* Kim Âu -Chính Nghĩa -Tinh Hoa -Bài Vở Kim Âu
* Chính Nghĩa Media -Vietnamese Commandos
* Biệt kích -StateNation -Lưu Trữ. -Video/TV
* Dictionaries -Tác Giả -Tác Phẩm -Báo Chí
* Khảo Cứu -Dịch Thuật -Tự Điển -Tham Khảo
* Thời Thế -Văn Học -Mục Lục -Pháp Lý
* FOXSport -Archives -ĐKN -Lottery
* Constitution -Làm Sao -Tìm IP -Computer
ĐẶC BIỆT
The Invisible Government Dan Moot
The Invisible Government David Wise
-09/2018 -10/2018 -11/2018 -12/2018 -01/2019 -02/2019
-03/3019 -04/2019 -05/2019 -06/2019 -07/2019 -08/2019
Dec/2018. Jan/2019. Feb/2019. Mar/2019. Apr/2019
May/2019. Jun/2019. Jul/2019. Aug/2019
A List Apart Responsive Web Design
Responsive Web Design Ethan
Mastering Resposive Web Design HTML 5
HTML5 CSS3 Responsive Cookbook
Real Life Responsive Wed Design
Learning Responsive Web Design
http://www.expression-web-tutorials.com/
https://www.w3schools.com/howto/howto
https://archive.org/details/pdfy-Skb-ch_k7psDm90Q
https://www.codecademy.com/en/forum_
questions/532619b28c1ccc0cac002730
https://www.w3schools.com/html/html_responsive.asp
https://www.w3schools.com/css/css_rwd_intro.asp
https://www.w3schools.com/css/css_rwd_intro.asp
https://archive.org/details/pdfy-Cj2ZiIXHRr7NZ6Ro
https://archive.org/details/responsivewebdesign
https://speckyboy.com/free-web-design-ebooks/
https://www.popcornflix.com/pages/movies/d/movies
https://archive.org/details/feature_films
https://capitalhill.org/2019/03/10/cnns-fake-news-story-hit-with-massive-lawsuit/
UPI - REUTERS - APVI - THẾ GIỚI - VIỆT NAM - BBC - VOA - RFI - RFA - TỬ VI - VTV - HTV
PLUTO - INTERNET - SONY - FOXSPORT NBCSPORT ESPNSPORT - EPOCH
Từ trái qua phải: Bùi AnhTrinh, Nguyễn Đình Chiến, Chu Di Tuyển, Kim Âu Hà Văn Sơn, Trương Văn Hùng
Huy Văn Trương:
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU
Chương I
Giã từ sách vở.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê của
tôi ở trên cao nguyên với rừng thông bạt ngàn xanh thẫm, quanh năm
sương mù lạnh lẽo bao phủ khắp núi đồi. Tuy Việt Nam là nước có khí
hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhưng cao nguyên Lâm Viên
nơi tôi ở có hơi khác chút xíu, cũng hai mùa mưa nắng nhưng mưa và
nắng, là mưa nắng của miền ôn đới. Tôi có thể nói mà không sợ mình
nói quá lời “sương mù, với rừng thông là biểu tượng của thành phố
nơi tôi sống. Và đó là thành phố ôn đới trong một nước nhiệt đới”.
Thành phố Đà Lạt được hình thành nhờ dân tứ
xứ đến đây lập nghiệp. Ba tôi không nằm ngoài thành phần đó, ông từ
Quảng Nam, di dân đến đây vào giữa thập niên bốn mươi, thập niên mà
người Pháp đang muốn mở rộng thành phố Đà Lạt thành trung tâm nghỉ
mát của người Pháp ở Đông Dương. Hơn một ngàn căn biệt thự to lớn
nguy nga, bề thế, kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng trong giai
đoạn này.
Ba tôi là thợ mộc, ông đến Đà Lạt đúng vào
lúc thành phố đang phát triển, nhu cầu về công nhân xây cất rất cao
cho nên ông tìm được việc làm dễ dàng. Được vài năm khi có chút tiền
dư, ông mua một miếng đất gần tiệm tạp hóa Đông Á ở đầu dốc Trại
Hầm, dựng căn nhà gỗ để có chỗ cư trú. Trại Hầm là một xóm nhỏ, nằm
cách Đà Lạt chừng năm cây số, thời niên thiếu tôi sống với cha mẹ
trong căn nhà này. Lúc nhỏ khi phải đi học quá xa trường, tôi thường
phàn nàn với ba tôi, tại sao không mua nhà ở phố để việc học hành
của tôi được thuận tiện hơn. Ba tôi nhìn tôi, thở dài:
-Con à, có cái nhà để ở là may mắn lắm rồi,
tiền đâu mà mua nhà ở phố, đừng đòi hỏi nhiều quá. Ở ngoài xứ của
mình, cái chòi tranh để che mưa tránh nắng cũng không có, nói gì đến
nhà cửa như ở đây.
Tôi lớn lên giữa thành phố thơ mộng, đầy
sương mù giá buốt với tình thương bao la vô tận của người cha hiền
lành, chất phác. Những ngày cuối tuần khi rảnh rỗi, ba tôi thường
dẫn tôi đi chơi đây đó, hai cha con đi bộ cùng khắp mọi nơi. Khi đi
ngang qua những căn biệt thự ở đường Trần Hưng Đạo, ông chỉ vào đó
rồi vui vẻ nói với tôi rằng, ông làm trần nhà cho căn biệt thự này,
còn căn kia chính ông ghép ván lại làm cái sàn nhà, căn bên trái do
ông làm mấy cái cửa sổ. Ba tôi có vẻ hãnh diện về những việc làm của
ông. Sau mỗi lần đi chơi, cuối cùng ông thường nói với tôi:
-Cố gắng học hành nghe con, đó là con đường
tiến thân duy nhất, đừng có để thất học như ba, phải làm việc chân
tay nặng nhọc đế kiếm sống lại còn bị người ta coi thường, thời nào
cũng vậy, lúc nào cũng vậy, bằng cấp luôn luôn là cái thước đo giá
trị con người.
Ngày ấy, tôi đi học vì nghe lời của ba tôi,
chứ thật tâm tôi chẳng biết học để làm gì. Việc tôi đi học cũng
giống như cây thông mọc tự nhiên giữa rừng, tự nó lớn lên. Tôi đi
học mà không được sự dẫn dắt của người lớn, bài vở thầy cô giảng ở
trường hấp thụ được bao nhiêu nhờ bấy nhiêu, do đó tôi học hành
không giỏi giang gì cho lắm chỉ làng nhàng, bám theo lũ bạn trong
lớp đã mệt đứt hơi nói gì đến chuyện xếp hạng cao trong lớp. Suốt
bảy năm trời ở trường trung học Trần Hưng Đạo, năm nào tôi cũng chỉ
lù đù, lẹt đẹt hơn được mươi đứa cuối lớp, vậy mà, khi thi cử mọi
chuyện đều êm xuôi trót lọt.
Ngày tôi thi đậu Tú tài I, khi coi bảng
thấy tên mình trên bảng vàng, tôi lịm người đi vì sung sướng. Bạn bè
trong lớp đều nhìn tôi với con mắt đầy ngạc nhiên, vì có rất nhiều
thằng học giỏi hơn tôi lại rớt lộp bộp như sung rụng. Mấy thằng thi
rớt giận cá chém thớt, không biết trách cứ ai bèn đem tôi ra làm đề
tài tranh luận, chê bai, cuối cùng chúng nó nói với nhau, câu nói
xưa như trái đất:
-Mẹ nó, các cụ mình nói cấm có sai bao giờ
“Học tài thi phận” chúng mày ạ. Cứ coi cái thằng Quân thì biết, học
hành như con củ cải, vậy mà lại thi đậu.
Quân là tên của tôi, nghe có đáng buồn
không? Không, tôi không phiền hà vì những lời chê trách của lũ bạn,
bởi vì tôi đang bận lo chạy về nhà báo tin mừng cho ba tôi.
Khi biết được tôi đã đậu cái Tú tài I, ba
tôi nhìn tôi với khuôn mặt rạng rỡ, thêm nụ cười hớn hở trên môi.
Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt gặp nụ cười tràn đầy hạnh phúc trên
gương mặt già nua, khắc khổ của ông. Một niềm thương cảm vô biên
tràn ngập trong lòng, ba tôi là một người thợ mộc, học được dăm ba
chữ quốc ngữ ở trường làng, chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu, nuôi
thằng con học xong cái Tú tài ông vui mừng cũng phải. Bấy lâu nay,
ba tôi tự đặt minh vào cái hạng cùng đinh trong xã hội, đem sức lao
động ra làm việc đế kiếm tiền nuôi vợ con. Cuộc đời ông kể như bỏ
đi, chỉ mong sao cho tôi học nên người để cho ông nở mặt nở mày với
bà con làng xóm. Tôi đã làm ông toại nguyện.
Chiều hôm ấy khi ra khỏi nhà, tôi hơi mắc
cỡ bởi vì từ đầu làng đến cuối xóm mọi người gặp tôi đều nói “Chào
cậu Tú”. Tôi biết ai là người đã loan cái tin tôi thi đậu, ngoài ba
tôi ra còn ai vào đây nữa.
Năm sau, tôi lại cõng thêm cái bằng Tú tài
II. Ôm hai mảnh bằng trong tay mà tôi ngỡ là mình nằm mơ, không biết
mấy người rọc phách có ráp lộn bài của tôi với người khác hay không?
Dưới con mắt của ba tôi, tôi là người thông
minh tuyệt đỉnh, đã làm được những chuyện kinh thiên động địa. Ông
nói với tôi: “Từ xưa đến giờ họ hàng nhà mình chỉ biết làm ruộng,
lao động chân tay, đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ nuôi thân nói gì đến
chữ nghĩa với học hành. Nay con là người duy nhất trong dòng họ đậu
được hai cái bằng Tú tài, con phải học thêm nữa ở bậc đại học”. Tôi
nói với ba tôi rằng, tôi không muốn hàng tháng phải ngửa tay xin
tiền ba tôi để mua sắm áo quần, sách vở, giấy viết, bằng những đồng
tiền ông kiếm được do lao động, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được.
Tôi muốn ông dùng số tiền đó cho lũ em của tôi. Tôi biết quá rõ về
mình, học tiếp đại học để lấy cái bằng Cử nhân, Cao học, làm gì có
chuyện may mắn như ở trung học. Chó ngáp phải ruồi cũng một hai lần
thôi, may mắn như vậy tạm đủ rồi, người ta học đến mờ mắt còn chưa
ra gì huống chi lù đù như tôi. Tôi biết là mình không đủ thông minh
để tiếp tục việc học ở bậc đại học, nên tình nguyện đăng lính cho
chắc ăn, khỏi phải lo học hành, thi cử, đậu rớt gì tuốt. Hơn nữa,
với lệnh tổng động viên, sinh viên mà thi rớt bất cứ năm nào đều
phải lên đường tòng quân. Vậy thì, tại sao tôi phải ghi danh vào Đại
học để làm cái chuyện đội đá vá trời cho mệt thân.
Chương II:
Trên đồi Tăng Nhơn Phú
Mười chín tuổi, tôi quyết định đăng lính.
Mặc dầu có băng Tú tài II, đủ điều kiện để thi vào Hải Quân hoặc Võ
Bị Đà Lạt, nhưng tôi không chọn hai nơi này bởi vì tôi nghe bạn bè
kháo nhau rằng, chương trình học toán của sĩ quan Hải Quân tương
đương với toán của Đại học Khoa học. Chẳng hạn môn Thiên văn học hay
cái môn học gì đó, giữa trùng dương bao la bát ngát, nhìn sao trên
trời rồi dùng toán học để tìm ra điểm đứng của con tàu, đối với tôi
đây quả là chuyện không tưởng. Thi vô Trường Võ Bị Đà Lạt còn mệt
hơn nữa, bốn năm trong trường, ngoài chuyện học về quân sự phải học
thêm về văn hóa, mà phần văn hóa xem ra còn nặng hơn quân sự, sau
bốn năm khi ra trường phải lấy cho được cái bằng Cử Nhân Khoa Học
ứng Dụng. Đã là lính rồi mà còn phải học thêm về văn hóa quả là
phiền phức quá sức, tôi đã ngu lại còn lười biếng, khó khăn là tôi
né. Tôi chọn sĩ quan trừ bị Thủ Đức.
Khóa của tôi có khoảng hai ngàn sinh viên
sĩ quan, sau hai tháng học giai đoạn một ở Quang Trung, chúng tôi
được chia ra làm hai, một nửa chuyển lên Trường Bộ Binh Thủ Đức, còn
nửa kia đáp tàu ra Nha Trang, học ở Đồng Đế.
Khi đoàn xe GMC chở chúng tôi tới Thủ Đức,
tôi nhìn cái cổng trường mà phát chán. Ai đời một quân trường danh
tiếng, mấy chục năm rồi đã đào tạo không biết bao nhiêu sĩ quan cho
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lại có cái cổng cũ kỹ, xấu xí đến mức
không tưởng tượng nỗi. Hai cột xi măng vuông vức, mỗi cạnh đâu tám,
chín tấc gì đó quét vôi trắng cao nghệu, thêm hai cái cửa tò vò hai
bên, trên đó một tấm bảng cong cong gác ngang với mấy chữ Trường Bộ
Binh, chỉ có thế thôi. Sao nó lại đơn sơ quá vậy trời.
Xe qua khỏi cổng, chạy thêm một đoạn khá xa
rồi ngừng lại bên một cái sân hình chữ nhật rộng mênh mông, sau này
tôi mới biết đó là Vũ Đình Trường. Chúng tôi đang ngơ ngác, không
biết phải làm gì khi nhìn thấy một nhóm huynh trưởng chia nhau niềm
nở chào đón chúng tôi. Các huynh trưởng ân cần, tận tình đứng ngay
sau xe nhắc nhở chúng tôi xuống xe sao cho an toàn. Ôi! Cái tình
huynh đệ chi binh sao mà nó thắm thiết quá chừng làm tôi cảm động
hết sức. Chúng tôi, cứ mấy chục thằng được xếp ngồi chung trên một
chiếc GMC mui trần, chạy từ Quang Trung lên đến đây, bộ đồ trận màu
cứt ngựa xấu xí, bụi bặm bám đầy người, mặt mũi lem luốt, nhìn lại
mấy ông huynh trưởng với bộ đồ vàng mới tinh, mũ nhựa màu nâu đen
láng bóng, thêm hai con cá vàng trên nền nhung đen nổi bật nơi cầu
vai, đôi giày bốt đờ sô được đánh xi bóng loáng, tưởng chừng soi mặt
được. Thoạt nhìn tôi đã mê mẩn, hình ảnh của huynh trưởng trông oai
quá chừng. Tôi nghĩ thầm, mai mốt tôi cũng sẽ được như vậy. Cho đến
khi đứng sát mặt, nhìn kỹ mấy ông huynh trưởng tôi mới hết hồn, mặt
ông nào ông nấy như có cô hồn, đằng đằng sát khí cứ như là sắp xung
phong giết giặc không bằng. Có ông huynh trưởng nào biết nói đâu, mở
miệng ra chỉ toàn nạt nộ, la hét như điên rồi phạt túi bụi mù trời,
không cần nguyên nhân, không cần lý do.
Chúng tôi, hơn một ngàn Tân khóa sinh bị
tách ra từng toán nhỏ. Mỗi huynh trưởng chịu trách nhiệm trông coi
một toán khoảng hai mươi Tân khóa sinh, họ thay nhau phạt chúng tôi
tơi tả như cái mền rách. Hình như, mấy ông huynh trưởng phạt chỉ với
mục đích là dằn mặt, áp đảo tinh thần, muốn tất cả Tân khóa sinh
phải khiếp sợ, thi hành mọi mệnh lệnh như một cái máy, cấm có suy
nghĩ, không được suy luận và chống đối. Tôi biết là mình bị dằn mặt,
nhưng sợ vẫn cứ sợ. Trước mặt, bên trái, bên phải luôn cả sau lưng
tôi, tất cả mọi người đều đang thi hành lệnh phạt. Bên này mấy chục
ông Tân khóa sinh la to thiếu điều đứng xa cả cây số cũng nghe rõ
“Nhảy xổm vào thế”. Bên kia lại thêm vài chục ông Tân khóa sinh khác
rống lên “Hít đất vào thế”. Tôi cũng đang bận rộn túi bụi khi đang
thi hành lệnh phạt hai mươi cái hít đất, vừa xong hít đất lại lãnh
thêm hai mươi cái nhảy xổm, rồi hai mươi cái bơm dầu. Sau cùng, khi
mà mọi người đều mệt đứ đừ, lúc bấy giờ mới đến cái màn chào mừng
quân trường, giọng nói của huynh trưởng vang lên như sấm động:
-Tất cả Tân khóa sinh, mười vòng Vũ
ĐìnhTrường, đàng trước, chạy.
