến thế hệ con gái mình. Tôi biết rằng tôi không thể không làm gì để chuộc lại lỗi lầm của mình. Tôi phải gột sạch mình bằng cách thức tỉnh người dân trước hiện thực của tập đoàn trị và hiểu ra tại sao nhiều nước trên thế giới lại căm ghét chúng ta đến thế.

Một lần nữa tôi bất tay vào viết, nhưng tôi cảm thấy dường như câu chuyện của mình đã quá cũ. Bằng cách nào đó, tôi phải cập nhật thông tin. Tôi đã nghĩ đến việc đến Afghanistan, Iraq, và Venezuela và viết những bình luận đương thời  về ba nước này. Các nước đó như là hiện thân cho sự trớ trêu của các vấn đề quốc tế hiện nay: mỗi nước đều đã trải qua những biến động chính trị đau thương và kết thúc với những người lãnh đạo để lại quá nhiều điều cần phải thay đổi (một thủ lĩnh Taliban tàn nhẫn va chuyên quyền, nhưng chế độ tập đoàn trị đã không hề tìm cách giải quyết những vấn đề cốt lõi của họ. Đúng hơn là, chế độ đó chỉ quan tâm đến việc tìm cách làm hại những nhà lãnh đạo nào cản trở việc thực hiện chính sách dầu mỏ của Mỹ mà thôi. Xét trên nhiều khía cạnh thì Venezuela là trường hợp đặc biệt nhất, bởi lẽ Mỹ đã tiến hành can thiệp quân sự ở Afghanistan và có vẻ như chắc chắn sẽ có mặt ở Iraq, nhưng phản ứng của chính quyền Mỹ với Chavez vẫn còn là điều bí ẩn. Theo như tôi được biết, vấn đề không phải ở chỗ Chavez có phải là một nhà lãnh đạo tốt hay không; mà là ở phản ứng của Washington đối với người lãnh đạo làm cản trở chế độ tập đoàn trị trên con đường tiến tới thống trị thế giới.  

Tuy nhiên, trước khi tôi có thể thu xếp một chuyến đi như vậy, những sự kiện lại một lần nữa ngăn cản tôi. Các hoạt động phi lợi nhuận đã cho tôi cơ hội đến Nam Mỹ một vài lần vào năm 2002. Một gia đình Venezuela sắp bị phá sản dưới chế độ của Chavez đã cùng tham gia vào chuyến đi này đến vùng Amazon. Chúng tôi trở thành bạn thân của nhau, và tôi đã được nghe về mặt trái của câu chuyện. Tôi cũng đã gặp những người Nam Mỹ, những người đã xem Chavez như là một vị cứu tinh. Các sự kiện xảy ra ở Caracas là triệu chứng của căn bệnh mà chúng tôi, những EHM đã tạo ra.  

Tháng 12 năm 2002, tình thế ở Venezuela và Iraq đã lên đến khủng hoảng. Hai nước đang trở thành hai trường hợp hoàn toàn trái ngược nhau. Tại Iraq, mọi mưu đồ đen tối - của cả EHMs và những tên sát nhân đã không thể khiến Saddam phục tùng, và giờ thì chúng tôi đang chuẩn bị cho phương án cuối cùng, đó là xâm lược. Tại Venezuela, chính quyền của Bush đang phát huy cái cách mà trước đây Kermit Roosevelt đã từng áp dụng với Iran. Như tờ thời báo New York đã viết: 

Hàng trăm ngàn người Venezuela hôm nay đã đổ xuống đường để bày tỏ cam kết sẽ tiến hành đình công trong cả nước, vào ngày 28 này để buộc Tổng thống Hugo Chavez phải từ chức. Cuộc đình công, mà theo ước tính có khoảng 30.000 công nhân dầu mỏ tham gia, đe dọa sẽ tàn phá quốc gia này, nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 5 trên thế giới, trong những tháng tới...

 

Trong những ngày gần đây, cuộc đình công đã rơi vào bế tắc. Ông Chavez đang cùng với những công nhân không tham gia đình công đưa hoạt động của công ty dầu mỏ quốc doanh trở lại bình thường. Mặc dù vậy song phe đối lập, mà dẫn đầu là Liên minh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nghiệp đoàn, cam đoan rằng cuộc đình công của họ sẽ đẩy công ty này, và cả chính phủ của Chavez nữa xuống bờ vực thẳm.6  

CIA cũng đã từng hạ bệ Mossadegh và thay bằng Quốc vương Iran theo cách hệt như vậy. Hai sự kiện gần như không khác gì nhau. Dường như lịch sử của 50 năm sau đó đang lặp lại một cách lạ kỳ. Năm thập niên đã qua và dầu mỏ vẫn là động lực chính.

Ngày 4 tháng 1 năm 2003, phe ủng hộ Chavez đụng độ với phe đối lập. Hai người bị bắn chết và hơn 12 người khác bị thương. Ngày hôm sau, tôi nói chuyện với một người bạn cũ, người đã từng dính líu tới những kẻ sát nhân trong nhiều năm. Cũng như tôi, anh ấy chưa bao giờ làm việc trực tiếp cho bất cứ chính phủ nào, nhưng đã từng hoạt động bí mật ở nhiều nước. Anh ta kể với tôi rằng một nhà thầu tư nhân đã tìm cách tiếp cận với anh ta để nhờ anh kích động những cuộc đình công ở Caracas và mua chuộc các sĩ quan quân đội - trong số đó nhiều người đã được đào tạo tại trường Mỹ - quay sang chống lại vị tổng thống mà họ đã bầu ra. Anh ta đã từ chối lời đề nghĩ, nhưng cũng tiết lộ rằng: “người nhận công việc này đang làm tốt những gì anh ta được giao”.7

Cũng vào tháng 1 năm 2003, giá dầu thô tăng cao và dự trữ dầu lửa của Mỹ xuống gần mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua. Với những gì diễn ra ở Trung Đông, tôi biết chính quyền Bush sẽ làm mọi điều để hạ bệ Chavez. Thế rồi cái tin họ thành công đã tới, Chavez bị lật đổ. Tờ thời báo New York dùng những diễn biến của sự kiện này để đưa ra một triển vọng lịch sử - cũng như về con người mà dường như đã đóng vai trò của Kermit Roosevelt ở nước Venezuela hiện tại:

Hoa Kỳ ... đã ủng hộ cho các chế độ độc tài ở khắp các nước Trung và Nam Mỹ trong và sau chiến tranh lạnh để bảo vệ những quyền lợi kinh tế và chính trị của mình.

Tại đất nước Guatemala bé nhỏ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã bố trí cuộc lật đổ chính phủ được bầu cử một cách dân chủ vào năm 1954 và đứng đằng sau chính phủ cánh hữu sau này chống lại các nhóm phiến quân cánh tả nhỏ lẻ trong 40 năm. Hậu quả là gần 200.000 dân thường đã thiệt mạng.

Tại Chilê, được sự hậu thuẫn của CIA, tướng Augusto Pinochet đã nắm quyền từ năm 1970 đến năm 1990.

Tại Pêru một chính phủ dân chủ yếu ớt vẫn đang cố làm sáng tỏ vai trò của CIA trong một thập niên hậu thuẫn cho vị tổng thống giờ đây đã bị phế truất và ruồng rẫy, ngài Alberto K.Fujimori, và trưởng ban Tình báo đầy tai tiếng là Vladimiro N.Montesinos.

Mỹ đã xâm lược Panama năm 1989 và lật đổ tên độc tài buôn lậu ma túy Manuel A.Noriega, người mà gần 20 năm nay, luôn là một tay sai trung thành của CIA. Và nỗ lực thiết lập một phe đối lập để chống lại phe cánh tả của Nicaragua năm 1980 bằng bất kỳ giá nào, kể cả bán vũ khí cho Iran để lấy tiền mặt, đã dấy lên làn sóng lên án các quan chức chính quyền Reagan.

Trong số những người bị điều tra hồi đó có Otto J.Reich, một cựu chiến binh trong cuộc chiến ở Châu Mỹ Latinh. Ông Reich chưa từng bị nhận một lời cáo buộc nào cả. Sau này ông trở thành đại sứ của Mỹ tại Venezuela và hiện đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực Châu Mỹ Latinh theo chỉ định của Tổng thống. Việc lật đổ ngài Chavez đã mang lại thêm cho ông ta một niềm tự hào.8

Khi ông Reich và chính quyền Bush đang ăn mừng các hoạt động chống phá Chavez thì tình thế này bất ngờ bị đảo ngược. Chavez đã dành lại ưu thế và lấy lại được quyền lực trong vòng chưa đến 72 giờ sau đó. Khác với Mossadegh ở Iran, Chavez đã tìm cách giữ được quân đội bên phe mình, bất chấp mọi toan tính xúi giục các quan chức cấp cao nhất chống lại ông. Ngoài ra, ông cũng có trong tay công ty dầu mỏ lớn mạnh của nhà nước. Công ty Petroleos de Venezuela từ chối nhượng bộ hàng ngàn công nhân bãi công và đã quay trở lại hoạt động bình thường.