Hai tháng trường dầm mưa dãi nắng ở Trung
tâm huấn luyện Quang Trung, tôi cứ tưởng cơ thể của mình đã quen với
nhọc nhằn gian khố, thế nhưng khi nhìn thấy cái sân Vũ Đình Trường
Thủ Đức rộng mênh mông, trong lòng bỗng dưng ngao ngán, rồi sợ hãi.
Chạy một vòng cũng đủ giập mật, huống chi chạy mười vòng.
Khi đám Tân khóa sinh chúng tôi chạy được
ba vòng, một người, hai người, rồi cả chục người thi nhau rụng dần
dần, nằm bò lê bò lết nơi Vũ Đình Trường. Tôi cũng đã thấm mệt, nắng
ở đồi Tăng Nhơn Phú coi bộ không khá chút nào, mồ hôi ướt dầm bộ đồ
trận. Tôi chạy chậm lại, đưa mắt liếc nhìn vị huynh trưởng đang kè
kè bên tôi. Tôi chờ cho đến khi vị huynh trưởng này nhìn thấy mình
rồi giả vờ như bị đuối sức, nhấc chân lên không nổi té lăn quay
xuống đất. Tôi nói với mình, phải gồng mình chịu đau, té cho ngon
lành mới giống như mình bị xỉu.
Vị huynh trưởng đâu có dễ dàng chịu thua,
anh ta kê sát miệng vào tai của tôi, rồi hét thật to:
-Ông giả bộ xỉu phải không? Đừng có qua mặt
huynh trưởng, cái trò này huynh trưởng đã làm từ lúc ông còn ở
truồng tắm mưa. Ông chạy yếu như vậy, mai mốt ra trường bị Việt Cộng
rượt làm sao chạy cho nổi.
Tôi nằm đó, nhắm mắt cười thầm cho cái lý
luận lẩm cẩm của huynh trưởng. Huynh trưởng ơi! Ông ăn nói gì kỳ
vậy, mình rượt Việt Cộng chứ đâu có để tụi nó rượt mình được (chuyện
này, phải đợi cho đến tháng ba năm 1975, tôi mới thấy huynh trưởng
của tôi nói đúng).Thấy tôi nằm yên, huynh trưởng tiếp tục hét bên
tai:
-Đứng dậy, chạy cho đủ mười vòng đi ông.
Huynh trưởng sẽ chờ cho đến khi nào ông tỉnh lại, chờ đến mai cũng
chờ.
Tôi nhắm nghiền mắt lại, văng vẳng bên tai
tiếng của hàng ngàn bước chân chạy rầm rập, đều đều xen lẫn tiếng
gào của mấy chục ông huynh trưởng. Tôi nằm im, đã trót đóng kịch
phải làm cho tới nơi tới chốn, đừng có dại nghe lời dụ dỗ ngon ngọt
của huynh trưởng mà tỉnh lại. Mấy cục đá ở sân Vũ Đình Trường nhọn
hoắc, xóc vô lưng, cắm vô đầu đau muốn gần chết, mặc kệ, tôi nhắm
mắt lòng đầy khoan khoái vì thấy mình đã sáng suốt, khôn lanh khi
quyết định chọn Trường Bộ Binh Thủ Đức, chỉ phải chịu đụng khổ cực,
đày đọa tấm thân vài tháng là tốt nghiệp. Chọn Võ Bị Đà Lạt, bốn năm
bị hành hạ thân xác như thế này, khi ra trường có mang lon đại úy
tôi cũng không thèm. Cuối cùng, mọi chuyện đều qua đi, chạy ba vòng
hay mười vòng cũng như nhau, tất cả được tập họp để phân chia đại
đội. Một ngàn Tân khóa sinh được chia ra làm năm đại đội, bắt đầu từ
Đại đội 61 cho tới Đại đội 65.
Nguyên tám tuần lễ đầu tiên huấn nhục ở Thủ
Đức, Tân khóa sinh ngoài giờ học thì giờ còn lại là thi hành lệnh
phạt.
Tôi không biết trong Trường Bộ Binh Thủ Đức
chuyện huynh trưởng phạt khóa đàn em, phạt Tân khóa sinh đã có từ
bao giờ. Cho đến khi tôi vào Thủ Đức năm 1968, chế độ huynh trưởng
đã đến giai đoạn gần như là hoàn hảo. Sĩ quan cán bộ có đó chỉ để
làm vì, bao nhiêu chuyện hướng dẫn, huấn luyện Tân khóa sinh đều do
huynh trưởng đảm nhận.
Tổ chức sinh hoạt của Sinh viên sĩ quan Thủ
Đức lấy đơn vị đại đội làm căn bản. Một đại đội có trên hai trăm Tân
khóa sinh được chia làm bốn trung đội, tất cả được đặt dưới sự chỉ
dẫn, kiểm soát của một Huynh trưởng Đại đội trưởng và bốn Huynh
trưởng Trung đội trưởng. Nhiệm kỳ của huynh trưởng là năm ngày, sau
năm ngày sẽ có nhóm huynh trưởng mới đến thay thế. Huynh trưởng nắm
toàn quyền sinh sát trong tay, kêu mưa phải có mưa, gọi bão phải có
bão, do đó thân phận của Tân khóa sinh giống như con cá nằm trên
thớt.
Trong giai đoạn huấn nhục, Tân khóa sinh
khi di chuyển đến bất cứ nơi nào trong phạm vi của trường, chẳng hạn
như đến phòng học hay nhà ăn đều phải di chuyển theo đội hình. Đội
hình của trung đội là bốn hàng ngang, Tân khóa sinh cao nhất đứng ở
hàng đầu rồi thấp dần cho đến người thấp nhất ở hàng cuối. Tất cả
vừa đi vừa đếm nhịp hoặc hát những bài hùng ca, huynh trưởng đi bên
hông của trung đội theo dõi và kiểm soát. Chỉ cần một Tân khóa sinh
bước trật nhịp hoặc đi không thẳng hàng sẽ lãnh hậu quả không lường,
cả trung đội sẽ bị phạt chứ không phải chỉ một mình anh Tân khóa
sinh đó.
Tôi nhớ lại, vào một buổi sáng sớm, cả bầu
trời mù mờ như có sương, khi trung đội của tôi đi đều bước đến phòng
học, còn sớm hơn mười phút. Huynh trưởng đứng trước hàng quân, cất
giọng:
-Cái ông đứng ở cuối hàng đó, trình diện
huynh trưởng đi ông. Ông chớ còn ai nữa mà nhìn quanh.
Một Tân khóa sinh đứng ở hàng chót, chạy
đến trước mặt huynh trưởng, đứng nghiêm đưa tay chào:
-Tân khóa sinh.. .Trình diện huynh trưởng.
Huynh trưởng lên giọng:
-Ông chạy mười vòng, quanh trung đội đi
ông.
Khi anh Tân khóa sinh chạy đủ mười vòng,
đến trình diện huynh trưởng. Huynh trưởng nói như hét:
-Anh có biết là anh phạm lỗi gì không?
Không đợi Tân khóa sinh trả lời, huynh
trưởng nói tiếp:
-Tân khóa sinh mà dám cao hơn huynh trưởng.
Anh Tân khóa sinh đứng ở hàng chót, là
người thấp nhất trong trung đội của tôi, vừa nghe như vậy vội vàng
rụt cổ, rùn chân cho người thấp xuống. Thấy vậy, tôi suýt cười thành
tiếng, đưa tay lên bịt miệng của mình lại.
Đôi mắt của huynh trưởng lẹ như sao xẹt,
anh ta chỉ tôi.
-Cái ông cười trong hàng quân đó, trình
diện huynh trưởng đi ông.
Tôi biết mình đã phạm lỗi tày trời, nên lẹ
làng chạy đến trình diện huynh trưởng.
Giọng nói của huynh trưởng nghe cứ như là
mai mỉa.
-Thấy huynh trưởng lùn, cho nên ông cười
khi dễ huynh trưởng phải không? Hai chục cái nhảy xổm đi ông. Tối
nay, lúc tám giờ ông mặc đồ tiểu lễ trình diện huynh trưởng tại sân
đá banh của trường, ông nghe rõ không?
Tôi la to mà trong lòng đầy lo lắng.
-Rõ, huynh trưởng.
Quay nhìn về phía trung đội, huynh trưởng
nói:
-Tối nay, đúng tám giờ cả trung đội trình
diện tôi tại sân banh, quân phục số bốn, ba lô súng đạn đầy đủ, tất
cả nghe rõ không?
Mấy chục Tân khóa sinh đồng thanh la to:
-Rõ.
Sau vài giây chần chờ, huynh trưởng nói
tiếp:
-Tôi cho các anh một đặc ân, trong trung
đội này, ai đứng thấp hơn tôi sẽ được miễn thi hành lệnh phạt.
Dĩ nhiên, không một ai được miễn trừ.
Vừa đúng tám giờ tối, huynh trưởng tập họp
trung đội tại sân đá banh, sau khi nghe báo cáo quân số, huynh
trưởng chia trung đội gồm có năm mươi sáu Tân khóa sinh ra làm hai
đội, mỗi đội có khoảng hai mươi tám người. Hai đội banh sẽ đấu với
nhau, đội nào thắng sẽ được ra về nghỉ. Đội thua sẽ chia ra làm hai
đội, đá với nhau một lần nữa, đội thắng sẽ được về nghỉ. Cứ như vậy
cho đến khi hết người. Quay sang tôi, đang đứng riêng một mình với
bộ đồ tiểu lễ, dây biểu chương trên vai nón kết trên đầu, huynh
trưởng nói:
-Mọi người đều mặc đồ số bốn, tại sao ông
lại mặc tiểu lễ, ông muốn chơi trội phải không?
Bắt tôi mặc đồ tiểu lễ là huynh trưởng,
không cho tôi mặc đồ tiểu lễ cũng là huynh trưởng. Trong lòng tôi ấm
ức quá sức, nhung mà, quân đội là quân đội. Tôi đứng yên chờ đợi
lệnh phạt.
Huynh trưởng rút trong túi cái còi đưa cho
tôi.
-Được rồi, ông muốn chơi nổi, tôi cho ông
nổi luôn. Ông sẽ làm trọng tài, từ trận đầu tiên cho đến trận cuối
cùng. Huynh trưởng sẽ ngồi ở khán đài theo dõi. Ông nghe rõ không?
Tôi nghe huynh trưởng nói mà đứng chết
trân, không nói nên lời, coi như tôi phải chạy bao sân tất cả mọi
trận đấu. Chuyện làm trọng tài coi bộ khổ hơn là chạy mười vòng Vũ
Đình Trường, bởi vì chạy mười vòng Vũ Đình Trường mình còn giả bộ
xỉu được.
Khi hai đội banh đã đứng về hai phía của
sân vận động, đội bên trái cởi trần, để phân biệt với đội bên phải
có quần áo đầy đủ. Huynh trưởng đưa cho tôi cái nón sắt rồi nói:
-Đây là trái banh, ông điều khiển trận đấu
cho tôi.
Trận đấu diễn ra thật là sôi nổi, vì mọi
người đều hăng say quyết thắng để còn về nghỉ sớm. Chỉ có một cái
nón sắt, hàng trăm bàn chân tranh nhau đá túi bụi, phải hơn nửa giờ
lăn khắp sân, cái nón sắt mới lọt lưới. Đội cởi trần thong thả ra
về, đội áo quần đầy đủ chia làm hai, riêng tôi mệt muốn đứt hơi, lại
phải cầm còi thổi cho trận kế tiếp.
Cho đến trận đấu cuối cùng, hình như đã
khuya lắm rồi, mỗi bên chỉ còn một người và tôi vẫn là trọng tài.
Tôi nhìn lên khán đài, chỉ thấy một cái bóng mờ chìm trong làn sương
mỏng, không biết đó có phải là huynh trưởng hay không.Tôi nói với
hai thằng bạn của tôi:
-Tụi mày có biết, đá banh mà bán độ là gì
không?
Một trong hai thằng nói:
-Biết.
Chưa đầy năm phút sau, cái nón sắt lọt
lưới, trận đấu kết thúc, tôi chấm dứt đêm phạt dã chiến của mình
bằng cách ôm cái nón sắt méo mó, lết về phòng ngủ sinh viên với bộ
đồ tiểu lễ bê bết bụi đất.
Tôi nằm ngủ mà nhớ lại những giờ học Việt
văn của mấy năm về trước, thầy giáo giảng bài: Mẹ già một nắng hai
sương, thức giấc khi còn sương mai, về nhà khi sương khuya đã xuống,
làm việc đồng áng cực nhọc, buôn bán khổ cực nuôi con. Hôm nay, Sinh
viên sĩ quan Thủ Đức cũng một nắng hai sương, nhưng từ lúc tờ mờ
sáng cho tới tối mịt, chỉ biết học và thi hành lệnh phạt. Phạt liên
miên bất kể giờ giấc, sáng phạt, trưa phạt, chiều phạt, tối phạt,
lên gường ngủ vẫn bị lôi đầu dậy thi hành lệnh phạt.
Suốt thời gian huấn nhục ở Thủ Đức, tôi còn
bị phạt dài dài, càng bị phạt tôi càng ghét cay ghét đắng huynh
trưởng. Mãi cho đến sau này, khi trải bao dâu bể, đổi thay, tôi mới
biết rằng: Quân đội muốn thay đổi con người của chúng tôi trong một
khoảng thời gian ngắn thật ngắn. Chỉ với vài tháng thôi, làm sao
biến chúng tôi từ một người học trò yếu đuối, ngày ngày chỉ biết cắp
sách đến trường sống bám vào cha mẹ, trở thành một người mạnh khỏe
về thể chất, cứng rắn về tinh thần để khi ra trường tạm thời có thể
chỉ huy ít nhất là một trung đội bộ binh. Phương pháp tốt nhất để
đạt được mục đích này là, tám tuần lễ huấn nhục. Huynh trưởng của
tôi, chỉ nhập ngũ trước tôi hai tháng mà ông ấy đã dẫn dắt trung đội
Tân khóa sinh một cách tài tình. Như vậy, chuyện tôi diện bộ tiểu
lễ, tay cầm còi, làm trọng tài cho những trận đá nón sắt đêm ấy, xem
ra chẳng có gì oan ức.
Thời còn là Tân khóa sinh, chỉ lo thi hành
lệnh phạt nên mọi người lúc nào cũng buồn ngủ, trong giờ học ngủ
gục, sau giờ học được nghỉ mười phút là lăn ra ngủ, thậm chí đang di
chuyển trong hàng quân cũng ngủ. Ôi giấc ngủ sao mà đã đời đến thế.
Tuần đầu khi đi gác tuyến, chưa tới phiên
gác, tôi đã ôm cây súng Garant nằm dưới giao thông hào ngủ ngon
lành. Ở quân trường cây súng Garant là vật bất ly thân, là người
tình trong mộng của sinh viên, hớ hênh quờ quạng bị sĩ quan cán bộ
chôm mất kể như tàn đời, bị phạt dã chiến suốt đêm là cái chắc. Vì
lý do đó, khi đi gác tuyến, sinh viên sĩ quan phải ôm cây súng
Garant mà ngủ. Tôi đang say sưa trong giấc mộng bình thường, không
thấy mình hóa bướm như Trang Chu, chợt có ai đó chạm nhẹ vào vai của
tôi.
-Quân, Quân, thức dậy tao có chuyện nói với
mày.
Tôi hãy còn nửa mê, nửa tỉnh.
-Tới phiên gác của tao phải không?
-Không, tao là Long, nằm kế giường của mày.
-Tao là Biên, nằm giường trên của mày.
Tôi biết rồi, đây là hai thằng quỷ dân Sài
Gòn, chung phòng lẽ dĩ nhiên cùng chung một trung đội với tôi.