Sau khi dẹp bỏ được các âm mưu chống đối, Chavez siết chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với các công nhân công ty dầu mỏ, thanh trừ một số phần tử quân đội không trung thành bị lôi kéo làm phản, và trục xuất nhiều phần tử chống đối chủ chốt. Ông cũng đã ra lệnh kết án hai thủ lĩnh đối lập 20 năm tù, là các gián điệp có quan hệ với Washington và đã từng tham gia vào nhóm những tên sát nhân chỉ huy cuộc bãi công trên toàn quốc.9

 Suy cho cùng, một chuỗi những sự kiện này là thảm họa đối với chính quyền Bush. Như thời báo Los Angeles đã viết:

Thứ 3 vừa rồi , các quan chức chính quyền Bush đã phải thừa nhận là họ đã bàn bạc với các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự ở nước này hàng tháng nay về chuyện lật đổ tổng thống Venezuela là Hugo Chavez... Hiện người ta đang điều tra vụ chính phủ tiến hành âm mưu đảo chính không thành này.10

Rõ ràng là không chỉ EHMs mà cả những kẻ sát nhân cũng đã thất bại. Hóa ra Vênêzuêla năm 2003 rất khác với Iran năm 1953. Tôi băn khoăn không hiểu đây có phải là một điềm báo hay đơn giản chỉ là một sự bất thường - và không hiểu Washington sẽ định làm gì tiếp theo.

Tôi tin là ít nhất trong lúc này, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Venezuela đã được đẩy lùi và Chavez đã được cứu thoát nhờ có Saddam Hussein. Bởi vì chính quyền của Bush không thể nào đồng thời giải quyết các vấn đề ở Afghanistan, Iraq và Venezuela. Hiện tại họ không đủ lực lượng quân sự cũng như không đủ sự hậu thuẫn chính trị để làm điều đó.

Vì vậy, tôi biết là tình thế có thể thay đổi rất nhanh, và rằng trong tương lai gần, Tổng thống Chavez rất có thể sẽ phải đối mặt với một phe đối lập khá hùng hậu. Dù gì đi nữa, Venezuela cũng nhắc nhở chúng ta rằng, 50 năm chẳng làm thay đổi được nhiều điều - ngoại trừ kết quả.

 

 

 

Chương 34

Thăm lại Ecuađo

 

 

Venezuela là một trường hợp kinh điển. Tuy vậy, khi quan sát những sự kiện dần hé mở ra ở đó, tôi kinh ngạc nhận thấy những chiến tuyến thực sự quan trọng lại nằm ở một nơi khác. Những chiến tuyến này quan trọng không phải là vì ở đó chứa đựng nhiều tiền hay nhiều sinh mạng hơn, mà bởi vì chúng liên quan đến những vấn đề vượt ra ngoài những mục tiêu vật chất từ trước đến nay vẫn là nền tảng của các đế chế. Những chiến tuyến này vượt quá tầm với của các chủ ngân hàng, các giám đốc, và các chính trị gia, đi sâu vào linh hồn của xã hội hiện đại. Và chúng đang được hình thành nên trong lòng một đất nước mà tôi biết và yêu quý, đất nước nơi tôi đã từng làm việc như một tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình: Ecuador.

Từ lần đầu tiên khi tôi đặt chân đến đây vào năm 1968, qua thời gian đất nước bé nhỏ đã dần trở thành một nạn nhân điển hình của chế độ tập đoàn trị. Những người cùng thời với tôi, và những người đang theo bước chúng tôi, thật sự đã đẩy nó đến bờ vực phá sản. Chúng tôi cho đất nước này vay hàng tỷ đô la để nó có thể thuê các công ty lắp ghép và xây dựng của chúng tôi dựng nên những dự án phục vụ tầng lớp giàu nhất đất nước này. Kết quả là trong vòng 3 thập niên, tỷ lệ nghèo đói chính thức tăng từ 50% lên 70%, thất nghiệp tăng từ 15% lên 70%, nợ công tăng từ 240 triệu USD lên 16 tỷ USD và tỷ lệ nguồn lực quốc gia dành cho những người nghèo nhất giảm từ 20% xuống còn 6%. Ngày nay,  Ecuador dành gần 50% tổng ngân sách quốc gia để trả nợ - thay vì dùng số tiền đó để giúp cho hàng triệu người đang chính thức đứng trong danh sách những người bị bần cùng.1  

Tình hình ở  Ecuador chứng minh rằng, điều này hoàn toàn không phải là hậu qủa của một âm mưu: nó là một quá trình diễn ra cả trong thời kỳ cầm quyền của đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa, một quá trình với sự tham gia của tất cả các ngân hàng đa quốc gia lớn, rất nhiều công ty, các chương trình viện trợ nước ngoài của vô số nước. Mỹ đóng vai trò chủ đạo, nhưng Mỹ không hành động một mình.       

Trong vòng ba thập niên qua, hàng ngàn người đã cùng đưa  Ecuador đến vị trí ngàn cân treo sợi tóc mà nó đang phải đối mặt vào đầu thiên niên kỷ mới. Một số người, giống như tôi, ý thức được những việc họ đang làm, song đa phần những người khác chỉ hoàn thành công việc theo cách mà họ đã từng được học tại các trường kinh tế, trường kỹ thuật và trường luật, đi theo những ông chủ kiểu như tôi, những người đã lấy lòng tham của bản thân để giải thích cho toàn bộ hệ thống và bằng những hình thức thưởng phạt đã giúp duy trì nó.

Ngay trong trường hợp tồi tệ nhất thì những người tham gia vào công việc này cũng chỉ nghĩ rằng họ chẳng gây hại đến ai; còn nếu nhìn một cách lạc quan nhất thì họ đang giúp một dân tộc nghèo đói. Dù có vô tình bị lừa, và - trong rất nhiều trường hợp - tự lừa dối mình, những người trong cuộc không phải là thành viên của bất kỳ âm mưu bí mật nào, mà họ là sản phẩm của một hệ thống được dựng nên để củng cố cho một hình thức đế quốc tinh vi và hiệu quả nhất mà thế giới từng thấy. Người ta không phải mất công đi tìm những người sẵn sàng nhận hối lộ hay có thể bị dọa dẫm - những người này đã làm việc trong các công ty, các ngân hàng, và các cơ quan chính phủ rồi. Các hình thức hối lộ bao gồm tiền lương, thưởng, lương hưu, bảo hiểm, những lời dọa dẫm thường đến dưới hình thức những chuẩn mực xã hội, những áp bức, và những câu hỏi chưa ai nói ra về tương lai của con cái họ.

Hệ thống này đã thành công rực rỡ. Theo thời gian, Ecuador ngày càng rơi sâu vào bẫy. Chúng tôi đã có được đất nước này. Cũng giống như một tay bố già Mafia đã có trong tay con người tội nghiệp mà đám cưới của con gái ông ta và công việc làm ăn nhỏ lẻ của ông ta do chính hắn tài trợ. Cũng giống như bất kỳ một bố già Mafia tài giỏi nào, chúng tôi biết là dưới những cánh rừng nhiệt đới của  Ecuador là cả một biển dầu, chúng tôi biết là cái ngày ấy rồi sẽ đến.

Và cái ngày ấy đã đến, đầu năm 2003, từ Quito tôi lái chiếc Subaru Outback quay về Shell. Chavez đã củng cố lại địa vị của mình ở Vênêzuêla. Ông đã thách đố George W.Bush và đã thắng. Saddam giữ vững lập trường và sắp sửa bị xâm lược. Nguồn cung cấp dầu hỏa bị tụt xuống mức thấp nhất trong gần ba thập niên, và triển vọng chúng tôi có thể lấy thêm dầu từ những nguồn then chốt trở nên vô cùng ảm đạm- và vì thế các bảng cân đối kế toán của chế độ tập đoàn trị cũng sẽ chẳng ra gì. Chúng tôi cần một con át chủ bài. Đã đến lúc phải đòi nợ Ecuador.

Trong lúc lái xe qua con đập khổng lồ trên dòng sông Pastaza, tôi nhận thấy ở Ecuador, cuộc chiến không đơn thuần trên dòng sông Pastaza, tôi nhận thấy ở Ecuador, cuộc chiến không đơn thuần là cuộc chiến giữa người giàu và người nghèo, giữa những kẻ chuyên đi bác lột và những người bị bóc lột. Những cuộc chiến này cuối cùng sẽ xác định lại chúng tôi là ai với tư là một nền văn minh. Chúng tôi điềm nhiên ép đất nước nhỏ bé này mở những cánh rừng rậm nhiệt đới Amazon cho các công ty dầu lửa. Và hậu quả của việc này sữ là một sự tàn phá khủng khiếp.

 

Nếu chúng tôi cứ khăng khăng đòi nợ, thì hậu quả của việc đó khó mà lường hết được. Không chỉ là vấn đề các nền văn hóa bản địa, mạng người và hàng trăm ngàn loài động vật, loài bò sát, các loài côn trùng, và thực vật - mà rất nhiều trong số này có thể là những loại thuốc chưa được khám phá để chữa một loạt các căn bệnh - sẽ bị tàn phá. Không chỉ là việc những cánh rừng nhiệt đới hấp thụ khí thải chết người phả ra từ nền công nghiệp của chúng tôi, cho khí ôxy cần thiết biết mấy đối với cuộc sống của chúng ta, và tạo ra những đám mây đem đến cho ta phần lớn nguồn nước  trên thế giới. Nó vượt quá phạm vi của tất cả những lý luận thông thường mà những nhà môi trường học thường dùng để bảo vệ những nơi như thế này, và chạm đến những nơi sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.

Nếu chúng tôi theo đuổi chiến lược này, chúng tôi sẽ tiếp tục cái hình mẫu đế quốc đã bắt đầu từ trước cả Đế chế La mã. Chúng tôi công khai chỉ trích chế độ nô lệ, nhưng đế quốc chúng tôi đã biến nhiều người thành nô lệ hơn cả đế chế La mã và những cường quốc thuộc địa trước đây. Tôi không hiểu làm sao chúng tôi có thể áp dụng một chính sách thiển cận như vậy ở Êcuađo mà vẫn có thể sống với lương tâm của chính mình.