-Tụi mày cần gì, nói mau lên để tao còn
ngủ.
-Mày có tiền không? Cho tụi tao mượn mấy
trăm.
Giọng nói của nó nghe mà phát ghét, mấy
trăm đối với tôi là cả một gia tài, trong khi hắn nói mấy trăm cứ
nhẹ như mấy đồng bạc lẻ. Nghĩ như vậy nhưng tôi vẫn lục túi.
-Tao chỉ có sáu trăm, đây là tất cả số tiền
ông già tao cho, trước khi lên Thủ Đức. Tao cho tụi mày mượn năm
trăm, tao phải giữ lại một trăm để phòng thân.
Hai thằng quỷ giựt năm trăm trên tay tôi
rồi dọt lẹ. Tôi nói vọng theo:
-Tụi mày đi đâu vậy?
-Trốn vô Khu Thiết Giáp. Nhậu.
Khi tụi nó đi xa rồi, tôi mới giật mình tự
trách sao mà mình ngu như vậy, cho tụi nó mượn tiền biết tụi nó có
trả hay không? Tôi ôm cây súng Garant chìm vào giấc ngủ. Mơ mơ màng
màng, tôi phân vân không biết mình cho hai thằng đó mượn tiền, hay
mình mượn tiền của tụi nó.
Tụi tôi quen thân với nhau bắt đầu như vậy.
Biên và Long đặt cho tôi cái tên là Quân bắp cải khi biết quê hương
xứ sở của tôi là Đà Lạt. Lúc đầu, tôi phản đối dữ dội.
-Tao tên Quân, tại sao tụi mày gọi tao là
bắp cải.
Long tỉnh queo nói:
-Bắp cải ở Sài Gòn bán có giá lắm đó mày.
Biên góp ý:
– Nhìn mày, giống như hình thằng bé in trên
hộp sữa Babylac, hay là tui tao goi mày là Quân sữa được không?
Cả hai cái biệt danh nghe đều xấu xí, mai
mốt bận đồ tiểu lễ đi phép mà bị gọi là Quân sữa làm sao tán gái cho
được, tôi đành chọn cái tên ít xấu hơn. Từ đó trở đi cả đại đội đều
gọi tôi là Quân bắp cải.
Biên hơn tôi bốn tuổi, học Đại học Khoa
Học, đẹp trai, cao ráo. Nhìn bức ảnh ngày xưa nó chụp với áo quần
gọn gàng, bảnh bao, tóc dài quá mang tai, ôm cây đàn guitar điện,
đứng trước một bộ trống, tôi đoán hắn phải là thành viên của một ban
nhạc trẻ nào đó không được nổi tiếng cho lắm ở Sài Gòn. Sở dĩ, tôi
dám mạnh miệng nói như vậy, bởi vì tôi không thấy tên của ban nhạc
trên mặt trống. Biên thi rớt năm thứ ba nên bị gọi nhập ngũ, nhà hắn
ở đường Nguyễn Minh Chiếu Phú Nhuận, gần nhà hàng Bò bảy món Ánh
Hồng, có cô em gái tên Dung. Ba hắn là nhân viên cao cấp của cơ quan
USAID. Những lúc nhàn rỗi, tôi tò mò hỏi về đời tư của hắn.
-Học đại học có khó không Biên?
Sở dĩ tôi hỏi Biên như vậy, bởi vì đây là
chuyện mà tôi muốn biết, nếu tôi không đăng lính và tiếp tục học đại
học.
Biên ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời tôi:
-Chẳng có mẹ gì khó hết, đến trường đầy đủ,
chịu khó ghi cua, học chút đỉnh là đậu.
-Vậy sao mày lại thi rớt?
Biên xổ cái giọng du côn của dân Sài Gòn:
-Đù má, mày nói cái giọng móc họng, tao
quýnh thí mẹ mày bây giờ. Tao thi rớt chỉ vì ham chơi, tối ngày cứ
lo chuyện đàn địch ở mấy cái phòng trà, có học hành gì đâu mà đậu,
rớt là phải. Còn mày, học hành tới đâu? Con nít hỉ mũi chưa sạch như
mày, tại sao lại phải vô đây?
-Chuyện dài dòng, khi nào rảnh rỗi tao kể
cho mày nghe.
Tôi không muốn nói với nó là mình không
được thông minh cho lắm, nên không muốn tiếp tục học.
Long công tử, tên sao người vậy, tuy mặc bộ
đồ lính xấu xí, thô kệch, nhưng nhìn hắn người ta vẫn thấy rõ nét
hào hoa phong nhã, phảng phất đâu đó. Đang học năm cuối Văn khoa,
hắn bỏ học đăng lính. Nhà nó giàu có hạng, nhưng đừng nên so sánh nó
với Hắc công tử hay Bạch công tử ở Bạc Liêu thời xưa. Thời Pháp
thuộc, tài sản của công tử Bạc Liêu với ruộng lúa hàng chục ngàn
mẫu, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi. Nội tiền thu Tô hàng năm
của hàng chục ngàn mẫu ruộng, dư sức cho Hắc, Bạch công tử đốt cháy
Sài Gòn. Ba của Long công tử nghèo hơn, ông ấy chỉ có vài căn biệt
thự ở Sài Gòn, thêm một cái đồn điền ở Ban Mê Thuột. Thời đệ nhất
Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho dân khai thác đồn điền ở cao
nguyên nhưng không được quá một trăm mẫu, cho nên cái đồn điền trồng
cà phê ở Ban Mê Thuột của gia đình Long công tử chỉ có chín mươi
chín mẫu mà thôi. Tới mùa thu hoạch cà phê, ngoài số lượng cà phê
của nhà, ba nó còn thu mua tất cả cà phê của Ban Mê Thuột rồi đóng
bao xuất khẩu. Với hàng trăm công nhân làm việc tất bật suốt ngày,
đến kỳ phát lương, ba của Long công tử phải đem mấy cái bao bố tới
nhà băng chở tiền. Sau này, khi đã quen thân với Long, nhân một lúc
vui miệng, tôi hỏi hắn với ý thắc mắc nghi ngờ:
-Nhà của mày giàu như vậy, sao hôm trước
mày với thằng Biên phải mượn tiền tao đi nhậu.
Long nhìn tôi không có gì bối rối:
-Hôm vô Thủ Đức, tao có đem theo hơn chục
ngàn, đem nhiều chỉ tổ nặng túi. Tao nghĩ, ở đây có gì đâu mà tiêu
với xài. Chiều hôm đó, khi đi tắm ngoài hồ nước của đại đội, tao
treo quần áo của tao ngay đó chứ đâu. Tắm xong mát mẻ khỏe khoắn,
tao bận cái quần cụt đi về phòng quên mẹ nó bộ đồ. Nửa giờ sau mới
nhớ, tao trở lại bộ đồ không cánh đã bay mất tiêu, dĩ nhiên tiền bạc
trong đó cũng bay theo luôn. Tao không còn tiền đi nhậu nên mới phải
mượn mày.
Mất cả chục ngàn mà hắn coi như không có
gì, tôi nghĩ thầm thằng này xứng với tên Long công tử.
Ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, thời gian thoải
mái nhất là đi ứng chiến, gác tuyến phòng thủ của trường. Lệ thường,
sau khi cơm nước xong xuôi, khoảng sáu giờ chiều cả đại đội súng ống
đạn dược đầy đủ kéo nhau ra tuyến gác. Từ sáu giờ chiều đến năm giờ
sáng, ngoài việc gác ca của mình một tiếng, thì giờ còn lại tự do,
đa số sinh viên đánh một giấc để lấy sức ngày mai còn đi học tiếp.
Riêng tôi, tôi thích trốn ra Khu sinh hoạt ngồi nhâm nhi ly cà phê
đá ở quán cô Loan, cô bé có gương mặt tươi như hoa, đôi môi mọng đỏ
trông phát ghét và nhất là nụ cười hớp hồn của cô. Cả chục anh sinh
viên sĩ quan đang ngồi uống cà phê, anh nào cũng nghĩ rằng cô ta
đang kín đáo tặng riêng nụ cười cho mình. Tôi thích ngồi uống cà phê
ở Khu sinh hoạt, biết đâu có một ngày đẹp trời nào đó cô Loan thực
lòng tặng riêng cho tôi một nụ cười? Tình yêu mấy ai biết được, hôm
nay mưa ngày mai có thế nắng.
Long công tử khác hẳn, hắn chỉ thích bia 33
nên bò qua Khu Thiết Giáp, ở đây có quyền nhậu chết bỏ miễn là đừng
quên đường về. Bị phạt khi còn là sinh viên, rớt ra trung sĩ như
không, chả ai dám nhậu quắt cần câu để phải mang cái “cánh gà chiên
bơ” khi ra trường.
Tôi không biết uống rượu nhưng lại thích
bạn, nên đành lòng quên cô Loan theo bạn bè qua Khu Thiết Giáp. Ba
đứa tôi nhậu nhưng luôn luôn đề cao cảnh giác, thực sự chỉ có hai
thằng bạn của tôi nhậu thôi. Tôi ngồi đó, uống nước ngọt phá mồi,
năm thì mười họa mới hớp một ngụm bia. Một hôm khi cuộc rượu nửa
chừng, rượu vô lời ra, đủ chuyện được đem ra bàn tán, Long công tử
gắp miếng thịt gà, mở đầu:
-Tụi mày nhớ bài học địa hình hôm qua
không?
Tôi đáp:
-Nhớ chớ.
-Bài học đó huynh trưởng gọi là địa hình
sương sâm.
Biên hỏi:
-Tại sao gọi là địa hình sương sâm.
Long ôn tồn giải thích:
-Ở trên bục huấn luyện viên nói gì, giảng
gì mặc kệ ông ấy, nào là vòng cao độ, núi non, sông ngòi, đường sá
rồi cách dùng địa bàn, bản đồ. Mình nghe được bao nhiêu tốt bấy
nhiêu, nhưng khi thực hành cầm trên tay cái bản đồ và địa bàn, làm
ơn nhớ liếc mắt nhìn mấy cô bán sương sâm để mà điều chỉnh hướng đi
của mình. Bởi vì đến trưa, khi các cô đặt gánh sương sâm ở đâu, mục
tiêu của mình gần chỗ đó. Các cô gái này là con, cháu của quân nhân
trong trại gia binh của trường, họ đi đến các mục tiêu này hàng trăm
lần rồi, độ chính xác gần như là tuyệt đối. Hãy tưởng tượng, trời
Thủ Đức nóng như thiêu, sinh viên sĩ quan sau khi di hành hàng chục
cây số, được ngồi dưới bóng mát của một gốc cây, thưởng thức ly
sương sâm mát rượi, ngọt lịm bên cạnh các cô gái duyên dáng, dễ
thương, còn chuyện xinh đẹp hay không tùy người đối diện. Lửa gần
rơm lâu ngày cũng cháy, gánh rơm sương sâm gặp hàng trăm ngọn lửa Cư
An Tư Nguy cháy là cái chắc.
Long công tử ngưng nói, quay nhìn tôi:
-Mày có biết bốn chữ Cư An Tư Nguy in trên
phù hiệu của Trường Bộ Binh Thủ Đức, có nghĩa là gì không?
Tôi trả lời Long công tử:
-Thật tình, tao không hiểu rõ lắm.
Long công tử giải thích:
-Đại khái, sống yên ổn phải nghĩ đến lúc
nguy khốn.
-Vậy thì có gì hay ho đâu mà phải nói, tao
chỉ muốn biết lửa gần rơm cháy như thế nào thôi.
-Đám cưới chứ còn như thế nào nữa, con của
một binh sĩ trong trại gia binh mà vớ được ông chuẩn úy mới toanh,
kể ra cũng tốt lắm rồi.
Đang nói chuyện ngon lành, Long công tử đặt
ly bia xuống bàn, hắn mồi một điếu thuốc, nhìn quanh rồi mới nói
tiếp:
-Tụi mày có biết cô Giang không? Cô bé đẹp
như hoa hậu thế giới ở trại gia binh, nơi cổng số Chín?
Tôi đáp:
-Không biết.
-Mày chỉ biết bắp cải chứ biết cái mẹ gì.
Cổ sắp lấy chồng, chôm được ông huynh trưởng của tụi mình, đợi ra
trường làm đám cưới.
-Sao mày rành vậy.
-Chuyện cô Giang hoa hậu đã là đóa hoa có
chủ, tất cả sinh viên trong trường đều biết, trừ mày.
Tôi hỏi Long:
-Thằng tốt số đó tên gì? Tướng tá ra sao?
-Mày đừng có nằm mơ, thằng huynh trưởng đó
ngon hơn mày là cái chắc.
Từ nãy giờ Biên vừa hút thuốc vừa tì tì
uống bia, bất chợt hắn lên tiếng:
-Tao có chuyện muốn nói với hai đứa mày.
Thằng Long, mày vừa nói trong mấy ngàn sinh viên sĩ quan của Trường
Thủ Đức này cô Giang chọn được một?
-Đúng vậy.
-Tao có con em gái tên Dung, đang học đệ
nhất Nguyễn Bá Tòng. Tao sẽ tìm cách nói tốt về tụi mày với em gái
tao, xúi nó chọn một trong hai đứa mày.
Long công tử nói, câu nói chẳng dính dáng
gì đên chuyện em gái của Biên.
-Tao thường ngồi trước nhà thờ Huyện Sĩ
hóng gió.
Tôi bực cái thằng Long công tử quá sức vì
câu chuyện chưa đi tới đâu. Tôi nói với Long công tử.
-Mày ngồi trước nhà thờ Huyện Sĩ mặc kệ
mày, nói ra đây làm gì.
Biên lên tiếng.
-Cái thằng bắp cải, mày không biết gì về
Sài Gòn làm ơn ngồi yên. Nhà thờ Huyện Sĩ nằm gần Trường Nguyễn Bá
Tòng, thằng Long ngồi đó để ngắm nữ sinh Nguyễn Bá Tòng tan học.
Biết mình bị hớ, tôi ngồi yên nghe tụi nó
nói chuyện.
Tay chơi Long công tử nói:
-Tao chẳng có dại, trường Nguyễn Bá Tòng có
vài ngàn nữ sinh, không lẽ tất cả đều đẹp như tiên nữ hay sao? Phải
có người xấu chứ. Biết đâu em mày lại nằm trong thành phần xấu? Chắc
em mày có gì trục trặc mày mới đem gán cho tụi tao, chưa kể trường
hợp em mày đã có bạn trai rồi?
Nhìn gương mặt tối sầm của Biên với đôi môi
mím chặt, tôi biết hắn giận lắm, được một lát sau hắn mới nói:
-Ê, Long công tử, mày có lý hoàn toàn,
nhưng hãy cho tao nói. Tao là người Quốc Gia cực đoan. Tao vốn ghét
đám sinh viên ở mấy cái Viện đại học quanh Sài Gòn, thằng nào thằng
nấy ốm như con cò ma, đầu tóc bờm xờm, quần áo chim cò sặc sỡ, chưa
kể mấy cái thằng phản chiến, ăn cơm Quốc Gia mà mở miệng là chửi
Quốc Gia không tiếc lời. Nếu có chút quyền hành, tao sẽ cột đầu mấy
thằng phản chiến, thả dù tụi nó xuống miền Bắc, hoặc dẫn đến cầu
Hiền Lương đá đít cho bọn nó về bên kia. Cho tụi nó ăn cơm Cộng Sản,
sau đó đợi coi thử tụi nó có dám mở miệng chửi Cộng Sản hay không?
Đụng đến bác Hồ, Cộng Sản nó cắt lưỡi ngay lập tức, sau đó nhốt vào
tù hoặc cho đi mò tôm, làm gì có cơ hội mà chửi. Tao không muốn em
gái tao phải chọn chồng trong cái đám đó. Mai mốt hai thằng mày ra
trường, gắn cái quai chảo trên vai, nó chọn một trong hai đứa mày có
lý hơn.
Biên ngừng nói, nó nhìn hai đứa tôi như dò
xét động tĩnh rồi mới nói tiếp:
-Tụi mày đừng có tưởng bở, con em tao nó
khó lắm, lại kiêu căng, gò được nó không phải dễ đâu. Tụi mày đã học
chiến thuật rồi, đơn thân độc mã chẳng làm nên cái trò trống gì,
nhưng nếu áp dụng chiến thuật nội công, ngoại kích sẽ chắc ăn. Tao
làm nội tuyến cho.