Qua cửa kính chiếc Subaru, tôi nhìn lên những sườn núi trơ trụi của dãy Andy, nó đã từng tươi tốt với đầy các loại cây nhiệt đới khi tôi còn ở Quân đoàn Hòa bình, tôi bỗng phát hiện thêm một điều nữa. Tôi chợt nhận ra rầng cách nhìn Ecuador như một chiến tuyến quan trọng chỉ mang tính cá nhân, chứ trên thực tế, tất cả các quốc gia mà tôi đã từng đến làm việc, những quốc gia với nguồn tài nguyên mà đế chế thèm khát, cũng đều quan trọng như vậy. Tôi có cảm tình riêng với đất nước này, tôi cảm tình với nó từ những ngày cuối thập niên 60 khi tôi đánh mất sự vô tội của mình tại đây. Tuy vậy, điều này chỉ là chủ quan, là thành kiến của riêng tôi.  

Tuy những khu rừng nhiệt đới của Ecuador rất quý giá, song cũng  như những dân bản địa và tất cả sự sống trong các khu rừng này, chúng cũng không đáng quý hơn những sa mạc ở Iran hay những di sản của người Ả rập. Không quý giá hơn những dãy núi của Java, những bờ biển Phillipin, những thảo nguyên của Châu Á, những hoang mạc của Châu Phi, những khu rừng Bắc Mỹ, và những chỏm băng của Bắc cực hoặc hàng trăm nơi có nguy cơ bị đe dọa khác. Tất cả những nơi này đều đại diện cho những trận chiến, và mỗi nơi đó lại buộc chúng ta phải tự vấn trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người và của tất cả mọi người.

Tôi nhớ đến một con số thống kê tổng hợp được tất cả những điều này: Tỷ lệ thu nhập của 1/5 dân số thế giới sống ở các nước giàu nhất so với thu nhập của 1/5 dân sô sống ở các nước nghèo nhất tăng từ 30/1 năm 1960 lên tới 74/1 năm 1995. Ngân hàng thế giới, USAID, quỹ tiền tệ Quốc tê, cùng những ngân hàng, công ty và các chính phủ khác nhúng tay vào cái gọi là viện trợ quốc tế tiếp tục nói với chúng ta rằng, họ đang làm công việc của họ, và rằng họ đã đạt được những bước tiến.

Và thế là tôi lại đến Ecuador, tới đất nước chỉ là một trong số những trận chiến nhưng lại chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Lần này là vào năm 2003, 35 năm sau lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này với vai trò là một thành viên của một tổ chức Mỹ mang từ “hòa bình” trong tên gọi của nó. Lần này, tôi đến để ngăn chặn một cuộc chiến mà ba thập niên nay tôi đã kích động.

Những sự kiện ở Afghanistan, Iraq, Vênêzuêla đáng lẽ đã phải làm chúng tôi nản chí; nhưng ở Ecuador, tình thế khác hẳn. Để tiến hành cuộc chiến ở đây, sẽ không phải huy động quân đội Mỹ, chúng tôi sẽ chỉ phải đối đầu với vài nghìn chiến binh của các bộ lạc, được trang bị bằng giáo mác, dao rựa, những khẩu súng nạp đạn bằng nòng, bắn từng phát một. Những bộ lạc này sẽ phải chống lại một quân đội Ecuador được trang bị hiện đại, vài tay tham mưu mà Mỹ cử sang, và những tên giết người hám lời do các công ty dầu lửa thuê. Cuộc chiến này sẽ chẳng khác nào cuộc xung đột vào năm 1995 giữa Peru và Ecuador mà phần lớn người dân Mỹ chẳng bao giờ biết đến, và những diễn biến gần đây đã leo thang đến mức chiến tranh rất có thể sẽ xảy ra.

 Vào tháng 12 năm 2002, đại diện của công ty dầu lửa buộc tội một bộ lạc đã bắt cóc và giữ một nhóm nhân viên công ty làm con tin, những người đại diện cũng ám chỉ là những người tham gia vụ bắt cóc này là thành viên của một nhóm khủng bố, có thể có liên hệ với Al-Qaeda. Đây là một vấn đề được thổi phồng lên vì công ty dầu lửa này chưa được chính phủ cho phép đặt giàn khoan. Tuy vậy công ty này khẳng định, công nhân của họ có quyền tiến hành điều tra sơ bộ trước khi được phép đặt giàn khoan - vài ngày sau, tuyên bố này đã bị các bộ lạc bản địa kịch liệt phản đối khi họ chia sẽ quan điểm của họ về sự kiện này.