Long công tử lên tiếng:
-Mày là anh mà nói cái giọng cứ như là ba
má không bằng.
Biên nói với Long.
-Mày có biết câu mưa dầm thấm đất hay
không? Tao nói hoài, em tao phải xiêu lòng thôi.
Biên nâng chai bia 33, ực một hơi rồi nói
tiếp:
-Thằng bắp cải ở trên núi, còn mày ở dưới
biển. Thời buổi này, làm gì còn chuyện cổ tích Sơn Tinh với Thủy
Tinh tranh giành nhau công chúa Mỵ Nương. Hai thằng mày, thằng nào
gọi tao là anh ngay bây giờ, tao sẽ giúp thằng đó.
Biên vừa dứt lời, tôi lên tiếng ngay lập
tức:
-Tao xung phong làm em mày.
Biên nhìn Long công tử:
-Còn mày thì sao?
-Tao cần nghĩ lại, chẳng có gì mà phải vội
vã, cẩn thận nhìn trước dòm sau, cá tham mồi mắc phải lưỡi câu dễ
như chơi.
Tôi tưởng chuyện Dung em gái Biên, chỉ là
chuyện trà dư tửu hậu, nói cho vui trong lúc rượu vào lời ra, ngờ
đâu tuần lễ đầu tiên sau lễ gắn Alpha, ba thằng tôi dẫn nhau đi phép
hai mươi bốn giờ.
Chương III
Bóng tình yêu.
Chiếc xe taxi hiệu Renault nhỏ xíu, sơn hai
màu xanh trắng, thả chúng tôi xuống cạnh nhà hàng Bò bảy món Ánh
Hồng ở đường Nguyễn Minh Chiếu. Biên đi trước dẫn đường, đi được một
đoạn ngắn, hẳn chỉ vào một căn nhà khang trang, bề thế với hai cây
vú sữa già mà cái tàn của nó giống như hai cây dù khổng lồ, che kín
cả một góc sân.
-Nhà tao đó.
Tôi chẳng cần nghe nó nói gì cả, nó dẫn đâu
tôi theo đó, đầu óc tôi mãi nghĩ đến Dung cô em gái nó. Không biết
lát nữa gặp Dung tôi sẽ nói gì, làm gì. Điều quan trọng nhất mà tôi
thắc mắc là không biết Dung cao hay thấp, đẹp hay xấu, chỉ có vậy
thôi.
Biên đưa tay bấm chuông. Một người đàn bà
tuổi chừng bốn mươi ra mở cổng, khi thấy Biên bà reo lên:
-Cậu Hai mới về.
Biên hỏi người đàn bà:
-Ba má tôi đâu?
-Thưa cậu, ông bà đi Vũng Tàu mai mới về.
-Còn con Dung đâu?
-Cô Dung ở trên lầu.
-Chị lo cơm trưa cho bốn người.
-Dạ.
Tôi nghĩ thầm, đúng là cái giọng của cậu
chủ nhỏ nói với người làm.
Biên ngẩng nhìn lên lầu la to:
-Con Dung đâu?
Giọng của Biên gọi em mà cứ như là huynh
trưởng nạt Tân khóa sinh. Thấp thoáng ở cuối phòng, tôi thấy dáng
của một người con gái tay vịn lan can cầu thang, vừa chạy vừa reo:
-Anh Hai mới về.
Vừa dứt lời, bất chợt thấy Long công tử và
tôi ngồi nơi phòng khách, Dung khựng người lại, nụ cười đang nở trên
môi chợt tắt ngấm.
Tôi quay nhìn Long công tử. Không biết
gương mặt của tôi có gì thay đổi hay không nhưng khuôn mặt của hắn
khờ hẳn ra, Long tròn xoe đôi mắt nhìn Dung rồi sửa lại dáng ngồi
cho ngay ngắn, hắn đưa tay nắn lại cái cà vạt nơi cổ áo.
Tôi nghĩ, có thể mình cũng bối rối không
kém. Không biết tôi có quá lời không nhưng lần đầu vừa gặp Dung, tôi
đã như kẻ mất hồn. Dung có gương mặt dễ nhìn, một nét đẹp thanh
thoát, dịu dàng của ánh trăng rằm, tóc chấm vai, đôi mắt to tròn với
hàng lông mi dài cong vút nhìn xuống chiếc mũi thon gọn, thêm đôi
môi không thoa son nhưng tươi thắm, đỏ au.
Thấy hai đứa tôi im lặng, ngồi trơ ra như
ông phỗng đá, Biên nói với em gái của nó:
-Đây là Long công tử, đây là Quân bắp cải,
hai thằng bạn thân của anh ở quân trường.
Dung nhoẻn miệng cười rồi nhỏ nhẹ:
-Chào hai anh.
Biên quay qua nhìn Dung, rồi nói với hai
đứa tôi:
-Còn đây là Dung, em gái tao.
Tôi ngập ngừng nói, giọng hơi rụt rè như
đang đứng trả bài trước mặt thầy giáo mà trong bụng trống trơn,
không có lấy một chữ.
-Dạ chào cô Dung.
Trong khi đó Long công tử lịch sự, điềm
tĩnh đứng lên, hơi nghiêng mình về phía trước rồi nhẹ giọng:
-Chào em.
Gì chớ tán gái thì Long công tử lúc nào
cũng từ tốn, lúc nào cũng mang đôi hia bảy dặm, vừa gặp Dung là hắn
đã đốt giai đoạn kêu em ngọt xớt.
Xong chuyện giới thiệu, bốn đứa ngồi ở
salon trò chuyện, Biên và Long công tử mỗi thằng một chai bia, tôi
ly cà phê sữa đá còn Dung ly đá chanh.
Biên nói với em gái của nó:
-Hôm nay Dung có rảnh không? Đi chơi với
mấy anh.
-Dạ em bận.
Giọng nói của Biên trầm xuống:
-Mầy bận cái gì? Họp hội với bọn sinh viên
phản chiến phải không?
-Dạ đâu có.
-Vậy chớ bận cái gì?
-Dạ, học bài.
-Sao mày học hoài vậy, bữa nay thứ Bảy,
nghỉ đi chơi với tụi anh, mai Chủ nhật anh vô trường rồi em ở nhà
học bài, được không?
-Dạ được.
Tôi để ý khi Biên nói chuyện với em gái của
nó, lúc xưng hô là mày, lúc kêu bằng em, khiến tôi chẳng biết đâu mà
rờ.
Nghe Dung nói mà tôi mừng rơn, chỉ sợ Dung
từ chối không chịu đi chơi chung với mấy đứa tôi. Ở quân trường, ba
thằng đi chơi với nhau riết phát chán, hôm nay đi phép mà cũng ba
thằng đực rựa lang thang ở Sài Gòn, còn gì chán hơn nữa.
Biên nói với tôi và Long.
-Để tao phác họa chương trình cho hai mươi
bốn giờ phép sắp tới, tụi mày nghe thử coi có được hay không? Cơm
nước xong bọn mình xuống Sài Gòn, vô Rex coi ciné, sau đó qua
Brodard làm một chầu cà phê rồi ăn cơm chiều ở Thanh Bạch, tối đến
nghe nhạc ở cà phê Hầm Gió.
Long công tử lên tiếng:
-Đừng có ngồi cà phê Hầm Gió, ở đó khói
thuốc lá nhiều lắm, Dung không chịu được đâu. Tao đề nghị nên qua
Continental, ngồi phía ngoài hành lang uống cà phê, nhìn thiên hạ đi
dạo phố là nhất.
Tôi nghe hai đứa nó nói mà cứ như là vịt
nghe sấm. Với tôi, ăn ở đâu, nghe nhạc ở đâu, không thành vấn đề,
chỉ cần có Dung để tôi nhìn, cho tôi nói chuyện là vui rồi. Long và
Biên mỗi thằng lại cưa thêm một chai bia nữa, tôi nhắc tụi nó:
-Một thằng hai chai thôi, đừng có uống
nhiều.
Biên gật đầu:
-Mày nói phải.
Liếc nhìn cái đồng hồ trên tường, Dung nói
với anh mình:
-Để em phụ với chị Lành làm cơm trưa.
Nói xong, Dung nhanh nhẹn đi xuống bếp.
Ba thằng đực rựa ngồi nhìn nhau. Biên nói:
-Tụi mày thấy chưa, tao mà làm nội ứng thì
khỏi chê, có thứ tự lớp lang đàng hoàng, cứ theo kế hoạch mà thi
hành.
Long công tử vịn tay vào thành ghế sofa
đứng lên.
-Bây giờ tao phải dọt về nhà, thăm ba má
tao chút xíu.
Biên hỏi:
-Mày không đi chơi với tụi tao sao?
-Đi chớ, hai giờ chiều tao sẽ gặp tụi mày ở
Rex.
Trước khi đi, hắn nói nhỏ với tôi:
-Tao phải về nhà, trước là thăm ba má tao,
sau đó lấy chút tiền dằn túi. Đi với người đẹp mà chi không đẹp, còn
đâu là danh tiếng của Long công tử.
Cơm trưa được dọn lên nơi phòng ăn, ba đứa
ngồi vào bàn, tôi nhìn thức ăn bày ê hề trên bàn mà thấy ngợp.
Nguyên một con cá lóc chiên nằm choán hết cái dĩa hình quả trám,
thân con cá được cắt sẵn thành nhiều khía, một tô canh chua cá bông
lau, một tô thịt heo kho tàu thêm một dĩa cải xanh xào thịt bò, tất
cả đều được đựng trong những tô và dĩa loại to. Tôi ước chừng, phải
tám người mới ăn hết những thức ăn dọn trên bàn.
Mấy tháng rồi ăn cơm lính, từ quân trường
Quang Trung sang Quân trường Thủ Đức, tôi đã bắt đầu quen với cơm
lính. Thực lòng mà nói, cơm ở Quân trường Thủ Đức cũng giống như
những bữa cơm của gia đình tôi ở Đà Lạt. Cũng một dĩa rau luộc, khúc
cá kho, chén nước mắm ớt, năm thì mười họa mới có thêm miếng thịt
kho trứng. Hôm nay, bất ngờ nhìn thấy bữa cơm quá sức thịnh soạn ở
nhà của Biên, tôi hiểu ra, tại sao Biên và Long luôn luôn phàn nàn,
chê ỏng chê eo về chuyện ăn cơm ở nhà bàn. Chị Lành xới cơm vào ba
cái chén để trước mặt chúng tôi, đũa và muỗng đã sẵn sàng. Chị nói:
-Mời cô và mấy cậu ăn cơm.
Nói xong, chị trở lui xuống bếp.
Biên nói với tôi:
-Ăn đi mày.
Ngày hôm đó, tôi được ăn một bữa cơm nhà
giàu, bên cạnh lại có thêm Dung khiến tôi đâm ra ngượng nghịu, rụt
rè.
Tôi bưng chén cơm quay qua Dung nói:
-Mời Dung.
-Dạ, mời anh.
Dung vừa gắp thức ăn cho Biên vừa nói:
-Anh Long đâu rồi, sao ảnh không ở lại ăn
cơm?
-Nó phải về nhà thăm ba má nó, xong chuyện
nó sẽ đến Rex gặp tụi mình.
Biên nhìn tôi nói tiếp:
-Còn thằng bắp cải này, nhà nó ở Đà Lạt nên
nó không về được.
Dung nhìn tôi với gương mặt hớn hở, vui vẻ
nói :
-Anh Quân ở Đà Lạt hả? Hè năm nào ba má
cũng dẫn em lên nghỉ mát ở Đà Lạt, nhà anh ở đâu? Đường nào? Cho em
địa chỉ đi, nếu có dịp lên Đà Lạt em sẽ ghé.
Tôi nghĩ đến căn nhà gỗ lợp tôn bé tí xíu,
cũ kỹ của ba tôi ở Trại Hầm, mùa nắng nóng nung người, mùa mưa khi
nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn vang dội bên tai mà tưởng chừng như
cả Đà Lạt đang chìm trong giông bão phũ phàng. So với căn nhà gạch
khang trang rộng rãi của gia đình Dung, đúng là một trời một vực,
mặc cảm nghèo hèn khiến tôi nói với Dung:
-Hôm nào rảnh rồi, anh sẽ đưa địa chỉ của
anh cho Dung.
Khi nói xong tôi biết mình nói dối, bởi vì
tôi không thích Dung thấy căn nhà gỗ tồi tàn của ba má tôi, cũng
không muốn Dung biết được tôi là con trong một gia đình lao động
nghèo nàn.
Dung nói với tôi mà nhăn mặt như suy nghĩ
chuyện gì:
-Mà anh đi lính rồi đâu có ở nhà, em lên đó
cũng đâu có gặp được anh.
Tôi nghĩ thầm, người đã đẹp rồi nhăn mặt
coi cũng đẹp, không biết có phải tôi quá chủ quan hay không? Chúng
tôi vừa ăn cơm vừa chuyện trò, Dung khoan thai chậm rãi ăn uống
trong khi tôi và Biên ăn nhanh như chớp, cứ như ăn ở quân trường, ăn
chậm sẽ bị huynh trưởng phạt chạy ba vòng nhà bàn chỉ có nước ói hết
cơm ra thôi. Thức ăn trên bàn vẫn còn nhiều mà cả ba chúng tôi cùng
buông đũa. Dung nói với tôi, giọng nói nghe như rót mật vào tai:
-Sao anh ăn ít quá vậy, chê thức ăn em nấu
phải không?
Tôi lắc đầu lia lịa:
-Thức ăn Dung nấu ngon quá sức, chỉ tại hơi
nhiều, mười người ăn cũng không hết, nói chi chỉ có ba người.
Dung nhìn tôi:
-Thôi được, để em lấy trái cây hai anh ăn
tráng miệng.
Dung đi xuống bếp, nàng bưng lên một dĩa
dưa hấu và một dĩa xoài được cắt sẵn. Tôi lấy nỉa xắn một miếng xoài
đưa lên miệng. Cái mát lạnh của miếng xoài ướp lạnh khiến tôi nhớ
đến trái chuối xanh ăn tráng miệng ở quân trường, vị của trái chuối
hơi chua chua, âm ấm.
Dung nói:
-Hai anh uống cà phê không?
Biên nói với Dung:
-Nước trà được rồi, mà thôi để chị Lành làm
nước trà, em lo sửa soạn tụi mình tới Rex.
Khi Dung đi gần tới cầu thang, như chợt nhớ
ra điều gì Biên dặn vói theo:
– Nè Dung, đi chơi với lính em muốn ăn mặc
như thế nào cũng được.
Tôi đứng lên chụp cái túi xách tay nhỏ chạy
vô phòng tắm, việc trước tiên là đánh răng, đánh đi đánh lại hai ba
lần. Tôi muốn cái mùi cá chiên phải được tẩy sạch, sau đó rửa mặt
sạch sẽ soi gương nhìn áo quần, khi biết chắc tất cả đã chỉnh tề,
hoàn hảo tôi mới bước ra. Một lát sau Dung từ trên lầu đi xuống,
thân hình đầy đặn của Dung bó sát trong chiếc quần jean xanh và
chiếc áo pull over màu vàng nhạt, chân mang giày cao gót xanh đậm,
tôi thấy hình như nàng cao thêm một chút. Tôi đứng ngẩn người ra
nhìn, muốn khen Dung một câu nhưng miệng như bị ai bịt lại cứ câm
như hến.
Ba đứa đi ra đường, tôi đưa tay sửa lại cái
mũ kết trên đầu. Trưa Sài Gòn nóng thật là nóng, chưa tới một giờ,
mặt trời vẫn còn chói lòa trên đỉnh đầu. Nhìn chiếc áo vàng Dung
đang mặc, tôi chợt nhớ tới nhà thơ Nguyên Sa. Ông ấy bảo:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Nguyên Sa là một nhà thơ nổi tiếng, ông ấy
muốn nói gì lại không được. Với tôi, áo lụa Hà Đông làm sao mà mát
bằng chiếc pull over Dung đang mặc.
Một chiếc taxi chạy trờ tới, tận đáy lòng
mình, tôi mơ ước được ngồi đàng sau với Dung, nhưng vì muốn làm ra
vẻ đàng hoàng, tôi đi vòng ra phía trước để ngồi cạnh tài xế. Biên
bước theo, thúc cho tôi một cái cùi chỏ, hắn nói nhỏ vừa đủ cho tôi
nghe:
-Mày không nhớ chiến thuật nội công, ngoại
kích hay sao?