Theo đại diện của bộ lạc, các công nhân của công ty dầu lửa đã xâm phạm vùng đất mà không có quyền đặt chân tới; những người của bộ lạc không mang vũ khí, cũng không đe dọa những người công nhân này bằng bất cứ hành động bạo lực nào. Trên thực tế, họ đã đưa những người này về làng, mời họ ăn và uống chicha, một loại bia địa phương. Sau khi đã thiết đãi nồng hậu, bộ lạc thuyết phục những người dẫn đường cho những công nhân đưa họ ra khỏi nơi này. Tuy vậy, bộ lạc khẳng định là những người công nhân này chưa bao giờ bị bắt giữ, họ được tự do đi bất kỳ nơi nào họ muốn.

Trên đường đi, tôi nhớ lại những gì người Shuar đã nói với tôi năm1990 khi tôi quay trở lại giúp họ bảo vệ những cánh rừng sau khi đã bán IPS. “Thế giới là cái mà anh mơ ước”. Họ từng nói vậy, và họ cũng chỉ ra những người phương Bắc chúng tôi đã mơ về những ngành công nghệp khổng lồ, mơ có nhiều ô tô và những ngôi nhà chọc trời. Bây giờ chúng tôi phát hiện ra rằng viễn tưởng của chúng tôi thực tế là một cơn ác mộng mà cuối cùng rồi sẽ hủy hoại tất cả chúng tôi.

 

“Hãy thay đổi giấc mơ đó đi”, những người Shuar đã từng khuyên tôi. Và bây giờ hơn một thập niên sau, bất chấp sự cố gắng của nhiều người và nhiều tổ chức phi lợi nhuận, gồm cả những tổ chức mà tôi đã từng hợp tác, cơn ác mộng ngày càng trở nên khủng khiếp.

Khi chiếc Outback cuối cùng cũng đưa tôi đến Shell, thành phố trong rừng rậm, tôi vội vã đến cuộc họp. Những người tham dự cuộc họp đại diện cho rất nhiều bộ lạc: Kichwa, Shuar, Achuar, Shiwiar,và Zaparo. Nhiều người trong số họ đã đi xuyên rừng hàng ngày trời, một số khác đi bằng những chiếc máy bay nhỏ, do các tổ chức phi lợi nhuận tài trợ. Một vài người mặc váy dân tộc, vẽ mặt và đeo những dải băng buộc đầu làm từ lông chim, trong khi số còn lại cố bắt chước những người dân thị trấn, mặc quần Âu, áo phông và đi giầy.

 Các đại diện của bộ lạc buộc tội là bắt giữ con tin đứng lên nói đầu tiên. Họ nói với chúng tôi là ngay sau khi những người công nhân quay trở lại công ty, hơn một trăm lính Ecuador đã tới bộ lạc nhỏ bé của họ. Họ nhắc lại cho chúng tôi biết những người lính đã đến vào một thời điểm rất đặc biệt với các khu rừng nhiệt đới, khi cây chonta kết trái. Đối với những nền văn hóa bản địa, loài cây này rất thiêng liêng vì nó chỉ kết trái một năm mỗi lần báo hiệu mùa giao phối của rất nhiều loài chim trong vùng trong đó có cả những loài chim quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng đã bay đến. Những người lính đến đông như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các loài chim. Những bộ lạc nghiêm cấm săn bắt chim trong mùa chonta.

“Những người lính đã đến vào một thời điểm quá bất lợi”, một phụ nữ giải thich. Tôi cảm nhận được nỗi đau của bà và của những người đi theo khi họ kể lại câu chuyện bi thảm khi những người lính cố tình lờ đi lệnh cấm. Họ bắn rơi những con chim chỉ để giải trí và làm thức ăn. Thêm vào đó, họ vào vườn của các gia đình, những khu rừng chuối, và những cánh đồng sắn để ăn trộm, họ tàn phá tất cả những mảnh đất trồng vốn đã thưa thớt. Họ sử dụng chất nổ để bắt cá ở dưới sông, và họ ăn những con vật nuôi của các gia đình. Họ tịch thu súng săn và súng hơi, họ đào hố xí một cách tùy tiện, làm ô nhiễm các dòng sông bằng dầu và các dung dịch hòa tan, quấy nhiễu phụ nữ và vứt rác bừa bãi, khiến côn trùng và sâu bọ sinh sôi nảy nở.

“Chúng tôi có hai lựa chọn”, một người đàn ông nói. “Chúng tôi có thể chiến đấu hoặc có thể nuốt hận và cố gắng hết sức mình để phục hồi lại những gì đã tàn phá. Chúng tôi đã quyết định chưa phải lúc chiến đấu”. Ông tả lại họ đã tìm cách bù đắp các thiệt hại mà những người lính gây ra bằng cách động viên mọi người nhịn ăn. Ông ta gọi đó là nhịn ăn nhưng thực tình thì có lẽ gọi đó là chết đói một cách tự nguyện thì đúng hơn. Những người già và trẻ em bị suy dinh dưỡng và ngã bệnh.