Tôi tỉnh cả người, quay đầu mở cửa sau cho
Dung, đợi cho nàng ngồi xuống đàng hoàng, tôi mới chui vào xe ngồi
bên cạnh nàng.
Biên nói với người tài xế
-Cho bọn này tới rạp Rex bác tài.
Từ nhà Biên tới rạp Rex, hơn ba mươi phút
ngồi cạnh Dung đầu óc tôi như mụ đi, không biết hôm nay là cái ngày
gì mà ông trời lại chiều theo ý tôi hết mực, muốn gì được mấy. Mùi
thơm da thịt của Dung lẫn với mùi nước hoa trong không khí khiến tôi
ngầy ngật, ngây ngất. Tôi ngồi yên như một pho tượng, hai tay vòng
trước ngực, mắt nhắm lại, tận hưởng chút hạnh phúc tuyệt vời mà trời
ban cho tôi, cái hạnh phúc được ngồi bên người đẹp. Thời gian chầm
chậm trôi qua cho đến lúc chiếc taxi ngừng lại, tôi mới giật mình
tỉnh mộng.
Long công tử đã đứng bên lề đường tự lúc
nào, hắn từ tốn mở cửa sau của xe, nắm lấy tay Dung, dìu nàng xuống
xe. Mấy chục phút ngồi bên Dung, khoảng cách giữa hai đứa chỉ độ một
tấc mà tôi chưa dám chạm vào cái móng tay của Dung, nói chi đến nắm
tay nàng. Long công tử quả là sành điệu, hắn đốt giai đoạn nhanh như
gió.
Long nói cho mọi người nghe:
-Tao đã mua vé rồi, tụi mình vào thôi.
Tôi tính toán trong đầu, nếu không có Long
công tử, khi vô rạp Dung sẽ ngồi giữa Biên và tôi. Đang không lòi ra
thằng Long công tử làm kỳ đà cản mũi, tại sao nó không ở nhà nó,
thăm ba má nó lâu hơn một chút hoặc dẫn ba má nó đi ăn tiệm đâu đó,
đến chiều hãy gặp tụi tôi cũng đâu có muộn gì. Bây giờ tôi chẳng
biết phải sắp xếp chỗ ngồi như thế nào cho ổn, nên đành phó mặc cho
trời định đoạt.
Biên đi vào rạp trước, nó cố tình để Dung
ngồi giữa tôi và Long. Được ngồi cạnh Dung nhưng tôi không cảm thấy
sung sướng, hạnh phúc như khi ngồi trên taxi bởi vì tôi không an tâm
chút nào. Tôi có lối suy luận hơi cù lần chút đỉnh, cái thằng Long
công tử giữa chốn thanh thiên bạch nhật nó tỉnh bơ nắm tay Dung dìu
nàng xuống xe, bây giờ trong bóng tối mù mờ của rạp ciné, nó sợ ai
mà không nắm tay nàng.
Tôi nhớ lời dặn dò của Biên khi còn trên xe
từ Thủ Đức về Sài Gòn:
-Hai thằng mày có quyền tán con em gái tao
nhưng phải đàng hoàng, lịch sự, thằng nào mà sàm sỡ với nó, tao bẻ
cổ không tha, nhớ đó.
Cả hai đứa tôi đều nói:
-Mày yên chí.
Tôi hy vọng, Long công tử giữ lời hứa với
Biên. Suốt hai tiếng đồng hồ trong rạp hát, tôi cứ lo ra vô cớ, còn
tâm trí đâu mà coi phim. Cho đến khi đèn trong rạp bật sáng, tôi mới
thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân trên vai.Tôi nói
với Dung, câu nói nghe lảng nhách không đâu vào đâu.
-Phim gì mà dở ẹt, mướn anh cũng không thèm
coi.
Ở rạp ciné ra, bốn đứa dẫn nhau tản bộ qua
cà phê Brodard nằm trên đường Tự Do. Vừa thấy Long, anh bồi lên
tiếng chào hỏi:
-Lâu quá không thấy cậu đến đây, tôi tưởng
cậu đã đi du học ở bên Tây, ai ngờ lại đi lính. Cái bàn đặc biệt mà
cậu ưa ngồi vẫn còn trống, mời mấy cậu.
Long lấy cái mũ kết trên đầu xuống đưa cho
anh bồi, nó kín đáo giúi vào tay anh ta mấy tờ giấy bạc rồi nói,
giọng nói nghe thân mật nhưng đầy quyền uy:
-Dung em gái tụi này, anh có món gì đặc
biệt cho cô bé không?
-Dạ, cậu khỏi lo.
Tụi tôi ngồi xuống một cái bàn tương đối
khá rộng so với không gian tù túng của tiệm. Ba tách cà phê được đem
ra, riêng Dung ngoài ly soda chanh, còn có vài cái bánh ngọt đặt
trong một cái dĩa xinh xinh.
Bầu không khí êm ả trong tiệm cà phê, khiến
cho chúng tôi cảm thấy gần nhau hơn. Long công tử và tôi kể cho Dung
nghe những chuyện buồn vui ở quân trường, nào là đi dây tử thần,
tuột núi, rồi vượt sông. Dĩ nhiên chúng tôi thêm chút mắm, giặm chút
muối cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Cái nguy hiểm của dây tử thần
hay tuột núi không nhiều lắm đâu, nhưng Long công tử tăng thêm độ
nguy hiểm vài phần nữa khiến gương mặt của Dung lộ vẻ lo sợ. Còn bài
học vượt sông chúng tôi thực hành tại cầu Rạch Chiếc gần hãng xi
măng Hà Tiên, nó chỉ là con suối khá lớn, nước chảy lờ đờ, đứa con
nít chỉ cần chừng vài chục sải tay đã qua được bờ bên kia nhưng với
cái tài kể chuyện của Long công tử, người nghe có cảm tưởng con sông
phải lớn lắm. Long đem mớ kiến thức của mấy năm Văn Khoa ra hù Dung.
-Em có biết sông Hoàng Hà hay sông Tiền
Đường ở bên Tàu hay không?
Dung dịu dàng trả lời:
-Dạ, em không biết.
Long giảng giải:
-Hoàng Hà là một con sông vĩ đại, đến nỗi
Lý Bạch phải mở đầu bài thơ Tương Tiến Tửu của mình bằng mấy câu:
Quân bất kiến, Hoàng Hà chi thủy thiên
thượng lai, bôn lưu đảo hải bất phục hồi.
Còn khi nói đến sông Tiền Đường thuộc tỉnh
Triết Giang bên Tàu, đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên:
Triều đâu nối tiếng đùng đùng.
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.
Tiếng sóng trên sông mà đánh đùng đùng, con
sông không thể nhỏ được.
Chính bản thân tôi, nghe Long công tử kể
chuyện cả đại đội với súng ống đạn dược vượt sông, tôi còn run sợ
huống chi là Dung. Chỉ có điều, tôi không thích cái tính vọng ngoại
của Long công tử. Tôi nhắc Long:
-Mày ca ngợi Tàu cũng vừa thôi. Bụt chùa
nhà không thiêng hay sao? Sông Cửu Long của mình đâu có nhỏ.
Phần Dung khi nói về nếp sống của nữ sinh
Sài Gòn, những chuyện nàng kể, chuyện nào cũng nhẹ nhàng, êm đềm như
lá thu vàng rơi rụng ngoài hiên vắng.
Dung kể cho tụi tôi nghe về trường Nguyễn
Bá Tòng của nàng, về lớp đệ nhất mà nàng đang học, cô nào cô nấy đẹp
như tiên giáng trần, nhất là hai cô bạn thân của nàng. Đang kể
chuyện, như chợt nhớ ra điều gì Dung hỏi:
-Hai anh thích không, Dung sẽ giới thiệu
hai cô bạn của Dung cho hai anh.
Long công tử nói, gương mặt tỉnh như không.
-Giới thiệu Dung cho anh, anh thích hơn. Em
có biết không, người ta thường nói, một con chim trong tay bằng mười
con chim trên cành.
Gương mặt Dung ửng đỏ trước câu nói hơi bạo
của Long công tử, nàng chữa thẹn bằng cách nâng ly soda lên rồi nói:
-Uống soda chanh phải có xí muội mới hết
sẩy.
Long công tử rời ghế đi về phía anh bồi,
một lát sau nguyên một dĩa xí muội được mang tới. Long công tử dùng
cái muỗng bạc xúc hai viên xí muội cho vào ly soda. Đợi cho bọt tăm
của viên xí muội trong ly dịu bớt, Long công tử mới nâng ly đưa cho
Dung:
-Em có thể uống được rồi.
Cái thằng này lịch sự đến phát ghét, tôi
không giận gì nó nhưng mà buồn cho mình nhiều hơn. Tại sao chuyện gì
nó cũng hơn mình.
Tôi ngoảnh mặt, nhìn qua khung cửa kính
sạch sẽ không một hạt bụi, Sài Gòn lúc nào cũng ồn ào tấp nập, ngựa
xe như nước. Nắng đã bắt đầu dịu lại.
Biên nhìn ra đường rồi nói bâng quơ:
-Mấy người đói chưa?
Long công tử trả lời:
-Chút đỉnh.
-Vậy mình thả bộ qua Thanh Bạch là vừa, tao
muốn lang thang ngoài phố đế tìm lại cảm giác ngày xưa lúc chưa đi
lính.
Khi cả bọn đi qua bùng binh với vòi phun
nước trước tòa nhà Quốc Hội, một anh thợ chụp hình với chiếc máy ảnh
Polaroid trên tay.
-Mấy cậu chụp tấm hình, kỷ niệm ngày đi
phép.
Không hẹn mà cả ba thằng vui vẻ, bằng lòng.
Long công tử hỏi anh thợ hình:
-Ông bấm máy nhiều có mỏi tay không?
Người thợ chụp hình lên giọng như muốn khoe
về mình.
-Cậu nói chơi, nghề của tôi mà mỏi sao
được.
-Như vậy ông cứ bấm máy, khi nào mỏi tay
hãy ngừng.
Người thợ giải thích:
-Mồi tấm hình giá một trăm đồng, tui mà bấm
mỏi tay, mấy cậu hết tiền đi taxi.
Long trấn an ông thợ chụp hình:
-Yên chí đi.
Bức ảnh đầu tiên là cảnh ba thằng mặc quần
áo tiểu lễ, dây biểu chương và cái alpha vàng chói trên vai, mặt mày
thằng nào thằng nấy tươi cười, hớn hở. Bức thứ hai là Biên và Dung,
rồi Long và Dung. Cuối cùng, tôi cũng được chụp chung với Dung,
không những một mà tới hai tấm. Khi ông thợ chụp hình bóc miếng âm
bản đàng sau tấm ảnh, hình tôi và Dung từ từ hiện lên, cái cảm giác
của tôi lúc bấy giờ thật là khó tả, đê mê, thích thú, người cứ lâng
lâng nhẹ nhàng như bay trong không khí, chơi vơi, chới với. Tôi nghĩ
thầm, mình sẽ giữ tấm ảnh này cho đến khi chết. Trong ảnh Dung đứng
cạnh tôi, giữa hai đứa là một khoảng cách nhỏ, tôi ao ước, phải chi
mình được quàng tay qua vai hoặc ôm eo của em, coi sẽ tình tứ hon
nhiều. Mơ ước như vậy nhưng sợ thằng Biên nó bẻ cổ mình nên không
dám. Lòng tham của con người thật vô đáy, biết bao nhiêu cho vừa.
Cuối cùng, tôi phải tự nhủ với lòng đừng có quá tham lam. Hạnh phúc
là phải biết bằng lòng với những gì mình có.
Lúc tụi tôi đến Thanh Bạch trời cũng vừa
tắt nắng, người bồi bàn tuổi chừng bốn mươi trịnh trọng cúi đầu:
-Chào cậu Long.
Long công tử vui vẻ:
-Lâu quá mới gặp chú Sáu, chú khỏe không?
Tôi lại thấy Long kín đáo giúi vào tay chú
Sáu mấy tờ giấy bạc, chúng tôi được đưa đến ngồi ở góc phòng, chỗ
ngồi thật là lý tưởng, kín đáo, rộng rãi và thoải mái. Long cất
tiếng:
-Hôm nay có gì đặc biệt không chú Sáu?
Người bồi bàn ngập ngừng:
-Dạ ạ ạ, hay là vậy đi. Có cơm chiên cá
mặn, gà rô ti, thêm tô canh sườn heo hầm khoai tây, cà rốt Đà Lạt,
cậu thấy đủ chưa?
-Chưa, nhưng tôi sẽ gọi thêm sau. À, chú
cho mấy chai bia, đừng quên một chai sữa tươi loại nhỏ cho cô bé
này.
-Dạ.
Tôi nghĩ, hình như tất cả các nơi ăn chơi ở
cái Hòn Ngọc Viễn Đông nàỵ thằng Long công tử đều đã biết qua, không
những biết mà còn lui tới nhiều lần.
Lịch sự là nghề của Long công tử, hắn mở
nắp chai sữa, bóc miếng giấy bạc dán trên miệng chai, rót sữa vào
một cái ly rồi đưa cho Dung.
Thật tình mà nói, nếu tôi có muốn đóng vai
lịch sự cũng không được. Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy chai
sữa tươi, làm sao biết cách uống. Cái xứ Đà Lạt của tôi quanh năm,
suốt tháng chỉ ăn bắp cải, khoai tây, cà rốt và uống nước rau luộc.
Quen với lối sống quân trường, ba thằng tôi
thanh toán bữa ăn lẹ như chớp, nhìn lại chén cơm của Dung chỉ mới
vơi đi một nửa. Trong khi chờ Dung ăn cơm, Biên nói:
-Giờ này mà có vài con cua ram muối, lai
rai với bia 33 là nhút.
Tôi nhìn vào tấm thực đơn:
-Ở đây không có cua ram muối.
Long công tử lên tiếng:
-Để đó tao.
Hắn đưa tay ngoắt chú Sáu:
-Chú Sáu nè, anh bạn tôi khoái nhậu cua ram
muối. Chú cho tụi này vài con được không?
Chú Sáu nhìn Long công tử, vừa cười vừa
nói:
-Trong thực đơn không có món đó, nhưng với
cậu Long sẽ có thôi.
Vừa nói, chú Sáu vừa liếc mắt sang chợ Bến
Thành ở bên kia đường.
-Cua bên đó thiếu giống gì, để tôi nói với
đầu bếp.
Khoảng nửa giờ sau, một dĩa cua ram muối to
chần dần được mang lên.
Tôi không uống bia, ngồi đó rảnh rỗi xới
cơm cho Dung, múc canh cho nàng, xé cho nàng miếng thịt gà, lâu lâu
chôm cho nàng mấy cái càng cua ram muối. Dung nhìn tôi như biểu đồng
tình rồi cầm lấy cái càng cua ăn ngon lành. Tôi tận tình săn sóc
Dung và biết rằng mình là người hạnh phúc nhất thế gian. Phần Dung
cũng tận tình ăn uống nhưng không biết nàng có hạnh phúc hay không.
Cơm nước xong xuôi, thay vì qua Continental
uống cà phê như dự tính tụi tôi lại tạt vô Pôle Nord làm mấy ly kem,
cái món này ba thằng đực rựa không thích mấy nhưng vì chiều ý của
Dung.
Dung thả cái muỗng cà phê vào ly kem rồi
nói:
-Kem ở đây ngon hết biết, lẽ ra em phải ăn
hai ly mới được nhưng thân hình em hơi tròn, cho nên một ly thôi.
Sài Gòn với hoa đèn rực rỡ, xe cộ ngược
xuôi như mắc cửi, thêm chút gió nhẹ từ bờ sông thổi vào, tôi bước đi
trên hè phố mà cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái xen lẫn chút buồn
buồn, nuối tiếc. Ngày vui rồi cũng qua mau, đã đến lúc bọn tôi phải
về nhà.
Long công tử vỗ vai Biên:
-Tao phải về, ba má tao đang chờ.
Nói xong, Long công tử quay sang tôi.
-Bắp cải, mày muốn về nhà tao ngủ không?
Sáng mai, mình trở lại nhà Biên rồi đi về trường.