Họ nói đến những lời hăm dọa và hối lộ. “Con trai tôi,” một phụ nữ nói, “biết cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha và một vài thổ ngữ. Nó đã từng là hướng dẫn viên du lịch và làm phiên dịch cho một công ty du lịch sinh thái. Họ trả tiền nó rất khá. Công ty dầu lửa đã đề nghị nó một khoản tiền cao gấp mười lần. Nó biết làm gì bây giờ? Giờ nó viết thư tố cáo công ty cũ nó và tất cả những người đã đến giúp chúng tôi, trong những bức thư, nó gọi các công ty dầu lửa là bạn của chúng tôi.” Bà lắc người, như một con chó đang lắc mình để rũ nước. “Nó không còn là người của chúng tôi nữa. Con trai tôi ...”

Một ông già đeo chiếc khăn truyền thống theo kiểu của một pháp sư làm từ lông chim tucăng đứng lên. “Các ông có biết về ba người chúng tôi chọn ra để đại diện cho bộ lạc chống lại các công ty dầu lửa và đã chết trong tai nạn máy bay không? Tôi không định đứng đây để nói với các ông điều mà rất nhiều người vẫn nói là chính các công ty dầu lửa đã gây ra vụ tai nạn đó. Nhưng tôi có thể nói với các ông rằng ba cái chết đó đã để lại một chỗ trống trong chúng tôi. Các công ty dầu lửa đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó bằng người của họ.”

Một người đàn ông khác đưa ra một bản hợp đồng và đọc nó lên. Để đổi lấy 300.000 USD, họ đã nhượng cả một vùng đất rộng lớn cho một công ty cao su. Bản hợp đồng do ba viên chức của bộ lạc ký.

“Đây không phải là chữ ký của họ.” Ông ta nói. “Tôi biết, một trong số họ là em trai tôi. Đây là một kiểu ám sát khác. Làm cho những người đứng đầu của chúng tôi bị mất uy tín”.

 

Thật là mỉa mai và ngược đời là điều này xảy ra ở một vùng đất của Ecuador nơi mà các công ty dầu lửa thậm chí còn chưa được phép khoan. Họ đã khoan ở rất nhiều nơi xung quanh khu vực này, và những người dân bản địa đã nhìn thấy kết quả, đã chứng kiến sự hủy diệt của những người láng giềng. Ngồi ở đó và lắng nghe, tôi tự hỏi bản thân liệu người dân ở đất nước tôi sẽ phản ứng thế nào nếu những cuộc họp như thế này được phát trên CNN trong bản tin buổi tối.

Những buổi họp mặt thật đáng nhớ và đã hé mở những điều gì đáng lo ngại. Nhưng cũng có những điều khác nữa, xảy ra bên lề những buổi gặp chính thức. Trong giờ nghỉ giải lao, lúc ăn trưa, và buổi tối, khi tôi nó chuyện riêng với mọi người, họ thường hỏi tôi tại sao nước Mỹ lại đe dọa Iraq. Cuộc chiến tranh sắp nổ ra được bàn luận trên trang nhất của những tờ báo Ecuador và đã tìm đến được tới thị trấn nhỏ trong khu rừng này và những tin tức được đưa ra rất khác với những tin tức ở Mỹ. Nó đề cập cả việc gia đình Bush sở hữu công ty dầu lửa và United Fruilt, và cả việc Phó Tổng thống Cheney đã từng là Tổng giám đốc của Halliburton.

 Những tờ báo này được đọc to lên cho những người chưa bao giờ được tới trường. Tất cả đều có vẻ rất quan tâm đến vấn đề này. Ở nơi đây, trong rừng rậm Amazon, giữa những người không biết chữ, thường bị nhiều người dân Bắc Mỹ coi là “lạc hậu”, thậm chí “man rợ”, thế mà những câu hỏi thăm dò mà họ đặt ra lại đánh trúng tim đen của cái đế chế toàn cầu.

Lái xe ra khỏi Shell, đi ngang qua cái đập thủy điện về phía những dãy núi Andy, tôi tiếp tục suy nghĩ về sự khác biệt giữa những gì tôi được biết đến ở Mỹ. Dường như các bộ lạc Amazon có rất nhiều điều để dạy chúng tôi; mặc dù được đi học và tốn hàng giờ đọc tạp chí và xem tin tức trên truyền hình, chúng tôi vẫn cái nhận thức mà bằng cách nào đó họ có được. Dòng suy nghĩ này làm tôi nghĩ tới Lời tiên tri về con kền kền và chim đại bàng, cuốn sách mà tôi đã đọc nhièu lần trong những ngày tháng đi khắp Mỹ Latinh, và về những lời tiên tri giống như thế mà tôi đã được nghe trên khắp thế giới.