Tôi giận cái thằng công tử này quá chừng,
chuyện của mày kéo theo tao làm gì. Đi theo mày bỏ Dung cho ai, mà
từ chối thì….
Còn đang phân vân chưa biết trả lời như thế
nào, tôi bỗng nghe Biên nói:
-Để thằng Quân bắp cải về với tao.
Tôi mừng hết lớn, vội vã nói với Long công
tử:
-Đừng lo gì cho tao, về nhà đi kẻo ba má
mày chờ.
Đuổi được Long, tôi nhẹ hẳn người. Chúng
tôi về đến nhà đã hơn mười giờ tối. Tôi tưởng Biên sẽ ngồi ở phòng
khách trò chuyện nhưng không ngờ hắn nói với Dung:
-Em đi chơi cả ngày, mệt rồi phải không? Về
phòng nghỉ đi.
Quay sang tôi, hắn chỉ tay lên lầu:
-Mày ngủ ở phòng của tao. Tao ngủ trên
giường, còn cái sàn gạch bông mày toàn quyền sử dụng.
Một ngày thần tiên vừa trôi qua, tôi lăn
qua trở lại không tài nào nhắm mắt, chả bù ở quân trường, mới nằm
xuống ba mươi giây là đã ngủ ngon lành. Tôi đang cố dỗ giấc ngủ,
bỗng tiếng của Biên từ trên giường vọng xuống:
-Ê thằng bắp cải, mày có nghe tao nói
không?
Tôi trả lời:
-Nghe.
-Suốt ngày tao quan sát hai thằng mày,
thằng nào hành sử cũng khá không có gì đáng phiền trách. Riêng mày,
tao muốn nói cho mày biết, cứ cái đà này mày thua cuộc là cái chắc,
mày không phải đối thủ của Long công tử. Ngồi sau xe taxi với con
Dung, cơ hội bằng vàng để cho mày trổ tài tán tỉnh, lấy cảm tình thì
mày lại ngồi yên như tượng đá, đã vậy còn nhắm mắt ngủ ngon lành.
Mày phải hoạt bát, năng động lên chứ, nói láo chút xíu cũng không
sao, chẳng hạn như anh thề sẽ yêu em suốt đời hay nếu không lấy được
em anh nguyện ở giá trọn kiếp. Nghe rất là cải lương nhưng nó ép phê
vô cùng, tin tao đi, kinh nghiệm cho tao biết như vậy. Mày nghe rõ
không bắp cải?
-Nghe rõ năm trên năm.
-Tốt, thôi ngủ đi, mai dậy sớm về trường.
Làm sao mà ngủ cho được, tôi nhớ đến Long
công tử rồi nhẩm tính, tất cả số tiền mà hắn tiêu pha cho ngày hôm
nay, đủ cho một gia đình lao động tiêu xài vài tháng. Nó ăn tiêu lớn
nhưng đúng chỗ và lịch sự, cái lịch sự của những người biết sức mạnh
đồng tiền. Biên nói đúng, trẻ tuổi giàu có lại lịch lãm có thừa như
Long công tử, tôi thua là cái chắc. Tôi nghĩ đến Dung, không biết
giờ này Dung đang làm gì, học bài, ngủ hay cũng đang trăn trở như
tôi. Cuối cùng, tôi nhớ đến tấm ảnh chụp hồi chiều với Dung mà lòng
lâng lâng khoan khoái, rồi ôm hình ảnh đẹp như mơ của Dung, chìm vào
giấc ngủ lúc nào không biết.
Khi tôi và Biên thức giấc trời đã mờ sáng,
hai đứa tôi mau mau làm vệ sinh cá nhân rồi đi xuống nhà dưới. Chị
người làm đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng, bánh mì nóng, hai dĩa trứng
gà ốp la, ly cà phê sữa còn bốc khói thơm lừng. Hai đứa vội vội vàng
vàng thanh toán chiến trường cho lẹ vì còn nhiều chuyện phải làm.
Dung từ trên lầu đi xuống:
-Khi nào hai anh phải vô trường?
Biên đáp:
Biên vừa dứt lời, tiếng chuông ngoài cửa
cũng reo lên. Tôi biết Long công tử đã tới. Tôi nhìn Dung, nàng lúc
nào cũng tươi mát, dễ thương. Từ tối hôm qua đến giờ, tôi chưa nói
được với nàng một tiếng.
-Ngủ ngon không Dung? Tôi hỏi.
-Dạ ngon.
Lợi dụng lúc Long công tử và Biên đang bàn
với nhau vấn đề gì đó, tôi bước đến gần Dung, lấy hết can đảm, cứ
coi như mình đang đi dây tử thần ở Thủ Đức, nhắm mắt lại, nắm chặt
hai cái ròng rọc rồi lao mình vào khoảng không gian bao la bát ngát.
Nhớ tới lời Biên dặn tối hôm qua “nói láo chút xíu cũng không sao”,
tôi nói nhỏ vào tai Dung:
-Vô quân trường rồi, anh nhớ em chết được.
Nói xong, tôi biết mình không nói láo. Tôi
nói thật, đồng thời tôi cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đối phó
với tình huống xấu có thể xảy ra nếu câu nói của tôi không vừa ý
Dung. Không ngờ, Dung nói với tôi, câu nói nhẹ như một cơn gió
thoảng.
-Em không có ép uổng gì anh đâu. Có thì
nói, còn không thì thôi.
Xe chạy trên xa lộ, tôi đã nhớ Dung cần gì
phải đợi lúc về đến quân trường. Vừa bước vào phòng ngủ sinh viên,
tôi lấy tấm ảnh của Dung chụp với tôi ra xem. Tấm ảnh hơi lớn so với
cái ví của tôi, chuyện dễ thôi, tôi dùng cái kéo cắt tấm ảnh nhỏ lại
cho vừa với khung ảnh trong ví. Cảnh trí chung quanh hai đứa có gì
là quan trọng đâu, cho dù có đứng dưới chân tháp Eiffel của Pháp hay
chân tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ tôi cũng chẳng cần, huống chi đứng bên
vòi phun nước ở Sài Gòn. Bây giờ tấm hình chỉ còn lại hai đứa đứng
cạnh nhau, tôi chỉ cần chừng đó thôi.
-Mày làm cái gì vậy?
Tôi lúng ta lúng túng nhét cái ví vào túi,
nhặt mấy mảnh giấy vụn bỏ vào thùng rác rồi mới trả lời Long công
tử:
-Có làm gì đâu.
Long công tử nhìn tôi rồi than phiền:
-Chủ nhật mà phải ứng chiến, chán cái mớ
đời.
-Cũng phải có một nửa quân số để giữ doanh
trại chứ, bộ mày muốn giao cái trường này cho Việt Cộng hay sao?
-Không mợ thì chợ cũng đông, mấy ngàn thằng
sinh viên canh gác chưa đủ hay sao? Thêm đại đội mình ứng trực cũng
vậy thôi.
Có tiếng mở cửa, Biên từ ngoài bước vào,
hắn nhìn quanh một vòng rồi nói:
-Hai thằng mày làm gì đó?
-Tán dóc.
Biên nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói:
-Bây giờ là mười giờ, bốn giờ chiều mới tập
họp điểm danh, làm gì cho hết giờ đây?
Long công tử trả lời:
-Tụi mình đi ăn cơm trưa, sau đó qua Khu
Thiết Giáp nhậu.
Tôi nói với Long:
-Mày đâu phải là con của Tổng Thống, phải
đợi tới trưa, cả đại đội cùng ăn một lần, nhà bàn đâu có rảnh mà dọn
cơm cho ba đứa mình vào giờ này.
Long công tử nói như ra lệnh.
-Hai thằng mày đi với tao.
Ba thằng thả bộ theo con đường tráng nhựa
đến nhà ăn. Long băng qua đường đến khu gia binh đối diện với nhà
bàn.
-Kể từ hôm nay, ba thằng mình ăn cơm tháng
ở đây.
Chuyện hơi bất ngờ với tôi:
-Mày nói giỡn?
Long công tử chân bước vô nhà, miệng nói:
-Mày thấy tao nói giỡn bao giờ chưa? Nếu
mày muốn ăn cơm nhà bàn với bắp cải luộc, cà rốt kho cứ thoải mái.
Còn nếu không muốn thì qua đây.
Trường Bộ Binh Thủ Đức có rất nhiều chuyện
lạ, một trong những chuyện lạ đó là Tân khóa sinh bắt buộc phải ăn
cơm nhà bàn. Sau lễ gắn Alpha, sinh viên sĩ quan nếu không muốn ăn
cơm nhà bàn họ có quyền ăn cơm tháng, miễn sao đủ tiền trả là được,
nên nhớ cơm tháng ở đây không rẻ đâu, gần ba ngàn một tháng. Lương
sinh viên sĩ quan, sau khi trừ tiền cơm nhà bàn, tiền công may quần
áo tiểu lễ, đại lễ chỉ còn được vài trăm, ai muốn ăn cơm tháng cứ
việc ăn.
Đời sống ở quân trường trôi qua trong buồn
tẻ, con người như một cái máy chỉ biết có một việc thi hành lịnh
trên. Niềm vui duy nhứt của sinh viên sĩ quan là ngày phép cuối
tuần, tuy vậy, được đi phép hay không phải tùy thuộc vào tình hình
chiến sự bên ngoài. Từ sau lần cả khóa được đi phép sau lễ gắn
Alpha, tuần lễ tiếp theo đó là năm mươi phần trăm đi phép, năm mươi
phần trăm ở lại ứng chiến, nếu tôi đi phép thì Long với Biên phải
ứng chiến ở trường và ngược lại. Biên và Long bực bội thấy rõ. Long
phàn nàn:
-Như vậy là hai tuần mới được đi phép một
lần.
Chỉ có tôi mừng như mở cờ trong bụng. Không
có Long công tử, Dung và tôi hai đứa sẽ sánh vai nhau đi bát phố Sài
Gòn. Tôi với bộ tiểu lễ màu vàng, đầu đội nón kết đi bên cạnh Dung
trong chiếc áo dài trắng thướt tha yểu điệu. Thoáng nghĩ đến, tôi đã
sung sướng đến lịm người.
Sài Gòn sáng chủ nhật nắng vừa mới lên, tôi
đã đứng trước nhà Dung mạnh dạn bấm chuông. Chị Lành ra mở cửa, đưa
tôi vào nhà. Khi tôi đã yên vị nơi salon, trong lòng hớn hở đợi chờ
Dung, bất ngờ ba má của Dung từ trên lầu đi xuống. Tôi không ngờ
mình ngu đến như vậy. Biên với Dung đâu có phải con mồ côi, tôi quên
mất tiêu họ còn có ba má đàng hoàng. Tôi lật đật đứng lên chào hai
ông bà. Như thằng ăn vụng bị bắt gặp, tôi lắp ba, lắp bắp:
-Dạ con kính chào hai bác.
Ba của Biên tươi cười nói với tôi:
-Ngồi đi con, bác có nghe con Dung nó nói
lại, tuần vừa rồi mấy đứa về phép có dẫn em nó đi chơi rất là vui,
à.. mà con tên Long phải không? Dung có nói với bác.
Hình như có ai đó bóp mạnh vào trái tim của
tôi, khiến cho trái tim dường như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Tại
sao Dung chỉ nhớ tới Long, còn tôi ở đâu sao không nghe Dung nhắc
đến. Tôi muốn xin phép ba má Biên cho tôi về trường cho rồi nhưng
vẫn cố làm mặt vui trả lời:
-Ờ, bác nhớ ra rồi Long và Quân.
Ông nhìn quanh như tìm kiếm:
-Còn thằng Biên và Long đâu rồi?
-Dạ chỉ có một mình con đi phép thôi, Long
và Biên phải ở trường ứng chiến, tuần tới mới được đi phép.
-Dzậy nữa, quân trường sao mà khó quá.
Má của Biên tự nãy giờ ngồi im nhìn tôi như
dò xét, cuối cùng bà lên tiếng:
-Quê con ở đâu?
-Dạ Đà Lạt.
-Có bà con ở Sài Gòn không?
-Dạ không.
-Nếu vậy, trưa nay con ở đây ăn cơm với hai
bác, chiều đến hãy vô trường. Cứ coi như ở nhà, bác coi con cũng như
thằng Biên, đừng có khách sáo.
Tôi mừng quá, vậy là mình được coi như là
một thành viên trong nhà.
-Dạ, con cảm ơn hai bác.
-Để bác kêu con Dung xuống nói chuyện, hình
như nó có cái gì muốn gởi cho thằng Biên.
Rủi cho tôi là ba má Biên ở nhà, may cho
tôi là ông bà hiền từ cởi mở, tôi an tâm ngồi tiếp chuyện với ông
bà.
Khi chị Lành đem mấy ly nước lên, Dung cũng
từ trên lầu đi xuông, nàng nhìn tôi:
-Anh Quân mới về, còn anh Biên và anh Long
đâu?
Tôi lại phải giải thích với Dung về chuyện
năm mươi phần trăm quân số ứng chiến trong trường .
Ba má Dung đứng lên nói với Dung:
-Con ngồi tiếp chuyện anh Quân, ba má có
chút việc gấp phải qua nhà bác Năm.
Tôi nhích ghế đứng lên chào ông bà, chỉ sợ
mình có hành vi sơ suất sẽ gây nên hậu quả không tốt về sau.
Dung dẫn tôi ra trước sân, nàng ngồi lên
chiếc xích đu dưới tàn cây vú sữa rôi chỉ cho tôi cái ghế đá gần đó.
-Mình ngồi đây nói chuyện cho mát nghe anh.
Không có Long công tử làm kỳ đà cản mũi,
tôi chuyện trò với Dung thoải mái cứ như cá gặp nước, tha hồ tung
tăng bơi lội, vùng vẫy. Tôi kể cho Dung nghe những chuyện tôi đã làm
trong tuần lễ vừa qua.
Ngày thứ Hai trong tuần, tất cả đại đội học
bài tác chiến trong thành phố. Ngày thứ Ba, nhị thức bộ binh thiết
giáp, có nghĩa là lúc lính bộ binh đi hành quân chung với xe thiết
giáp, hai bên hỗ trợ cho nhau, khuyết điểm của bên này sẽ được bên
kia bổ khuyết. Ngày thứ Tư học về vũ khí của Việt Cộng.
Dung chăm chú lắng nghe tôi nói được một
lúc, sau đó nàng lơ đễnh nhìn mây bay ở trên trời, dạ dạ cho có lệ.
Tôi nghĩ hình như chuyện mình kể nó nhạt phèo, lạc đề hay sao. Thôi
chết rồi, một buổi sáng đẹp trời, ngồi dưới tàn cây bên cạnh người
đẹp với chiếc ghế xích đu lẽ ra tôi phải đẩy nhẹ chiếc ghế “Em ơi
hãy ngủ, anh hầu quạt đây”. Đằng này, tôi lại kể cho Dung nghe
chuyện ba cái thằng lính mới ở trong quân trường với súng đạn xe
tăng, nghe có chán mớ đời không. Nhớ lại chuyện vừa kể, tôi còn nản
không muốn nghe huống gì là Dung.
Tôi đi vào nhà, xin chị Lành một ly cà phê
sữa rồi bưng ra sân, đặt xuống chiếc bàn đá bên cạnh Dung. Không
biết có phải tại trời xui đất khiến hay không, tôi buột miệng nói:
-Em uống thử cà phê anh mới pha.
Dung đưa tách cà phê lên môi, nhắp một hớp
rồi nhoẻn miệng cười
-Cà phê anh pha ngon thiệt, giống y chang
chị Lành vẫn thường làm.
Tôi ngồi thừ người ra đó, nghẹn ngào không
nói nên lời.
Thấy tôi yên lặng không nói gì, Dung đặt
tách cà phê xuống bàn rồi nói:
-Để em nói chị Lành làm thức ăn sáng, anh
ăn gì chưa?
-Chưa.
-Vậy anh muốn ăn gì?
-Cho gì anh ăn nấy, ở quân trường mỗi buối
sáng tụi anh được phát cho một khúc bánh mì bơ, đường, thêm một ca
nước lạnh. Khúc bánh mì đó mà chọi chó thì chó cũng chết.
-Tại sao vậy anh?
-Khúc bánh mì cũ, cứng như đá chớ sao.
Dung lộ vẻ ngạc nhiên.
-Anh Biên và anh có ăn không?
-Không ăn, đói làm sao mà đi học được.
Nhiều bữa gặp bánh mì mốc cũng ăn luôn.
Nghe đến đây, gương mặt của Dung lộ vẻ hốt
hoảng thật sự. Tôi vẫn thường có mặc cảm với cái đám con gái nhà
giàu, họ đứt tay cứ như ăn mày đổ ruột nhưng khi thấy gương mặt của
Dung thật sự lo lắng, tôi cảm thấy hối hận vì cái tánh đùa dai của
mình. Tôi mau mắn nói:
-Anh chỉ nói giỡn chơi dọa em thôi, thực ra
bánh mì trong quân trường cũng không đến nỗi nào. Thường ngày,
khoảng chín hay mười giờ đêm bánh mì còn nóng được đem tới, ngoài
phần bánh mì còn có một hộp bơ và một bịch đường cát trắng. Bánh mì
nóng để qua đêm sẽ nguội rồi mềm đi, nhưng vẫn ăn được. Em cũng đừng
quá lo lắng cho anh Biên, sáng nào bọn anh cũng qua Câu lạc bộ của
Ban quân nhạc, ăn điểm tâm một tô bún bò hay một dĩa cơm tấm sườn
nướng cho chắc bụng, trước khi đi học.
Tôi và Dung ngồi ăn sáng nơi chiếc bàn đá,
dưới tàn cây vú sữa, mỗi đứa một tô bánh canh, một ly cà phê nóng.
Tôi chậm rãi thưởng thức cái deo dẻo của cọng bột, chút ngòn ngọt
của miếng chả cá, hương vị thơm nồng của hành lá và cái cay xé họng
của miêng ớt đỏ tươi. Chừng đó thứ, không làm cho tôi ngất ngây bằng
chuyện Dung rắc thêm vào cái tô của tôi một chút tiêu xay nhuyễn.
-Để em thêm cho anh chút tiêu.
Tôi biết những cô gái Sài Gòn tánh tình cởi
mở, tấm lòng của họ trải dài như sông nước Đồng Nai. Có thể Dung chỉ
hành động theo thói quen, nhưng tôi rất sung sướng vì nghĩ rằng mình
được ân cần săn sóc.
Dung múc một muỗng bánh canh, thổi nhè nhẹ
vào cọng bột rồi hỏi tôi:
-Anh Quân à, tại sao anh Biên và anh Long
gọi anh là Quân bắp cải?
Tôi đỏ mặt, không biết trả lời như thế nào
nên cứ tình thiệt mà nói
-Biên và Long biết anh là dân Đà Lạt nên
gọi anh là Quân bắp cải. Anh không chịu, tụi nó lại kêu anh là Quân
sữa. Anh phản đối mạnh hơn nữa, cuối cùng tụi nó cho anh chọn một
trong hai cái tên đó. Anh chọn cái tên bắp cải, vì nghĩ rằng nếu mà
bị gọi là Quân sữa làm sao kiếm đào cho được.
Tôi biết, mặt của tôi đỏ kè vì mắc cỡ sau
khi nói câu trên.
Dung nhìn tôi
-Nếu là anh, em sẽ chọn tên Quân sữa.
-Tại sao vậy.
Dung ngập ngừng lắc đầu.
-Hôm nào em sẽ nói cho anh nghe.
Khi hai đứa ăn sáng xong, nắng đã lên cao,
vài tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ lá của tàn cây vú sữa, tạo thành
những vệt sáng song song mà trong đó muôn ngàn hạt bụi nhỏ li ti
liên tục di chuyển không ngừng, tôi nhìn khuôn mặt của Dung thấp
thoáng sau những tia nắng vàng, lẫn trong mái tóc đen huyền. Một ý
nghĩ liều lĩnh thoáng qua trong đầu, tại sao mình không mời Dung
xuống Sài Gòn dạo phố như mình hằng mơ ước? Mộng với thực chỉ cách
nhau một biên giới mù mờ thôi mà.
Nghĩ là làm, tôi hỏi Dung:
-Anh muốn mời em xuống Sài Gòn uống cà phê,
được không?
Dung nhìn tôi với gương mặt lúng túng.
-Không được đâu anh, ba má không cho đâu.
Đã trót phóng lao nên phải theo lao, tôi
nói:
-Để anh xin phép ba má em.
-Ba má có cho, em cũng không chịu.
Mặt mày của tôi chắc yểu xìu như cái bánh
bao chiều nhúng nước. Hóa ra tuần trước Dung chịu đi chơi chung với
tụi tôi là vì Biên, anh của nàng, tôi và Long công tử chỉ là hai đứa
ăn theo. Tôi biết mình đã đi quá trớn bèn nói với Dung.
-Xin lỗi em, anh đã không biết vị trí cũng
như chỗ đứng của mình.
Dung với giọng buồn buồn:
-Lẽ ra, em không nên nói với anh như vậy.
Bầu không khí giữa hai đứa trở nên ngột
ngạt, không được thoải mái như lúc sáng. Tôi đang lúng túng không
biết phải làm gì trước tình trạng khó xử, bất chợt thấy ba má Dung
xuất hiện nơi cổng trước, tôi lẹ làng đứng lên đi ra mở cổng cho ông
bà.
Ba Dung ôm một bịch trái cây, đặt xuống bàn
rồi nói:
-Hai đứa ăn cam đi, cam Mỹ cũng khá ngọt.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy quả cam màu
vàng đỏ, Việt Nam mình chỉ có cam vỏ xanh hay ửng vàng thôi. Tôi hỏi
ba của Dung:
-Thưa bác, con chưa bao giờ thấy trái cam
vàng đỏ như vậy, bác mua ở đâu?
-Đây là cam Sunkist của Mỹ, bác mua trong
sở làm của bác. Trong đó, họ bán rẻ như cho.
Ba Dung đẩy bị cam lại phía tôi :
-Chiều nay con đem vô cho Biên mấy trái
cam, tội nghiệp nó ở quân trường ăn uống kham khổ.
Má Dung lên tiếng:
-Mấy đứa coi sửa soạn rồi ăn trưa.
Sau bữa ăn sáng với Dung, bụng tôi còn căng
đầy nhưng tôi vẫn sốt sắng trả lời.
-Dạ.
Dung đứng lên:
-Em phải phụ chị Lành nấu cơm, nếu không má
sẽ la.
Nằm một mình trên chiếc võng, dưới bóng mát
của tàn cây vú sữa, bên cạnh chiếc ghế xích đu thêm chút gió hiu hiu
thổi, tôi chợp mắt lúc nào không biết, cho đến khi có tiếng gọi tên
mình.
-Cậu Quân, cậu Quân dậy ăn cơm, ông bà đang
chờ.
Lại một bàn đầy thức ăn, ba má Dung ngồi
một bên, tôi và Dung ngồi đối diện. Tôi nghĩ, không biết làm rể phải
ăn uống như thế nào nhưng tôi nhất định phải quên đi cái thói ăn
uống lẹ như chớp ở nhà bàn Thủ Đức. Tôi ăn cơm chậm rãi, từ tốn như
con gái, không chừng còn yếu hơn cả Dung nữa. Từ nãy giờ Dung im
lặng ăn cơm bất ngờ nàng lên tiếng:
-Má à, ăn cơm xong con muốn đi Sài Gòn với
anh Quân, để mua cho anh Biên mấy món đồ.
-Nó cần gì vậy con?
-À, bàn chải đánh răng, xà bông, vài đôi
vớ, dao cạo râu và mấy thứ lặt vặt khác.
Má Dung sốt sắng:
-Phải đó, ăn cơm xong con đi lẹ lẹ lên, mua
cho đủ để anh con có mà dùng. Gởi cậu Quân đem vô cho tiện.
Tôi hơi ngạc nhiên, ba cái thứ đó ở Thủ Đức
trong Khu sinh hoạt chán vạn gì, đem mười cái xe GMC vô chở cũng
không hết, tại sao phải mua ở Sài Gòn.
Tôi lên tiếng:
-Dung khỏi cần tốn công, để về trường anh
vô Khu sinh hoạt mua cho.
Dung liếc nhìn tôi với đôi mắt như hờn giận
trách móc. Tôi không biết mình đã làm gì khiến Dung giận, nên im
lặng tiếp tục ăn cơm mà nuốt không trôi. Má Dung dường như không cần
biết tôi nói gì, bà dặn Dung:
-Con nhớ mua đồ cho anh con loại thật tốt
nghe, nhờ cậu Quân đi theo xách giùm.
Đang ăn cơm, tôi phải ngừng nhai, nghe má
Dung nói mà tôi tưởng mình nằm mơ. Tôi đã từng đậu cái Tú tài I rồi
Tú tài II một cách oanh liệt, nhưng xem ra chẳng thấm gì so với cái
Tú tài III mà tôi vừa mới đậu hôm nay. Còn gì sung sướng hơn chuyện
tôi được danh chánh ngôn thuận, đi Sài Gòn với Dung.
Tôi mở cửa taxi, chờ cho Dung ngồi xuống
rồi mới cẩn thận đóng cửa. Xong xuôi tôi đi vòng qua cửa đối diện.
Tôi cố gắng đi đứng sao cho đàng hoàng, chững chạc, vì biết rằng ba
má Dung đang dõi mắt quan sát tất cả mọi chuyện.
Tôi lập lại như Biên nói hôm nào:
-Cho tụi này xuống Sài Gòn bác tài.
Khi chiếc taxi bắt đầu chạy qua đường Công
Lý, tôi mới hỏi Dung:
-Lúc nãy em giận anh chuyện gì vậy?
Gương mặt Dung ửng đỏ.
-Em phải đặt chuyện, đi mua đồ cho anh Biên
mới được đi Sài Gòn. Đang không anh xía vô một cách lảng xẹt.
Tôi hoàn toàn không hiểu, buổi sáng Dung
nói là không muốn đi uống cà phê với tôi, lúc ăn trưa nàng tìm cách
xin ba má đi Sài Gòn để được đi chơi với tôi, hai chuyện hoàn toàn
mâu thuẫn với nhau. Người ta thường nói, đàn bà là cả một đại dương
bí ẩn quả là không sai. Tôi dựa ngửa người ra ghế, khoan khoái hít
thở mùi thơm của đóa Phù Dung tỏa ra trong không khí. Dù có làm gì
đi nữa, tôi vẫn nhớ lời dặn của Biên, không quên chuyện phải “năng
nổ, hoạt động”
-Tụi mình đi đâu đây em?
-Xuống Sài Gòn rồi hãy tính.
Nói xong, Dung chồm người về phía trước:
-Bác tài ơi, cho tụi cháu xuống chợ Bến
Thành.
Chính tôi là người mong muốn được đi dạo
phố Sài Gòn với Dung. Dạo phố chỉ là một cách nói, thật ra trong
lòng, tôi chỉ muốn khoe với mọi người là tôi có cô bạn gái đẹp như
mơ, xinh như mộng. Đến khi xe taxi ngừng bên hông chợ Bến Thành, tôi
lại lúng túng không biết phải làm gì. Một giờ trưa, Sài Gòn nóng như
cái chảo dầu của mấy ông ba Tàu chiên giò cháo quảy, giờ này mà đi
dạo phố chỉ tổ nắng cháy da, tôi nhìn Dung cầu cứu:
-Anh từ nhỏ tới lớn sống ở Đà Lạt, không
biết gì về Sài Gòn. Em dẫn anh đi chơi được không?
Dung nhìn tôi rồi nói:
-Nắng như vầy, không phải lúc để đi chơi
nhưng đợi đến khi dịu nắng anh lại phải vô trường, bây giờ mình đi
chợ trước mọi chuyện hãy tính sau.
-Đi chợ?
-Anh nhớ không, em xin phép má đi chợ để
mua vật dụng cần thiết cho anh Biên. Nếu không mua, lại lòi ra cái
tội nói láo với má em.
Bên trong chợ tuy có mát hơn chút xíu,
nhưng lại đông người quá khiến cho không khí trong chợ oi nồng,
chẳng thoải mái gì hơn, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, thoát được cái nắng
cháy da, lại gặp phải bầu không khí ngột ngạt khó thở.
Dung mua bàn chải và kem đánh răng, xà
bông, khăn mặt rồi dao cạo râu lĩnh kĩnh đủ mọi thứ, thứ nào cũng
hàng chục.
Tôi hỏi Dung:
-Em mua làm gì mà nhiều vậy?
-Anh Biên, anh Long và anh, em mua cho cả
ba người.
-Chừng này cho cả chục người dùng chứ đâu
phải ba người.
-Một lần đi là một lần khó, anh làm ơn giúp
em đi.
Tôi yên lặng đi theo Dung, nàng mua bao
nhiêu tôi ôm bấy nhiêu. Tôi tự hỏi không biết mấy ông chồng đi chợ
với vợ như thế nào, im lặng mà ôm đồ hay vừa đi vừa càm ràm? Với tôi
hạnh phúc là được đi theo chân Dung. Đi đâu, tôi cũng bắt gặp những
cặp mắt đầy thiện cảm nhìn theo chúng tôi.
Một bà bán hàng nói đùa với Dung:
-Này cô, cậu ấy đi phép được có mỗi một
ngày, cô cho cậu ấy nghỉ ngơi một tí chứ ai lại bắt người ta đi theo
ôm đồ như thế bao giờ.
Một bà khác tiếp lời:
-Đợi mai mốt lấy nhau rồi, lúc ấy tha hồ mà
sai bảo.
Tôi sung sướng đến đỏ mặt, nhìn qua Dung
mặt nàng cũng đỏ như tôi. Dung đưa tay ôm bớt một gói đồ cho tôi.
-Để em giúp anh, nếu không sẽ còn bị la dài
dài.
Tôi thầm cảm ơn mấy bà bán hàng, đã nói
giùm tôi những gì tôi muốn nói, “Mai mốt lấy nhau” câu nói nghe sao
mà êm ái quá chừng, cứ như chuyện thần tiên. Tôi bước đi bên cạnh
Dung mà hồn như đang ở đâu tận chốn thiên thai, cho đến khi nghe
Dung nói:
-Đủ rồi đó anh.
Lúc bấy giờ tôi mới tỉnh mộng, tôi hỏi lại
nàng:
-Em nói gì?
-Em mua hàng xong rồi, mình có thể đi.
-Anh đói bụng, mình đi ăn được không?
-Anh đói bụng ?
-Phải.
Hai đứa ra khỏi chợ, thả bộ đến nước mía
Viễn Đông. Nắng vẫn còn gay gắt, tôi nhìn lên tấm bảng to choán hết
cả mấy căn phòng ở tầng thứ ba của tòa nhà, rồi nói với Dung:
-Dân Sài Gòn dễ tính thiệt.
Dung nói với tôi:
-Tại sao anh nói như vậy?
Tôi chỉ cho Dung tấm bảng hiệu trên tầng
ba, rồi nói:
-Em nhìn coi, chữ Viễn Đông mà viết với dấu
hỏi. Nó chẳng có nghĩa gì hết, phải là dấu ngã mới đúng.
Dung trả lời tôi, câu trả lời đúng là của
người Sài Gòn dễ tính.
-Anh lo làm gi cho mệt thân, dấu hỏi hay
dấu ngã người Sài Gòn đều đọc là “Dziển Đông”.
Chúng tôi ngồi xuống cạnh xe bò bía. Ông
Tàu già đưa cho tôi một dĩa gồm có bốn cuốn bò bía. Dung ngồi nhìn
tôi ăn, nàng lấy tương đen trộn với tương đỏ trong một cái dĩa nhỏ,
thêm chút ớt sa tế đưa cho tôi. Dưới cái nóng của Sài Gòn thêm vị
cay của ớt, mồ hôi trên trán tôi chảy thành dòng. Tôi ăn liền một
hơi sạch hết mấy cuốn bò bía. Khi cái bụng đã lung lửng, tôi nhích
sang gánh bò viên bên cạnh, kêu thêm một chén bò viên rồi mới cùng
Dung thong thả thưởng thức ly nước mía Viễn Đông. Nước mía ở đây
ngon khỏi chê, sạch sẽ nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng Dung chỉ uống nửa
ly rồi đẩy ly nước về phía tôi, nàng nói:
-Anh uống hết giùm em, được không?
-Được chứ, anh còn đói mà, lúc nãy ở nhà
em, anh đâu có ăn uống gì.
-Tại sao vậy?
-Em còn hỏi, sợ ba má em quá sức, bụng dạ
đâu mà ăn.
Gần bốn giờ chiều chúng tôi về đến nhà, ba
má Biên có vẻ bằng lòng khi thấy hai đứa về sớm. Má Biên kêu tôi
lại, bà nói:
-Bác có chút việc nhờ con.
-Dạ, con nghe.
-Con đem vô cho thằng Biên hai ngàn, để nó
có tiền tiêu vặt trong tuần.
Tôi nghĩ thầm, hai ngàn mà tiêu vặt trong
một tuần, một ly sương sâm tụi tôi uống khi đi học ngoài bãi chỉ
mười đồng bạc, uống mấy năm mới hết hai ngàn. Nghĩ như vậy, nhưng
tôi vẫn đưa tay lấy tiền cất vô túi.
-Bác cần gì nữa không?
-Không, mà con ở lại ăn cơm chiều rồi mới
vô trường chớ?
-Dạ không, con phải vô trường liền, đợi ăn
cơm chiều xong sẽ trễ chuyến xe của trường. Hơn nữa, tụi con đã đi
dạo và ăn ở khu nước mía Viễn Đông rồi.
Dung nhìn tôi, đôi mắt của nàng như ngầm
bảo đừng có nói nữa. Lát sau, khi chỉ còn tôi và Dung, hai đứa đang
sắp xếp đồ đạc để tôi mang vô trường. Dung nói:
-Anh sao mà khờ quá, nào ai có khảo mà mình
lại khai. Má em hỏi một đường anh lại trả lời một nẻo, khác nào lạy
ông tôi ở bụi này. Má em chỉ nghĩ rằng tụi mình đi chợ mua đồ cho
anh Biên, bà đâu biết chuyện mình đi dạo phố rồi uống nước mía Viễn
Đông, anh khai ra làm gì.
Tôi ngượng nghịu trả lời:
-Anh đâu có biết, lần sau đi chơi với em,
anh sẽ giấu không nói cho ai hết.
Dung cười với tôi, nụ cười tươi như hoa mới
nở.
-Anh có biết là anh khờ…, không phải, hiền
lắm không?
Tôi sung sướng ra mặt khi được Dung khen.
Ba của Biên ôm tới một bị cam Sunkist, ông
hỏi Dung:
-Có chuyện gì vui mà con cười vậy?
Quay sang tôi, ông nói:
-Con đem bịch cam này vô trường, mấy anh em
chia nhau mà ăn.
Tôi nhìn ba bốn cái bịch giấy rồi ao
ước,giá mình có cái ba lô tọng hết vào là ổn. Má Biên đến bên tôi,
bà nói:
-Bác đã nghĩ rồi, con cầm thêm cho Biên một
ngàn nữa, bác sợ hai ngàn không đủ cho nó tiêu xài trong tuần.
Tôi lại bỏ túi thêm ngàn nữa.
-Bác cho Biên nhiều quá, trong trường có gì
đâu mà tiêu với xài, hơn nữa tuần tới là đến lượt anh ấy về phép
rồi.
Tôi ôm bốn cái bịch giấy to, chào ba má
Biên để về trường. Dung đưa tôi ra cổng, nàng nói nhỏ với tôi:
-Anh còn nhớ tuần trước, trước khi vô
trường anh nói gì với em không?
Tôi giật mình lật đật lên tiếng:
-Nhớ, nhớ chớ, làm sao anh quên được.
Dù có khờ đến đâu, tôi cũng biết Dung muốn
tôi lập lại câu nói “vô trường rồi anh nhớ em chết được”. Tôi liếc
nhìn ba má Dung rồi lấy hết can đảm, liều mạng nói nhỏ vào tai Dung:
-Anh yêu em.
Tôi bắt gặp đôi mắt tròn xoe, kinh ngạc,
đôi môi tươi tắn của nàng mấp máy như muốn nói gì đó. Tôi không cần
biết Dung muốn nói gì. Riêng tôi, tôi đã nói được câu mà tôi muốn
nói.
Dư vị của ngày phép vẫn còn kéo dài cho đến
hôm sau, khiến cho ngày thứ Hai như dài lê thê, lưng mang ba lô, tay
ôm cây súng Garant nặng như cái búa tạ, vai đeo một dây đạn thêm cái
bi đông nước, tôi đi tới bãi chiến thuật mà như là đi xuống địa
ngục. Bữa cơm trưa tại bãi do xe GMC chở tới, một gà mèn cơm, chút
canh cải, miếng thịt heo kho trứng. Con nhà nghèo như tôi, từ nhỏ
tới lớn tôi chưa bao giờ biết chuyện kén cá chọn canh là gì, kén cá
chọn canh theo đúng y bon cái nghĩa đen của nó chứ không phải là
chuyện chọn vợ kén chồng. Hôm nay, tôi nhìn bữa cơm mà ngán ngẫm.
Nước canh cải sao ngọt bằng chén nước súp của bò viên, thịt heo kho
trứng sao bì được mấy cuốn bò bía, và nhất là nước thịt kho không
thể nào sánh với dĩa tương đen với chút ớt sa tế do Dung làm cho tôi
ở nước mía Viễn Đông. Tôi ăn cơm ở bãi mà cứ tưởng như là đang nhai
mớ giẻ rách. Tôi bỏ dở bữa ăn mặc dù hãy còn đói, mở nắp bi đông tu
một hơi, một dòng nước âm âm nặng mùi hôi của bình đựng nước làm
bằng nhựa chảy qua cổ, khiến tôi lại nhớ đến nửa ly nước mía Viễn
Đông mà Dung đẩy qua cho tôi. Tôi lờ mờ nhận ra rằng, tôi thiếu Dung
chứ không phải thiếu thức ăn hay nước uống. Mới xa nhau có một ngày,
mà tôi đã nhớ Dung da diếc đến như vậy, còn bao nhiêu ngày sắp tới
liệu tôi có chịu đựng được hay không?
Nhìn đồng hồ, tôi biết hãy còn lâu mới đến
giờ học. Tôi lật nắp ba lô lên, lấy cây viết nguyên tử viết tên Dung
lên trên ấy, đồ đi đồ lại nhiều lần, cho đến khi tên Dung nổi bật
lên tôi mới ngưng tay. Nhìn tới nhìn lui, sau một hồi suy nghĩ, tôi
viết thêm hàng chữ nho nhỏ bên dưới: Anh yêu em.
Một tuần lễ trôi qua trong đơn điệu và buồn
chán, tôi nhẩm tính từng ngày. Còn bao nhiêu ngày nữa mới đến ngày
tôi được đi phép? Tính toán rồi thở dài ngao ngán, tuần này đến
phiên Biên và Long đi phép, tuần tới mới đến phiên tôi.
Hai tuần chờ đợi qua mau, đến ngày tôi được
đi phép lại có lệnh cấm trại một trăm phần trăm. Ba, bốn tuần liên
tiếp chúng tôi bị nhốt trong trường, thằng nào thằng nấy nhớ Sài Gòn
quay quắt. Khi được đi phép trở lại, Biên và Long được đi phép
trước, tôi phải đợi tới tuần sau. Cuối cùng ngày tôi đi phép cũng
đến. Tôi không biết Biên và Long công tử dẫn Dung đi chơi ở đâu
trong ngày phép vừa qua, Long đã nói với Dung những gì, nhưng đến
lần tôi đi phép Long lên Khu sinh hoạt mua một cuốn album đắt giá,
gáy mạ vàng với vài món đồ nữa. Nó nói:
-Mày đưa gói quà này cho Dung, nói là của
tao gửi mừng sinh nhật. Nhớ nói với Dung phải mở quà ngay lập tức,
tao hy vọng mày và Dung sẽ có một ngày vui.
Tôi nhìn nụ cười bí hiểm trên môi của Long
công tử mà giận hắn quá chừng.
Khác với mọi lần, hôm nay khi vừa bấm
chuông, tôi đã thấy Dung đích thân ra mở cổng. Chưa bao giờ tôi thấy
Dung có một nụ cười hớn hở xinh tươi như ngày hôm ấy. Dung nói với
tôi:
-Em biết rõ, hôm nay là ngày anh đi phép
nên em chờ anh từ sáng đến giờ.
Nhìn vào hộp quà tôi đang cầm trên tay,
Dung lăng xăng hỏi:
-Quà sinh nhật của em phải không?
Tôi không nói gì, im lặng đi theo Dung vào
nhà, đến phòng khách tôi trao cho Dung gói quà rồi nói:
-Quà của anh Long gởi cho em, hắn dặn em
phải mở ngay lập tức.
Dung xé giấy gói quà, mở nắp hộp lấy ra
cuốn album, nhìn vào trong hộp rồi ngẩng nhìn tôi với đôi mắt đầy
giận dữ, không bao giờ tôi quên được cái nhìn ngày hôm ấy của Dung.
Dung vùng vằng ôm gói quà đi lên lầu, vừa đi nàng vừa nói:
-Anh đi về trường đi.
Tôi đứng im như một pho tượng, không biết
có gì trong hộp quà mà Dung lại giận tôi. Thời gian chầm chậm trôi
qua, tôi đi tới đi lui trong căn phòng, năm phút rồi mười phút Dung
vẫn ở trên lầu. Một mình trong phòng khách, không biết làm gì tôi mở
cửa đi ra ngoài sân, rồi vì tự ái của một thằng con trai khi bị một
cô gái coi thường khiến tôi đi lần ra cổng. Tôi mở hé cánh cổng,
lách mình ra ngoài, đi mà không biết đi đâu cho đến khi một chiếc
taxi rề tới bên cạnh.
-Chuẩn úy về đâu?
Đang giận trong lòng, tôi nói với giọng hằn
học.
-Tôi là sinh viên sĩ quan, chưa có ra
trường.
-Chuẩn úy hay sinh viên cũng như nhau thôi.
Tôi nổi giận thật sự, gằn giọng:
-Như nhau sao được.
Khi nói xong tôi mới giật mình nhớ lại,
tuần tới mình ra trường rồi còn gì, chỉ còn vài ngày nữa mình sẽ
mang lon chuẩn úy. Tôi nhẹ giọng với anh tài xế:
-Cho tôi xuống Sài Gòn.
Tôi đi lang thang từ tòa nhà Quốc Hội đến
chợ Bến Thành, vòng qua nhà hàng Thanh Bạch, nắng mỗi lúc một gắt
hơn, mồ hôi thấm ướt chiếc áo may ô, không chừng thấm luôn ra bộ đồ
tiểu lễ. Tôi nhìn đồng hồ, giờ này ở trường chắc Biên và Long công
tử đang trên đường đến nhà ăn, bao tử của tôi cũng bắt đầu lên
tiếng. Tôi mua một ổ bánh mì thịt, xeo xéo trước mặt tôi là rạp ciné
Vĩnh Lợi, còn chần chờ gì nữa. Tôi chui vào rạp, vừa coi ciné vừa
gặm ổ bánh mì mà không biết tại sao Dung lại giận tôi. Tôi đoán
chừng, có thể tại tôi không mua quà cho Dung.
Trong cái nóng
chảy mỡ, ngột ngạt, đầy hơi người của rạp ciné không có máy lạnh,
tôi ngủ một giấc ngủ đầy mộng ảo, có lúc thấy mình là công nhân của
lò gạch đang chất củi đốt lò, ngọn lửa trong lò hừng hực cháy tỏa ra
một sức nóng kinh hồn khiến tôi như muốn ngợp thở. Lại có lúc thấy
minh là công nhân xe lửa, đang xúc than đá đổ vào lò đốt của đầu
máy, hơi nóng của than trong lò làm phỏng da, cháy thịt, trong khi
đó Dung lạnh lùng quay lưng đi về cuối đường ray xe lửa mỗi lúc một
xa, xa mãi, cho đến khi chỉ còn là một cái bóng mờ ở cuối chân trời.
(CÒN TIẾP)
Tặng Kim Âu
Chính khí hạo nhiên! Tổ Quốc tình.
Nghĩa trung can đảm, cái thiên thanh.
Văn phong thảo phạt, quần hùng phục.
Sơn đỉnh vân phi, vạn lý trình.
Thảo Đường Cư Sĩ.
MINH THỊ
LỊCH SỬ ĐÃ CHỨNG MINH, KHÔNG MỘT ĐÁM NGOẠI NHÂN NÀO YÊU THƯƠNG ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA NẾU CHÍNH CHÚNG TA KHÔNG BIẾT YÊU THƯƠNG LẤY ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC CỦA MÌNH.
DÂN TỘC VIỆT NAM PHẢI TỰ QUYẾT ĐỊNH LẤY VẬN MỆNH CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ VAN NÀI, CẦU XIN ĐƯỢC TRỞ THÀNH QUÂN CỜ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CỦA NGOẠI BANG VÀ NHỮNG THẾ LỰC QUỐC TẾ.
Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu
.
CNBC .Fox .FoxAtl .OAN .CBS .CNN .VTV
.WhiteHouse .NationalArchives .FedReBank
.Fed Register .Congr Record .History .CBO
.US Gov .CongRecord .C-SPAN .CFR .RedState
.VideosLibrary .NationalPriProject .Verge .Fee
.JudicialWatch .FRUS .WorldTribune .Slate
.Conspiracy .GloPolicy .Energy .CDP .Archive
.AkdartvInvestors .DeepState .ScieceDirect
.NatReview .Hill .Dailly .StateNation .WND
-RealClearPolitics .Zegnet .LawNews .NYPost
.SourceIntel .Intelnews .Reuter .AP .QZ .NewAme
.GloSec .GloIntel .GloResearch .GloPolitics
.Infowar .TownHall .Commieblaster .Examiner
.MediaBFCheck .FactReport .PolitiFact .IDEAL
.MediaCheck .Fact .Snopes .MediaMatters
.Diplomat .News Link .Newsweek .Salon
.OpenSecret .Sunlight .Pol Critique .EpochTim
.N.W.Order .Illuminatti News.GlobalElite
.NewMax .CNS .DailyStorm .F.Policy .Whale
.Observe .Ame Progress .Fai .City .BusInsider
.Guardian .Political Insider .Law .Media .Above
.SourWatch .Wikileaks .Federalist .Ramussen
.Online Books .Breibart .Interceipt .PRWatch
.AmFreePress .Politico .Atlantic .PBS .WSWS
.N PublicRadio .ForeignTrade .Brookings .WTimes
.FAS .Millenium .Investors .ZeroHedge .DailySign
.Propublica .Inter Investigate .Intelligent Media
.Russia News .Tass Defense .Russia Militaty
.Scien&Tech .ACLU .Veteran .Gateway. DeepState
.Open Culture .Syndicate .Capital .Commodity
.DeepStateJournal .Create .Research .XinHua
.Nghiên Cứu QT .NCBiển Đông .Triết Chính Trị
.TVQG1 .TVQG .TVPG .BKVN .TVHoa Sen
.Ca Dao .HVCông Dân .HVNG .DấuHiệuThờiĐại
.BảoTàngLS .NghiênCứuLS .Nhân Quyền
.Thời Đại.Văn Hiến .Sách Hiếm.Hợp Lưu
.Sức Khỏe .Vatican .Catholic .TS KhoaHọc
.KH.TV .Đại Kỷ Nguyên .Tinh Hoa .Danh Ngôn
.Viễn Đông .Người Việt .Việt Báo .Quán Văn
.TCCS .Việt Thức .Việt List .Việt Mỹ .Xây Dựng
.Phi Dũng .Hoa Vô Ưu .ChúngTa .Eurasia
.NVSeatle .CaliToday .NVR .Phê Bình .Trái Chiều
.Việt Luận .Nam Úc .Người Dân .Buddhism
.Tiền Phong .Xã Luận .VTV .HTV .Trí Thức
.Dân Trí .Tuổi Trẻ .Express .Tấm Gương
.Lao Động .Thanh Niên .Tiền Phong .MTG
.Echo .Sài Gòn .Luật Khoa .Văn Nghệ .SOTT
.ĐCS .Bắc Bộ Phủ .Ng.TDũng .Ba Sàm .CafeVN
.Văn Học .Điện Ảnh .VTC .Cục Lưu Trữ .SoHa
.ST/HTV .Thống Kê .Điều Ngự .VNM .Bình Dân
.Đà Lạt * Vấn Đề * Kẻ Sĩ * Lịch Sử * Diễn Đàn *
.Tác Phẩm * Khào Cứu * Dịch Thuật * Tự Điển *