Gần như tất cả những nền văn hóa mà tôi biết đã tiên đoán là cuối năm 90 chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn với nhiều biến chuyển đáng chú ý. Trong những tu viện trên dãy Himalaya, những nghi lễ ở Inđônêxia, những khu bảo tồn dành cho người da đỏ ở Bắc Mỹ, từ sâu trong rừng Amazon tới đỉnh dãy Andy, cho tới những thành phố Maya cổ đại ở Trung Mỹ, tôi đều được nghe nói về thời đại của chúng ta như một thời khắc đặc biệt trong lịch sử loài người, và tất cả những ai sinh ra trong thời điểm này đều có một sự mệnh phải hoàn thành.

Tên gọi và những lời lẽ của những lời tiên tri có khác đôi chút. Có lúc đó là thời đại mới, là Thiên niên kỷ thứ ba, Thời đại của cung Bảo Bình, sự khởi đầu của mặt trời thứ năm, hay kết thúc của những loại lịch cũ và sự khởi đầu của những loại lịch mới. Mặc dù khác nhau về cách gọi, song tất cả những lời tiên tri đều có nhiều điểm chung.

Và Lời tiên tri về con kền kền và chim đại bàng là một ví dụ điển hình.

Lời tiên tri nói: Trong màn đêm của lịch sử, xã hội loài người đã tách đôi ra và đi về hai con đường: một con đường của chim kền kền (đại diện cho trái tim, trực giác và những điều thần bí) và một của chim đại bàng (đại diện cho trí óc, lý trí và vật chất). Trong những năm 90 của thế kỷ XV, hai con đường sẽ hợp thành một và chim đại bàng sẽ lái con kền kền và đẩy nó tới bờ vực của sự tiêu vong. Sau đó, 500 năm sau, vào những năm 90 của thế kỷ XX, một kỷ nguyên mới bắt đầu, chim đại bàng và con kền kền sẽ có cơ hội hòa giải và cùng nhau bay trên cùng một bầu trời, trên cùng một con đường. Nếu con kền kền và chim đại bàng đón nhận cơ hội này, chúng sẽ làm nên một điều kỳ diệu, chưa từng có trong lịch sử.

Lời tiên tri về con kền kền và chim đại bàng có thể được hiểu ở nhiều mức độ- cách diễn giải thông thường nhất là nó báo trước sự kết hợp của những kiến thức bản địa với những tiến bộ của khoa học, sự cân bằng giữa âm và dương, và một cầu nối cho các nền văn hóa Bắc và Nam. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là nó làm chúng ta thức tỉnh; chúng ta đã bước cào một thời kỳ mà chúng ta có thể có lợi từ vô số những cách nhận khác nhau về bản thân chúng ta và thế giới, và điều này sẽ giúp chúng ta đạt đến một trình độ nhận thức mới.

Là loài người, chúng ta thật sự có thể thức tỉnh và biến mình trở thành một loài động vất có tri thức hơn. Những con người “kền kền” của rừng Amazon đã chỉ rõ, nếu chúng tôi muốn trả lời câu hỏi về bản chất của con người trong thiên niên kỷ mới, nếu chúng tôi cam kết đánh giá lại những ý định của chúng tôi trong vòng vài thập niên tới, thì chúng tôi phải mở mắt để nhìn nhận hậu quả những hành động của mình- những hành động của chim đại bàng - ở những nơi như Iraq và Êcuađo.

Chúng tôi phải tự thức tỉnh bản thân. Chúng tôi, những người sống ở một quốc gia hùng mạnh nhất mà lịch sử loài người từng chứng kiến phải thôi không quan tâm đến kết thúc của những bộ phim nhiều tập, kết quả của những trận bóng, những bảng cân đối hàng quý và chỉ số hàng ngày của thị trường chứng khoán Dow Jones, mà thay vào đó phải nhìn nhận lại chúng tôi là ai và chúng tôi muốn thế hệ con cái chúng tôi đi về đâu. Nếu chúng tôi không tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng như vậy thì quả là nguy hiểm.

 

 

  1. Confessions of an Economic Hit Man

  2. Confessions of an Economic Hit Man

  3. Confessions of an Economic Hit Man

  4. Confessions of an Economic Hit Man

  5. Confessions of an Economic Hit Man

  6. Confessions of an Economic Hit Man

  7. Confessions of an Economic Hit Man

  8. Confessions of an Economic Hit Man

  9. Confessions of an Economic Hit Man

  10. Confessions of an Economic Hit Man

 

http://www.chinhnghia.com/

http://chinhnghiaviet.informe.com/forum/

http://nguoidalat.informe.com/forum/

http://chinhnghiamedia.informe.com/forum/

 

 

 

 

Your name:


Your email:


Your comments: